Trang chủ    Diễn đàn    Một số vấn đề về thể chế bầu cử ở nước ta hiện nay
Thứ năm, 26 Tháng 11 2015 09:31
4951 Lượt xem

Một số vấn đề về thể chế bầu cử ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đến nay, bầu cử được quy định vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của công dân. Công dân Việt Nam đã thực hiện tốt nghĩa vụ và được hưởng quyền chính trị cao nhất của mình. Nhờ đó, các cuộc bầu cử đạt nhiều thành công. Tuy nhiên, thể chế bầu cử còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục.

Các cuộc bầu cử  luôn bảo đảm quyền, nghĩa vụ công dân, bảo đảm tính Đảng, tính dân chủ; được tổ chức quy củ, chặt chẽ, đúng luật; đại biểu được bầu phát huy được vai trò, sứ mệnh của mình... Tiêu biểu như bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIII (2011) có số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,51%. Cơ cấu đại biểu thay đổi tích cực: tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội khá cao (chiếm 24,4%); đại biểu dưới 40 tuổi 12,2%, đại biểu trẻ nhất: 25 tuổi; trình độ đại biểu tăng cao (đại học: 52,6%, trên đại học: 45,6%); đại biểu tự ứng cử 0,8%; đại biểu chuyên trách ở Trung ương 18,2%; đại biểu chuyên trách ở địa phương 12,6%; đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu 66,6%; đại biểu không phải đảng viên: 8,4%; đại biểu dân tộc thiểu số 15,6%; đại biểu tôn giáo 1,2%. Trong số 15 đại biểu tự ứng cử, 4 người trúng cử, tăng 3 so với khóa XII(1).

Tuy nhiên, thể chế bầu cử ở Việt Nam cũng bộc lộ một số hạn chế như:

Quá nhấn mạnh tính tập trung, thống nhất. Số lượng đại biểu Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân chủ yếu được bầu theo dự kiến, định hướng. Điều này thể hiện được sự thống nhất, bảo đảm cơ cấu, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu, không phát huy được tính tích cực của quần chúng nhân dân. Vì cơ cấu, nên có nhiều đại biểu được bầu có thể vẫn đủ phẩm chất, tư cách nhưng lại không hẳn là đại biểu xứng đáng nhất của nhân dân; có người được cấp uỷ giới thiệu nhưng cử tri không bầu; đại biểu có thể được cử tri bầu thì không được giới thiệu hoặc công nhận...

Quá trình hiệp thương vẫn còn nặng nề , chưa mở rộng quyền ứng cử, đặc biệt là quyền tự ứng cử. Do đó, cử tri không giới thiệu được người mình tín nhiệm cũng như không trực tiếp loại bỏ sơ bộ các ứng cử viên (công việc này được thực hiện bởi đại diện Mặt trận và Hội đồng nhân dân, dưới sự chỉ đạo của Đảng)... Như vậy, trong thể chế bầu cử của Việt Nam, đầu vào do Đảng giới thiệu, cử tri chỉ được thể hiện ý nguyện của mình qua thao tác bỏ phiếu (đầu ra), chỉ được bày tỏ tín nhiệm đối với những người đã có sẵn trong danh sách.

Những quy định về người tự ứng cử chưa bảo đảm công bằng, bình đẳng. Cơ cấu đại biểu tự ứng cử rất thấp (khoảng 10%), chưa tạo điều kiện cho người được đề cử và cả người tự ứng cử có cơ hội bình đẳng như nhau. Việc Đảng quy định đảng viên không được tự ứng cử cũng là một hạn chế, làm thu hẹp khả năng lựa chọn của cử tri và giới hạn quyền công dân của đảng viên.

Thể chế bầu cử ở Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế, còn mâu thuẫn giữa cơ cấu và chất lượng, chưa quy định rõ về số dư, về người tự ứng cử, về lấy ý kiến cử tri hay chưa có quy định cụ thể về vận động tranh cử... Vận động tranh cử có ưu điểm là cử tri biết rõ năng lực của ứng viên, biết về chương trình hành động của họ như một lời hứa, một giấy bảo lãnh cho lá phiếu của cử tri. Việc còn thiếu các cuộc vận động tranh cử thực sự và các chế định cho việc vận động tranh cử là một thiệt thòi cho những ứng viên thực tâm, thực tài và cho cử tri. 

Điều 42 Luật bầu cử đại biểu HĐND quy định: "Số người ứng cử đại biểu HĐND ở các đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó ít nhất là 2 người" trên thực tế, các đơn vị bầu cử đều có số dư ở mức tối thiểu là 2 người. Quy định đó chưa tạo điều kiện tốt nhất cho cử tri trong việc lựa chọn.

Luật Bầu cử quy định người trúng cử là người có nhiều phiếu bầu hơn và phải được quá nửa số phiếu hợp lệ. Quy định này cũng chưa hợp lý, nhất là trong bầu cử trực tiếp ở cơ sở. Sau khi đưa ra danh sách đề cử được dự kiến đã đủ số lượng quy định, xin ý kiến cử tri ứng cử, đề cử thêm. Đại hội tiến hành bầu để lấy thêm đại biểu cho đủ quy định số dư 10%. Kết quả, hầu như không ai quá bán. Vô hình chung, việc ứng cử, đề cử ở đại hội cơ sở chỉ là dân chủ hình thức. 

Để bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, tập trung được trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của cả dân tộc và những người trúng cử thực sự xứng đáng với sự ủy thác quyền lực của dân, về mặt thể chế, cần có một số điều chỉnh sau:

Thưa nhất, cần có cương lĩnh tranh cử. Các ứng viên đưa ra cương lĩnh tranh cử của mình, Đảng sẽ lựa chọn những ứng cử viên sáng giá nhất, sau đó đưa ra tranh cử để cử tri có cơ sở tự lựa chọn. Như vậy, cử tri có cơ hội so sánh, lựa chọn người có cương lĩnh tốt nhất để bầu cử.

Thứ hai, cần có quy định về người được ứng cử và chế định tự ứng cử. Cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục tự ứng cử để tạo điều kiện cho nhiều người đáp ứng đủ những điều kiện của ứng cử viên có thể tham gia tự ứng cử. Nên cho phép đảng viên cũng được tham gia tự ứng cử. Đổi mới việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo hướng tránh tạo ra sự chênh lệch quá lớn giữa ứng cử viên này với ứng cử viên khác.

Ba là, tăng số dư ứng cử viên.Tỷ lệ số dư ít (1-2 người) gây khó khăn cho việc lựa chọn những đại biểu thật xứng đáng. Vì vậy, cần mở rộng phạm vi lựa chọn của cử tri bằng cách tăng số lượng ứng cử viên cho một đơn vị bầu cử. Việc tính phiếu đối với ứng viên được cử tri đề cử trong đại hội không cần quá bán mà chỉ cần số phiếu cao hơn. Hoặc danh sách dự kiến với người được giới thiệu thêm đều được đưa ra đại hội bầu, theo chế độ bầu 2 vòng để bảo đảm công bằng giữa các ứng viên.

Thứ ba, coi trọng việc tạo nguồn, quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chú ý cơ cấu ngay từ khi tạo nguồn. Nguồn càng dồi dào thì càng nhiều người đủ tiêu chuẩn, sự lựa chọn càng dễ dàng. Việcquy định và áp dụng các quy định về tiêu chuẩn đại biểu và cơ cấu đại biểu bảo đảm sự hài hòa giữa yêu cầu về tiêu chuẩn đại biểu với yêu cầu về cơ cấu, thành phần đại biểu. Cần ưu tiên đề cao tiêu chuẩn đại biểu trước rồi mới tính đến yêu cầu bảo đảm cơ cấu, thành phần sau. Có như vậy, người đại biểu mới thể hiện tốt được chức năng của mình, không phụ lòng mong đợi,  kỳ vọng của cử tri.

Bốn là, tránh chạy đua thành tích, một người đi bỏ phiếu cho nhiều người, vi phạm nguyên tắc “trực tiếp và bỏ phiếu kín”, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Sáu là, phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúngđể tăng cường sự hiểu biết của cử tri đối với ứng cử viên, công khai cung cấp thông tin về các ứng viên, tuyên truyền cho cử tri hiểu và quen với những động thái tích cực trong bầu cử: tự ứng cử, tranh cử để có sự quan tâm, ủng hộ tự giác, rộng rãi từ cử tri.

________________

(1) Công bố kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, Báo “Tiền phong” ngày3-6-2011.

 

PGS,TS Nguyễn Thị Tâm

Học viện Chính trị khu vực III

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền