Trang chủ    Diễn đàn    Chỉ dẫn của Hồ Chí Minh phòng, chống tham nhũng từ gốc rễ
Thứ hai, 03 Tháng 7 2017 16:12
1888 Lượt xem

Chỉ dẫn của Hồ Chí Minh phòng, chống tham nhũng từ gốc rễ

(LLCT) - Tham nhũng là hiện tượng khá phổ biến diễn ra ở các quốc gia, với mức độ, tính chất khác nhau. Để có biện pháp phòng chống hiệu quả, cần làm rõ nội hàm, bản chất của tham nhũng, để nhận diện và phòng, chống từ “gốc rễ”(1).

1.  Nhận diện tham nhũng  

Tham nhũng được hình thành từ khái niệm “tham ô” - hiện tượng các cá nhân lợi dụng “cái ô” quyền lực để “ăn cắp”(2) tài sản hoặc tiền bạc của Nhà nước. Trong nhà nước phong kiến, những người có quyền lực, như vua, các quan lại (cận thần), đều không phải do nhân dân bầu ra. Đây là các nhà nước có thể chế quân chủ, tức vua có quyền cao nhất, các quan lại ít hoặc nhiều đều có quyền lực do vua hoặc quan trên ban cho, còn dân chúng là các bề “tôi” không có quyền lực trong xã hội. Điều đó có nghĩa, tham ô có thể được nhìn nhận là hiện tượng ăn cắp tiền bạc, tài sản nhà nước của quan lại, do họ nắm giữ các vị trí quyền lực trong bộ máy nhà nước, hoặc những người thân, người nhà của họ lợi dụng vị trí quyền lực trong các thể chế quân chủ.

Khác với tham ô, khái niệm tham nhũng là muốn nói đến hiện tượng ăn cắp của các cá nhân, tập thể trong các thể chế quốc gia dân chủ. Trong các thể chế dân chủ, nhân dân là những người làm chủ; còn các công chức, viên chức đều được coi là các “đầy tớ”(3) (làm thuê). Làm thuê hay làm chủ chỉ là các hoạt động của công dân gắn với chức năng và trách nhiệm khác nhau, do phân công lao động xã hội trong hoạt động kinh tế, chính trị cùng với các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tham trong khái niệm tham nhũng là muốn nói đến lòng tham không biết tự kiềm chế, hay “ham muốn một cách thái quá”(4) của các công dân, đặc biệt là các công dân trong bộ máy nhà nước, dẫn đến các hành vi ăn cắp các giá trị, lợi ích, như tiền bạc, tài sản quốc gia; còn nhũng là muốn nói đến sự “nhũng nhiễu”(5), “làm phiền hà” hay “nhũng lạm”(6) của các công dân, đặc biệt là các công chức, viên chức có chức vụ (lãnh đạo, quản lý) nhằm thực hiện lòng tham bằng các hành vi ăn cắp các giá trị, lợi ích của quốc gia.

Phòng, chống tham nhũng từ gốc rễ là muốn nói đến việc ngăn chặn từ nguồn gốc (nguyên nhân) phát sinh tham nhũng. Nguyên nhân tham nhũng bắt nguồn từ động cơ và kẽ hở để các hiện tượng ăn cắp xảy ra. Tham nhũng có tính hai mặt của chủ nghĩa cá nhân: đó là chủ nghĩa vị kỷ của cá nhân về giá trị tinh thần như tính “háo danh” hay “kiêu ngạo” khi “có ít nhiều quyền hạn trong tay”(7). Về quyền lợi vật chất là các hành vi “đục khoét”, “ăn của đút” khi “có quyền mà thiếu lương tâm”(8).

Theo Hồ Chí Minh, các hiện tượng này gắn liền với căn bệnh quan liêu, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”(9). Bệnh quan liêu gắn liền với chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, tức đối lập với CNXH. Người từng giải thích rằng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Người nêu rõ: “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”(10). Tham nhũng là các hiện tượng ăn cắp kín đáo khó nhận biết để phòng chống. Sự ăn cắp xấu xa này bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chưa có cơ chế (thể chế) hiệu quả để ngăn ngừa từ gốc. Hồ Chí Minh từng nêu rõ rằng: “Tham ô, lãng phí, quan liêu, là những xấu xa của xã hội cũ… Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công”; rằng: “…lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô”(11).

Chủ thể tham nhũng có thể trong khu vực công (nhà nước) hoặc trong khu vực tư (xã hội); tính chất tham nhũng như: tham nhũng vật chất (tiền bạc, của cải, hàng hóa, lao động,…) và tham nhũng tinh thần (quyền lực, sức lao động,…); các hành vi, như ăn “hối lộ”(12), “đút lót”, sự “biếu xén”, “chạy chức”, “chạy bằng cấp” .v.v..

Tham nhũng vật chất được nhìn nhận là tham nhũng vật thể trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế; còn tham nhũng tinh thần được nhìn nhận là tham nhũng phi vật thể trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa. Hồ Chí Minh đã từng nói rằng: “Địch tham ô tấn công ta về lòng tham vật chất”(13); rằng: “Địch dốt nát tấn công ta về mặt tinh thần”(14). Tham nhũng vật chất và tham nhũng tinh thần có liên quan đến nhau. Tham nhũng tinh thần có thể bằng các hành vi dùng vật chất để đạt được chức vụ, danh hiệu, quyền lực; ngược lại, tham nhũng vật chất có thể bằng các hành vi dùng tinh thần để đạt được của cải, tài nguyên, lao động. Sinh thời, Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ mối quan hệ giữa các chủ thể, khách thể, hành vi tham nhũng như: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân… Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai man, lậu thuế”(15).

Tham nhũng diễn ra nghiêm trọng có tác động tiêu cực đối với sự phát triển đất nước, làm tổn hại đến sức mạnh vật chất (quyền lực cứng) và sức mạnh tinh thần (quyền lực mềm) của quốc gia. Nói cách khác, tham nhũng là “kẻ thù” nội xâm rất nguy hiểm. Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ: “tham ô, lãng phí, quan liêu có hại cho dân, cho nước”(16); rằng: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”(17), là “kẻ thù của nhân dân”(18), thậm chí là kẻ thù còn có hại hơn cả tội phản quốc. Người chỉ rõ: “Trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hại hơn nữa"(19). Theo Hồ Chí Minh, tác hại nguy hiểm nhất của tham nhũng là làm mất dân chủ, từ đó Đảng và Chính phủ sẽ không được sự tín nhiệm của nhân dân, tức không thực hiện được mục tiêu dân chủ của xã hội mới. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh coi phòng chống quan liêu, tham ô, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao uy tín của Đảng và Chính phủ.

2. Phòng, chống tham nhũng từ gốc rễ

Trên thế giới hiện nay, hiện tượng tham nhũng có ở mọi quốc gia. Điều đó có nghĩa, khi còn nhà nước thì còn các hiện tượng tham nhũng. Hiện tượng tham nhũng là không thể loại bỏ triệt để, mà chỉ có thể hạn chế ở mức thấp nhất. Muốn hạn chế thấp nhất tham nhũng, rất cần phải có biện pháp phòng, chống hiệu quả từ gốc rễ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Các cấp ủy và cán bộ cần tìm cho ra gốc rễ tham ô”(20). Tham nhũng rất cần phải được phòng chống từ gốc rễ bằng các biện pháp khác nhau, tức phải vừa “chống” và “phòng” tham nhũng. Chống tham nhũng từ gốc rễ là ngăn chặn các hành vi tham nhũng đã được phát hiện; phòng tham nhũng là phòng ngừa các khả năng có thể xuất hiện hành vi tham nhũng.

Theo Hồ Chí Minh, để phòng chống tham nhũng từ gốc rễ là cần phải thực hành dân chủ, bởi dân là “gốc”, và khi “có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”(21) để có thể phòng chống hiệu quả tệ nạn này. Hồ Chí Minh từng chỉ rõ rằng: “Muốn chống tham ô lãng phí, chống quan liêu thì phải dân chủ"(22). Điều đó có nghĩa, cần phải phòng chống tham nhũng bằng các phương pháp dân chủ; tức phải huy động toàn dân vào cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp này. Người nêu rõ: “phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”(23).

Theo Hồ Chí Minh, phòng chống tham nhũng từ gốc rễ tức là cần phải phòng chống cả tham nhũng vật chất và tinh thần, trong cả bộ máy nhà nước và ngoài xã hội, đặc biệt là phòng chống bệnh quan liêu của đội ngũ cán bộ trong bộ máy nhà nước, bởi theo Người, các cán bộ trong bộ máy nhà nước thường hay nể nang, bao che nhau, coi thường pháp luật. Người từng chỉ rõ: “đảng viên thường xem pháp luật, chính quyền… là việc trong nhà”(24). Do vậy, để phòng, chống tham nhũng từ gốc rễ cần phải xây dựng và hoàn thiện thể chế quốc gia dân chủ để ngăn ngừa sự tha hóa quyền lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Thể chế được hiểu là “những nguyên tắc xác định mối quan hệ giữa xã hội và các thành viên trong xã hội”(25). Điều đó có nghĩa, phòng chống tham nhũng từ gốc rễ là phải xây dựng thể chế chính trị pháp quyền. Ngay từ khi đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đề cập đến sự cần thiết phải có “thần linh pháp quyền”(26) nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước, thực hiện các mục tiêu dân chủ. Tôn trọng sự độc lập về tổ chức, hoạt động của các tổ chức xã hội và xây dựng, thực thi pháp quyền nghiêm minh là bảo đảm các điều kiện “cần”để có quốc gia dân chủ, pháp quyền. Hồ Chí Minh từng nêu rõ: “Nông hội chưa biểu hiện hết tính chất độc lập của nó. Nông hội phải nêu rõ vai trò của mình để thu hút quần chúng. Nhưng lề lối tổ chức Nông hội chưa tốt, hầu hết mọi công việc đều do đảng viên bao biện, các đồng chí này không biết chọn lấy cán bộ ở trong hàng ngũ nông dân...”(27).

Nhà nước có pháp quyền và xã hội có dân chủ được coi là yêu cầu khách quan để xây dựng quốc gia dân chủ cộng hòa - quốc gia, trong đó, nhân dân vừa là chủ, tức có mục tiêu (chế độ) dân chủ trong quốc gia, nhân dân vừa làm chủ, tức có phương pháp (thể chế) dân chủ để thực hiện phòng, chống tham nhũng có hiệu quả từ gốc rễ. Điều đó cũng có nghĩa, kinh tế thị trường hiện đại, Nhà nước pháp quyền thật sự của dân, do dân, vì dân và xã hội dân chủ - xã hội trong đó mọi công dân đều làm chủ, được coi như ba trụ cột chủ yếu, tạo thành nền tảng vững chắc để quốc gia Việt Nam có thể phát triển bền vững, thực hiện các mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

________________

(1), (12), (20), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 573, 346, 573, 40.

(2), (7), (9), (11), (15), (17), (18), (19), (22), (24) Hồ Chí Minh, Sđd, t.6, tr. 488, 501, 494, 490, 494, 488, 495, 490, 501, 285, 500.

(3) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 10, tr. 323.

(8), (13), (14), (16) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr. 240, 379, 444, 379.

(10) Hồ Chí Minh, Sđd, t.9, tr. 291.

(4) Viện Ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, tr. 910.

(5), (6), (21) Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr. 181, 154, 47, 547.

(25) Báo cáo phát triển Việt Nam 2010: Các thể chế hiện đại. Báo cáo chung của các nhà tài trợ hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, Hà Nội, tháng 12-2009.

(26) Hồ Chí Minh, Sđd, t.1, tr. 438.

(27) Hồ Chí Minh, Sđd, t.3, tr. 564.

PGS, TS NGUYỄN HỮU ĐỔNG

                                     Viện Chính trị học,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền