Trang chủ    Diễn đàn    Bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa với sự phát huy tự do sáng tạo
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 11:36
1884 Lượt xem

Bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa với sự phát huy tự do sáng tạo

(LLCT) - Lịch sử nhân loại, ở tầm phổ quát nhất, chính là lịch sử loài người từng bước vươn lên làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân. Cùng với sự tích lũy, phát triển tri thức, trí tuệ, hiểu biết và tiềm năng sáng tạo to lớn của mình, sức mạnh và năng lực, khả năng làm chủ tự nhiên, xã hội và bản thân của con người không ngừng được nâng cao theo hướng từng bước khống chế cái tất yếu, để từ “vương quốc của tất yếu bước sang vương quốc của tự do” (Ph.Ănghen).

Lịch sử cho thấy, bản tính và khát vọng của con người là hoạt động sáng tạo nhằm từng bước vươn tới tự do. Sứ mệnh vinh quang của con người là khẳng định, thể hiện và xây dựng vị thế làm chủ của mình đối với thế giới (tự nhiên, xã hội và chính con người), thông qua các cách thức tổ chức và hoạt động với tư cách là các thiết chế xã hội. Các thiết chế xã hội ngày một phù hợp, nâng cao và hoàn thiện cơ cấu tổ chức, phương thức quản lý, v.v.. làm cho bản tính và khát vọng tự do của con người hòa nhập với khả năng sáng tạo của con người. Hay nói cách khác, xã hội luôn tìm mọi cách để xây dựng chế độ dân chủ và thực hiện dân chủ, sao cho từng cá nhân phát huy được cao nhất năng lực và tiềm năng sáng tạo của mình.

CNXH với bản chất khoa học và cách mạng của nó, tuy trong bối cảnh hiện tại, đang có nhiều khó khăn, thậm chí trở ngại trên con đường phấn đấu để trở thành hiện thực, nhưng nó luôn là lý tưởng và có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với loài người tiến bộ, là vì nó thực hiện ước mơ phù hợp với bản tính và khát vọng con người: giải phóng loài người không chỉ về mặt xã hội, mà còn đem lại cho từng cá nhân sự bình đẳng và tự do, bảo đảm cho mọi thành viên xã hội thực hiện được lý tưởng của mình là tự hoàn thiện, nâng mình lên những trình độ làm chủ cao. Đó thực sự là xã hội không phải của một nhóm người, mà của mọi người và vì mọi người - xã hội dân chủ. Bản chất dân chủ XHCN thể hiện đầy đủ ý nghĩa của nó - sự thể hiện con người với tư cách vừa là động lực phát triển xã hội, vừa là mục đích tự thân của sự thể hiện bản chất sáng tạo, bản tính làm chủ của từng cá nhân với tư cách công dân.

Rõ ràng, bản chất dân chủ XHCN và tự do sáng tạo là luôn luôn thống nhất với nhau.Thực chất, chúng là hai vế, hai mặt của một vấn đề đề mang cùng một ý nghĩa là vì tiến bộ của loài người. Dân chủ XHCN là mục đích, đồng thời là điều kiện để con người chiếm lĩnh cái tất yếu, sáng tạo và cải tạo xã hội để đi tới vương quốc của tự do.

Dù đang vận động trong bối cảnh và diễn biến hết sức phức tạp, song các yếu tố vận động của xã hội (kinh tế, chính trị, văn hóa...) hiện đại đang chứng minh xu hướng tất yếu: tương lai của loài người là CNXH, đúng với nhận định của Đảng ta: Thời đại ngày nay là thời đại loài người đang quá độ lên CNXH. Và thực tế (khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị, mâu thuẫn văn hóa và sắc tộc...) trong thế giới hiện tại cho thấy, loài người chỉ có thể giải quyết được những vấn đề trọng đại và quyết định của mình bằng CNXH. Con người chỉ trở về được với chính mình, tức là con người chỉ có thể thực hiện được vai trò là chủ và làm chủ thế giới của mình, trong bản chất của một nền dân chủ XHCN đích thực.

Một trong những nguyên nhân thất bại của CNXH hiện thực sau hơn 70 năm tồn tại, cũng như sự trì trệ của các nước XHCN kiểu cũ, là do chúng được xây dựng chủ yếu trên những ý chí có tính ảo tưởng, xa rời CNXH khoa học với những thiết chế xã hội không đúng với các quy luật vận động tất yếu, bất chấp các yêu cầu và điều kiện khách quan và chủ quan, do đó, chúng bị mất đi sức sống và động lực phát triển từ bên trong, tức là chúng chỉ đi theo tiếng gọi của khát vọng, bị thủ tiêu sức sáng tạo của chính nó, mà nguyên nhân đầu tiên và chung nhất làm mất sức sống, động lực và sức sáng tạo đó là do xã hội chưa thực hiện được một nền dân chủ đích thực XHCN, chưa xây dựng được một nền dân chủ thực sự trong đời sống.

Thực hiện dân chủ thực sự - dân chủ XHCN chính là xây dựng cho được những điều kiện khách quan - chủ quan cho nhân dân, người chủ xã hội, người lao động thực hiện được ước mơ là chủ và làm chủ, đồng thời, chính là phát huy mọi sức mạnh bản chất Người trong chính con người họ, để họ tự do sáng tạo vì một xã hội mới, một tương lai đúng với khát vọng chân chính của con người.

Sự nghiệp cách mạng XHCN từ trong nội dung sâu xa của nó chính là sự thực hiện bản tính Người, cho nên, nó là mục đích của chính con người. Mục đích đó có thực hiện được hay không, phụ thuộc vào nội dung thiết chế, trình độ tổ chức và phương thức vận hành của xã hội. Thiết chế xã hội được xây dựng trên cơ sở của các quy luật khách quan và những điều kiện thực tế của xã hội được kết hợp một cách hợp lý với trình độ quản lý, năng lực hoạt động và ý chí của mọi thành viên trong xã hội sẽ là chỉ số kết quả của sự thực hiện mục đích. Khi một chế độ xã hội thực hiện được dân chủ như vậy - sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn dân - lúc đó sẽ khơi dậy được tận chiều sâu ý chí, nhiệt tình, tài năng cống hiến của mỗi công dân với tư cách là chủ thể xã hội, của toàn dân tộc. Tạo ra sự phù hợp giữa lý tưởng - mục đích xã hội với lý tưởng - mục đích của mỗi cá nhân, là điều kiện tiên quyết kích thích tinh thần tự do sáng tạo, đồng thời phát huy mọi tiềm năng ẩn chứa trong mỗi con người.

Nhà nước với tư cách là một cách thức tổ chức, một phương thức quản lý và là một chỉ số phản ánh trình độ hoạt động xã hội được thiết lập và vận hành theo đúng định hướng XHCN kết hợp được một cách biện chứng mục tiêu xa với mục tiêu gần, lợi ích lâu dài và lợi ích trước mắt, lợi ích xã hội với lợi ích cá nhân... sẽ thực sự trở thành phương tiện dân chủ của toàn dân. Nhiệt tình sáng tạo chỉ có được, tinh thần sáng tạo chỉ được phát huy trong tính tự giác và tự nguyện. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm Nhà nước thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân không chỉ trong lý thuyết, trong văn bản, mà quan trọng là trong thực tế, trong hoạt động, trong quyền hành thực sự của người dân, đó chính là chất kích thích mạnh mẽ tính tự giác, tinh thần tự nguyện của người dân, phát huy cao độ tinh thần tự chủ, độc lập sáng tạo.

Nói Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân cũng có nghĩa Nhà nước đó là thiết chế xã hội làm cho người dân thực sự trở thành người chủ xã hội. Bằng những cơ chế và pháp chế, trao quyền làm chủ xã hội thực sự cho người dân, cho người lao động, chính là trao cho mỗi thành viên xã hội trách nhiệm làm chủ công việc, lĩnh vực, sứ mệnh của mình, đưa mỗi con người với tư cách thành viên xã hội trở về đúng vị trí của bản thân. Đó chính là đem lại sự phù hợp giữa lý tưởng chân chính và sáng tạo chân chính. Tức là biến CNXH trở thành đối tượng của sự sáng tạo - CNXH như một mục tiêu cuốn hút, gợi mở, thôi thúc. Người lao động, chủ thể xã hội bằng mọi cách, tự tìm ra những con đường, những cách thức tối ưu không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ mà còn là nhu cầu và hứng thú chiếm lĩnh đối tượng. Khi xã hội tất cả vì mọi người, thì mọi người cũng tất cả vì xã hội; mục đích, quyền lợi cá nhân hòa với mục đích, quyền lợi xã hội; tình cảm cá nhân và tình cảm xã hội hòa làm một; trách nhiệm và nghĩa vụ trở thành niềm hưng phấn... thì lúc đó, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu, mỗi thành viên đều mang niềm tin vững chắc đối với lý tưởng xã hội, đem hết tài năng cống hiến cho lý tưởng và giành được những thành tựu to lớn như trong suốt lịch sử đấu tranh dân tộc ta đã từng làm(1).

Bản chất dân chủ XHCN là đem lại quyền tự do cho từng cá nhân. Trong phạm vi cục bộ và thời gian nhất định, chúng ta dễ nhận thấy xã hội tư bản đang chiếm ưu thế hơn trong vấn đề này khi đời sống xã hội ở đó cao hơn, song chỉ là ưu thế trong tính cục bộ; bởi vì sự đem lại tự do cho cá nhân ở đây không phải là cho mọi người. Về bản chất và xu hướng phát triển, có thể nói CNXH có khả năng cao hơn trong việc thực hiện quyền tự do. Tự do cá nhân ở đây không phải là sự thoát khỏi mọi ràng buộc ở bên ngoài theo ý muốn cá nhân, cũng không chỉ là cá nhân được thực sự là chính mình trong mọi quan hệ xã hội, tự nhiên và cuộc sống riêng - chung, v.v.. Cái bản chất của tự do cá nhân mà CNXH vươn tới là trình độ khống chế tự nhiên - xã hội, là năng lực thể hiện sức mạnh bản chất người, các tư chất, cá tính, mà cá tính cao nhất được biểu hiện ở bản lĩnh và tài năng sáng tạo... Trình độ khoa học, công nghệ, nghệ thuật, trình độ văn hóa, văn minh mà loài người đã đạt tới với nguyên tắc dân chủ XHCN sẽ tạo điều kiện mạnh mẽ cho việc phát huy khả năng thể hiện tự do cá nhân; và dân chủ XHCN là điều kiện tốt nhất của việc biến văn minh, trí tuệ loài người thành sức mạnh phát triển và thể hiện những cá tính độc đáo, những năng khiếu thiên bẩm của con người. Không chỉ là điều kiện cho sự nảy sinh và phát triển tối đa các bản sắc văn hóa, tình cảm, lý trí và tài năng, dân chủ XHCN còn là phương thức của chính bản thân tự do sáng tạo.

Nói đến sáng tạo, dù trong lĩnh vực nào, cũng là nói đến sự hoạt động tự do và niềm sảng khoái của tinh thần, của tâm hồn, của trí tuệ. Với tư cách là phương thức của tự do sáng tạo, một mặt, bản thân dân chủ phải là một cơ chế biểu hiện đúng hiện thân của bản chất tự do và niềm sảng khoái tinh thần, tâm hồn, trí tuệ đối với người sáng tạo. Mặt khác, bản chất dân chủ XHCN là thống nhất với tự do sáng tạo, nhưng đó là tự do sáng tạo có định hướng - vì hạnh phúc của con người mà xóa bỏ áp bức, bất công. Vậy là, ở đây vẫn có sự “ràng buộc” giữa chính trị và tự do sáng tạo. Đối với một cá nhân với tư cách một thành viên có trách nhiệm cao trong xã hội, thì sự ràng buộc về chính trị ở anh ta lại càng lớn, bởi vì chính trị ở đây còn là trách nhiệm của anh ta.

Một trong những đặc trưng của dân chủ trong sự tự do sáng tạo là được tự do tìm kiếm, khám phá chân lý. Giải quyết quan hệ này gắn liền với vấn đề về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong quan hệ dân chủ và tự do sáng tạo. Đảng Cộng sản trong sự nghiệp cách mạng XHCN là đại diện cho trí tuệ và ý chí của nhân dân, lãnh đạo toàn dân thực hiện mục tiêu - CNXH vì tiến bộ và hạnh phúc nhân dân. Để thực hiện mục tiêu lý tưởng đó, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản không thể nào khác là bằng mọi cách, phát huy cao nhất sức lực và trí tuệ của toàn dân; làm cho mỗi người lao động trở thành một chủ nhân trong suy nghĩ và hành động, tự do tìm kiếm và khám phá chân lý. Điều đó có nghĩa, sự lãnh đạo của Đảng trong yêu cầu hiện nay là tạo ra tự do sáng tạo tối đa của người dân thực hiện mục tiêu chính trị của mình.

Trước hết, về quan niệm cũng như về tổ chức, chỉ có thể có được sự tự do tìm kiếm và khám phá chân lý khi gạt bỏ được những cản trở khách quan và chủ quan, bên ngoài cũng như bên trong của quá trình tự do sáng tạo như, bệnh quan liêu hành chính, sự độc đoán chuyên quyền, tính tùy tiện, biệt phái và thô bạo trong lãnh đạo, quản lý. “Mặc cảm vùng cấm”, tâm lý uy quyền và uy lực từ trên cao của tổ chức hay cá nhân, v.v. sẽ là những cản trở không nhỏ, nhiều khi khó vượt qua đối với sự tìm kiếm, phát hiện, đề xuất ý kiến, quan điểm của người sáng tạo. Để kích thích được sự tìm kiếm, phát hiện, phát huy được tinh thần khám phá, đề xuất quan điểm của người sáng tạo thì các đề xuất quan điểm, các ý kiến mới, có khi vượt ra ngoài tư duy quen thuộc, đều cần được tôn trọng, được đánh giá khách quan trên tinh thần nghiên cứu, gạn lọc, đổi mới, tiếp thu. Song, mặt khác, người đề xuất quan điểm, ý kiến lại phải luôn phải xuất phát từ trách nhiệm là chủ và làm chủ, có nghĩa vụ xây dựng vì sự nghiệp chung. Do vậy, bản thân người đề xuất quan điểm, ý kiến cũng cần có trách nhiệm, và phải chịu trách nhiệm trước quan điểm và ý kiến của mình.

Hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế, phát minh cho thấy, trong quá trình tìm kiếm và khám phá chân lý tất yếu có sai lầm. Ngay trong khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật, phải qua hàng trăm thí nghiệm mới có được một kết quả (trường hợp nhà phát minh, sáng chế Êđixơn chẳng hạn). Do vậy, sáng tạo phải được thử nghiệm và do đó phải “được phép sai lầm”. Trong khoa học xã hội và nhân văn, nhất là trong khoa học chính trị, điều này lại càng phải được đặc biệt quan tâm. Tất nhiên sai lầm cần được phê bình, nhưng là “phê bình khoa học”. Phê bình đúng nghĩa khoa học, thực chất cũng là quá trình tìm kiếm và phát kiến cái đúng, cái mới; phê bình để nhận thức đúng hơn, sáng tạo, kết quả hơn chứ không phải để vùi dập. Tự do và dân chủ ở đây phải được vận dụng hết sức biện chứng, uyển chuyển; đơn phương đòi hỏi một chiều sẽ không chỉ không giải quyết được vấn đề, mà còn gây nên tiêu cực, thậm chí là tác hại đối với cá nhân và xã hội.

Khuyến khích, tạo điều kiện cho sự vượt qua tư duy xơ cứng, siêu hình... đó là con đường hữu hiệu mở ra những chân lý mới. Ở đây, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với chủ thể sáng tạo không phải là khoanh vùng, hạn chế phạm vi nghiên cứu, mà là gợi mở óc sáng tạo cho tính tích cực tìm kiếm và khám phá các phương án mới, tạo mọi khả năng phát triển; cung cấp cho chủ thể sáng tạo các phương tiện, điều kiện vật chất, tinh thần và thông tin; bằng cơ chế, chính sách, chế độ thích hợp nhất với nhu cầu và tâm lý sáng tạo, kích thích tối đa tính tích cực của người lao động để sự khám phá, sáng tạo đem lại hiệu quả cao nhất.

Tranh luận là nguyên tắc dân chủ trong tự do tư tưởng và thực chất chính là nguyên tắc của sự tự do sáng tạo. Chân lý chỉ được sáng lên, tỏa sáng qua sự trao đổi, tranh luận giữa các quan điểm, thông qua sự cọ xát của các luồng trí tuệ, khi các ý kiến, quan điểm được trao đổi một cách bình đẳng. Chỉ có tranh luận, phân tích, mổ xẻ, chấp nhận sự va chạm của nhiều loại ý kiến, nhiều cách suy nghĩ, nhiều góc độ và lý thuyết với nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau... mới mài sắc được lý thuyết, mới đi tới những kết luận chuẩn xác. Khuyến khích nói thẳng, nói thật, chỉ đích danh bản chất sự vật để vượt qua mặc cảm vùng cấm, đó là con đường đi tới chân lý, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Công cuộc đổi mới của Đảng và nhân dân ta thu được nhiều thành tựu to lớn, trước hết chính bắt nguồn từ quan điểm khoa học của Đại hội VI: “Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật”; tinh thần đó cũng là bản chất nhân lõi và đòi hỏi bức thiết trong các Đại hội tiếp sau và trong Đại hội XII của Đảng.

Trong tranh luận, không ít người dựa vào quan điểm của C.Mác: “hãy nghi ngờ tất cả!”. Song trong trường hợp này, tự mỗi người cũng cần thấu suốt tinh thần của C.Mác qua toàn bộ học thuyết của ông, rằng “nghi ngờ” ở đây hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa hoài nghi; hoài nghi khoa học có nghĩa là coi “chân lý là tương đối”, hôm nay đúng, ngày mai sẽ không còn đúng, trách nhiệm của người sáng tạo chân chính là phải tiếp tục tìm kiếm, khám phá cái đã được khám phá. Những tìm kiếm, sáng tạo và thành quả của Đảng và nhân dân ta hơn 30 năm đổi mới là một quá trình không ngừng tìm kiếm, khám phát, phát hiện cái mới trong những cái đã được khám phá; hôm nay nó là mới.

Tranh luận, tự do tư tưởng, tự do tìm kiếm và khám phá chân lý theo bản chất dân chủ XHCN chắc chắn là không có một vùng cấm nào. Nếu có “vùng cấm” thì vùng cấm đó chính là “anh không được làm trái với trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm chính trị và lương tâm của mình”. Nếu có băn khoăn đối với người lao động sáng tạo thì điều băn khoăn đó chính là: tự do sáng tạo cái gì, sáng tạo vì cái gì và sáng tạo cho ai, vì ai? Từ mục đích sáng tạo đó, chủ thể sáng tạo có thể tự xác định được rằng, tự do sáng tạo là thế nào; cái tự do sáng tạo đó là có lợi hay có hại; lúc nào, ở đâu thì có lợi, lúc nào, ở đâu thì sẽ có hại; cái gì cần làm, cái gì không nên làm. Sự nhận thức và lựa chọn đó thể hiện bản lĩnh khoa học, bản lĩnh chính trị và trình độ dân chủ trong tự do hành động sáng tạo của mỗi cá nhân.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2016

(1) Sự phù hợp đó thể hiện trong thành công của cuộc cách mạng Tháng Tám vĩ đại do toàn dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi Đảng mới 15 tuối và với chỉ 5 nghìn đảng viên. Và ở mặt khác, điều đó cũng thể hiện rất rõ trong sự giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng hiện nay, khi số lượng đảng viên đông đảo (hơn 2 triệu), các điều kinh kinh tế, chính trị, xã hội thuận lợi gấp nhiều lần trong Cách mạng Tháng Tám.

Tài liệu tham khảo

1. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI.

2. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.166 - 170, 123 -131.

3. Nguyễn Văn Huyên: Mấy vấn đề triết học xã hội và phát triển con người, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

 

GS, TS Nguyễn Văn Huyên

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền