Trang chủ    Diễn đàn    Cần chuẩn xác hơn và đầy đủ hơn khái niệm đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ XHCN
Thứ hai, 30 Tháng 11 2015 08:15
2718 Lượt xem

Cần chuẩn xác hơn và đầy đủ hơn khái niệm đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ XHCN

(LLCT) - Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, dự thảo văn kiện của Đại hội XII trong đó có Báo cáo chính trị và Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 được công bố trên các phương tiện truyền thông để lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, khái niệm đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ XHCN cần chuẩn xác hơn và đầy đủ hơn.
 

(Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Tuyên Quang, nguồn: internet)

Tiêu đề của dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu bật được năm nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ này của Đảng là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại”. Trong đó, nhiệm vụ “Bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định” lần đầu tiên được đưa thành tiêu đề của Báo cáo chính trị, cho thấy nhận thức đúng đắn của Đảng về tầm quan trọng và tính cấp bách của việc xây dựng và gìn giữ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới diễn biến nhanh và phức tạp như hiện nay.

Nhiệm vụ “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa” được đặt ra liền sau nhiệm vụ xây dựng Đảng chứng tỏ tầm quan trọng của công tác này. Đại đoàn kết chính là chìa khóa dẫn đến thành công của cách mạng nước ta. Vì vậy, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn luôn được đặt ra cho mọi giai đoạn cách mạng. Trong mục XII, Dự thảo đã nêu những kết quả có được nhờ xây dựng được khối đại đoàn kết và thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm của công tác này thời gian vừa qua.

Dự thảo nêu: “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra nguyên tắc liên minh công nông, về sau bổ sung đội ngũ trí thức. Nhưng do sự phát triển mau chóng của khoa học công nghệ cũng như tri thức của người lao động mà hiện nay trong xã hội, ranh giới về giai cấp đã không còn rõ ràng. Người công nhân cũng có thể là người trí thức vì họ cũng nghiên cứu khoa học, cũng sáng tạo. Hơn nữa, Dự thảo chỉ nói tới công nhân, nông dân và trí thức mà chưa đề cập một tầng lớp quan trọng trong xã hội hiện nay là đội ngũ doanh nhân. Chính họ là người có nhiều đóng góp tạo ra của cải vật chất, công ăn việc làm và nhiều lợi ích khác cho xã hội. Cho nên đề nghị sửa lại là: “Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh tất cả những người lao động chân tay cũng như trí óc dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Trong phần kể ra các giai tầng, giới, tổ chức của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần bổ sung một số ý. Chẳng hạn đối với trí thức mà chỉ “coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của cơ quan nghiên cứu khoa học” là chưa đủ. Đặc trưng của trí thức là khả năng phản biện xã hội. Cho nên, bên cạnh đóng góp của cơ quan nghiên cứu, ý kiến phản biện xã hội của trí thức cũng cần được lắng nghe.

Nội dung về tín ngưỡng, tôn giáo được đề cập trong Dự thảo: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc hoặc những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”. So với Báo cáo chính trị các Đại hội trước đây, Dự thảo lần này ngắn nhất và đầy đủ hơn. Ngay câu đầu tiên đã nói đến trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo ra môi trường thông thoáng, hoàn thiện hệ thống luật pháp về sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Luật tín ngưỡng, tôn giáo đang được soạn thảo cũng là nhằm đáp ứng nhu cầu đó. Theo Nghị quyết 24 năm 1990 “Về công tác tôn giáo” và Nghị quyết 25- NQ/TW “Về công tác tôn giáo” ban hành năm 2003: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới(1). Như vậy, với các văn kiện này, chỉ mới có giá trị đạo đức của tôn giáo được công nhận. Dự thảo lần này ghi nhận một giá trị rất lớn của tôn giáo là giá trị văn hóa, theo chúng tôi là đúng đắn nhưng vẫn chưa đủ. Tín ngưỡng, tôn giáo còn có nhiều giá trị xã hội và là yếu tố góp phần bảo đảm xã hội phát triển bền vững. Chùa Hương, chùa Yên Tử, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nhà thờ Phát Diệm… hiện là những địa danh du lịch văn hóa mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho địa phương. Bên cạnh đó, việc gia đình theo giáo lý của các tôn giáo, thực hành theo lời răn dạy của tôn giáo, xa lánh rượu chè, cờ bạc, ma túy, bảo vệ môi trường, giữ gìn nếp sống văn minh, tốt đời đẹp đạo chính là cơ sở cho xã hội phát triển bền vững. Vì vậy, chúng tôi cho rằng bên cạnh giá trị đạo đức, văn hóa, cần thêm một giá trị nữa của tôn giáo là giá trị xã hội.

Phần dân chủ XHCN được trình bày ở mục XIII trong Dự thảo chưa nêu được dân chủ XHCN là gì, mà chỉ nêu ra những thuộc tính của nó: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đều được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”. Báo cáo chính trị Đại hội XI khẳng định: “Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta(2) nhưng cũng chưa nêu được thuộc tính cơ bản của nó là gì. Dự thảo chưa thể hiện rõ sự khác biệt giữa nền dân chủ XHCN của ta với nền dân chủ các nước. Cần tập trung làm rõ điểm này. Đồng thời, cần chỉ rõ triển vọng tương lai của nền dân chủ XHCN mà những nước phát triển chưa đạt được.

________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia 2003, tr.45-46

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.47

 

                                                                               TS Phạm Huy Thông

Ủy ban đoàn kết công giáo Hà Nội

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền