Trang chủ    Diễn đàn    Về hai con đường phát triển của nhân loại
Thứ bảy, 20 Tháng 5 2017 16:44
2679 Lượt xem

Về hai con đường phát triển của nhân loại

(LLCT) - Lịch sử loài người luôn tiến lên theo hướng tiến bộ, văn minh hơn, nhân loại đang tiến tới nấc thang mới theo hai con đường: con đường lịch sử tự nhiên và con đường rút ngắn XHCN. Con đường rút ngắn XHCN được thực hiện bởi cuộc cách mạng XHCN do Đảng Cộng sản  lãnh đạo nhằm xây dựng một xã hội mới không có người bóc lột người, có trình độ phát triển cao của LLSX. Các nước đi theo con đường rút ngắn XHCN, phải kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được trong quá trình phát triển lịch sử tự nhiên; khơi dậy mọi tiềm lực để phát triển.

1. Con đường phát triển lịch sử - tự nhiên

Nhân loại đã, đang và sẽ phát triển theo con đường lịch sử - tự nhiên. Trên con đường ấy nhân loại đã sáng tạo ra nhiều điều kỳ diệu, những công trình vĩ đại để đời cho con cháu mai sau. Song, nhân loại cũng đã từng giam mình trong “đêm dài trung cổ”, tự hủy hoại mình trong những cuộc chiến tranh tàn khốc liên miên, chém giết lẫn nhau một cách không thương tiếc, cả trong quá khứ và hiện tại. Đó là con đường thăng trầm, vòng vèo gấp khúc của lịch sử. Nhưng nếu gạt bỏ đi những dích dắc ấy và chỉ xem xét ở góc độ phát triển lôgíc thì có thể coi con đường đó như một chiếc thang dài mà nhân loại đã, đang và sẽ từng bước đi lên qua các nấc thang. Đó cũng là con đường phát triển của lực lượng sản xuất (LLSX) của nhân loại. Nó đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp.

C. Mác đã nghiên cứu con đường ấy và chỉ ra rằng, nhân loại đã trải qua ba nấc thang, tức là ba hình thái kinh tế - xã hội: công xã nguyên thủy, chế độ nô lệ, chế độ phong kiến và hiện đang ở nấc thang thứ tư - đó là CNTB. Mỗi nấc thang là một hình thái kinh tế - xã hội có một trình độ phát triển LLSX nhất định, khác hẳn về chất so với nấc thang trước đó. Giữa hai nấc thang là những nấc thang nhỏ để chỉ các trình độ phát triển khác nhau của các quốc gia, dân tộc do quy luật phát triển không đều quy định. Đỉnh cao của LLSX hiện nay đang nằm ở các nước tư bản phát triển. Song, nó vẫn còn ở dưới nấc thang thứ năm. Chỉ khi nào nó đạt đến độ ở mốc thứ năm, thì khi đó nhân loại mới bước sang hình thái kinh tế - xã hội mới.

Trước khi bước lên nấc thang mới, tức lên một hình thái kinh tế - xã hội mới, các nước thường phải trải qua một thời kỳ quá độ. Trong thời kỳ này quan hệ sản xuất mới và cũ đan xen nhau, đấu tranh với nhau theo hướng cái cũ dần dần mất đi, cái mới dần dần trở thành phổ biến và thống trị. C.Mác viết: “Là giai đoạn cuối cùng của hình thái kinh tế - xã hội đầu tiên, công xã nông nghiệp đồng thời là giai đoạn quá độ chuyển sang hình thái thứ hai, tức là bước quá độ từ xã hội dựa trên chế độ công hữu chuyển sang xã hội dựa trên chế độ tư hữu”(1). Đó là thời kỳ quá độ tự nhiên. Vì từ chế độ không giai cấp chuyển sang chế độ có giai cấp nên không có thời kỳ quá độ chính trị. Nhưng khi nhân loại từ nấc thang nô lệ lên phong kiến thì ngoài thời kỳ quá độ tự nhiên ra còn phải có thời kỳ quá độ chính trị. Vì giai cấp thống trị không bao giờ tự nguyện rời bỏ vũ đài chính trị, nên giai cấp đại diện cho LLSX mới, phương thức sản xuất mới phải tiến hành một cuộc cách mạng xã hội để lật đổ giai cấp thống trị đương thời và thiết lập nhà nước kiểu mới của giai cấp đó nhằm tiếp tục mở đường cho LLSX phát triển và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới.

Trên con đường phát triển lịch sử - tự nhiên của nhân loại, cộng đồng xã hội nào đi tiên phong khai phá thì trở thành những cộng đồng xã hội phát triển hơn so với các cộng đồng chậm chạp, trì trệ. Có điều những nước đi tiên phong thường phải đi con đường vòng vèo, tốn nhiều thời gian. Song, những nước này đã để lại những bài học quý giá, những kinh nghiệm lịch sử cho những nước lạc hậu đi sau. Nhờ đó, mà những nước này đã sáng tạo ra con đường rút ngắn để mau chóng tiếp cận với trình độ phát triển tiên tiến của nhân loại. Thí dụ như Ôxtrâylia đã bỏ qua chế độ nô lệ và phong kiến để tiến lên CNTB. Hoặc giả các nước NICs đã rút ngắn được rất nhiều thời gian trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Song, điều đầu tiên cần lưu ý là con đường rút ngắn này chỉ có thể bỏ qua cái mà nhân loại đã trải qua, chứ không thể bỏ qua cái mà nhân loại chưa biết đến, và tiếp cận cái mà nhân loại hiện đang có, chứ không phải cái mà nhân loại chưa đạt được. Thứ hai, nó phải được trợ giúp bởi lực lượng tiến bộ của nhân loại và thứ ba, phải có một lực lượng có khả năng tiếp nhận sự trợ giúp đó.

Đó là con đường rút ngắn tự nhiên nằm trong con đường phát triển lịch sử tự nhiên của nhân loại.

2. Con đường rút ngắn xã hội chủ nghĩa

Khi nhân loại đang ở nấc thang thứ tư và đang đi theo con đường phát triển lịch sử tự nhiên của nó thì chủ nghĩa Mác xuất hiện. Như trên đã nói, C.Mác đã nghiên cứu con đường phát triển lịch sử tự nhiên này của nhân loại và khẳng định rằng CNTB rồi sẽ bị thay thế bởi một hình thái kinh tế - xã hội mới cao hơn về chất so với CNTB. Đó là tất yếu. CNTB không thể tồn tại vĩnh viễn như một số nhà lý luận bảo vệ CNTB khẳng định, bởi trong lòng nó đang chứa đựng những nhân tố tự phủ định. Và một khi đã nhận thức được rằng CNTB sẽ bị diệt vong, một xã hội mới sẽ ra đời thì không nên ngồi chờ, mà có thể tích cực thúc đẩy cho quá trình đó diễn ra sớm hơn. Tức là, giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản có thể tiến hành cuộc cách mạng XHCN để lật đổ chế độ TBCN và xây dựng một xã hội mới không có người bóc lột người, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong trường hợp này, thời kỳ quá độ chính trị diễn ra trước thời kỳ quá độ tự nhiên. Đó là con đường phát triển rút ngắn XHCN mà C.Mác đã chỉ ra. Và V.I.Lênin cùng với Đảng Bônsêvích Nga là người đầu tiên bắt tay thực hiện con đường này khi lãnh đạo giai cấp công nhân Nga làm cuộc Cách mạng XHCN Tháng Mười thành công vào năm 1917. Từ đây nhân loại đi theo hai con đường phát triển khác nhau: con đường lịch sử - tự nhiên và con đường rút ngắn XHCN. Hai con đường này được dắt dẫn bởi hai lực lượng khác nhau. Ấy vậy mà có người đã nhầm lẫn coi con đường rút ngắn XHCN cũng là con đường lịch sử - tự nhiên và cũng không thấy sự khác nhau giữa con đường rút ngắn XHCN và con đường rút ngắn tự nhiên.

Cả hai con đường đều do con người tạo ra, mà con người thì không phải lúc nào cũng sáng suốt, lúc nào cũng tốt nên mắc sai lầm cũng là tự nhiên. Song, phải nhớ rằng hai con đường khác nhau ở chỗ một đằng là hành động tự phát, còn một đằng là hành động tự giác. Nói tự phát với nghĩa người ta hành động vì mục đích này nhưng lại đưa đến kết quả mà người ta không ngờ tới. Chẳng hạn, những người đi theo con đường thứ nhất tin rằng CNTB và chế độ sở hữu tư nhân là vĩnh viễn, không thể bị diệt vong, nhưng những hành động của họ lại đang tạo ra những nhân tố phủ định CNTB. Kinh tế tri thức là một trong những nhân tố ấy. Còn nói tự giác là vì những người cộng sản tự thiết kế và xây dựng cái xã hội mà họ mong muốn với những đặc trưng riêng. Thí dụ, chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất là một trong những đặc trưng ấy.

Mặt khác, CNCS là tên do Mác đặt cho xã hội mới mà những nước đi theo con đường rút ngắn XHCN sẽ xây dựng, chứ chưa hẳn đã là tên gọi của nấc thang mới mà các nước đi theo con đường lịch sử - tự nhiên sẽ bước lên. Như đã biết, ở các nước tư bản phát triển các nhà khoa học đã nói đến kinh tế thông tin, kinh tế mạng, kinh tế số hóa rồi kinh tế tri thức v.v.. để chỉ trình độ phát triển mới của lực lượng sản xuất. Việc đánh giá hay nhận định giai đoạn này của CNTB ở nước ta có hai ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng đây chỉ là nấc thang phát triển mới của LLSX; nó chưa làm mất đi vai trò và bản chất của chế độ tư hữu TBCN. Ý kiến thứ hai thì cho rằng sự xuất hiện những nhân tố của nền kinh tế tri thức chứng tỏ CNTB đang bước vào thời kỳ quá độ, lên một nấc thang mới, một hình thái kinh tế - xã hội mới về chất so với CNTB. Vì thế, theo tôi, biết đâu cái tên nền kinh tế tri thức hay chủ nghĩa số hóa chẳng hạn lại là tên gọi của nấc thang mới ấy. Song, tôi cho rằng tên gọi không quan trọng mà bản chất của nấc thang mới mới là điều chúng ta quan tâm. Nếu những đặc trưng của CNCS trùng khớp với nấc thang mới này thì đó chính là sự hội tụ của hai con đường. Cách đây đã lâu người ta đã nói đến sự hội tụ này mặc dù còn có những quan điểm khác nhau. Nói đến hội tụ có nghĩa là phải có hai con đường khác nhau, chứ làm gì có hội tụ của một con đường. Hơn nữa, cần nhớ rằng phác thảo của Mác về CNCS cũng chỉ là tiên đoán, lại cách đây đã hơn một trăm năm nên chưa chắc đã hoàn toàn trùng khớp với xã hội mới thay thế CNTB theo con đường lịch sử - tự nhiên.

Tôi tán thành ý kiến của PGS, TS Nguyễn An Ninh khi viết: “Những nhận định về giai cấp công nhân, đảng cộng sản, những đặc trưng, điều kiện hình thành xã hội XHCN và xã hội CSCN... của Mác đặt trong bối cảnh hiện nay đã có nhiều điểm không còn phù hợp, cần bổ sung, phát triển”(2). Nếu có điểm gì không còn phù hợp thì cũng là chuyện bình thường, bởi tiên đoán vẫn chỉ là tiên đoán.

Chỉ là một phần trong nội dung bài viết, nhưng khi nói về con đường rút ngắn XHCN, tác giả đã có quan điểm đúng như sau: “Bản chất của nhận thức mới về kiểu phát triển rút ngắn để đi lên CNXH là vừa làm rõ tính chất khách quan lịch sử - tự nhiên của sự phát triển, vừa làm rõ tính chất chủ động lựa chọn để kế thừa những gì bỏ qua những gì”(3). Làm rõ tính chất khách quan lịch sử - tự nhiên của sự phát triển chính là nói về trình độ phát triển của LLSX. Chúng ta không thể xây dựng CNXH với một LLSX lạc hậu. Khi nói CNCS cao hơn CNTB có nghĩa là trình độ phát triển LLSX của nó phải cao hơn CNTB, chứ không thể thấp hơn. Không những cao hơn về lượng mà còn phải cao hơn về chất, đủ độ để bước lên nấc thang mới, đủ độ để hình thành một hình thái kinh tế - xã hội mới. Nhân loại chỉ có một dòng LLSX giống như chiếc thang đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Đó chính là tính chất khách quan lịch sử - tự nhiên của sự phát triển. Cần lưu ý rằng, tác giả nói đến tính khách quan của sự phát triển chứ không nói con đường rút ngắn XHCN là con đường lịch sử - tự nhiên.

3. Sự khác nhau giữa hai con đường rút ngắn

Như trên tôi đã trình bày con đường rút ngắn tự nhiên chỉ có thể bỏ qua cái mà nhân loại đã trải qua và vươn tới cái mà nhân loại đang có, tức là nó không thể vươn tới cái mà nhân loại chưa đạt tới. Thí dụ, nó không thể du nhập CNXH, bởi trên thế giới này đã làm gì có CNXH. Ngược lại, mục đích của con đường rút ngắn XHCN là CNXH và CNCS, tức là vươn tới xã hội chưa có trên thế gian. Vì chưa có nên phải tự thiết kế, tự xây dựng. Như đã nói do các đảng cộng sản nhận thức được rằng CNTB không thể tồn tại vĩnh viễn, nó sẽ bị thay thế bởi một xã hội cao hơn, tốt đẹp hơn nên họ đã chủ động đứng lên cùng nhân dân làm cách mạng xã hội lật đổ CNTB trước khi nó bị diệt vong để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn. Sau khi thực hiện thành công cuộc cách mạng XHCN, bắt tay vào việc xây dựng xã hội mới thì đương nhiên phải bỏ qua CNTB. Nếu không bỏ qua thì làm cách mạng để làm gì? Đó là nhận thức của các đảng cộng sản sau khi thực hiện thành công cuộc cách mạng XHCN. Song, do tự xây dựng một xã hội theo mô hình của Mác chưa có trên thực tế nên các chủ thể khai phá con đường này nhiều lần đã mắc sai lầm. Có thể kể đến sai lầm của việc áp dụng “chủ nghĩa cộng sản thời chiến quá lâu” ở nước Nga Xôviết hay sai lầm để cho quan hệ sản xuất mới vượt quá xa trình độ phát triển của LLSX mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra từ việc xây dựng CNXH một cách duy ý chí v.v.. Cuối cùng là sai lầm tổng hợp đã khiến cho Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ. Những nước này đã quay trở lại con đường phát triển lịch sử - tự nhiên, tức là hội nhập vào CNTB chứ không bỏ qua nó nữa. Tuy nhiên, không phải tất cả mà vẫn còn một số nước kiên trì con đường rút ngắn XHCN như Việt Nam, Trung Quốc v.v. Song, các nước này phải cải cách, đổi mới. Rút kinh nghiệm từ những sai lầm đã mắc phải các nước này đã nhận ra rằng chỉ có thể bỏ qua chế độ TBCN chứ không thể bỏ qua những thành tựu, những tinh hoa, đặc biệt là trình độ phát triển LLSX mà nhân loại đã đạt được trong quá trình phát triển lịch sử - tự nhiên.

Đối với các nước kém phát triển đi theo con đường XHCN thì phải thực hiện thời kỳ quá độ kinh tế, tức là phải kéo dài thời kỳ sinh thành và phát triển của quan hệ sản xuất mới, phải làm dần từng bước tùy theo sự phát triển của LLSX cho đến khi nó trở thành thống trị. Nhiệm vụ chính trong thời kỳ này là phải động viên, khơi dậy tiềm lực của đất nước để phát triển LLSX sao cho ngang tầm với trình độ của các nước tư bản tiên tiến. Đó là thời kỳ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho CNXH, chuẩn bị điều kiện mở đường cho LLSX phát triển cao hơn nữa. Đến giai đoạn này là giai đoạn đua tranh giữa hai con đường xem con đường nào phát triển LLSX nhanh hơn, sớm đạt được nấc thang mới để chuyển sang hình thái kinh tế - xã hội mới, mà những người cộng sản gọi đó là CNCS. Và xin mở ngoặc, nếu như đến lúc đó con đường lịch sử - tự nhiên chưa bước lên nấc thang mới.

Thời kỳ quá độ kinh tế là phải du nhập kinh tế TBCN, phải hội nhập với thế giới để mau chóng phát triển LLSX, học tập cách quản lý khoa học v.v.. Đặc biệt là trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay nếu không hội nhập có nghĩa là tự sát. Song, hội nhập nhưng không hòa tan không biến con đường rút ngắn XHCN thành con đường lịch sử - tự nhiên.

_____________________

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.601.

(2), (3) PGS, TS Nguyễn An Ninh: “Một số vấn đề về giai cấp công nhân và chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2016, tr.38, tr.43.

 

TS Đỗ Trọng Bá

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền