Trang chủ    Diễn đàn    Tư tưởng của John Locke về kiểm soát quyền lực
Thứ năm, 23 Tháng 3 2017 11:22
3397 Lượt xem

Tư tưởng của John Locke về kiểm soát quyền lực

(LLCT) - John Locke (1632 - 1704), nhà triết học duy vật người Anh, có những cống hiến to lớn trong các lĩnh vực chính trị và pháp luật. Từ phương diện này, ông được xem là một nhà tư tưởng khởi nguồn cho cách mạng dân chủ tư sản. Ba cuộc cách mạng lớn của thế kỷ XVII và XVIII: Cách mạng Anh, Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp đều bắt rễ từ tư tưởng về “pháp quyền tự nhiên” của John Locke.

Tác phẩm chính của ông về triết học chính trị là cuốn Khảo luận thứ hai về chính quyền - Chính quyền dân sự. Chính trong tác phẩm này, ông đã trình bày những nội dung căn bản về triết học chính trị của mình và với những giá trị rút ra từ tác phẩm đó đã đưa ông trở thành ông tổ của chủ nghĩa tự do chính trị. Một trong những tư tưởng của John Locke để lại dấu ấn đậm nét và khơi nguồn cho sự sáng tạo trong lịch sử tư tưởng và thực tiễn chính trị nhân loại sau này đó là tư tưởng về sự kiểm soát lẫn nhau trong hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước trong chính quyền dân sự.

1. Tư tưởng của John Locke về kiểm soát quyền lực

Kế thừa những hạt nhân hợp lý trong tư tưởng của nhiều nhà tư tưởng tiền bối, John Locke cho rằng, quyền lực nhà nước là do nhân dân nhượng cho thông qua khế ước xã hội, quyền lực đó phải được phân chia để không định chế chính trị nào được độc quyền, tạo nên sự “kiềm chế và cân bằng”, tức là sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực nhà nước. Theo ông đó là ba quyền: lập pháp, hành pháp và liên hiệp.

Trong tác phẩm Khảo luận thứ hai về chính quyền - Chính quyền dân sự, Locke nhiều lần khẳng định rằng: “Mục đích cao cả của việc con người gia nhập vào xã hội là việc thụ hưởng sở hữu của họ trong hòa bình và an toàn”(1). Nếu trong trạng thái tự nhiên, con người hành xử theo luật tự nhiên - là luật bất thành văn, phụ thuộc vào lý trí của từng người, thì khi tham gia vào xã hội, con người phải hành xử theo “luật pháp đã được thiết định”. Nền tảng để xây dựng nên luật xác thực, theo Locke là phải thiết lập nên cơ quan quyền lực lập pháp - là quyền lực thiêng liêng, tối cao đã được xã hội chấp thuận và thừa nhận.

Cơ quan quyền lực lập pháp, theo Locke “là cơ quan vạch nên đường hướng và sức mạnh của cộng đồng quốc gia”(2). Điều này thể hiện ở việc làm ra luật và giám sát việc thực thi pháp luật do mình làm ra. Luật do cơ quan lập pháp làm ra thường thể hiện ý chí chung của cộng đồng xã hội nên nó thường mang tính bắt buộc chung, điều chỉnh hành vi của tất cả mọi thành viên trong xã hội, nó mang giá trị thực thi trường cửu. Nhưng do luật được làm ra trong một khoảng thời gian ngắn nên cơ quan lập pháp không nhất thiết phải luôn làm việc. Và để tránh sự thâu tóm quyền lực thì quyền lực lập pháp phải được đặt vào tay nhiều người, khi làm luật xong thì họ phải tách ra và họ cũng là đối tượng điều chỉnh của những luật do mình làm ra.

Theo Locke, cơ quan lập pháp với tư cách là sự ủy thác của nhân dân, của xã hội, dù nằm trong tay của một người hay nhiều người trong bất cứ hình thức chính thể nào của cộng đồng quốc gia; dù tồn tại dài hay ngắn, dù có là “quyền lực tối cao, thiêng liêng” đến cỡ nào thì vẫn phải bảo đảm bốn nguyên tắc tối thượng sau:

Thứ nhất, cơ quan lập pháp “không phải, mà cũng không thể là quyền lực độc đoán, chuyên chế, đặt trên cuộc sống và vận mệnh của nhân dân”(3). Vì quyền lực của cơ quan lập pháp là quyền lực mà nhân dân “nhường lại” cho cộng đồng quốc gia thay anh ta để bảo vệ cho chính anh ta và những người khác trong cộng đồng xã hội nên dù các nhà lập pháp hay cơ quan lập pháp có làm ra luật gì thì nó vẫn bị giới hạn vào “lợi ích công của xã hội” và mục đích cao cả của nó là “sự bảo toàn loài người”. Locke khẳng định: “không một luật lệ nào do con người làm ra là tốt hay là có căn cứ mà đi chống lại điều này”(4).

Thứ hai, cơ quan lập pháp “không thể nắm lấy cho mình quyền lực cai trị bằng những sắc lệnh chuyên quyền và tùy tiện, mà bị ràng buộc với việc phân phát sự công bằng”(5). Locke cho rằng, nếu cơ quan lập pháp và chính quyền cai quản xã hội bằng quyền lực độc đoán, chuyên quyền thì sẽ đặt con người vào hoàn cảnh còn “tệ hại hơn” trong trạng thái tự nhiên. Vì vậy, sự công bằng giữa mọi người trong xã hội phải được điều chỉnh bằng những luật được minh định và được chấp nhận. Sự công bằng này nhằm mục đích là bảo đảm và bảo vệ quyền sở hữu của con người - những người sống dưới sự chi phối của luật.

Thứ ba, “quyền lực tối cao đó không được lấy của bất kỳ ai bất kỳ phần sở hữu nào mà không có sự chấp thuận của anh ta”(6). Locke cho rằng, khi con người gia nhập vào xã hội thì nhất thiết anh ta phải có sở hữu; sở hữu của anh ta phải được bảo vệ bởi chính quyền hay cơ quan lập pháp mà anh ta đã ủy quyền thành lập. Vì thế, cơ quan lập pháp hay chính quyền được lập ra là để bảo vệ sở hữu cho các thành viên của mình. Và thật là sai lầm khi cơ quan quyền lực tối cao “sắp xếp điền sản của thần dân một cách độc đoán, hoặc lấy đi một phần từ đó khi muốn”(7).

Thứ tư, “cơ quan lập pháp không được, mà cũng không thể chuyển giao quyền lực làm luật vào cho bất kỳ cơ quan nào khác hoặc đặt nó vào một nơi nào khác ngoài nơi mà nhân dân đã đặt”(8). Vì quyền lực của cơ quan lập pháp xuất phát từ sự ủy nhiệm một cách tự nguyện, xác thực và cùng với một sự chế định của nhân dân nên nhân dân sẽ tuân thủ các quy tắc của luật pháp do cơ quan lập pháp (mình ủy nhiệm) đặt ra và sẽ không tuân thủ và không bị ràng buộc bởi những luật nào khác ngoài luật do cơ quan lập pháp mình ủy nhiệm làm ra.

Từ bốn nguyên tắc giới hạn quyền lực của cơ quan lập pháp đặt ra ở trên cho thấy, Locke đã rất đúng đắn và vĩ đại khi đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết và đề ra nguyên tắc tối thượng “quyền lực thuộc về nhân dân”. Đây là một cống hiến xuất sắc của Locke và là một cảnh báo mà bất cứ nhà nước nào trong lập pháp và điều hành, quản lý xã hội cũng phải lưu tâm nếu không muốn nhận lại sự phẫn nộ từ nhân dân.

Locke cho rằng, luật do cơ quan lập pháp làm ra chỉ một lần nhưng nó được áp dụng lâu dài, nên nhất thiết phải có một quyền lực luôn hiện diện để thực thi các luật đã được làm nên và sử dụng vũ lực để duy trì chúng. Việc này phải được giao cho cơ quan hành pháp và cơ quan này thường được tách rời khỏi cơ quan lập pháp. Quyền lực hành pháp được thực thi từ những “luật xác thực, thường trực và đã thành tiền lệ”, đặt lên trên tất cả mọi thành phần của xã hội.

Trong một cộng đồng quốc gia, Locke cho rằng, cơ quan lập pháp thì không thể hoạt động liên tục để đưa ra luật theo kịp với thực tế xã hội và những luật cũ cũng chưa có quy định thì cơ quan lập pháp phải nhường đường cho cơ quan quyền lực hành pháp “đặc quyền hành động”. Đặc quyền hành động được Locke định nghĩa là hành động “tự do theo chủ ý, vì lợi ích công, và không có sự quy định của luật pháp, thậm chí đôi khi tương phản với nó”(9).

Nguyên tắc của đặc quyền hành động chân chính theo Locke, là phải đem lại sự bảo toàn ở mức cao nhất có thể cho mọi thành viên trong xã hội. Luật pháp nên quy định những ai có hành động sai trái thì buộc phải bị xét xử và đền bù cho những thiệt hại mà hành vi sai trái của mình đã gây ra. Nhưng trong nhiều trường hợp, hành vi sai trái đó là không có chủ đích thì với quyền lực của mình, cơ quan hành pháp có quyền sử dụng đặc quyền hành động của mình để dung thứ nếu người đó chứng minh được là mình không có thành kiến gì đối với người vô tội có liên quan. Đây là những chỉ dẫn để hình thành nên tư tưởng về “sự khoan dung của pháp luật” sau này và nó chứa đựng tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc.

Locke cũng đặt vấn đề là, đặc quyền hành động của cơ quan hành pháp có phải là tối đa hay không? - Ông cho rằng, nhân dân phải “giới hạn” đặc quyền hành động lại trong khuôn khổ vì lợi ích công và không có mục đích tư riêng gì trong hành động. Nếu quân vương hay ai đó có lợi ích riêng, tách biệt với lợi ích cộng đồng mà sử dụng đặc quyền hành động không đúng thì sẽ gây rối loạn trong xã hội. Khi đó nhân dân không thể là người phán xử nhưng họ vẫn “duy trì quyền quyết định tối hậu vốn thuộc về toàn thể loài người” để tự bảo toàn mình và lập lại trật tự bằng nhiều phương cách khác nhau, kể cả sử dụng vũ lực hoặc làm cách mạng. Đây là điều mà các cơ quan hành pháp sáng suốt phải nhận ra và né tránh để khỏi gây ra hiểm họa cho chính mình và cho xã hội.

Ngoài quyền lực lập pháp, hành pháp, Locke cho rằng mỗi cộng đồng quốc gia còn có quyền liên hiệp. Đây là “quyền lực về chiến tranh và hòa bình, tạo liên minh và lập đồng minh, cũng như tất cả những giao kết khác, với mọi cá nhân và cộng đồng bên ngoài cộng đồng quốc gia”(10). Theo Locke thì quyền liên hiệp phải được giao cho người thông thái và cẩn trọng thực hiện. Và cũng theo Locke, dù quyền hành pháp và quyền liên hiệp là phân biệt với nhau nhưng chúng khó mà bị chia tách nên cần phải đặt chúng vào cùng một người để tránh tình trạng hỗn loạn và phá hoại. Với cách trình bày của Locke về quyền này thì ta có thể hiểu nó như chức năng đối ngoại của nhà nước hiện nay. Và như vậy, theo Locke thì quyền liên hiệp không tách rời quyền hành pháp mà là một bộ phận của quyền hành pháp.

Trong mối quan hệ giữa các cơ quan, theo Locke, cơ quan lập pháp là cơ quan quyền lực tối cao mà tất cả các cơ quan khác phải phụ thuộc vào nó. Quyền lực của cơ quan lập pháp dù là tối cao nhưng nó cũng chỉ là quyền lực ủy thác, do nhân dân lập nên, nhân dân có thể thay đổi hay xóa bỏ cơ quan lập pháp khi nó hành động đi ngược lại sự ủy thác đó, khi nó xâm phạm đến “quy luật tự bảo toàn” của nhân dân. Về điểm này, một lần nữa Locke khẳng định quyền lực tối thượng của nhân dân trong quan hệ với nhà nước. Đây là tư tưởng rất cách mạng so với tư tưởng đương thời và vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Tính tối cao của cơ quan lập pháp còn thể hiện ở việc nó có quyền làm ra luật và giao luật đó cho mọi thành phần, mọi thành viên khác trong xã hội thực hiện. Nó làm ra luật đến đâu thì các thành viên trong xã hội thực hiện đến đó, mọi hoạt động của xã hội đều phải xuất phát từ nó, phụ thuộc vào nó, lấy nó làm chuẩn mực, làm quy tắc hoạt động. Cả quyền lực hành pháp cũng vậy. Locke cho rằng, quyền lực hành pháp “phụ thuộc một cách hiển nhiên vào nó, có trách nhiệm giải trình với nó, và nếu muốn, nó có thể thay đổi hoặc cách chức”(11).

Về quyền lực của các quan thượng thư (tương đương bộ trưởng ngày nay) và các quyền lực thuộc cấp khác, Locke cho rằng, nó vẫn phải thực hiện sự ủy thác do nhân dân ủy nhiệm và có trách nhiệm giải trình mọi hoạt động của mình trước các cơ quan quyền lực cấp trên, tức cơ quan lập pháp, hành pháp.

Về hoạt động, Locke cho rằng, cơ quan lập pháp không nhất thiết phải luôn hiện diện, còn cơ quan hành pháp thì phải thường trực vì luật không phải lúc nào cũng có thể làm được mà thi hành các luật làm ra thì phải thường xuyên, liên tục. Mặc dù cho rằng các cuộc họp thường xuyên, liên tục của cơ quan lập pháp vào những dịp không cần thiết thường “gây phiền toái cho nhân dân” nhưng đôi khi việc trì hoãn nó cũng gây nguy hiểm cho công chúng, nhất là những tình thế nguy cấp cần sự trợ giúp tức thời của nó. Vì thế phải xác định thời điểm hội họp và hoạt động của cơ quan lập pháp, ngoài thời điểm này thì giao phó cho một số người thường trực xem xét, giải quyết.

Locke cho rằng, vì cơ quan lập pháp không hoạt động thường xuyên và có thời hạn nhất định nên việc triệu tập và giải tán nó không thể giao cho nó được mà phải là do cơ quan hành pháp thực hiện. Dù có quyền triệu tập và giải tán cơ quan lập pháp nhưng không vì thế mà làm cho cơ quan hành pháp có vị thế cao hơn cơ quan lập pháp, mà đó chỉ là “niềm tin ủy thác” của nhân dân đặt vào nó vì sự an toàn của nhân dân.

Thoạt nhìn thì không khó để nhận thấy rằng cơ quan hành pháp có một quyền lực mạnh và lan tỏa trong cộng đồng. Locke đặt vấn đề là, nếu cơ quan hành pháp ỷ vào sức mạnh của mình, dùng quyền lực hành pháp của mình mà cản trở việc hội họp và hoạt động của cơ quan lập pháp thì sao? – Ông cho rằng, cơ quan lập pháp là đại diện cho nhân dân, do nhân dân ủy thác lập nên, cản trở cơ quan lập pháp là “trạng thái chiến tranh với nhân dân”, đến mức này thì nhân dân có quyền dùng vũ lực để xóa bỏ sự lạm quyền đó của cơ quan hành pháp. Như vậy, Locke một lần nữa nhất quán khẳng định quyền lực tối thượng của nhân dân trong việc phán xét mọi vấn đề.

2. Ý nghĩa của tư tưởng kiểm soát quyền lực của John Locke

Tư tưởng của Locke về sự xuất hiện và giải thể của chính quyền (nhà nước) đã thể hiện lập trường duy vật khi ông cho rằng: sự ra đời của chính quyền là khách quan, do nhu cầu được an ninh, an toàn nên con người đã tự nguyện ký kết với nhau khế ước xã hội để lập nên chính quyền, chính quyền với hệ thống luật pháp của mình sẽ bảo vệ nhân dân tránh khỏi những phiền phức gặp phải trong trạng thái tự nhiên (khi chưa có chính quyền). Ông cũng khẳng định, sự tan rã của chính quyền cũng khách quan như sự ra đời của nó, khi chính quyền bị tha hóa, bị lạm dụng, không còn thỏa mãn nhu cầu của người dân nữa thì dân có quyền rút lại khế ước đã ký kết và lập nên chính quyền mới theo ý mình. Tư tưởng này của Locke đã phản bác lại và đập tan thuyết thần quyền tồn tại suốt thời Trung cổ với quan niệm thần thánh về ngôi vua, về quyền lực vô song, không tranh cãi của nhà nước và nhà thờ.

Tư tưởng về mối quan hệ giữa công dân với nhà nước, về quyền lực tuyệt đối của nhân dân... thể hiện tính cách mạng sâu sắc và triệt để. Nó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa chuyên chế chính trị, với các chế độ độc tài phi nhân tính, hủy hoại tự do, nhân phẩm con người. Sau hàng ngàn năm mất tự do trong “đêm trường Trung cổ”, những tư tưởng cách mạng triệt để của Locke là nguồn “trợ lực” to lớn để nhân dân các nước đứng lên làm cách mạng xóa bỏ “gông xiềng” của Giáo hội Kitô và các nền quân chủ chuyên chế đang trói buộc con người. Ngày nay, tư tưởng này vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đối với các quốc gia dân chủ, xây dựng mô hình nhà nước theo hướng nhà nước pháp quyền.

Tư tưởng về các quyền tự do thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người có nhiều yếu tố hợp lý và nhân văn, ở chỗ, như Locke khẳng định: con người vốn có chung một nguồn gốc, xuất phát điểm đều ngang nhau nên không ai có thể đứng trên người khác để sai khiến họ làm theo ý mình. Vì vậy, quan hệ giữa những con người với nhau không thể là thống trị - bị trị mà phải dựa trên sự bình đẳng, lòng nhân ái, yêu thương lẫn nhau. Đây là tư tưởng tiến bộ so với đương thời. Tư tưởng này có sức lan tỏa to lớn, nó không chỉ có tác dụng “thức tỉnh” những người đương thời mà còn ảnh hưởng đến nhiều nhà tư tưởng cấp tiến sau này và nhiều quốc gia dân chủ. Tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” như là một “Tuyên ngôn chính trị” của chủ nghĩa tư bản có lẽ cũng bắt nguồn từ tư tưởng này của Locke. Những tư tưởng về nhân quyền trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 của Pháp cũng đã chịu ảnh hưởng tư tưởng này của Locke. Những tư tưởng xã hội chủ nghĩa sau này cũng có một phần tiền đề từ những tư tưởng ngắn gọn và giàu tính nhân văn, nhân đạo của Locke.

Tư tưởng “phân quyền không triệt để” của Locke với yêu cầu, cơ quan lập pháp và hành pháp phải phụ thuộc nhau, phải “phối hợp” với nhau trong việc đề ra và thực thi luật pháp... đã đem lại những giá trị nhất định, tạo nên sự “mềm dẻo”, “linh hoạt” trong việc vận dụng vào thực tế ở nhiều quốc gia. Tư tưởng này về sau được Montesquieu nâng lên thành “tam quyền phân lập”. Trong thực tế, phân quyền tuyệt đối chỉ được thực hiện ở một ít quốc gia, như Mỹ; còn phân quyền tương đối thì được nhiều quốc gia vận dụng, như Nga, Pháp, Đức, Anh,... Như vậy, tư tưởng phân quyền của Locke cũng có nhiều điểm hợp lý.

Bên cạnh tư tưởng phân quyền, Locke cũng phác họa những nét chấm phá cơ bản về phương thức tổ chức và hoạt động của cơ quan lập pháp và hành pháp. Tư tưởng này đã hàm chứa những nội dung hết sức sâu sắc, hợp lý như: cơ quan lập pháp phải ban hành luật và quản lý xã hội phải bằng luật, cơ quan lập pháp và hành pháp phải giao cho hai chủ thể khác nhau nắm giữ để chế ước quyền lực lẫn nhau, tránh lạm quyền... Tất cả nhằm hướng đến việc xây dựng một bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, phục vụ và bảo vệ tối đa lợi ích của nhân dân. Đây là chỉ báo quan trọng cho các chính quyền ở các quốc gia dân chủ sau này vận dụng vào việc xác lập nguyên tắc tổ chức nhà nước mình theo hướng tốt nhất có thể. Đây cũng là mong ước và là mục đích của mọi chính quyền chân chính.

Tư tưởng thượng tôn pháp luật, kiểm soát quyền lực bằng quyền lực, quyền lực thuộc về nhân dân... thông qua việc đề cao vai trò của pháp luật, giới hạn phạm vi quyền lực, trách nhiệm của từng bộ phận trong chính quyền; trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền đối với nhân dân; quyền hạn, trách nhiệm của nhân dân đối với nhà nước; tương tác giữa nhà nước với công dân... đã đưa Locke lên vị trí là người khởi xướng lý luận về nhà nước pháp quyền và xã hội công dân sau này.\

________________

 (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) (11) John Locke

ThS Ngô Khắc Sơn

Khoa Chính trị học, Học viện Chính trị khu vực III

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền