Trang chủ    Diễn đàn    Hướng đi nào cho báo chí trong môi trường truyền thông số (Nhìn từ trường hợp báo chí Việt Nam)
Thứ tư, 01 Tháng 3 2017 13:26
3195 Lượt xem

Hướng đi nào cho báo chí trong môi trường truyền thông số (Nhìn từ trường hợp báo chí Việt Nam)

(LLCT) - Trong bối cảnh cơn lốc của truyền thông, khả năng kết nối rộng mở, giao tiếp đa cấp độ; làm thay đổi vai trò, vị thế công chúng xã hội, truyền thông và báo chí đang phát triển hay truyền thông vì sự phát triển bền vững, phục vụ sự phát triển bền vững, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, phức tạp, rủi ro; để chiến thắng được trong cạnh tranh với truyền thông xã hội và mạng xã hội cần: cung cấp thông tin kịp thời, phong phú, đa chiều và bảo đảm tin cậy; chủ động tăng cường kết nối các mạng xã hội và truyền thông xã hội; gia tăng kết nối phát triển năng lực giám sát và phản biện xã hội; xác định rõ triết lý phát triển; điều chỉnh cơ cấu các loại hình, phương thức kết nối; đào tạo nguồn nhân lực báo chí; ...

 

Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi như cơn lốc của truyền thông và do truyền thông tạo ra. Vụ hồ sơ Panama không chỉ là một dấu mốc thay đổi về chất của báo chí điều tra, mà nó còn là một ví dụ tiêu biểu cho cuộc cách mạng truyền thông, đang đặt các lĩnh vực của cuộc sống vào trạng thái thay đổi mới, cũng không kém so với cuộc cách mạng truyền thông, từ kinh tế và kinh doanh, chính trị và văn hóa cho đến đời sống an sinh xã hội.

Cuộc cách mạng truyền thông trước hết xuất phát từ kỹ thuật và công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển từ web2.0 lên 3.0 và rồi sẽ đến 4.0, theo đó dẫn công chúng đến những thay đổi căn bản. Quá trình này đã và đang tạo dựng môi trường truyền thông số trên phạm vi toàn cầu.

Môi trường truyền thông số tạo nền tảng kỹ thuật và công nghệ, mở rộng khả năng kết nối và môi trường thông tin - giao tiếp ở mọi cấp độ, giúp con người hiểu chính bản thân hơn và kết nối cộng đồng đa dạng hơn; trên cơ sở đó, các vòng xoáy, các tầng nấc quan hệ được kết nối và thâm nhập tạo thành các vỉa tầng thông tin cho phép con người hình thành siêu khám phá trong siêu liên kết hay siêu kết nối. Từ đây, hai quá trình đại chúng hóavà phi đại chúng hóađan xen, phát triển.

Cách mạng truyền thông số đã và đang làm thay đổi vai trò, vị thế công chúng xã hội. Công chúng xã hội ngày nay có thể được phân hóa thành hai khối có sự chuyển dịch ngược nhau. Instagram đã có hơn 300 triệu người sử dụng, với WhatsApp là hơn 700 triệu, còn mạng xã hội Facebook đã thu hút được 1,5 tỷ người sử dụng. Con số này đưa Facebook trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới và được định giá 350 tỷ USD trong năm 2016, trở thành công ty có giá trị lớn thứ 6 Hoa Kỳ. Sự phát triển của điện thoại thông minh (smart-phone) góp phần không nhỏ vào sự bùng nổ của mạng xã hội. Theo số liệu thống kê của Statista, đến năm 2017, gần 1/3 dân số thế giới sử dụng điện thoại thông minh. Các chức năng chụp ảnh, ứng dụng mạng xã hội đã đẩy lên Facebook 350 triệu bức ảnh mỗi ngày. Công chúng báo chí cũng phân hóa theo, các nhật báo lớn tại Hoa Kỳ như USAToday, New York Times, Washington Post hay DailyMail và Telegraphy của Anh đều chứng kiến số lượng độc giả đọc bằng điện thoại vượt trội so với số lượng độc giả đọc bằng máy tính. Công chúng truyền thông xã hội và mạng xã hội gia tăng nhanh, trong khi công chúng báo chí giảm mạnh, tuy nhiên tốc độ suy giảm này tùy theo các châu lục, các khu vực và các nước.  Công chúng nào báo chí ấy. Cơ cấu sức mạnh thực tế của truyền thông xã hội thay đổi, báo chí truyền thống đang mất dần vị thế thống trị, nhường chỗ cho truyền thông xã hội... Nếu như trước đây, báo chí độc quyền khơi nguồn, truyền dẫn, định hướng và điều hòa dư luận xã hội thì ngày nay vai trò đó thậm chí chủ yếu bắt nguồn từ mạng xã hội.

Trong bối cảnh ấy, báo chí đang phát triển sẽ như thế nào?

1. Truyền thông và báo chí đang phát triển

Truyền thông phát triển (Development Communication) hay Truyền thông vì sự phát triển bền vững(Development Support Communication) là một khái niệm khá mới mẻ nếu so với lịch sử phát triển của ngành báo chí - truyền thông.

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với khái niệm Truyền thông phát triển(TTPT). Tuy nhiên, các cách tiếp cận này đều có một điểm chung đó là “dùng truyền thông thúc đẩy phát triển”, hoặc truyền thông với sứ mệnh phát triển bền vững, hoặc truyền thông phục vụ phát triển bền vững...

Ý tưởng cơ bản của Truyền thông phát triển(TTPT) là làm thế nào để truyền thông phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, đặc biệt ở các nước đang phát triển, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, rủi ro và nguy cơ. Theo Giáo sư Steven Strogatz (Cornell University), truyền thông xã hội dễ khiến người sử dụng quá tập trung vào những mối quan hệ “ảo” mà đánh mất đi những mối quan hệ “thật” trong cuộc sống. Không ít các công ty đã phải chặn các trang mạng xã hội vì chúng làm giảm năng suất lao động trong khối văn phòng. Tổ chức nghiên cứu Nuclues cho rằng, mạng xã hội làm giảm ít nhất 1,5% năng suất lao động và khiến các công ty tại Anh mất 2,2 tỷ USD mỗi năm.

Hiện nay, phần lớn học giả và các chuyên gia trong lĩnh vực TTPT cho rằng TTPT là một loại hình báo chí và loại hình báo chí này đòi hỏi một phương pháp tiếp cận đặc biệt được gọi là phương pháp tham gia(participatory method). Họ bác bỏ mô hình truyền thông “từ trên xuống” (top-down model) bởi theo họ, mô hình này không thể hiện được nhu cầu của người dân(1). Mencốt cho rằng cần phải có một cơ cấu để cho TTPT hoạt động và ông đề xuất mô hình truyền thông tuyến tính (linear), tức là truyền thông có sự tham gia và không chỉ để phục vụ nguồn phát thông tin(2). Trong cuốn “Độc lập, Tự do và Cách mạng”(3), tác giả Trần Văn Đỉnh đề xuất mô hình truyền thông có tên “Truyền thông và Biến đổi”, trong đó truyền thông đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình biến đổi của xã hội. Ông cho rằng truyền thông tại các nước đang phát triển cần có dạng thức đơn giản bởi phần lớn người dân tại các nước này là nông dân.

Trong cuốn Truyền thông - lý thuyết và kỹ năng cơ bản(4), các tác giả cũng đề cập đến chu trình truyền thông như một lý thuyết cơ bản, ở đó, công chúng là điểm khởi đầu và điểm kết thúc trong nghiên cứu phản hồi; lấy công chúng làm trọng. Đồng thời, cuốn sách cũng làm rõ về truyền thông tương tác, truyền thông nhiều chiều và có sự tham gia của công chúng. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động báo chí - truyền thông, các lý thuyết này mới đang từng bước được chú trọng.

2. Từ bản chất xã hội của truyền thông đến lý thuyết can thiệp xã hội của báo chí

Mỗi châu lục hay khu vực và quốc gia đều có những vấn đề cụ thể của mình, nhưng báo chí các nước đang phát triển đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn. Điều này có thể do ở các nước đang phát triển đang ở giai đoạn với những thay đổi nhanh chóng, đa dạng của quá trình tìm kiếm mô hình phát triển; bản thân các vấn đề trong quá trình phát triển cũng đa dạng và phức tạp hơn. Do đó, báo chí đang phát triển vừa đáp ứng quá trình thay đổi của đất nước mình trong xu thế hội nhập toàn cầu, vừa tự thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình toàn cầu hóa.

Càng đáp ứng những vấn đề trên đây, báo chí đang phát triển ngày càng thể hiện bản chất xã hội của truyền thông phát triển: là phương tiện và phương thức thông tin - giao tiếp xã hội; phương tiện và phương thức kết nối xã hội; phương tiện và phương thức can thiệp xã hội.

Từ thông tin - giao tiếp  -> kết nối xã hội ->can thiệp xã hội là các cấp độ thể hiện bản chất xã hội của truyền thông. Nói cách khác, mục đích cuối cùng của truyền thông là can thiệp xã hội; tức là trên cở sở đáp ứng nhu cầu thông tin - giao tiếp của công chúng xã hội, truyền thông thể hiện phương tiện và phương thức kết nối xã hội, từ đó tạo lập sức mạnh xã hội để can thiệp xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội đang đặt ra.

Từ lý thuyết can thiệp xã hội của truyền thông có thể miêu tả vắn tắt về sự can thiệp của báo chí như sau: Báo chí cung cấp thông tin, kiến thức và tạo diễn đàn giao tiếp xã hội cho công chúng để họ có thêm cơ hội chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm theo nhu cầu thực tế và về các vấn đề đang đặt ra; trên cơ sở ấy, giúp công chúng xã hội mở mang hiểu biết, làm cơ sở thay đổi nhận thức; từ đó, báo chí - truyền thông góp phần làm thay đổi, điều chỉnh thái độ và hành vi xã hội của công chúng xã hội và cộng đồng nói chung.

Trong bối cảnh truyền thông thay đổi hiện nay đang đặt ra cho báo chí đang phát triển một số vấn đề sau:

- Có một dòng di cư mạnh mẽ của báo chí truyền thống sang “trú ngụ, làm tổ” ở truyền thông xã hội. Thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI cho thấy sự suy giảm công chúng, thị trường của báo in và báo chí truyền thông nói chung ở Hoa Kỳ và châu Âu, thì đến thập niên thứ 2 lại đang chứng kiến tình hình này ở châu Á, tuy nhiên quá trình này diễn ra chậm chạp ở Nhật Bản và Ấn Độ. Tất nhiên, sự suy giảm công chúng báo chí ở một số nước không chỉ do truyền thông xã hội mà còn do quan điểm và cách thức làm báo truyền thống.

Nguyên tắc “công chúng nào báo chí ấy” đang đặt ra những thách thức lớn cho báo chí đang phát triển, bởi sự thay đổi của báo chí “chưa đủ” thích ứng với những thay đổi từ công chúng dẫn đến báo chí đang phát triển đang đánh mất công chúng, mất thị trường.

-Sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ truyền thông đang làm xáo trộn đời sống cư dân và đặt ra thách thức cho báo chí trên các bình diện kinh tế - sức chi trả, văn hóa - thói quen tiêu dùng, tâm lý giao tiếp và khả năng lựa chọn thông tin có ích cho sự phát triển...

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch đến năm 2020, hệ thống kỹ thuật truyền hình và phát thanh chuyển sang kỹ thuật - công nghệ số. Đây là một thách thức không nhỏ trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật - công nghệ bởi sẽ cần nguồn vốn đầu tư lớn trong khi ít có cơ quan báo chí có khả năng tự lo nguồn vốn đầu tư.

Tính đến năm 2015(5), cả nước có 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in (86 báo Trung ương, 113 báo địa phương), 658 tạp chí (521 tạp chí Trung ương, 137 tạp chí địa phương), 1 hãng thông tấn quốc gia. Trong 5 năm (2011-2015), số lượng cơ quan báo chí tăng 71 cơ quan (5 báo, 66 tạp chí).

- Về báo chí điện tử, cả nước có 105 báo, tạp chí điện tử (tăng 7 báo so với năm 2014). Trong đó có 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập. Tổng số trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí được cấp phép là 248. Trong 5 năm (2011-2015), số lượng cơ quan báo chí điện tử tăng 44.

- Về phát thanh, truyền hình (PTTH), có 67 đài PTTH (2 đài quốc gia là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; có 183 kênh chương trình PTTH quảng bá (106 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 77 kênh chương trình phát thanh quảng bá); 75 kênh chương trình truyền hình trả tiền. Trong giai đoạn 2011-2015, một số đơn vị mới tham gia hoạt động truyền hình, đánh dấu sự phát triển của truyền hình trong xu thế hội tụ và cùng khai thác cơ sở hạ tầng, đó là: Đài Tiếng nói Việt Nam (Kênh Truyền hình VOV TV, Kênh Truyền hình Quốc hội); Trung tâm PTTH, Điện ảnh Công an nhân dân của Bộ Công an (Kênh Truyền hình ANTV); Trung tâm Truyền hình Thông tấn - TTXVN (Kênh VNews); Trung tâm PTTH Quân đội (Kênh Truyền hình Quốc phòng); Báo Nhân dân (Kênh Truyền hình Nhân dân).

Như vậy, trong khi công chúng báo chí thế giới giảm, hàng ngàn lao động báo chí mất việc làm, thì ở Việt Nam, số lượng cơ quan báo chí vẫn gia tăng, lao động báo chí cũng gia tăng (chủ yếu ở các cơ quan báo chí mới được thành lập).

Đối với báo in, số lượng phát hành giảm đáng kể. Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh (tờ báo có số phát hành lớn nhất Việt Nam), trong 10 năm qua giảm gần 50%. Báo Thanh niên, Tiền phong,... cũng tương tự. Thu nhập bình quân của đội ngũ những người làm báo giảm, thậm chí một số cơ quan báo chí nợ nhuận bút của phóng viên.

Vấn đề cân đối thu - chi tài chính của các cơ quan báo chí không đồng đều và suy giảm, trong khi nguồn hỗ trợ của Nhà nước đang được cơ cấu lại cho hợp lý hơn.

Tình hình nêu trên đòi hỏi báo chí Việt Nam cần có sự đổi mới, cần được cơ cấu lại trên phạm vi vĩ mô và vi mô, tức là trên bình diện các loại hình báo chí cũng như đối với mỗi cơ quan báo chí; đồng thời mở rộng và đa dạng hóa kết nối truyền thông xã hội, mạng xã hội.

Trong môi trường truyền thông số hiện nay, để báo chí đang phát triển chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với truyền thông xã hội và mạng xã hội, phụ thuộc vào việc thực hiện hiệu quả một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, báo chí phải cung cấp thông tin kịp thời, đa dạng, phong phú, nhiều chiều và bảo đảm độ tin cậy nguồn tin cho công chúng xã hội. Giải quyết vấn đề này, cơ quan báo chí vừa phải giảm lao động cơ hữu, vừa gia tăng kết nối xã hội - bảo đảm cơ quan báo chí là địa chỉ siêu kết nối, các nhà báo trong tòa soạn tích hợp đa kỹ năng. Nhà báo không chỉ cần tích hợp đa kỹ năng, bảo đảm khả năng săn tin và kết nối nguồn tin xã hội, mà còn cần có kỹ năng chọn lựa, thẩm định nguồn tin và khả năng phân tích, đánh giá thông tin để vừa bảo đảm thông tin có chọn lọc vừa phân tích, đánh giá, bình luận để giúp công chúng hiểu rõ bản chất các sự kiện và vấn đề đang diễn ra. Có lẽ đây là cơ sở quan trọng thu hút công chúng xã hội, gây dựng niềm tin nơi công chúng, chiếm lĩnh thị trường thông tin.

Như vậy, sức mạnh xã hội và tiềm lực báo chí sẽ được nâng cao, báo chí chiếm lĩnh được thị trường, tăng nguồn thu, có cơ hội thu hút nguồn lực, đổi mới kỹ thuật - công nghệ.

Thứ hai, báo chí cần tăng cường kết nối với các mạng xã hội và truyền thông xã hội nói chung để vừa tạo nên sức mạnh thực tế của báo chí trong môi trường truyền thông số, vừa tham gia chiếm lĩnh thị trường thông tin, định hướng thông tin. Nếu như sức mạnh của truyền thông xã hội, mạng xã hội là tính nhanh nhạy kịp thời, tính đa dạng, phong phú của nguồn tin, thì cũng cần nhìn rõ hơn sức mạnh của báo chí là độ tin cậy và tính chính danh của nguồn tin.

Kết nối, sàng lọc, đánh giá và phân tích thuyết phục trong một mạng lưới truyền thông xã hội nói chung có thể là phương thức thích ứng của báo chí trong môi trường truyền thông số.

Thứ ba, báo chí cần tăng cường kết nối phát triển năng lực giám sát và phản biện xã hội trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách công, cũng như xây dựng, thực hiện các quyết sách liên quan đến cộng đồng, nhất là trong các vấn đề chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường,...

Đối với các nước đang phát triển, báo chí cần gia tăng khả năng giám sát, phản biện xã hội để bảo đảm quá trình ban hành và thực thi chính sách công vì mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời thông qua đó thu hút, tập hợp công chúng xã hội. 

Thứ tư, mỗi nền báo chí và mỗi cơ quan báo chí xác định và thể hiện rõ triết lý phát triển trong môi trường truyền thông số để xây dựng thương hiệu, tạo nên đẳng cấp của mình.

Thứ năm, cần có sự điều chỉnh cơ cấu các loại hình báo chí cũng như phương thức kết nối và tồn tại của mỗi loại hình này theo hướng báo in và sản phẩm in ấn cần tái cấu trúc, thậm chí giảm nhật báo, tăng các ấn phẩm đáp ứng nhu cầu thông tin theo các nhóm đối tượng, đầu tư phát triển các sản phẩm thông tin mạng điện tử và phương tiện di động cá nhân.

Ngoài báo mạng điện tử có khả năng siêu kết nối và multimedia, khả năng cập nhật tin tức từng giây, báo in hay PTTH, cần tìm kiếm mọi cơ hội và phương thức kết nối, tập trung vào hai hướng chính: lựa chọn tin tức có ý nghĩa xã hội gắn với công chúng và nguồn tin tin cậy; phân tích, đánh giá sự kiện, vấn đề thời sự một cách thuyết phục.

Cơ cấu lại nền báo chí, tái cấu trúc lại theo hướng kết nối với truyền thông xã hội và mạng xã hội, gắn bó với công chúng và dư luận xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh công chúng - thị trường - khách hàng; trên nền tảng ấy, báo chí ngày càng thể hiện phương tiện và phương thức hoạt động chính trị - xã hội cũng như phương tiện và phương thức hoạt động kinh tế.

Thứ sáu, các nước đang phát triển cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông theo hướng chuyên nghiệp hơn, giúp người học tích hợp đa kỹ năng, chú trọng năng lực lựa chọn sự kiện, chọn lọc thông tin và năng lực phân tích đánh giá sự kiện, vấn đề cũng như khả năng kết nối truyền thông và thu hẹp quy mô đào tạo; tránh xu hướng bị sức hút của kỹ thuật - công nghệ lấn át kỹ năng mềm của báo chí chuyên nghiệp. Đây là bài toán khó khi giải quyết mâu thuẫn giữa chất lượng của tính chuyên nghiệp và khả năng cân đối tài chính của các cơ sở đào tạo, cũng như áp lực xã hội về nhu cầu học tập.

Thứ bảy, với tư cách trung tâm kết nối xã hội, với lực lượng nhà báo chất lượng cao, các tòa soạn cần chú trọng phát triển đội ngũ cộng tác viên, nhà báo công dân. Đào tạo lại các biên tập viên, phóng viên để họ thay đổi phong cách làm việc, kết nối và hướng dẫn các nhà báo công dân.

Báo chí truyền thống, báo chí công dân, mạng xã hội, truyền thông xã hội trong môi trường truyền thông số với các thế hệ web 3.0 và 4.0 cùng với các phương tiện truyền thông cá nhân đang làm thay đổi căn bản nội dung, cơ cấu và phương thức tồn tại của báo chí đương đại.

Với các cấu trúc và trật tự xã hội cùng với hàng loạt vấn đề của mình, các nước đang phát triển đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Báo chí - truyền thông các nước đang phát triển cũng đang đứng trước những cơ hội và thách thức của sự phát triển trên phạm vi vĩ mô cũng như vi mô, trong nhận thức và tư duy, phong cách và hệ kỹ năng tác nghiệp mới, do môi trường truyền thông số đòi hỏi.

Báo chí Việt Nam cũng đang chuẩn bị và triển khai các điều kiện và phương hướng cho sự phát triển, từ đổi mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật - công nghệ truyền thông với mục tiêu số hóa 100% hệ thống PTTH vào năm 2020, đổi mới cơ sở kinh tế của hoạt động báo chí theo hướng tự chủ và tự chịu trách nhiệm, tổ chức lại các cơ quan báo chí, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế bảo đảm tận dụng kết nối, khai thác mọi nguồn lực cho sự phát triển... Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là nguồn nhân lực báo chí - truyền thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật - công nghệ cũng như bám sát và phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2016

(1) Tác giả dùng từ “grassroots”, trong tiếng Anh có nghĩa là “thường dân” hay là nông dân hoặc người nghèo.

(2) Srinivas R. Melkote, International and Development Communication: a 21st Century Perspective, (Sage Publications, 2001), 141.

(3) Trần Văn Đỉnh: “Independence, Liberation, Revolution”, học giả Việt Nam giảng dạy Chính trị quốc tế và Truyền thông, Đại học Temple.

(4) Nguyễn Văn Dững (Chủ biên) và Đỗ Thị Thu Hằng: Truyền thông - lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

(5) Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, công bố ngày 30-12-2016 tại Hội nghị báo chí toàn quốc 2015.

 

PGS, TS Nguyễn Văn Dững

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền