Trang chủ    Diễn đàn    Đảm bảo quyền bào chữa theo quy định của Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 11:33
6736 Lượt xem

Đảm bảo quyền bào chữa theo quy định của Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

(LLCT) - Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đặt mục tiêu: Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp là phải nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp. Theo đó, yêu cầu đầu tiên đối với hoạt động cải cách tư pháp là phải đảm bảo cho bị can, bị cáo thực hiện được quyền tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

1. Khái niệm quyền bào chữa

Một trong những hình thức đầu tiên và cơ bản nhất để đảm bảo thực hiện quyền con người, đó chính là ghi nhận công dân có quyền tự bảo vệ mình trước bất kỳ sự xâm phạm nào. Trong quan hệ pháp luật hình sự, mối quan hệ giữa một bên là người bị tình nghi phạm tội hay người bị buộc tội và một bên là đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng, có nghĩa vụ chứng minh hành vi phạm tội của người bị tình nghi là có hành vi phạm tội. Trong mối quan hệ này, “Người bị buộc tội là phạm một tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi tội của người đó được chứng minh theo pháp luật”(1). Để chống lại xu hướng áp đặt của các cơ quan tiến hành tố tụng, pháp luật đã dành cho người bị buộc tội quyền tự bảo vệ mình, chứng minh mình vô tội trước các cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng, đó chính là quyền bào chữa. Quyền này đã được chính thức ghi nhận trong Tuyên ngôn về nhân quyền của Liên Hợp quốc: “bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ”(2).Quyền bào chữa được xem xét ở 3 khía cạnh: chủ thể được hưởng quyền; nội dung của quyền; và giới hạn của chủ thể.

Thứ nhất, về chủ thể của quyền. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, chủ thể của quyền bào chữa bao gồm: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử”. Theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, chủ thể của quyền bào chữa là “người bị buộc tội”, điểm đ Khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) giải thích người bị buộc tội gồm “Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”. So sánh hai chủ thể của quyền bào chữa giữa Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng, hình sự thì chủ thể của quyền bào chữa theo Hiến pháp năm 2013 được quy định một cách đầy đủ và chi tiết hơn nhưng cả hai quy định đều có điểm chung là quyền bào chữa chỉ dành cho người bị tình nghi. Một số quan điểm còn cho rằng, chủ thể của quyền bào chữa gồm cả luật sư, trợ giúp viên pháp lý và những chủ thể khác được pháp luật quy định vì họ được thực hiện quyền bào chữa trong TTHS. Mặc dù luật sư, trợ giúp pháp lý hay chủ thể khác được pháp luật quy định có quyền bào chữa nhưng thực chất chủ thể hưởng quyền không phải là họ mà những chủ thể này là người được “người bị buộc tội” ủy quyền để giúp họ thực hiện quyền bào chữa một cách tốt nhất, trong điều kiện “người bị buộc tội” không nắm rõ các quy định của pháp luật. Bộ luật TTHS 2015 khẳng định: “người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa”(3). Bản thân của luật sư, trợ giúp viên pháp lý hay chủ thể khác do pháp luật quy định không thể mặc nhiên phát sinh quyền bào chữa trong vụ án hình sự nếu không tồn tại chủ thể bị buộc tội. Do đó, không thể coi luật sư, trợ giúp pháp lý và những chủ thể khác là chủ thể của quyền bào chữa. “Quyền bào chữa chỉ thuộc về bị can, bị cáo chứ không thuộc về đối tượng nào khác và quyền này chỉ giới hạn trong việc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ lời buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho bị can, bị cáo”(4).

Thứ hai, về giới hạn của quyền bào chữa. Theo Hiến pháp 2013 thì phạm vi hưởng quyền bào chữa từ lúc một người bị bắt, bị áp dụng các biện pháp chế tài đến khi kết thúc việc xét xử. Quyền bào chữa là một quyền đặc biệt của người bị buộc tội bảo vệ mình trước các hành vi của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quan hệ pháp luật hình sự, nên quyền này phát sinh từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân bị hạn chế bởi các hoạt động tố tụng và kết thúc khi có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng khẳng định người này có tội hoặc không có tội. Như vậy, các hoạt động điều tra ban đầu không làm ảnh hưởng hay hạn chế các quyền lợi của cá nhân hoặc sau khi có bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng để khẳng định có tội hay không có tội chỉ là quyền tự bảo vệ ngoài tố tụng hình sự (quyền bảo vệ dân sự), nên không thể xem là quyền bào chữa.

Thứ ba, về nội dung của quyền bào chữa.Trong TTHS, quyền bào chữa luôn song hành với nguyên tắc suy đoán vô tội: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”(5). Nội dung của quyền bào chữa không phải là chống lại sự buộc tội mà phải khẳng định quyền bào chữa là quyền để chống lại sự vi phạm pháp luật của các chủ thể tiến hành tố tụng hay quyền buộc những chủ thể tiến hành tố tụng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, có thể khái quát “quyền bào chữa là quyền của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử dùng để bảo vệ trước các chủ thể tiến hành tố tụng từ thời điểm bị buộc tội đến khi có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về việc có tội hay không có tội”.

2. Chính sách, pháp luật Việt Nam về bảo đảm quyền bào chữa

Trong Văn kiện Đại hội Đảng (2001), Đảng ta đã xác định tiếp tục đẩy mạnh cải cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế, đồng thời, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Ngày 2-1-2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, trong đó nêu rõ: “đảm bảo tranh tụng dân chủ giữa kiểm sát viên tại phiên tòa với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác”, “các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa...”.

Ngày 24-5-2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong đó nêu rõ: “lấy kết quả tranh tụng tại tòa làm căn cứ quan trọng để phán quyết bản án, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp”.

Song song với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 về thực hiện chủ trương và triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp (sau đây gọi là Nghị quyết số 49). Theo đó, một trong các nhiệm vụ cải cách tư pháp đến năm 2020 được xác định trong Nghị quyết 49 là phải “đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử,... Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.

Các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 đều xếp quyền bào chữa trong chương về cơ quan tư pháp. Hiến pháp năm 1992 quy định ghi nhận quyền bào chữa của bị can, bị cáo như là yêu cầu và nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân khi thực hiện việc xét xử. Điều 132 Hiến pháp 1992: Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm. Bị cáo có thể tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho mình. Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Như vậy, quyền bào chữa của người bị buộc tội chỉ được đảm bảo thực hiện trong phạm vi của giai đoạn tại Tòa án (giai đoạn xét xử). Khắc phục hạn chế này, Hiến pháp năm 2013 không chỉ quy định quyền bào chữa của bị can, bị cáo là một nguyên tắc của hoạt động xét xử mà quyền bào chữa còn được mở rộng đối với “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử”(11). Quyền bào chữa trong Hiến pháp 2013 được sắp xếp trong nhóm quyền cơ bản của công dân, quyền con người. Như vậy, Hiến pháp đã xác định rõ quyền bào chữa là quyền con người, quyền công dân nên không chỉ cơ quan xét xử mà tất cả các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội phải có trách nhiệm tôn trọng và được Nhà nước đảm bảo thực hiện.

Thực hiện cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013, nhiều văn bản luật ra đời nhằm tạo cơ chế pháp lý bảo đảm thực hiện quyền bào chữa như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát, Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý... và nhiều văn bản dưới luật khác.

Các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về cơ bản đã đáp ứng được những đòi hỏi của các quy định quốc tế về bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự, bao gồm quyền được bào chữa, quyền được xét xử công bằng. Tuy nhiên, các quy định này còn có những hạn chế, bất cập, đó là:

Theo quy định của Bộ luật TTHS 2015 thì người bị buộc tội có quyền nhờ người bào chữa(7),nhưng ngay cả khi người bị buộc tội được giải thích đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền bào chữa, họ vẫn khó tiếp cận được với người bào chữa, bởi họ đang bị tạm giữ, tạm giam. Mặt khác, người bị buộc tội không có người thân thích hoặc có người thân thích nhưng không đủ điều kiện về năng lực dân sự thì cũng khó có thể liên hệ người bào chữa thay cho người bị buộc tội.

Việc thay thế thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa thành thủ tục đăng ký bào chữa làm cho thủ tục tham gia tố tụng của người bào chữa được rút ngắn hơn. Tuy nhiên, Bộ luật TTHS 2003 và Bộ luật TTHS 2015 đều không quy định khoảng thời gian đủ để chuẩn bị cho công tác bào chữa. Vấn đề này thường gặp trong giai đoạn xét xử, khi mà sau khi có quyết định xét xử (thậm chí đến ngày xử) luật sư mới gửi các thủ tục tham gia tố tụng đến tòa án. Những trường hợp này là quá ngắn để luật sư đủ thời gian để nghiên cứu hồ sơ, tiếp xúc với người bị buộc tội nhằm đảm bảo cho việc bào chữa tại tòa. Những quy định của Bộ luật TTHS 2003 và Bộ luật TTHS 2005 chỉ được hoãn phiên tòa khi: Vắng mặt người bào chữa lần thứ nhất mà không có lý do chính đáng” nên yêu cầu của người bào chữa hoãn phiên tòa để có thời gian nghiên cứu hồ sơ và tiếp xúc với bị can, bị cáo nhiều khi không được chấp nhận. Nên thực tế rất nhiều luật sư đã ”cố tình” vắng mặt lần thứ nhất để hoãn phiên tòa để đảm bảo đủ thời gian tiếp xúc với hồ sơ và bị can, bị cáo.

Trong các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý, đối tượng được trợ giúp pháp lý không nhiều và thủ tục trợ giúp pháp lý còn phức tạp. Theo Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý, đối tượng trợ giúp pháp lý bao gồm: người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vànạn nhân theo quy định của pháp luật phòng, chống mua bán người và các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên(8). Trong khi đó, để được trợ giúp pháp lý, người dân phải nộp nhiều giấy tờ thủ tục tố tụng vốn chỉ được gửi cho bị can, bị cáo và người được trợ giúp pháp lý còn phải có các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý(9). Mặt khác, người bị tạm giữ sẽ khó có thể tìm được người bào chữa thông qua trợ giúp pháp lý ngay từ khi bắt đầu hỏi cung (ở giai đoạn điều tra) vì phải thực hiện một số thủ tục hành chính để có thể có được những giấy tờ nêu trên. Hơn nữa, các văn bản tố tụng nêu trên thường chỉ giao cho người bị tạm giữ, tạm giam mà không giao cho gia đình họ nên rất khó cho gia đình và bản thân người bị buộc tội có thể tiếp cận được trợ giúp viên pháp lý. Mặt khác, các chủ thể tiến hành tố tụng thường không chú trọng việc giải thích pháp luật về trợ giúp pháp lý, cũng như không yêu cầu trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng.

Pháp luật Việt Nam quy định người bị buộc tội có thể tự mình bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, nhưng trên thực tế, phần lớn người phạm tội thiếu hiểu biết về pháp luật. Do đó, người bị buộc tội khó có khả năng thực hiện việc tự bào chữa tại phiên tòa. Đặc biệt, đối với người bị tạm giữ, tạm giam mà không có người thân thích thì rất khó tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tố tụng hình sự và trách nhiệm hình sự đối với chính bản thân họ.

3. Một số kiến nghị nhằm đảm bảo quyền bào chữa

- Để đảm bảo cho việc áp dụng thống nhất pháp luật khi Bộ luật TTHS 2015 có hiệu lực, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp cần ban hành Thông tư liên tịch(10) về đảm bảo quyền bào chữa trong tố tụng hình sự từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử.

- Nguyên tắc khi thực hiện quyền bào chữa cho người bị buộc tội là cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải có trách nhiệm giải thích đầy đủ các quy định về quyền bào chữa. Để thực hiện tốt điều này, trong các giai đoạn tố tụng phải lập biên bản về việc giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị buộc tội, trong đó có quyền bào chữa, người bị buộc tội phải ký xác nhận là đã được giải thích các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Các biên bản này phải được lưu tại hồ sơ vụ án như một quy định bắt buộc.

- Để đảm bảo tốt nhất cho yêu cầu lựa chọn người bào chữa, các Đoàn luật sư, Trung tâm trợ giúp pháp lý cần có danh sách các luật sư và trợ giúp viên pháp lý (ghi rõ địa chỉ liên hệ, điện thoại, khái quát về năng lực...) gửi đến các cơ sở tạm giữ, tạm giam, được niêm yết công khai.

- Để đảm bảo tốt nhất cho quyền bào chữa, các nhà tạm giữ, trại tạm giam cần có phòng riêng cho việc tiếp xúc giữa người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam với người bào chữa.

Xây dựng quy chế làm việc của người bào chữa khi tiếp xúc với người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam tại nhà tạm giữ, trại tạm giam hoặc cơ sở giam giữ khác và được áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước.

- Cần có quy định hướng dẫn sau khi người bào chữa đăng ký bào chữa cho người bị buộc tội thì họ có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng tạm hoãn các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian hợp lý để họ có đủ thời gian nghiên cứu về vụ việc thực hiện quyền bào chữa.

- Trong trường hợp đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, bị cáo mới lựa chọn người bào chữa và người bào chữa có yêu cầu thì Hội đồng xét xử phải tạm hoãn phiên tòa để người bào chữa có đủ thời gian tiếp xúc với bị cáo và nghiên cứu hồ sơ vụ án.

- Để tăng cường việc bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự, Luật Trợ giúp pháp lý cần mở rộng phạm vi hoạt động của Trợ giúp viên pháp lý. Đồng thời, cần quy định trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí hoặc là thành viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà người bị buộc tội không có yêu cầu lựa chọn luật sư bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng phải có văn bản đề nghị Trung tâm trợ giúp pháp lý (nếu thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý) hoặc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu thuộc thành viên Mặt trận) cử người bào chữa cho họ. Trường hợp người bị buộc tội từ chối người bào chữa là trợ giúp viên pháp lý hoặc bào chữa viên nhân dân thì vẫn tiếp tục các hoạt động tố tụng. Nếu vi phạm thì tùy từng trường hợp có thể trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc hủy án để xét xử lại.

- Trại tạm giam, nhà tạm giữ và cơ sở giam giữ cần tạo điều kiện cho người bị buộc tội muốn tự mình bào chữa được tiếp xúc với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Hội đồng xét xử cần tạo điều kiện và cho phép bị cáo có quyền mang các tài liệu, văn bản liên quan để thực hiện quyền bào chữa của mình.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1) Khoản 2 Điều 14 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (1966).

(2) Xem Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền 1948.

(3) Xem Khoản 1, Điều 72 Bộ luật TTHS 2015.

(4) Xem nguồn: http://tks.edu.vn.

(5) Xem Điều 31, Hiến pháp 2013.

(6) Khoản 4 Điều 31 Hiến pháp 2013.

(7) Xem Điều 75 Bộ luật TTHS 2015.

(8) Xem Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12-1-2007 và Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 5-2-2013 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều Luật Trợ giúp pháp lý.

(9) Xem Thông tư của Bộ Tư pháp số 05/2008/TT-BTP ngày 23-9-2008: Hướng dẫn về nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.

(10) Xem Khoản 8 Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

 

ThS Hà Thái Thơ

ThS Huỳnh Xuân Tình

Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền