Trang chủ    Diễn đàn    Hoàn thiện quy định pháp luật về Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thứ tư, 23 Tháng 8 2017 10:24
2656 Lượt xem

Hoàn thiện quy định pháp luật về Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

(LLCT) - Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho hệ thống chính trị. Hiện nay, quy định pháp luật về Trường Chính trị còn thiếu đồng bộ, dẫn đến công tác quản lý nhà nước đối với các trường này kém hiệu lực, hiệu quả. Do đó, cần sớm hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động và quản lý nhà nước đối với các Trường Chính trị.

1. Thực trạng quy định pháp luật về Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở Việt Nam hiện nay

Hiện nay, có 4 văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Chính trị, đó là: Luật Giáo dục đại học (2012); Nghị định số 125/2011/NĐ-CP ngày 30-12-2011 của Chính phủ quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT ngày 6-6-2011 của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Trường Chính trị  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5-3-2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức. Tuy nhiên, quy định trong các văn bản trên còn thiếu, chưa tạo được cơ sở pháp lý cho việc quản lý  nhà nước đối với các Trường Chính trị.

Luật Giáo dục đại họclà văn bản pháp luật cao nhất trong lĩnh vực giáo dục, nhưng rất ít nội dung liên quan đến Trường Chính trị, chỉ có một số nội dung về chế độ, chính sách của giảng viên được viện dẫn “như đối với giảng viên các trường đại học”. Nghị định số 125/2011/NĐ-CP không quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Chính trị, mà cụ thể hóa Điều 49 Luật Giáo dục (năm 2005 sửa đổi năm 2009) về Trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân. Trong Nghị định này có quy định về vị trí, chức năng của Trường Chính trị nhưng vẫn chưa đủ. Hơn nữa, Nghị định này điều chỉnh chung về cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trong khi đó Trường Chính trị  có những đặc thù riêng nên việc điều chỉnh chung có nhiều bất cập. Thí dụ, Nghị định quy định người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp (Chủ tịch UBND tỉnh) quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng Ban Bí thư mới là cơ quan có thẩm quyền quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Trường Chính trị.

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị. Các Trường Chính trị áp dụng Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3-9-2008 của Ban Bí thư quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mặc dù văn bản này có quy định chi tiết các nội dung tạo cơ sở cho Trường Chính trị hoạt động nhưng thiếu tính pháp lý, bởi đây là văn bản của Đảng, chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Mặc dù là đơn vị sự nghiệp công lập nhưng Trường Chính trị thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Trước đây, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội. Hiện nay, do sáp nhập các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nên mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có một cơ sở là Trường Chính trị. Như vậy, Trường Chính trị như một cơ quan trong bộ máy Nhà nước của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nghĩa là việc thành lập, giải thể, nhập tách Trường Chính trị phụ thuộc và việc thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp tỉnh. Chính vì thế, mặc dù là đơn vị sự nghiệp công lập nhưng việc thành lập, giải thể Trường Chính trị không thể áp dụng theo Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28-6-2012 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Trước khi có Thông tư số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Trường Chính trị áp dụng Quy chế giảng viên Trường Chính trị (do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành). Khi có Thông tư, một số trường vẫn thực hiện theo quy chế do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành hoặc áp dụng đồng thời cả hai văn bản.

Về đạo đức nhà giáo, Luật Giáo dục đại học có một số quy định liên quan, đó là nhiệm vụ của nhà giáo và các hành vi giảng viên không được làm. Tuy nhiên, các quy định này còn chung chung, định tính và chưa có quy định chế tài đối với giảng viên vi phạm đạo đức. Hơn nữa, mặc dù cùng là giảng viên, nhưng giảng viên Trường Chính trị có những yêu cầu và đặc điểm khác với giảng viên giáo dục đại học. Do vậy, cơ sở pháp lý về vấn đề này cũng chưa đầy đủ.

Về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2010/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng công chức. Tuy nhiên, Nghị định chỉ đề cập việc đào tạo, bồi dưỡng công chức, chưa đề cập đến các đối tượng khác mà Trường Chính trị có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng.

Về đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 4524/BNV-ĐT ngày 27-10-2014 về việc hướng dẫn thực hiện công tác đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức kèm theo là bộ chỉ số đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhưng văn bản chỉ hướng dẫn, trao đổi chuyên môn, chưa trở thành quy phạm pháp luật bắt buộc đối Trường Chính trị. Trong khi đó, đây là bộ chỉ số tương đối hoàn thiện và phù hợp để đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của các Trường Chính trị. Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý có những biện pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Như vậy, cơ sở pháp lý cho hoạt động và quản lý nhà nước đối với Trường Chính trị còn thiếu. Số lượng văn bản quy phạm ít, lại thiếu đồng bộ nên việc quản lý kém hiệu quả, hiệu lực.

2. Hoàn thiện quy định pháp luật về Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Để hoàn thiện các quy định pháp luật về Trường Chính trị cần tập trung vào một số công việc trọng tâm sau:

Một là, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Trường Chính trị.

Trên cơ sở Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3-9-2008 của Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị  tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 125/2011/NĐ-CP ngày 30-12-2011 của Chính phủ quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, Chính phủ cần ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nội dung Nghị định cần kế thừa những nội dung phù hợp của Quyết định số 184-QĐ/TW của Ban Bí thư và Nghị định số 125/2011/NĐ-CP của Chính phủ để quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu bộ máy, tổ chức hoạt động. Đây sẽ là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhất, một trong những cơ sở pháp lý để Trường Chính hoạt động, đồng thời là công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lý.

Hai là, hoàn thiện các quy định pháp luật về giảng viên Trường Chính trị.

Các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Thông tư số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT ngày 6-6-2011 quy định tiêu chuẩn của giảng viên Trường Chính trị. Tuy nhiên, một số tiêu chuẩn còn chung chung và khó lượng hóa, một số tiêu chuẩn mới dừng ở mức yêu cầu hoàn thiện văn bằng chứng chỉ mà chưa đặt ra vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn năng lực giảng dạy. Trong khi đó quy định về chế tài đối với đạo đức nhà giáo của giảng viên Trường Chính trị chưa có. Do đó, cần bổ sung các quy định:

- Quy định tiêu chuẩn về năng lực giảng dạy. Việc xây dựng các tiêu chí để đánh giá năng lực giảng dạy của giảng viên là rất cần thiết, bởi đó là một trong những cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

- Quy định về đạo đức của giảng viên. Đạo đức nghề nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng văn hóa trường Đảng. Do đó, cần xây dựng quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo để giảng viên thực hiện. Trong đó, các quy định chuẩn mực trong giảng dạy phải rõ ràng, giới hạn các hành vi của giảng viên theo một quy chuẩn cụ thể. Đồng thời, có các thủ tục và biện pháp xử phạt thích hợp đối với các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Quan trọng hơn, cần giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức để phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

- Quy định cụ thể về chế độ chính sách đối với giảng viên. Cần phân biệt rõ chế độ chính sách với giảng viên Trường Chính trị, không nên viện dẫn “như đối với giảng viên các trường đại học”, gây khó khăn cho các Trường Chính trị trong giải quyết chế độ đối với giảng viên và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Ba là, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Trường Chính trị.

Các quy định về đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải trở thành quy định pháp luật, nghĩa là Công văn số 4524/BNV-ĐT ngày 27-10-2014 cần được quy phạm hóa, nội dung phải được thể hiện dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật. Việc đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Trường Chính trị phải do cơ quan quản lý Trường Chính trị, cơ quan sử dụng công chức hoặc tổ chức độc lập tiến hành thay vì Trường Chính trị tự đánh giá. Có như vậy thì kết quả đánh giá mới khách quan.

Mặc khác, cần có quy định về sự phối hợp chặt chẽ giữa Trường Chính trị và cơ quan cử người đi học. Theo đó, cơ quan cử người đi học phải đánh giá chất lượng, năng lực, hiệu quả công việc của cán bộ, công chức sau đào tạo, bồi dưỡng. Chỉ khi cán bộ, công chức thực sự có nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng để phục vụ công việc thì họ mới chủ động, tích cực, nghiêm túc trong việc học tập.

_____________________

Tài liệu tham khảo

1.     Ban Bí thư Trung ương Đảng: Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 3-9-2008 quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2.     Luật Giáo dục đại học (2012).

3.     Chính phủ: Nghị định số 125/2011/NĐ-CP ngày 30-12-2011 quy định về trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

4.     Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo: Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT ngày 6-6-2011 quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

5.     Chính phủ:Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 5-3-2010 của về đào tạo, bồi dưỡng công chức.

6.     Bộ Nội vụ: Công văn số 4524/BNV-ĐT ngày 27-10-2014 về việc “hướng dẫn thực hiện công tác đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

 

ThS Nguyễn Văn Viên

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền