Trang chủ    Diễn đàn    Xây dựng đồng bộ các quy chế, quy định, quy trình công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị
Thứ hai, 30 Tháng 11 2015 16:58
2710 Lượt xem

Xây dựng đồng bộ các quy chế, quy định, quy trình công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị

(LLCT) - Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời và hệ thống chính trị gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận dân tộc thống nhất, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng ngày càng được hoàn thiện và phát triển vững chắc.

Lý luận về hệ thống chính trị, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân lao động làm chủ ngày càng được làm sáng tỏ. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định vị trí, vai trò của từng thành viên trong hệ thống chính trị: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo;... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước;... Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc...”(1).

Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trên một số nội dung chưa rõ và chậm đổi mới.Tình trạng bao biện làm thay chính quyền, hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của không ít tổ chức đảng đang làm hạn chế sức mạnh và uy tín chính trị của Đảng. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng ngày càng trầm trọng, diễn biến phức tạp đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và bộ máy nhà nước. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân chưa làm tốt nhiệm vụ tham gia vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đặc biệt là giám sát, phản biện xã hội trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách. Mặc dù Đảng ta đã đề ra nhiều giải pháp khá toàn diện, liên tiếp trong nhiều nhiệm kỳ đại hội về vấn đề này, nhưng kết quả chưa đạt được như mong đợi. Những khuyết điểm nêu trên nếu không được khắc phục kịp thời sẽ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.

Hiện nay, Đảng đang tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó “Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới, xây dựng đồng bộ hệ thống các quy chế, quy định, quy trình công tác”(2) theo yêu cầu của Nghị quyết  Đại hội XI. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tạo bước chuyển quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi thành viên trong hệ thống chính trị

Đổi mới trên lĩnh vực chính trị những năm qua còn rất chậm, chưa tương xứng với thành tựu đổi mới trên lĩnh vực kinh tế. Khi trở thành lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, Đảng thực hiện chức năng lãnh đạo chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước - phương thức quan trọng nhất, có tính quyết định nhất đến toàn bộ sự lãnh đạo của Đảng. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hoạt động của Nhà nước (các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp) theo quy định của pháp luật. Tổ chức đảng và đảng viên của Đảng hoạt động trong cơ quan nhà nước có trách nhiệm thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng thành các văn bản pháp luật, hiện thực hóa vào cuộc sống. Hoạt động của Nhà nước có hiệu lực, hiệu quả là thước đo chủ yếu năng lực cầm quyền của Đảng.

Không hiểu đúng và không làm đúng điều đó thì sẽ còn hiện tượng chồng lấn quyền lực giữa Đảng và Nhà nước. Vì vậy, phải “...tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị. Khắc phục tình trạng Đảng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước”(3).

Đổi mới phương thức lãnh đạo không phải là hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng mà làm cho hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước mạnh lên, thực hiện đúng đắn các chủ trương của Đảng. Song, muốn khắc phục tình trạng “bao biện, làm thay” hoặc “buông lỏng” lãnh đạo các cơ quan nhà nước, Đảng phải tôn trọng và phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc thực thi pháp luật. Nghị quyết của cấp uỷ phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thể chế hoá bằng các văn bản pháp quy để tổ chức thực hiện. Pháp luật của Nhà nước chính là sự thể hiện ý chí của Đảng, nguyện vọng của nhân dân. Do đó, Đảng tập trung trí tuệ để đề ra chủ trương đúng đắn, thể hiện khát vọng và lợi ích của nhân dân. Chú trọng kiểm tra các tổ chức đảng và đảng viên thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thực hiện pháp luật - tức là Đảng đã tránh được tình trạng buông lỏng hay bao biện, làm thay chính quyền. Tổ chức đảng, đảng viên trong cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm thực thi chủ trương của Đảng trên từng cương vị công tác theo đúng quy định của pháp luật.

 Nhiều cấp uỷ cho rằng, nếu không ra nghị quyết, kết luận về những công việc cụ thể để dựa vào đó chính quyền ra quyết định thì không lãnh đạo được chính quyền, là “buông lỏng” vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng. Đây cũng là những vấn đề khó nhất để phân biệt ranh giới, xem có “lấn” hay không (đối với Đảng) và có “bị lấn” hay không (đối với chính quyền).

Thứ hai,xây dựng quy chế hoạt động của các thành viên trong hệ thống chính trị

Để tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cần giải quyết đúng mối quan hệ giữa các tổ chức thành viên trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị nước ta hiện nay.Mặc dù chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của các tổ chức đã được quy định khá rõ trong các văn bản pháp luật và điều lệ của từng tổ chức, nhưng mối quan hệ công tác giữa các tổ chức thường ít được đề cập bằng những văn bản pháp lý. Vì vậy, cần rà soát, xem xét lại và bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế về sự lãnh đạo của Đảng trong mọi mặt công tác đối với các tổ chức thành viên khác của hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa từng thành viên trong hệ thống chính trị. Quy chế hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện, điều kiện để mỗi tổ chức thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trên cơ sở phối hợp thực thi nhiệm vụ chung. Quy chế hoạt động cũng hàm chứa những nội dung, trách nhiệm cụ thể của mỗi thành viên, bảo đảm và tôn trọng tính độc lập của mỗi thành viên trong việc giải quyết những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và điều lệ của mỗi tổ chức. Cũng cần có cách nhìn khoa học, nghiêm túc và thực chất thẩm quyền của mỗi tổ chức vì mục tiêu chung khi bổ sung, hoàn thiện quy chế, quy định. Quy chế hoạt động phối hợp giữa các thành viên trong hệ thống chính trị không mang tính thứ bậc hành chính, lãnh đạo - phục tùng, quản lý - bị quản lý mà là giữa những chủ thể xác định theo quy định của pháp luật nhằm phối hợp thực hiện đúng đắn nhiệm vụ của mỗi tổ chức thành viên. Theo đó, mối quan hệ giữa bí thư cấp uỷ với chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ là mối quan hệ lãnh đạo (nếu thực hiện nghị quyết của cấp ủy) còn lại là mối quan hệ phối hợp. Đó còn là sự cụ thể hoá nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” của Đảng để trực tiếp thực hiện mối quan hệ thường nhật giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thứ ba, xây dựng quy trình công tác trên một số việc quan trọng có liên quan giữa các thành viên trong hệ thống chính trị

Dù có quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức và quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị vẫn cần văn bản có tính pháp lý mô tả quy trình công tác trên mỗi công việc cụ thể. Trên thực tế, các quy định của pháp luật, điều lệ của tổ chức và các quy chế cũng không thể giải quyết được đầy đủ các nội dung phối hợp của các thành viên trong hệ thống chính trị. Hơn nữa, những công việc có liên quan giữa các thành viên trong hệ thống chính trị rất đa dạng và phức tạp.

Quy trình công tác thường chỉ áp dụng trong một công việc cụ thể có liên quan đến trách nhiệm của mỗi thành viên trong hệ thống chính trị. Thực chất, quy trình công tác là văn bản có tính pháp lý trong việc xác định chủ thể của sự phối hợp, trách nhiệm của bên phối hợp. Tuy vậy, nếu không xác định được một quy trình đúng thì chắc chắn quyền và trách nhiệm của mỗi bên trong thực thi công việc sẽ không đạt được mục tiêu chung và mục tiêu của mỗi thành viên.

Quy trình công tác thường được xác định giữa cấp uỷ với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, thậm chí chỉ là giữa các tổ chức chính trị - xã hội với nhau. Những quy trình công tác cần được xác định cụ thể trong việc ban hành quyết định liên tịch, vai trò chủ trì hay phối hợp trong tuyên truyền vận động, kiểm tra và xử lý vấn đề bức xúc trong nhân dân..., đặc biệt là công tác nhân sự.

Thứ tư, hoàn thiện quy định về quản lý tổ chức bộ máy và công tác cán bộ theo hướng làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu

Muốn tinh giản bộ máy trong hệ thống chính trị, phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động giữa các tổ chức thành viên trong hệ thống và bản thân hệ thống tổ chức của mỗi thành viên. Khắc phục tình trạng chồng lấn hay bỏ sót nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, khó quy được trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của cấp uỷ trong việc thực thi quyền lực của Đảng, quản lý hành chính của cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh cơ chế khoán quỹ lương, tăng cường vai trò của thủ trưởng đơn vị trong đánh giá, khen thưởng, bố trí, đề bạt cán bộ. Trên cơ sở làm rõ cơ cấu bộ máy tổ chức, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mỗi chức vụ đều phải được xác định cụ thể về số lượng, chất lượng, hiệu quả để làm căn cứ cho việc thi tuyển, bố trí, đề bạt cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ theo hướng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Từng bước thực hiện nhất thể hoá chức danh người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể. Đó là sự thể hiện trực tiếp nhất, cao nhất về sự lãnh đạo của Đảng thông qua đội ngũ đảng viên. Nếu người đứng đầu cấp uỷ (được đảng viên bầu) đồng thời lại đứng đầu cơ quan nhà nước (được đại biểu của nhân dân bầu) thì chắc chắn họ phải thực thi nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất, bao trùm nhất với “hai vai” song toàn. Đường lối, chủ trương của Đảng được thể hiện bằng các văn bản quản lý của chính quyền là một thể thống nhất, khó mà phân biệt rạch ròi. Nói cách khác, nếu tổ chức thực hiện đúng chính sách, pháp luật tức là thực hiện được sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện đúng đường lối của Đảng thì cũng chính là thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước. Theo đó, có thể thực hiện nhất thể hoá chức danh người đứng đầu uỷ ban kiểm tra đảng đồng thời là người đứng đầu thanh tra nhà nước; người đứng đầu cơ quan tổ chức của Đảng đồng thời là người đứng đầu tổ chức nhân sự của chính quyền hay cơ quan tuyên giáo với thông tin truyền thông... Đó là cách tốt nhất để Đảng “hoá thân” vào Nhà nước, thực thi đường lối, chủ trương của Đảng trong các cơ quan nhà nước nhanh nhất, thuận lợi nhất và trực tiếp nhất, tránh chồng chéo, phân tán. Đồng thời, cán bộ đó cũng được kiểm tra, giám sát tốt nhất từ phía tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Trong khi hợp nhất, các cơ quan đó thuộc cơ quan nhà nước, thực hiện theo quy định của pháp luật và chỉ xử lý theo Điều lệ Đảng những vấn đề liên quan đến tổ chức đảng và đảng viên với cơ chế “một nhà hai cửa”. Tất nhiên, điều kiện tiên quyết là lựa chọn được người đứng đầu có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực nổi trội và một cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh.

Thứ năm, quy chế, quy định, quy trình công tác của các tổ chức trong hệ thống chính trị đều phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật

Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam quy định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, đồng thời quy định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định: “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật(4).

Tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là đòi hỏi của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, mọi tổ chức, công dân đều phải thực hiện, không được đặt mình đứng trên, đứng ngoài pháp luật, vi phạm pháp luật.

Các tổ chức trong hệ thống chính trị cần có “khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” để hoạt động, có nghĩa là phải có quy định, có tổ chức tuân theo những quy định và có cơ quan kiểm tra, giám sát việc thực thi các quy định đó và xử lý theo quy định nếu vi phạm.

Thể chế chính trị của đất nước theo định hướng XHCN với một đảng duy nhất lãnh đạo đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển rất cần được nghiên cứu một cách toàn diện để đề ra được những giải pháp đột phá, mạnh mẽ và vững chắc, nhằm xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2015

(1), (2), (3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.85-88, 264, 264, 89.

 

 

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn

Viện Xây dựng Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền