Trang chủ    Diễn đàn    Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức hiện đại
Thứ hai, 30 Tháng 11 2015 17:13
2794 Lượt xem

Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức hiện đại

(LLCT) - Sự ra đời, phát triển mạnh mẽ của các nhóm lợi ích và sự hình thành mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích là một tất yếu của nền chính trị dân chủ Đức. Sự thay đổi các hình thức của mối quan hệ đảng - nhóm trong suốt chiều dài lịch sử thể hiện sự phát triển của quá trình chính trị Đức. Nét đặc sắc xuyên suốt lịch sử chính trị Đức đó là sự gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau của các đảng chính trị và các nhóm lợi ích. Điều quan trọng, trong nền dân chủ Đức, dù lúc đảng chính trị hay nhóm lợi ích chiếm ưu thế thì tất cả các hoạt động của những chủ thể này đều nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp liên bang và hệ thống pháp luật. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về đảng và nhóm sẽ là yếu tố quyết định đến tính tích cực hay tiêu cực của mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức hiện đại.

1. Lược khảo lịch sử mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức

Những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, trước nền cộng hòa Weimar (1918), các đảng chính trị Đức chỉ tồn tại như những tổ chức tập hợp lực lượng theo lợi ích của các nhóm người trong xã hội, sự thống trị của nhà nước quân phiệt không cho phép các đảng chính trị phát triển. Bên cạnh đó, các nhóm lợi ích đã phát triển như là kết quả tất yếu của quá trình giải phóng kinh tế và xã hội. Chính vì vậy, trong giai đoạn này, các nhóm lợi ích chi phối mạnh mẽ đến các đảng chính trị. Quá trình chi phối này đã đặt nền móng cho các nhóm và các tổ chức đại diện phát triển mạnh trên toàn nước Đức.

Bước sang nền cộng hòa Weimar (1919-1933), lần đầu tiên trong lịch sử chính trị Đức, một chế độ dân chủ đại nghị đa đảng được hiện thực hóa. Sự phát triển mạnh mẽ của các đảng chính trị làm thay đổi mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích lúc này. Tuy nhiên, phần lớn cử tri Đức vẫn hoài nghi sâu sắc và lạnh nhạt với các đảng chính trị(1). Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong giai đoạn 1919-1933 vẫn là mô hình nhóm lợi ích chi phối, nhưng đã có sự hợp tác trong quá trình hoạch định chính sách. Thí dụ, trường hợp của Hiệp hội Các ngành công nghiệp Đức Quốc xã, nơi tập hợp các nhóm công nghiệp lớn, các tổ chức trung tâm của ngành công nghiệp Đức - tiền thân của Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) hiện nay. Tổ chức này có ảnh hưởng đặc biệt đến bộ máy Chính phủ và hầu như đã bỏ qua các đảng chính trị. Ngoài ra, Hiệp hội các ngành công nghiệp Đức Quốc xã là tổ chức đầu tiên sử dụng quy chế mới cho quá trình vận động hành lang (quy định về thủ tục thiết lập tổ chức tiếp xúc với bộ máy hành pháp)(2).

Thắng lợi của chủ nghĩa phát xít và sự nổi lên của đế chế thứ ba đã dẫn đến một sự đảo ngược hoàn toàn trong mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích, với sự thống trị duy nhất của một đảng chính trị độc tài - Đảng Quốc xã của Hitler đối với các nhóm lợi ích và toàn xã hội. Cùng với thất bại của chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ II, sự thống trị này đã bị xóa bỏ. Với sự ra đời của Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức, đảng phái chính trị đã trở thành một thành tố chính tạo nên sự đồng thuận dân chủ và ổn định trong nền dân chủ mới. Cùng với sự ra đời của một thể chế chính trị dân chủ mới, nước Đức đã luật hóa trách nhiệm của các đảng chính trị đối với chế độ dân chủ, đối với nhân dân và quốc gia. Hệ thống pháp luật về đảng chính trị ngày càng được hoàn thiện nhằm mục đích kiềm chế khả năng độc quyền của một đảng và loại bỏ tình trạng phân tán do chế độ đa đảng gây ra. Nền chính trị đa đảng gắn liền với tự do tư tưởng, tự do lập đảng. Nhưng sự tự do thái quá có thể tác động tiêu cực đến nền chính trị, đến sự ổn định và phát triển đất nước, do đó các hoạt động của đảng chính trị đã được pháp luật điều tiết.

Bên cạnh việc xác định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của các đảng chính trị, các đạo luật về đảng đã tạo cơ sở cho việc chiếm ưu thế hơn của đảng chính trị so với nhóm lợi ích trong quá trình chính sách. Trong Hiến pháp của CHLB Đức, ban hành ngày 23-5-1949, đã bảo đảm cho các đảng chính trị có quyền được tham gia vào các quyết định liên quan đến việc xây dựng các nhu cầu, mục tiêu chính trị (Điều 21). Sự ra đời của hệ thống đảng chính trị hiện đại sau Chiến tranh thế giới thứ II và sự hoàn thiện hệ thống pháp luật về đảng chính trị đã làm thay đổi mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức hiện đại.

2. Nét đặc trưng của mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức hiện đại

Khác với nhiều nước ở châu Âu, hệ thống đảng chính trị hiện đại ở Đức chủ yếu được thành lập sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Tiếp nối dòng lịch sử chính trị truyền thống, hệ thống đảng chính trị Đức nhanh chóng phát triển và trở thành những nhân tố cần thiết của trật tự dân chủ và tự do Đức. Các đảng chính trị có trách nhiệm duy trì dân chủ trong nội bộ đảng, bảo vệ và ủng hộ những nguyên lý nền tảng của chế độ dân chủ.

Liên minh đảng phái lớn nhất ở CHLB Đức là liên minh giữa Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và Đảng Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU). Cả hai đảng này với nền tảng tư tưởng dân chủ và tôn giáo, dựa vào số lượng đông đảo cử tri Thiên Chúa và truyền thống Công giáo trong xã hội Đức đã tạo dựng cho mình những cơ sở chính trị vững chắc trong lòng dân tộc Đức. Trong các cuộc bầu cử, liên minh giữa CDU và CSU thường được ít nhất hơn 30% số phiếu của cử tri Đức. Với nền tảng xã hội chắc chắn, liên minh giữa hai đảng này đã tạo nên những thành công kinh tế vượt trội của nền kinh tế thị trường Đức. Đặc biệt là CDU thể hiện như một liên minh chính trị đại diện cho những giá trị truyền thống, bảo thủ và luôn cố gắng vươn lên như một lực lượng chính trị mạnh mẽ dẫn dắt nước Đức. Konrad Adenauer và Ludwig Erhard - những thủ tướng đầu tiên được coi là cha đẻ của sự kỳ diệu kinh tế Đức đều là thành viên của CDU.

Đối trọng chính trị với CDU và CSU là Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD). SPD thu hút một số lượng lớn các thành viên từ đội ngũ công nhân lao động và trở thành Đảng đại diện cho giai cấp công nhân Đức. SPD với mục tiêu phấn đấu vì sự phồn vinh của CHLB Đức luôn giành được trên 30% số phiếu của cử tri Đức trong các cuộc bầu cử. Như sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1998, SPD đã kiểm soát 41% số ghế trong Quốc hội Đức, trở thành Đảng chiếm số ghế lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ 14 Quốc hội Liên bang Đức.

Ngoài các Đảng CDU, CSU và SPD được coi là những trụ cột chính, hệ thống đảng chính trị hiện đại Đức, còn có sự tham gia của các đảng chính trị có  ảnh hưởng tương đối ít hơn đến khuynh hướng phát triển của chính trường. Đảng Dân chủ Tự do (FDP) với vai trò chủ yếu là tạo ra phe đa số trong bầu cử và làm thay đổi cán cân lực lượng trên chính trường Đức. Liên minh 90/Đảng Xanh ra đời muộn hơn các đảng khác (năm 1993 hợp nhất Đảng Xanh với Liên minh 90 của Cộng hòa Dân chủ Đức) nhưng phát triển tích cực theo khuynh hướng bảo vệ môi trường, nhân quyền, tự do dân chủ và đặc biệt là quyền lợi của phụ nữ. Đảng Cánh tả ra đời dựa trên cơ sở truyền thống của Đảng Xã hội Dân chủ Đức (SPD) với mục đích đấu tranh xây dựng một xã hội chủ nghĩa dân chủ phù hợp với đặc điểm của xã hội phát triển Tây Âu.

Các đảng chính trị có vai trò quan trọng trong xã hội Đức hiện đại, đặc biệt trong quá trình nắm giữ quyền lực chính trị, hình thành ý thức chính trị và đại diện ý chí chính trị của dân tộc Đức. “Không có một nhân vật chính trị nào nằm ngoài đảng phái mà đạt được những thành công trên chính trường Đức”(3). Chính vì vậy, các đảng chính trị là mục tiêu của các nhóm lợi ích muốn gây ảnh hưởng đến quá trình chính sách công.

Mặc dù hiện nay có hàng nghìn nhóm lợi ích ở Đức, nhưng các nhóm lợi ích lớn chủ yếu là các nhóm nghề nghiệp - là một trong những động lực cho các ưu tiên kinh tế của CHLB Đức sau chiến tranh. Các nhóm lợi ích lớn là nhóm chuyên nghiệp, hoạt động tập trung chủ yếu cho hàng loạt các vấn đề xã hội, chính trị và kinh tế quan trọng đối với các thành viên.

Những người lao động Đức và các đoàn thể đa dạng của họ được đại diện bởi Liên minh Thương mại Liên bang Đức (DGB), tổ chức tuyên bố đại diện cho khoảng 8,5 triệu người lao động tham gia công đoàn trong lực lượng lao động Đức. Khoảng một nửa trong số các thành viên hội đồng quản trị của 482 doanh nghiệp lớn nhất ở Đức là đoàn viên công đoàn, phần lớn đều liên kết với DGB. DGB là một đại diện trong các cuộc đàm phán giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động về mức lương và các chương trình hưu trí, cũng như tham gia tích cực trong việc định hình chính sách, trong cả Chính phủ và các ủy ban của Quốc hội Liên bang.

Hai hiệp hội lớn đại diện cho lợi ích giới sử dụng lao động là Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), tổ chức gồm 39 tập đoàn công nghiệp lớn riêng biệt và Hiệp hội Liên đoàn sử dụng lao động Đức (BDA), bao gồm 64 hiệp hội đại diện cho các doanh nghiệp sử dụng lao động lớn, vừa và nhỏ trong CHLB Đức. BDI mang tính chính trị hơn, đại diện cho các lợi ích sử dụng lao động với Chính phủ, với cả Quốc hội Liên bang, và trong các ủy ban lập kế hoạch kinh tế xã hội khác nhau ở cấp liên bang. BDA thì liên kết chặt chẽ hơn với các đoàn thể, đàm phán mức lương, lương hưu, bảo hiểm xã hội, lợi ích sức khỏe và các vấn đề khác liên quan đến điều kiện làm việc ở Đức. Ngoài BDI và BDA, Tổ chức Hội nghị Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHT) đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. DIHT là một tổ chức mạnh mẽ trong nền kinh tế chính trị Đức vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế với đóng góp xấp xỉ 50% GDP và chiếm 70% tổng số lao động(4).

Lĩnh vực nông nghiệp của Đức được đại diện bởi Hiệp hội Nông dân Đức (DBV). Quy mô nhỏ hơn nhiều so với các tổ chức sử dụng lao động và công đoàn lớn, nhưng DBV vẫn kiên trì bảo vệ lợi ích của nông dân Đức. Vai trò này ngày càng trở nên quan trọng khi họ đấu tranh ngăn chặn những bất cập về chính sách trợ cấp nông nghiệp và các mối đe dọa bởi sự mở rộng của Liên minh châu Âu (EU).

Các nhóm lợi ích có thể cung cấp cho đảng chính trị những người có chuyên môn, thông tin về ý kiến và khiếu nại của cử tri, nguồn lực tài chính và hỗ trợ tổ chức các cuộc bầu cử. Để đạt được mục đích chính trị của mình, cả đảng chính trị và nhóm lợi ích đều cố gắng thiết lập mối liên hệ thông qua các ủy ban liên lạc, các lãnh đạo. Qua đó, hình thành các mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích.

Đặc trưng nổi bật nhất của mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức hiện đại chính là sự hợp tác. Một kết nối mạnh mẽ được thiết lập giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích dựa trên định hướng chính sách. Các nhóm cũng luôn cố gắng ảnh hưởng đến chương trình chính sách của đảng. Ở đây, không có sự ràng buộc cứng nhắc giữa các nhóm lợi ích và các đảng chính trị. Thí dụ, mặc dù gần gũi một cách tự nhiên với CDU và CSD, nhưng ba tổ chức BDI, BDA và DIHT vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với SPD.

Tuy có ưu thế hơn trong Quốc hội, cơ quan hành pháp và truyền thông, nhưng trong mối quan hệ với các nhóm lợi ích, các đảng cũng không thể chi phối một chiều mà nhiều khi còn phụ thuộc vào nhóm lợi ích. Vấn đề tài chính của đảng nói chung và chiến dịch tài trợ đặc biệt trong các cuộc bầu cử khiến cho đảng phải gắn kết với các nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích chủ yếu ảnh hưởng đến danh sách bầu cử, quyết định tỷ lệ đại diện trong hệ thống bầu cử của CHLB Đức. Danh sách bầu cử được hình thành bởi các đảng để kết hợp với đại diện của các nhóm lợi ích đặc biệt gần gũi với đảng. Các nhóm lợi ích cũng cố gắng gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử trực tiếp thông qua các khuyến nghị bỏ phiếu với các thành viên của họ. Những khuyến nghị này là một sự phản ánh trực tiếp của các mối quan hệ đảng -nhóm lợi ích cụ thể. Các đảng đôi khi cũng phụ thuộc vào các nhóm lợi ích từ chiến dịch bầu cử đến vấn đề thành công của chính sách.

3. Các yếu tố định hình mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức hiện đại

Thực tế nước Đức hiện đại, mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích càng trở nên quan trọng trong sự phát triển của quá trình chính trị. Các nhóm lợi ích hoạt động như một cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực của chính quyền. Họ thường phát triển để thúc đẩy các chương trình và phổ biến thông tin nhằm thỏa mãn lợi ích kinh tế của các thành viên và nâng cao năng lực của toàn xã hội. Để làm được điều đó, không còn cách nào khác là phải bước vào chính trường để nhận được nhiều thuận lợi từ các quyết định và chính sách công. Các nhóm lợi ích có mối quan hệ tương đối chặt chẽ với các đảng chính trị, được thể hiện qua mục tiêu hoạt động, cách thức tác động lên nhau. Nếu các đảng chính trị là tập hợp những người có quan điểm chung về cách điều hành Chính phủ, mục đích chính trị, phương pháp chính phủ hành động thì nhóm lợi ích tập trung vào một khu vực, một vấn đề cụ thể hoặc thiết lập mối quan hệ với các ứng viên của đảng chính trị trước khi họ được bầu vào các vị trí trong chính quyền để đáp ứng lợi ích của nhóm mình. Mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích được định hình phụ thuộc vào các yếu tố chính trị bên trong và bên ngoài.

Về các yếu tố bên trong: trước hết là yếu tố mô hình phát triển kinh tế xã hội. Nền kinh tế Đức hiện đại là mô hình kinh tế thị trường xã hội. Sau khi thống nhất, nước Đức phải quản lý thành công nền kinh tế của mình với cam kết phúc lợi mạnh mẽ. Nhưng đứng trước thực trạng dân số già và một hệ thống thương mại thế giới ngày càng cạnh tranh, các đảng chính trị và nhóm lợi ích phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn lâu dài trong cải cách thể chế như cải thiện quan hệ lao động và pháp luật ngân hàng, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế khi sáp nhập Đông Đức và quản lý hệ thống liên bang trong thể chế EU mở rộng. Điều này đã thúc đẩy sự gắn kết giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích nhằm gắn kết nguồn lực to lớn của hai bên để thực hiện thành công các chính sách quan trọng của đất nước. Chính quá trình phát triển mô hình kinh tế thị trường xã hội mới đã tạo nền tảng kinh tế cho sự gắn kết giữa các đảng chính trị và các nhóm lợi ích nghề nghiệp lớn ở Đức.

Mối quan hệ đảng - nhóm trong nền chính trị Đức hiện đại cũng được hình thành dựa trên các quy định pháp luật trong Hiến pháp Đức về vai trò chính thức của các đảng chính trị. Điều 21 Hiến pháp Liên bang quy định, đảng đóng vai trò hàng đầu không chỉ trong xây dựng và kết nối lợi ích mà còn tập hợp những lợi ích trong hoạch định chính sách trên các lĩnh vực của CHLB Đức. Điều này hàm ý rằng, không giống như hệ thống chính trị Mỹ, đảng chính trị ở Đức được hưởng sự ưu tiên hợp pháp đối với các nhóm lợi ích để hình thành các quá trình chính sách. Đảng chính trị trở thành một thể chế quan trọng định hình sự ổn định của quá trình chính sách công.

Hiến pháp Đức cũng quy định quyền con người cơ bản. Công dân Đức có quyền tham gia vào các nhóm lợi ích khác nhau và có quyền đấu tranh vì lợi ích của mình. Các nhóm lợi ích có quyền hoạt động nếu không đi ngược lại với Hiến pháp và pháp luật liên bang.

Mặc dù chiếm ưu thế qua các quy định của Hiến pháp, nhưng các đảng chính trị Đức cũng không thể chi phối một chiều đến các nhóm lợi ích lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhiều mối quan hệ lợi ích, nhiều vấn đề phức tạp đan xen nhau, như vấn đề môi trường, hạt nhân, năng lượng hay chống khủng bố. Do vậy, bên cạnh các nhóm lợi ích truyền thống đại diện rộng rãi trong nền kinh tế chính trị nghiệp đoàn mới của Đức (chủ yếu là các công đoàn thương mại, các tổ chức lao động) thì nhóm lợi ích mới cũng có sự nổi lên mạnh mẽ như nhóm nữ quyền, nhóm môi trường, hòa bình, chống hạt nhân… Điều này cũng làm cho mối quan hệ giữa các đảng chính trị và nhóm lợi ích phát triển theo chiều hướng hợp tác, phụ thuộc lẫn nhau.

Về các yếu tố bên ngoài: nước Đức bước vào thế kỷ mới, các yếu tố bên ngoài quan trọng nhất có thể ảnh hưởng đến truyền thống phụ thuộc lẫn nhau và mối quan hệ đảng phái giữa các đảng và các nhóm lợi ích là sự nổi lên của EU với việc sử dụng một đơn vị tiền tệ chung trong hầu khắp các nước Tây Âu, một thị trường vốn đang phát triển. Ảnh hưởng trực tiếp của EU đến mối quan hệ giữa đảng và nhóm lợi ích là sự mở rộng của không gian địa lý với nguồn lực sẵn có của các nhóm làm giảm tầm quan trọng của các đảng trong nước(5). EU cũng yêu cầu các nhóm tham gia tích cực trong các vấn đề khu vực bên ngoài ranh giới dân chủ truyền thống của Đức. Điều này đòi hỏi các đảng chính trị phải đánh giá lại các ưu tiên chính sách và hệ tư tưởng truyền thống của mình, hoặc họ có nguy cơ mất đi các cơ sở bầu cử khi đối mặt với một môi trường chính trị mới, trong khi cái nhìn truyền thống của các đảng không đáp ứng trước thực tế mới ở châu Âu. Sự gia tăng tầm quan trọng của các vấn đề kinh tế - chính trị khu vực, cũng như một thực tế mới của hệ thống tư bản toàn cầu, cho thấy rằng các mô hình truyền thống của mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích và các đảng chính trị sẽ đối mặt với sự phát triển ngày càng tăng của các phong trào xã hội mới trên toàn nước Đức và EU. Các cấu trúc nghiệp đoàn truyền thống không có khả năng quản lý hiệu quả những áp lực của tình trạng thất nghiệp, lương hưu và thu nhập trước những thay đổi bất thường của thị trường vốn toàn cầu và những áp lực của nhập cư hợp pháp hoặc bất hợp pháp như một hệ quả của sự xáo trộn chính trị và kinh tế của thị trường châu Âu mới. Điều này cũng thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nguồn lực của đảng chính trị và nhóm lợi ích.

Tóm lại, sự ra đời, phát triển mạnh mẽ của các nhóm lợi ích và sự hình thành mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích là một tất yếu của nền chính trị dân chủ Đức. Sự thay đổi các hình thức của mối quan hệ đảng - nhóm trong suốt chiều dài lịch sử thể hiện sự phát triển của quá trình chính trị Đức. Nét đặc sắc xuyên suốt lịch sử chính trị Đức đó là sự gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau của các đảng chính trị và các nhóm lợi ích. Điều quan trọng, trong nền dân chủ Đức, dù lúc đảng chính trị hay nhóm lợi ích chiếm ưu thế thì tất cả các hoạt động của những chủ thể này đều nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp liên bang và hệ thống pháp luật. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về đảng và nhóm sẽ là yếu tố quyết định đến tính tích cực hay tiêu cực của mối quan hệ giữa đảng chính trị và nhóm lợi ích trong nền chính trị Đức hiện đại.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2015

(1) Charles Lees: Party Politics in Germany - A Comparative Politics Approach,Palgrave Macmillan, New York, 2005, p.45.

(2) Clive S.Thomas: Political Parties and Interst Groups - Shaping Democratic Governance,Lynne Rienner Publishers, London, 2001, p.103.

(3) Viện Chính trị học: Chính trị học so sánh từ cách tiếp cận hệ thống cấu trúc chức năng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.225.

(4) Nguyễn Đức Tâm: Kinh nghiệm của một số nước phát triển về chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.http://dangkykinhdoanh.gov.vn.

(5) Anne Rasmussen: Interest group - Party interaction in EU politics, Party Politics, No18, 2012, p.84.

 

TS Tống Đức Thảo

Viện Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Phan Duy Anh

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền