Trang chủ    Diễn đàn    Phật giáo với chính trị ở Việt Nam thời Lý - Trần
Thứ hai, 19 Tháng 12 2016 09:31
15947 Lượt xem

Phật giáo với chính trị ở Việt Nam thời Lý - Trần

(LLCT) - Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tồn tại và phát triển gắn liền với lịch sử đất nước và góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, thời Lý - Trần, Phật giáo phát triển hưng thịnh và trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống chính trị nước ta.

Khi mới du nhập, Phật giáo hòa nhập với tín ngưỡng bản địa và trở thành ông Bụt từ bi của người lao động và hóa thành Tứ Pháp (Mây, Mưa, Sấm, Chớp). Những dấu tích này còn tồn tại cho đến ngày nay ở hầu khắp đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, Phật giáo khi ấy tồn tại với tư cách tôn giáo bản địa(1) của người Việt Nam (miền Bắc Việt Nam). Khi đất nước giành lại được độc lập sau nghìn năm Bắc thuộc, Phật giáo tiếp tục được triều đại mới sử dụng, nhưng các nhà chính trị thời kỳ này hợp tác với Phật giáo chủ yếu với tư cách tôn giáo dân tộc(2) để “rũ bỏ” những ảnh hưởng của văn hóa Hán và khơi dậy bản sắc văn hóa truyền thống, đang được hòa quyện trong Phật giáo. Đồng thời, Phật giáo cũng góp phần xây dựng đối sách vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết trong xây dựng triều đại mới của các nhà chính trị.

Đỉnh cao thịnh vượng nhất của Phật giáo ở Việt Nam vào thời Lý - Trần. Thời kỳ này, các vua và hoàng tộc đều sùng Phật; nhiều đường lối, chính sách của Nhà nước đều được các trí thức Phật giáo tham gia xây dựng. Vì vậy, đường lối chính trị thời kỳ này mang đậm tinh thần khoan dung, từ bi của Phật giáo. Giáo hội Phật giáo, chùa chiền, tu viện… đều dưới sự điều hành và bảo trợ của nhà vua (Nhà nước). Các thiền sư đạo cao đức trọng đều được triều đình tin dùng và được coi như những cố vấn đặc biệt cho triều đình như: thời Lý có thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Pháp Thuận, Viên Thông…; thời Trần có thiền sư Trúc Lâm, Đại Đăng, Huyền Quang, Pháp Loa… Phật giáo một mặt thẩm thấu trong đời sống của người dân Việt, mặt khác được giai cấp cầm quyền coi như một hệ tư tưởng chủ đạo. Tuy nhiên, dù trên nhiều phương diện, Phật giáo quan hệ với Nhà nước như một quốc giáo(3): có sự cộng hưởng tích cực giữa Phật giáo và chính trị, giữa triều đình và Giáo hội, giữa tín đồ bình dân và Nhà nước; nhưng, Phật giáo ở thời Lý - Trần vẫn không được thừa nhận chính thức ở vị trí Quốc giáo. Bởi các thiền sư tuy giữ vai trò cố vấn trong triều đình nhưng họ luôn giữ khoảng cách nhất định của một tôn giáo truyền thống hay tôn giáo dân tộc(4), họ không tham dự sâu vào bộ máy quyền lực, kết thúc công việc lại lui về chùa mà không giữ một vị trí chính thức nào trong bộ máy quyền lực.

Sang thời Trần, tuy có nhiều vị vua tu thiền hoặc say mê học Phật, nhưng họ luôn phân biệt rõ ràng giữa vị thế của một ông vua hay một vị Phật. Khi làm vua, làm tướng thì hết mình vì dân vì nước, dù có phải vi phạm giới luật sát sinh của nhà Phật, nhưng khi thấy vai trò của mình đã hết lại sẵn sàng “từ bỏ ngai vàng” để chuyên tâm tu thiền. Điều này được thể hiện rõ nét trong hành trang của các vị vua - phật Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông…

Bản thân Phật giáo không có mục đích tự thân là làm chính trị. Mục đích cao cả nhất của Phật giáo là giải thoát chúng sinh, không phân biệt đẳng cấp, giới tính.Tuy nhiên, trong quá trình dựng nước và giữ nước, Phật giáo muốn tồn tại và phát triển cần nhập thế, phải hướng đến giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống, chứ không chỉ dừng lại ở những triết lý, luận thuyết cao siêu. Xuất phát từ thực tế đó, Phật giáo thời Lý - Trần luôn song hành vớitiến trìnhđấu tranh giải phóng dân tộc, ổn địnhvà phát triển đất nướccủa dân tộc. Nền chính trị ởtriều đại Lý - Trần, vì vậy, đều có ảnh hưởng bởi những triết lý nhân văn, nhân đạo của Phật giáo.

Có thể khái quát một số ảnh hưởng của Phật giáo đến chính trị thời Lý - Trần như sau:

Trongxây dựng thể chế chính trị.Việc Lý Công Uẩn lên ngôi lập nên triều Lý chính là nhờ sự đóng góp tích cực củathiền sư Vạn Hạnh.Bởi vậy, không phụ sự tin tưởng của thầy, Lý Công Uẩn đã vận dụng sáng tạo và linh hoạt tinh thần của Phật giáo đểổn định triều chínhvàđưa ra chính sách trị quốc, an dân, theo tinh thần khoan dung, bình đẳng của Phật giáo.

Đầu triều Lý, các vị thiền sư cũng được triều đình tin dùng, nhưng khi được mời vào triều, họ luôncó thái độ rất rõ ràng: làm thì làm nhưng không nương tựa vào “hữu vi”, tham gia chính sựvì muốn góp sức vì đất nước, không vì mục đích cá nhân.Đây cũng chính là định hướng chính trị cơ bản cho các nhà chính trị sùng Phật sau này. Tuy trong xã hội vẫncó sự phân biệt vềđịa vị, đẳng cấp… nhưng với sự tham gia của Phật giáo trên một số lĩnh vực như: chính trị, đạo đức, giáo dục, đã tạo ra được sự đoàn kết trong triều, ổn định cho nền chính trị, thu phục được lòng dân. Như vuaLý Nhân Tông tâm niệm: “Bậc chí nhân hiện thân giữa cõi đời tất phải tế độ chúng sinh. Làm việc gì cũng phải đầy đủ, không việc gì không làm; chẳng những đắc lực về thiền định và trí tuệ mà cũng có công giúp đỡ nước nhà”(5). Do lấy Phật giáo làm nền tảng, triều đại Lý - Trần đã xây dựng thể chế nhà nước quân chủ tập quyền thân dân, mối quan hệ giữa vuavà quan, giai cấp thống trịvà nhân dânrấtthân thiện, gần gũi. Có được điều này, vìnền chính trị thời đó có “những nhà chính trị có từ tâm và những người xuất gia biết lo giáo dục sự thực hành đạo từ bi trong dân chúng”(6).

Đội ngũ quan lại thời Lý-Trần được chia là 4 ban:Ban Văn, Ban Võ, Thái giám Ban và Tăng Ban, mỗi ban được giao một quyền hạn và trách nhiệm khác nhau. Trong đó Tăng Ban có vai trò giáo chủ tinh thần đã góp phầngiáo dục, định hướng tư tưởng cho giai cấp thống trị và toàn xã hội. Để hoàn thiện mô hình nhà nước phong kiến, triều Lý - Trần bắt đầu phát triển, nhưng dù rất tôn trọng trí thức Nho, nhà nước vẫn khẳng định vai trò của các trí thức Phật giáo đối với chính trị. Các đường lối, chính sách của nhà nướcluôn mang màu sắc từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha của Phật giáo.

Chính sách pháp luật thời kỳ này cũng rất nhân văn, thể hiện trong bộ luật Hình thư (thời Lý); Quốc triều thông chế, Quốc triều hình luật (thời Trần). Dù vẫn có những quy định những hình phạt thảm khốc đối với các tội nặng, nhưng về cơ bản pháp luật thời kỳ này mang bản chất nhân văn, từ bi của đạo Phật: “Pháp luật thời Lý thì rộng rãi khoan dung, pháp luật thời Trần có phần nghiêm minh, hà khắc hơn; nhưng nhìn chung cả giai đoạn Lý - Trần, pháp luật nhà nước còn phần nào quan tâm và chiếu cố đến quyền lợi dân chúng”(7). Điều này cho thấy, giai cấp thống trị thời Lý - Trần quan niệmđiều làm nên sức mạnh cho triều đại không nằm ở sự chuyên quyền của người đứng đầu, hay ở sự bạo lực chuyên chế của nhà nước, mà ở trí tuệ và đạo đức của người cầm quyền.

Trong đường lối bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nhân sinh quan Phật giáo cũnghòa nhập trong lòng dân tộc vốn có truyền thống yêu nước, thương nòi;đồng thời bổ sung chonhững truyền thống ấy thêm những sức mạnh mới,sức mạnh của niềm lạc quan, tin tưởng;ý chí, nghị lực phi thường; tinh thần đoàn kết trước mọi khó khăn.

Với nướcChiêm đã nhiều lần cho quân sang quấy rối và tấn công Đại Việt, ta đã phải đem quân sang đánh để thể hiện uy danh. Tuy nhiên, trong cuộc hành quân này, khi thấydân Chiêm bị loạn binh giết rất nhiều, vuaLý thương xót xuống chiếu: “Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ bị chém, không tha”(8). Năm 1069, trong cuộc hành quân đánh Chiêm Thành, bắt được vua nước Chiêm, vua cũng tỏ lượng khoan hồng, tha cho về nước. Với tấm lòng vị tha, từ bi, ta đã thu phục được nước Chiêm. Cũng nhờ tinh thần ấy, trong công cuộc mở rộng lãnh thổ vào Nam, nhà Lý - Trần cũng không để xảy ra cuộc chiến tranh thôn tính, hủy diệt văn hóa nào, quá trình dung hợp diễn ra hòa bình.

Thời Lý - Trần luôn kiên trì mục tiêu bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy phải tiến hành không ít cuộc kháng chiến chống lại các thế lực lớn: hai lần chống quân Tống và ba lần chiến đấu chống quân Nguyên, nhưng nền độc lập của triều đại Lý - Trần vẫn vững bền. Bởi triều đình đã có được đường lối kháng chiến phù hợp và sự trợ giúp đắc lực từ Phật giáo. Phật giáo đã trở thành vũ khí tinh thần giúp triều đại liên kết nhân tâm, thống nhất các lực lượng trong xã hội để tập trung vào mục tiêu chung, góp phần tạo nên ý chí “quyết không chịu khuất phục” trước bất cứ kẻ thù nào. Cũng chính bản lĩnh này, đã tạo nên sức mạnh giúp người Việt thời Lý - Trần sẵn sàng đương đầu với những kẻ thù hùng mạnh. Trong cuộc chiến chống Tống ở triều Lý, nhân dân tham gia rất đông đảo. Sang thời Trần, nhân dân cũng hết lòng ủng hộ và hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình. Có được những thành quả này là nhờ công sức của các vua quan, thiền sư, phật tử Lý - Trần đã kiên trì vun đắp từ những năm tháng hòa bình, khi giặc ngoại xâm đến, tinh thần ấy được khơi dậy và phát huy cao độ, để rồi lần lượt giành được những thắng lợi vang dội.

Nhiềunhà chính trị Lý - Trần cũng tu thiền(Lý Thường  Kiệt, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông…),để rèn luyện thân thể và tâm tính, mang lại cho họ bản lĩnh vững vàng nơi trận mạc và sự sáng suốt để lãnh đạo đất nướctrải qua nguy khốn. Cũng nhờphương pháp tu luyện, thiền đã mang lại sự gắn kết giữa tướngvà quân lính, mối quan hệ giữahọ trở nênrất đoàn kết. Vìvậy, đã tập hợp và xây dựng được một đội quân tinh nhuệ, có sự gắn bó chặt chẽ như “đội quân cha con”(9), góp phần tạo nên những kỳ tích trongchiến trận.

Tinh thần bình đẳng, bác ái trong triết lý nhân sinh Phật giáo đã giúp lòng yêu nước của nhân dân thời Lý-Trần phát triển lên một bước mới. Điều này được thể hiện rõ nét ở niềm tự hào dân tộc, ý thức cao độ về quyền độc lập tự chủcủa đất nước. Các nhà chính trị thời kỳ này luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của bản thân. Bởi bên cạnh vai trò của một vị thiền sư họ còn là một nhà chính trị, có trách nhiệm với vận mệnh đất nước. Tuy là phật tử, song họ sẵn sàng thân chinh cầm quân đánh giặc, bởi theo họ đánh giặc để cứu dân, cứu nước,cũng là Thiền.

Trong đường lối trấn áp các thế lực chống đối, giải quyết vấn đề xã hội. Thời Lý-Trần, việc trấn áp các thế lực chống đối không phải lúc nào cũng kết thúc bằng “máu”, mà lại bằng hình phạt rất khoan dung, nhân đạo. Có thể thấy, nhân sinh quan Phật giáo cũng ảnh hưởng mạnh mẽ trong lối ứng xử của các nhà chính trị(Thái Tử Phật Mã thời Lý; thời Trần có vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông...) với những kẻ chống đối.Không chỉ khoan hồng cho anh em thân tộc, vua cũng thực hiện chính sách miễn-giảm tội cho quan lại có ý đồ phản trắc, nhằm lấy sự khoan dung, nhân để cảm phục lòng người mà từ bỏ đi ý nghĩ xấu. Cũng nhờ tinh thần ấy, ở triều đại Lý và Trần đều không xảy ra bạo độnglớn, không thường xuyên có cảnh tranh cướp ngôi vua,anh em trong hoàng tộc chém giết lẫn nhau.

Để phát triển đất nước, giai cấp thống trị thời Lý-Trần rất chú trọng tới nông nghiệp. Vua còn trực tiếp xuống cày ruộng với dân, phạt nặng những người trộm trâu, giết bò, gây khốn đốn cho việc cày cấy của nông dân.Các chính sách xã hội dưới thời Lý - Trần cũng thấm đượm tinh thần nhân văn của Phật giáo. Đối với người dân nghèo, triều đình cũng có những chính sách để giảm bớt khó khăn: phát chẩn; chế thuốc phát cho người bệnh; miễn thuế hoặc giảm thuế khi mất mùa, sau khi đánh trận và cả khi được mùa; giảm tội cho tù nhâncải tạo tốt. Đây đúng là một cung cách ứng xử của một đấng minh quân đã thấm nhuần triết lý từ bi, hỷ xả của Phật giáo.

Có thể thấy, triều đại Lý - Trần đã lựa chọn được hệ tư tưởng mà nhân dân yêu mếnvà triển khai nó trong các chủ trương, đường lối trị nước. Khi lựa chọn được hệ tư tưởng phù hợp, bản thân các nhà chính trị Lý-Trần đã chuyên tâm học tập và thực hànhtư tưởng đó trongthực tiễn, khiến cho người dân tin tưởng và hết lòng ủng hộ triều đình, giúp công cuộc ổn định và phát triển đất nước ngày càng hiệu quả.

_______________

(1) Tôn giáo bản địa là tôn giáo phát sinh tại một địa phương trong một cộng đồng dân cư nhất định. Ban đầu, nó thường có nguồn gốc từ tín ngưỡng rồi phát triển thành tôn giáo có tổ chức (giáo hội, tăng đoàn) và thành các hình thức tôn giáo cao hơn.

(2) Tôn giáo truyền thống là tôn giáo đã có được bề dày lịch sử nhất định với một dân tộc, một nền văn hóa, mà nhiều giá trị của nó được chấp nhận và trở thành giá trị văn hóa chung của một cộng đồng hay một dân tộc, song quan hệ của nó với Nhà nước không ở tầm hệ tư tưởng chính thống.

(3) Quốc giáo là tôn giáo có quan hệ chặt chẽ với Nhà nước, tư tưởng của nó được Nhà nước sử dụng như hệ tư tưởng chính thống để định hướng các nhiệm vụ chính trị của quốc gia.

(4) Tôn giáo dân tộc là tôn giáo được Nhà nước và đông đảo người dân sử dụng như hệ tư tưởng đại diện cho dân tộc.

(5) Viện nghiên cứu lịch sử: Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý - Trần, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980, tr.617-618.

(6) Nguyễn Lang:Việt Nam Phật giáo sử luận, t.1, Nxb Văn học, Hà Nội, 1992, tr.231-232.

(7) Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Kế sách giữ nước thời Lý - Trần, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.186.

(8) Đại Việt sử ký toàn thư (tái bản 2011), Nxb Thời đại, Hà Nội, tr. 198.

(9) Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học: Thơ văn Lý - Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988,  tr.397.

 

ThS Nguyễn Lan Anh

Học viện Ngân hàng, Phân viện Bắc Ninh

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền