Trang chủ    Diễn đàn    Công nghiệp văn hóa
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:47
9279 Lượt xem

Công nghiệp văn hóa

(LLCT) - Gắn liền với nền văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa xuất hiện (Cultural Industry) với những biểu hiện nổi bật: sự gia tăng về số lượng người lao động trong các lĩnh vực văn hóa; những sản phẩm văn hóa được sản xuất hàng loạt, tiêu chuẩn hoá; tiêu thụ lớn các sản phẩm văn hóa theo cơ chế thị trường; phục vụ cho số đông dân chúng. Công nghiệp văn hóa là kết quả sự tích hợp của sáng tạo, kỹ thuật và kinh tế, phát triển mạnh mẽ nhờ công nghệ thông tin, kinh tế thị trường và quá trình quốc tế hóa.

Từ giữa thế kỷ XX, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của sức sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của con người không ngừng được nâng lên cũng đồng thời đưa đến những thay đổi căn bản trong sáng tạo - sản xuất, truyền bá và hưởng thụ - sử dụng các sản phẩm văn hóa. Nếu trước đây, quá trình sản xuất, thưởng thức các giá trị văn hóa theo phương thức cổ điển, những sáng tạo văn hóa thường bắt đầu từ những cá nhân, là sự sáng tạo mang dấu ấn cá nhân, có tính độc đáo, tính đơn nhất, thì giờ đây sản phẩm văn hóa được sản xuất hàng loạt, số lượng lớn bởi công nghiệp với sự hỗ trợ, thay thế của máy móc, công nghệ. Nếu như trước đây, các sản phẩm văn hóa chỉ phục vụ cho các tầng lớp có điều kiện và trình độ nhất định, thì giờ đây đối tượng thụ hưởng các sản phẩm văn hóa là đại đa số dân chúng - cả những người không có hoặc có trình độ học vấn ở mức độ tương đối mà trước đây ít có điều kiện hưởng thụ các giá trị, sản phẩm văn hóa. Những giá trị văn hóa được phổ cập, truyền bá thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền thanh, tiếp đó là truyền hình, internet... phục vụ cho đông đảo công chúng một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất. Nền văn hóa đại chúng (mass culture) ra đời.

Gắn liền với nền văn hóa đại chúng, công nghiệp văn hóa xuất hiện (Cultural Industry) với những biểu hiện nổi bật: sự gia tăng về số lượng người lao động trong các lĩnh vực văn hóa; những sản phẩm văn hóa được sản xuất hàng loạt, tiêu chuẩn hoá; tiêu thụ lớn các sản phẩm văn hóa theo cơ chế thị trường; phục vụ cho số đông dân chúng. Công nghiệp văn hóa là kết quả sự tích hợp của sáng tạo, kỹ thuật và kinh tế, phát triển mạnh mẽ nhờ công nghệ thông tin, kinh tế thị trường và quá trình quốc tế hóa.

1. Khái niệm “công nghiệp văn hóa” xuất hiện đầu tiên ở Mỹ, sau đó được nêu ra đầy đủ và hoàn thiện hơn trong luận điểm của một số học giả phương Tây.Những thập niên cuối thế kỷ XX, khi nền văn hóa đại chúng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, thì công nghiệp văn hóa được nhận thức ngày càng đầy đủ hơn từ lý thuyết đến thực tiễn. Đến Hội nghị Thượng đỉnh về hoạt động văn hóa được tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển) tháng 4-1998, thuật ngữ công nghiệp văn hóachính thức được công bố và thông qua bởi đại biểu của gần 200 quốc gia.

Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn đang tồn tại nhiều tranh luận trong quan niệm về ngành công nghiệp văn hóa cũng như sự phân loại các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp này. Xuất phát từ các góc độ tiếp cận khác nhau của các nhà khoa học, các nhà quản lý cũng như từ điều kiện phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ, mỗi định chế kinh tế, văn hoá, khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa còn được biết tới với nhiều tên gọi khác nhau. Khá phổ biến là các khái niệm:

- Khái niệm “Các ngành công nghiệp văn hoá” (Cultural Industries) được UNESCO và nhiều nước như: Phần Lan, Tây Ban Nha, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... sử dụng rộng rãi. Theo quan điểm của UNESCO, thuật ngữ “Các ngành công nghiệp văn hoá” được áp dụng cho “các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn hoá. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới dạng sản phẩm hay dịch vụ”(1).

Cũng theo UNESCO, các ngành công nghiệp văn hóa thường bao gồm: in ấn, xuất bản, đa phương tiện, nghe nhìn, ghi âm, điện ảnh, thủ công và thiết kế.

- Khái niệm “Các ngành công nghiệp sáng tạo” (Creative Industries)được một số nước như: Anh, Ôxtrâylia, Niudilân, Xinhgapo sử dụng. Được gọi là “công nghiệp sáng tạo” bởi đây là những hoạt động bắt nguồn từ sự sáng tạo, kỹ năng và năng khiếu của cá nhân, có tiềm năng tạo ra của cải qua quá trình khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Với quan điểm này, ngành công nghiệp sáng tạo đã trở thành một phần của chính sách kinh tế. Tại Anh, khái niệm “Công nghiệp sáng tạo” xuất hiện từ cuối thế kỷ XX đã tạo ra quan điểm kinh tế về chính sách văn hoá. Chính phủ Anh đã xác định danh mục 13 ngành thuộc công nghiệp sáng tạo, bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; thị trường nghệ thuật và đồ cổ; nghề thủ công; thiết kế; thiết kế thời trang; phim, video và nhiếp ảnh; âm nhạc, nghệ thuật thị giác và nghệ thuật biểu diễn; xuất bản; phần mềm, các trò chơi máy tính và xuất bản điện tử; truyền hình và phát thanh(2).

- Khái niệm “Các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo” (Cultural and Creative Industries)được Đài Loan, Vương quốc Anh và Ôxtrâylia sử dụng. Bên cạnh quan điểm chính thống của chính phủ về “ngành công nghiệp sáng tạo” thì khái niệm “công nghiệp văn hóa và sáng tạo” hay “nền kinh tế sáng tạo và văn hoá” vẫn được sử dụng song song với hàm ý nhấn mạnh vào hai đặc tính chính của lĩnh vực(3). Theo quan điểm này, ngành công nghiệp văn hóa không thể thiếu yếu tố sáng tạo vì sáng tạo là bản chất của văn hoá, nghệ thuật. Nếu văn hoá, nghệ thuật không có tìm tòi, đổi mới, không có thể nghiệm thì không thể tồn tại. Mặt khác, mọi sự sáng tạo của con người có ý nghĩa xã hội và nhân văn đều có tính văn hoá. Hai mặt “sáng tạo” và “văn hoá” là hai phạm trù có tính chất nhân quả và được gắn kết chặt chẽ.

- Khái niệm “Các ngành công nghiệp nghệ thuật”(Arts Industries) được một số học giả Canađa và Mỹ đưa ra. Theo cách hiểu này thì công nghiệp nghệ thuật là các ngành sử dụng và sáng tạo ra sản phẩm nghệ thuật, tương tự như nghĩa “khai thác” và “sáng tạo”, “sản xuất” sản phẩm nghệ thuật. Quan điểm này có điểm chung nhưng cũng có sự khác biệt với quan niệm về công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo được trình bày ở trên. Công nghiệp nghệ thuật bao gồm các doanh nghiệp: Sử dụng một hoặc nhiều loại hình nghệ thuật như một yếu tố cơ bản của sản xuất (quảng cáo, thời trang, thiết kế,...); dựa trên một hoặc nhiều loại hình nghệ thuật như các hàng hóa gắn kết trong tiêu thụ (các phần cứng và phần mềm giải trí gia đình); sản xuất các sản phẩm thuộc một hoặc nhiều loại hình nghệ thuật như những sản phẩm cuối cùng(4).

- Các ngành công nghiệp bản quyền (Copyright Industries)sử dụng dựa theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, xuất hiện khá phổ biến ở Mỹ, Hồng Kông. Theo quan điểm này, các “ngành công nghiệp bản quyền” được hiểu là tất cả các ngành công nghiệp sáng tạo ra sản phẩm bản quyền hoặc sản phẩm liên quan như những sản phẩm cơ bản, cốt lõi của ngành. Với cách tiếp cận ở góc độ sở hữu trí tuệ, trong đó nhấn mạnh trọng tâm là các nội dung bản quyền - kiểu mẫu - nhãn hiệu thương mại - thiết kế, việc phân loại các lĩnh vực thuộc ngành “công nghiệp bản quyền” cũng khá gần với cách phân loại theo khái niệm “công nghiệp sáng tạo”. Theo đó, bao gồm các lĩnh vực cơ bản như: quảng cáo, thiết kế, nhiếp ảnh, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc, xuất bản, truyền hình, trò chơi điện tử...

Tóm lại,các ngành công nghiệp văn hóa ra đời và phát triển gắn liền với sự phát triển của nền văn hóa đại chúng, sản xuất hàng loạt, sản xuất công nghiệp. Các ngành công nghiệp văn hóa có sự kết hợp chặt chẽ giữa văn hoá, nghệ thuật với kinh tế và công nghệ. Các ngành này đều mang dấu ấn sáng tạo cá nhân, được sản xuất và phân phối theo các cấp độ và trình độ khác nhau. Trong dây chuyền sản xuất các sản phẩm và dịch vụ ấy, việc sử dụng nguồn lực trí tuệ của con người là đặc biệt quan trọng, như những nguyên vật liệu đầu vào then chốt. Con người, với sự sáng tạo đa chiều trong nghệ thuật và năng động trong kinh doanh, kết hợp với những tiến bộ của công nghệ sẽ định hình giá trị và thương hiệu của các sản phẩm công nghiệp văn hóa cũng như tính phổ biến của các sản phẩm này đối với công chúng.

Định hình khái niệm, quan niệm về “công nghiệp văn hoá”, “công nghiệp sáng tạo”, “công nghiệp bản quyền” hay là sự kết hợp “công nghiệp văn hóa và sáng tạo”... cũng như phạm vi của các các ngành công nghiệp trực thuộc có thể khác nhau tuỳ theo đặc thù, nhất là đặc thù văn hóa của mỗi vùng, mỗi quốc gia, tùy thuộc vào sự nhấn mạnh những đặc tính khác nhau của công nghiệp văn hóa. Nhưng dù nhìn ở góc độ nào thì các quan niệm về công nghiệp văn hóa cũng thường nhấn mạnh đến hai yếu tố: công nghiệp vàsáng tạo.Gọi là công nghiệp bởi đây thực sự là một ngành kinh doanh hùng mạnh, giàu tiềm năng. Ngành kinh doanh này dựa trên năng lực sáng tạo của các cá nhân trong lĩnh vực giải trí thông qua các phương tiện công nghệ hiện đại. Đây là một hệ thống liên kết trên phạm vi công nghiệp hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ với công chúng. Chính vì thế, theo quan niệm của UNESCO, “công nghiệp văn hóa” cũng được biết đến như là công nghiệp sáng tạo,bao gồm sự sáng tạo, sản xuất và phân phối các sản phẩm và dịch vụ mang tính chất văn hóa và thường được bảo vệ bởi bản quyền.

Công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo có thể phát triển nhanh hơn công nghiệp chế tạo vì đầu tư cho công nghiệp sáng tạo không quá lớn, chủ yếu là đầu tư chất xám và quảng bá sản phẩm nhưng lại đem lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài (đặc biệt là khi đã xây dựng được thương hiệu). Đã vậy, sự phát triển của công nghiệp văn hóa giúp cho nhu cầu giải trí của công chúng được đáp ứng một cách dễ dàng, sẵn có, thông qua việc tiêu dùng những sản phẩm văn hóa đại chúng. Ngành công nghiệp văn hóa có khả năng tác động mạnh mẽ vào đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng và phức tạp của xã hội. Sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa góp phần tạo nên quá trình đa dạng hóa và dân chủ hóa về tri thức cho xã hội.

Từ những tổng hợp trên, có thể định nghĩa: Công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp sáng tạo, sản xuất, tái sản xuất, phổ biến, tiêu dùng các sản phẩm và các dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp hoá, tin học hoá, thương phẩm hoá, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội, các hoạt động đó được bảo vệ bởi bản quyền.

2. Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam ra đời trong quá trình hình thành nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đến nay, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam chưa có một ngành công nghiệp văn hóa thực sự. Cũng bởi vậy, việc nghiên cứu về công nghiệp văn hóa cũng chỉ mới xác lập những kết quả ban đầu. Năm 2004, tác giả Nguyễn Tri Nguyên trong công trình nghiên cứu: Văn hoá, tiếp cận lý luận và thực tiễn, cho rằng công nghiệp văn hóa là một trong những vấn đề của văn hóa đương đại, gắn liền với quyền sở hữu trí tuệ(5). Tiếp sau đó, khái niệm “công nghiệp văn hoá” đã dần xuất hiện trong một số bài viết, bài nghiên cứu của các nhà khoa học. Các bài viết của PGS, TS Tô Huy Rứa: “Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta”, Tạp chí Cộng sản, số 1, tháng 1-2006; của Mai Hải Oanh: “Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 6-2006... đã có những tiếp cận mang tính cụ thể hơn trong xác lập khái niệm và đánh giá vai trò của công nghiệp văn hoá. Theo các tác giả: Công nghiệp văn hóa là hoạt động tái sản xuất và truyền bá các dịch vụ văn hóa và sản phẩm văn hóa được tạo ra bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa. Là ngành nghề sản xuất các sản phẩm văn hóa và cung cấp dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa lấy sự thỏa mãn nhu cầu văn hóa của mọi người làm mục tiêu chủ yếu... Cũng với cách tiếp cận này, cơ cấu các ngành thuộc công nghiệp văn hóa được xác lập bao gồm: ngành sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ tin tức, vui chơi giải trí, đào tạo văn nghệ sỹ và kinh doanh tác phẩm nghệ thuật, phát hành, xuất bản, phát thanh truyền hình, điện ảnh, quảng cáo...

Trong công trình nghiên cứu “Nghiên cứu xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, nhóm tác giả, đứng đầu là PGS, TS Phạm Duy Đức đã đưa ra khái niệm: Công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ các sản phẩm văn hóa dựa trên các thành tựu về khoa học kỹ thuật và công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội(6).

Ngày 6-5-2009, Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020”,trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách và môi trường kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, xác định đến năm 2015, một trong những đề án lớn được đề được đề cập đến là xây dựng và tổ chức thực hiện đề án phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Vài năm gần đây, liên tiếp nhiều hội thảo quốc tế về công nghiệp văn hóa và định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã được tổ chức, thu hút nhiều nhà khoa học, nhà quản lý cả trong và ngoài nước tham gia. Tiêu biểu như hội thảo“Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” doViện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - Cục Hợp tác quốc tế - Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp tổ chức tại Hà Nội (năm 2009);Hội thảo “Công nghiệp văn hóa: Vai trò đối với nền kinh tế và khung chính sách phù hợp phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam” do Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức (năm 2010); Hội thảo“Về phát triển ngành công nghiệp sáng tạo”do Cục Bản quyền tác giả Việt Nam và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) phối hợp tổ chức tại Hà Nội (năm 2010); Hội thảo “Khung kế hoạch chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Hội đồng Anh tổ chức (tháng 7-2011)... Qua các cuộc hội thảo, một số vấn đề lý luận chung về công nghiệp văn hóa như: khái niệm, vai trò, sự phân loại, xu hướng phát triển, giải pháp tạo động lực... đã được bàn luận và trao đổi, góp phần làm sáng tỏ hơn khái niệm công nghiệp văn hóa - một lĩnh vực đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới nhưng hiện vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Với những nhận thức đúng đắn về vai trò của ngành công nghiệp văn hóa cũng như sự cần thiết phải thúc đẩy nhanh sự phát triển các lĩnh vực thuộc ngành này trong giai đoạn hiện nay, tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (tháng 5-2014), lần đầu tiên trong các văn kiện của Đảng, khái niệm “công nghiệp văn hóa” chính thức được đề cập. Một trong 6 nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được Đảng ta xác định tại Hội nghị có nhiệm vụ “phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa” với mục đích “khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hoá, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới”(7).

Có thể nói, những nghiên cứu, bài viết của các nhà khoa học, các nhà quản lý về công nghiệp văn hóa trong những năm vừa qua đã diễn ra rất sôi nổi. Nhưng vì là khái niệm còn khá mớiở Việt Nam, nên trong quan điểm của các nhà khoa học, các nhà quản lý về công nghiệp văn hoá, bên cạnh những điểm chung thống nhất vẫn còn khá nhiều vấn đề lý luận chưa rõ ràng, thậm chí cònxung đột. Điều này là không tránh khỏi, đòi hỏi cần thêm nhiều thời gian để những sự tranh luận, xung đột từng bước được tháo gỡ và xích lại gần trong những sự thống nhất cơ bản. Tuy nhiên, kết quả của những nghiên cứu ấy đã đem tới những thành công bước đầu, mà điểm nhấn quan trọng chính là sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ từ các cấp quản lý về vai trò, sự cần thiết phải phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Nó phản bác quan điểm “lo sợ” có phần định kiến khi cho rằng sự khuyến khích phát triển ngành công nghiệp văn hóa với những hoạt động kinh doanh, sản xuất dây chuyền mang nặng tính thương mại sẽ phá vỡ những giá trị bản sắc truyền thống của nền văn hóa Việt Nam. Việc chính thức xuất hiện trong văn kiện nghị quyết của Đảng sẽ là tiền đề quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển vấn đề công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, cả trong nghiên cứu khoa học cũng như trong thực tiễn định hướng phát triển ngành công nghiệp này ở nước ta thời gian tới.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014

(1) UNESCO: Các ngành công nghiệp văn hóa - Tâm điểm của văn hóa trong tương lai. Website: http://portal.unesco.org/culture/en/ev. Theo: ThS Phạm Bích Huyền - TS Đặng Hoài Thu: Giáo trình các ngành công nghiệp văn hoá, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.8.

(2) Senior, Andrew: Nurturing the Creative Industries (Nuôi dưỡng các ngành công nghiệp sáng tạo), Hội đồng Anh London, tháng 8-2008.

(3) ThS Phạm Bích Huyền - TS Đặng Hoài Thu: Giáo trình các ngành công nghiệp văn hóa, Sđd, tr.17.

(4) Chartrand, Harry Hilman: Đời sống xã hội của Nghệ thuật ở Mỹ, Joni Cherbo và M.Wyszomirski (hiệu đính), New York, Nxb Đại học Tổng hợp Rutgers, 2000.

(5) Xem Nguyễn Tri Nguyên: Văn hoá, tiếp cận lý luận và thực tiễn, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.

(6) Xem Phạm Duy Đức: Nghiên cứu xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.56.

 

PGS, TS Đoàn Minh Huấn

Học viện Chính trị Khu vực I

PGS, TS Nguyễn Ngọc Hà

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền