Trang chủ    Diễn đàn    Bệnh lãng phí, nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Thứ ba, 08 Tháng 8 2017 09:45
2286 Lượt xem

Bệnh lãng phí, nguyên nhân và giải pháp khắc phục

(LLCT) - Xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của một Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội là yêu cầu cấp bách hiện nay. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đã làm rõ những biểu hiện của lãng phí trong Đảng, đồng thời chỉ rõ những giải pháp khắc phục.

1. Lãng phí là một trong những biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng chỉ ra.

Theo đó, lãng phí trong các cơ quan quyền lực Nhà nước được xác định rõ qua 5 biểu hiện sau(1):

Thứ nhất, quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên... Đây là dạng lãng phí liên quan trực tiếp tới quan liêu, tham nhũng, tham ô, thiếu trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước hết là người đứng đầu. Nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, như: EPCO - Minh Phụng (1999) do sai phạm trong quản lý tài chính, quản lý nhà nước gây thiệt hại kinh tế, gần 6 nghìn tỷ đồng; PMU 18 (2006); hối lộ quan chức Việt Nam của công ty PCI (Công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương) Nhật Bản (2008) trong việc sử dụng vốn ODA; tham nhũng đất công đặc biệt nghiêm trọng ở Đồ Sơn, TP Hải Phòng (2005); Vinashinđầu tư, dàn trải trên nhiều lĩnh vực, địa bàn trái với quy hoạch được phê duyệt dẫn đến thua lỗ nặng nề; dự án thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam…

Việc xây dựng các bộ luật, luật, pháp lệnh… với kinh phí lớn nhưng nhiều văn bản luật xa rời thực tiễn, thiếu tính khả thi, phải bổ sung, sửa chữa, lãng phí ngân sách.

Việc sử dụng công nghệ lạc hậu trong khai thác tài nguyên gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Tài nguyên ở nước ta được khai thác và sử dụng không hiệu quả, hầu hết xuất khẩu thô với giá rẻ, phải nhập nguyên, nhiên, vật liệu (nhiều loại được sản xuất từ chính nguyên liệu thô do Việt Nam xuất) với giá thành cao, làm thâm hụt cán cân thanh toán. Mặt khác, việc quản lý khai thác tài nguyên chưa chặt chẽ làm mỗi năm Việt Nam mất một lượng tài nguyên khổng lồ do khai thác lậu, vừa làm thất thoát ngân sách, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, chi tiêu lãng phí dẫn đến ngân sách bội chi, nợ công tăng lên mốc 64% gần vượt ngưỡng an toàn, nhưng hiệu quả kinh tế đạt được rất thấp.

Thứ hai, đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả.

Ngân sách nhà nước bị chi tùy tiện, nhiều khoản chi không cần thiết, như: tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, các lễ hội,... Nhiều chuyến đi nước ngoài của các đoàn theo nhiều chương trình, dự án, đi học, chia sẻ kinh nghiệm… chi tiêu 100% ngân sách nhà nước nhưng hiệu quả không cao, thậm chí không hiệu quả. Ngân sách nhà nước cũng phải “oằn mình” chi trả các công trình chưa cần thiết hoặc khai thác không hiệu quả như: bảo tàng, sân vận động, trụ sở cơ quan… Ngoài ra, các công trình, dự án hạ tầng (sử dụng vốn ngân sách nhà nước) được thực hiện với chi phí cao nhưng chất lượng kém, phải tốn nhiều chi phí bảo trì. Hiện tượng chỉ định thầu nhưng không dựa trên cơ sở chi phí chung của thị trường dẫn đến việc đội giá làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, thời gian và giá trị sử dụng sau hoàn thành.

Doanh nghiệp nhà nước, được thụ hưởng rất nhiều ưu đãi về vốn, tài nguyên, công nghệ, chính sách nhưng trên thực tế hiệu quả hoạt động rất thấp so với những khu vực doanh nghiệp tư nhân. Nhiều doanh nghiệp nhà nước, thay vì đầu tư vốn hiệu quả vào các lĩnh vực hoạt động chính, lại sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư tràn lan vào các lĩnh vực trái ngành nghề (chứng khoán, ngân hàng, bất động sản…), tạo nên bong bóng chứng khoán, bất động sản, phá vỡ kết cấu nền kinh tế và phải gánh chịu thiệt hại nặng nề, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Hiện nay, chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới chuyển sang giai đoạn 2, nhưng kết quả giai đoạn 1 vẫn còn nhiều vấn đề phải suy ngẫm. Một số nơi, tình trạng các nhà văn hóa được xây dựng với chi phí cao song sau nghiệm thu rất ít được sử dụng.Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công sở,… với chi phí cao dẫn đến nợ đọng lớn.

Thứ ba, mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định.

Báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2016 của Chính phủ cho thấy, tính đến 31-12-2016, tổng số xe công hiện có là hơn 37.286 chiếc (dư thừa khoảng 7 nghìn chiếc) với tổng nguyên giá gần 24 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,3% tổng giá trị tài sản nhà nước), nhưng giá trị hiện còn khoảng hơn 7.435 tỷ đồng (bằng 31% tổng nguyên giá); trong đó có khoảng 30% số xe đã đến hạn thanh lý. Hằng năm, Nhà nước phải chi ra khoảng 13 nghìn tỷ đồng, bao gồm chi phí như: xăng xe, chi phí bảo dưỡng, tiền lương cho lái xe và nhiều khoản khác(3). Bên cạnh đó, mua sắm xe mới vượt mức quy định của Bộ Tài chính về định mức giá; việc sử dụng xe công tràn lan cho nhu cầu cá nhân, ngoài mục tiêu hoạt động công vẫn tồn tại, gây lãng phí nghiêm trọng.

Thứ tư, chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc.

Mặc dù Luật Thực hành Tiết kiệm, chống Lãng phí có hiệu lực từ cuối tháng 11-2005, được bổ sung sửa đổi cuối tháng 11-2013 với phạm vi điều chỉnh trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; Hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhưng việc thực thi luật trong thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Ở một số cơ quan, việc chi tiêu công quỹ vẫn còn tùy tiện, vô nguyên tắc, vi phạm các quy định về chi tiêu tài chính của Nhà nước. Tình trạng chi quá, lập quỹ đen, biến báo hóa đơn, chứng từ để thanh toán vẫn còn khá phổ biến. Thí dụ như: việc lập quỹ đen làm quà biếu bị phanh phui ở Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao tỉnh Bắc Kạn (1997 – 2003); chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp thu tiền làm thêm của nhân viên lập quỹ trái phép, chi xài cá nhân bị phát giác năm 2014; làm giả hồ sơ người có công, bảo hiểm y tế, bảo hiểm các loại để chiếm đoạt tiền từ ngân sách nhà nước…

Thứ năm, sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong sự phát triển, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, trong thực tế, việc đào tạo, bố trí, sử dụng, đãi ngộ nguồn nhân lực này đang nảy sinh những vấn đề bất cập. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đầu tư cho việc cử học sinh, sinh viên và cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài với nhiều ngaành nghề khác nhau… song hiệu quả không cao. Nhiều học viên, thậm chí là cán bộ học xong đã không về nước hoặc về nước nhưng không bố trí công việc phù hợp hoặc đãi ngộ chưa thỏa đáng nên đã chuyển công tác đến nơi làm mới, thu nhập cao hơn. Một số chương trình như đưa bác sĩ về xã, giáo viên cắm bản, tuyển sinh viên xuất sắc vào các cơ quan công quyền,… nhưng quá trình thực hiện còn bất cập nên hiệu quả thấp…

Công tác cán bộ hiện cũng đang có những bất cập nhất định, tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên; cả họ làm quan; hiệu quả làm việc trong các cơ quan công quyền thấp; công chức cắp ô,… cho thấy, ngoài việc lãng phí nguồn ngân sách, thời gian,… còn ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân vào các cơ quan và cán bộ nhà nước. 

2. Lãng phí do những nguyên nhân trực tiếp sau:

Thứ nhất, nền kinh tế đang chuyển đổi

Việt Nam đang chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do xuất phát điểm còn thấp, nhận thức về kinh tế thị trường còn chưa đầy đủ, nên trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm mô hình này ở nước ta đang nảy sinh những vấn đề bất cập, như: thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ trong mối quan hệ với định hướng XHCN; quản lý nhà nước XHCN như thế nào trong kinh tế thị trường,…

Do xuất phát điểm thấp, việc đi tắt đón đầu cũng chưa lường trước những khó khăn thách thức. Nếu lựa chọn công nghệ cao thì việc đào tạo nguồn nhân lực chưa theo kịp, trong khi đó vấn đề giải quyết việc làm trong quá trình chuyển đổi đang là một thách thức lớn và việc tận dụng lợi thế lao động giá rẻ sẽ không có hiệu quả. Ngược lại, nếu tận dụng lợi thế lao động giá rẻ, điều kiện đầu tư thì vấn đề đi tắt, đón đầu sẽ hạn chế và công nghệ sẽ lạc hậu với chu kì khấu hao nhanh, kéo theo tài sản đầu tư cũng giảm sút cả vô hình và hữu hình. Hơn nữa, với công nghệ thấp, nhiều vấn đề nảy sinh đang phải giải quyết như: môi trường, hao phí tài nguyên,…

Thứ hai, sự yếu kém trong bộ máy quản lý nhà nước, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập.

Sự yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công, trong kiểm soát đầu tư công,… là nguyên nhân gây ra những thất thoát lãng phí tài nguyên, tài sản công. Quản lý yếu kém, sự chồng chéo trong quản lý và sử dụng tài sản công đã dẫn đến tài sản công trở thành “cha chung không ai khóc”, biến “tài sản công thành tài sản tư, tài sản cá nhân” dẫn đến việc lạm quyền, chiếm đoạt, tham ô, lãng phí tài sản.

Cơ chế, chính sách không phù hợp hoặc chồng chéo cũng là nguyên nhân gây nên những thất thoát tài sản công, lãng phí. Nhiều vấn đề cuộc sống đặt ra chưa được thể chế hóa, hoặc thể chế hóa chưa phù hợp dẫn đến việc thực thi hạn chế…

Thứ ba, ý thức chấp hành pháp luật của cả người có thẩm quyền và người thực thi còn yếu kém

Đến nay, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật khá đồng bộ và đồ sộ. Tuy nhiên, từ luật đến cuộc sống là một khoảng cách dài. Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và nhiều quy định trong các bộ luật khác về nội dung này khá toàn diện, nhưng do nhiều lý do, việc thực thi vẫn hạn chế. Hằng năm, nhiều vụ án tham nhũng, liên quan đến lãng phí được xét xử cho thấy ý thức tuân thủ luật của những người có liên quan, cả người có thẩm quyền và người thực thi còn hạn chế, yếu kém.

Thứ tư, việc xử lý lãng phí chưa được đề cao và thường gắn với xử lý tham nhũng; cơ chế giám sát, xử lý lãng phí còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, tham nhũng gắn liền với lãng phí và chỉ được xử lý cùng tham nhũng như một hệ lụy kéo theo. Ở nước ta hiện nay, hiện tượng lãng phí, với nhiều biểu hiện đa dạng đang diễn ra ở tất cả các cấp, các bô ngành, địa phương gâ lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta chưa có chế tài để xử phạt dẫn đến việc vung tay quá trán, tiêu xài hoang phí ngân sách quốc gia đã “ngấm” vào máu của nhiều đơn vị, cá nhân và tổ chức được giao quản lý, chi tiêu. Do vậy, cần sớm ban hành các quy định pháp luật một cách cụ thể về vấn đề này.

3. Để khắc phục tệ lãng phí, nhất là lãng phí tài sản công, tài nguyên quốc gia, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó cần tăng cường những tính chất XHCN trong thực tế, như: dân chủ, công bằng xã hội, tiến bộ xã hội,…

Hai là, tăng cường quản lý nhà nước về tài sản công theo hướng gắn trách nhiệm với quyền hạn và nghĩa vụ; trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xoá bỏ cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp"; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "sân sau", trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế... Đẩy mạnh xã hội hóa, tách cung ứng dịch vụ công và quản lý sản xuất kinh doanh ra khỏi chức năng quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước...

Ba là, nâng cao ý thức chấp hành luật của người đứng đầu, người có thẩm quyền và người thực thi nhiệm vụ; đồng thời tăng cường sự giám sát của Mặt trận và các đoàn thể quần chúng và nhân dân đối với cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức. Sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đổi mới chính sách tiền lương. Thực hiện tốt chính sách nhà ở nhằm tạo động lực cho cán bộ, công chức theo hướng nhiều chủ thể tham gia, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; khắc phục tình trạng ăn uống, chè chén, "liên hoan", "gặp mặt" không lành mạnh,... Coi lãng phí cũng nghiêm trọng như tham ô, tham nhũng và có chế tài mạnh, xử lý nghiêm mọi biểu hiện lãng phí.

Năm là, tiếp tục thực hiện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường biểu dương những cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

________________

(1) ĐCSVN: Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, http://dangcongsan.vn

(2) http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/con-so-be-the-va-can-benh-lang-phi

(3) http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/hon-1-160-xe-cong-duoc-sam-moi-trong-mot-nam

 

TS Nguyễn Dương Hùng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền