Trang chủ    Diễn đàn    Sinh viên với việc kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của lối sống truyền thống dân tộc
Thứ ba, 05 Tháng 9 2017 10:41
8577 Lượt xem

Sinh viên với việc kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của lối sống truyền thống dân tộc

(LLCT) - Đảng, Nhà nước và xã hội luôn đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ nói chung và sinh viên nói riêng đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, mỗi sinh viên cần ý thức được nhiệm vụ của mình để nghiêm túc học tập, lao động, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trở thành người có ích cho xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong quá trình ấy, mỗi sinh viên không thể không kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có lối sống truyền thống để xây dựng, hoàn thiện lối sống, nhân cách của sinh viên phù hợp với yêu cầu xây dựng con người trong điều kiện mới.

1. Lối sống của sinh viên và đặc trưng cơ bản của lối sống truyền thống

Sinh viên là tầng lớp xã hội đặc thù, nhạy cảm với cái mới, năng động, ham học hỏi, tìm tòi và sáng tạo. Ở nước ta hiện nay có khoảng 2,2 triệu sinh viên đang học tập tại 412 trường cao đẳng, đại học trên cả nước, tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Sinh viên là lứa tuổi mà cá nhân con người có sự phát triển mạnh mẽ về thế giới quan, nhân sinh quan, chứa đựng hoài bão vươn tới lý tưởng cao đẹp. Về mặt tâm lý, đây là lứa tuổi hình thành và phát triển những phẩm chất nhân cách có ý nghĩa rất lớn đối với việc tự giáo dục, tự hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực như khả năng tự đánh giá, lòng tự trọng, tự tin, tự ý thức… Về mặt xã hội, sinh viên có khát vọng được cống hiến, mong muốn được xã hội ghi nhận. Họ cũng muốn được khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, tập thể, trong công việc, trong các mối quan hệ xã hội.

Với tư cách là một tầng lớp đặc thù, lối sống của sinh viên có những đặc trưng riêng, thể hiện trong học tập, trong rèn luyện, trong ứng xử thông qua các quan hệ chủ đạo như: bạn bè, tình yêu, tình thầy trò; trong các hoạt động xã hội. Trong quá trình hình thành, lối sống của sinh viên luôn chịu sự tác động của nhiều yếu tố như gia đình, nhà trường, môi trường xã hội, trong đó có lối sống truyền thống dân tộc.

Lối sống truyền thống dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển trong lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta được thể hiện qua các đặc trưng cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong tư duy, người Việt Nam luôn uyển chuyển, linh hoạt, mềm dẻo, thể hiện rõ ở việc vận dụng những tư tưởng, lý thuyết của các nền văn hóa lớn để tìm ra những lời giải đáp trực tiếp liên quan đến đời sống nhân sinh hay vận mệnh của dân tộc, làm cho những tư tưởng, lý thuyết trừu tượng và khó hiểu trở nên gần gũi, dễ hiểu. Nhờ lối tư duy uyển chuyển, linh hoạt mà người Việt Nam truyền thống có thể dung hợp các lý thuyết từ bên ngoài, các yếu tố khác biệt để tạo nên sắc thái riêng, khiến cho nền văn hóa Việt Nam rất phong phú, đa dạng, nhiều sắc thái. Trong quá trình tiếp xúc với các nền văn hóa lớn, người Việt đều biết lựa chọn, thay đổi, nhưng không đánh mất bản sắc của mình, thể hiện tư duy biện chứng rõ nét.

Thứ hai, trong ứng xử với tự nhiên, người Việt luôn thể hiện sự hòa đồng, thân thiện. Người Việt trong quá trình chinh phục tự nhiên luôn lấy sự hòa đồng, gắn bó, thích nghi với sự biến đổi của thiên nhiên làm phương châm hành động. Điều này được biểu hiện cụ thể qua các hoạt động sau: (i) sống thuận theo tự nhiên, hòa đồng với tự nhiên; (ii) ứng phó nhạy bén và phù hợp với những thay đổi của các điều kiện tự nhiên.

Thứ ba, các mối quan hệ xã hội, người Việt trọng tình cảm, giàu lòng nhân ái, đề cao tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, biểu hiện cụ thể thông qua mối quan hệ cá nhân - gia đình - làng xóm - dân tộc. Trong xã hội Việt Nam truyền thống, cá nhân được đặt tương quan trong ba mối quan hệ: quan hệ huyết thống, quan hệ láng giềng và quan hệ cùng lợi ích, trong đó ứng xử với quan hệ huyết thống trở thành cơ sở, nền tảng cho ứng xử với các quan hệ khác. Tức là tư cách thành viên huyết thống được nhân rộng ra trong quan hệ xã hội ngoài huyết thống. Ở đây, nhân sinh quan huyết thống được xã hội coi trọng và lấy làm hệ tham chiếu trong quan hệ cá nhân cũng như nhìn nhận, đánh giá ứng xử cá nhân.

Lối sống đề cao tính tập thể, cộng đồng với việc coi trọng tình làng nghĩa xóm, đề cao tinh thần đoàn kết, hòa thuận, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, không chấp nhận lối sống hờ hững, vô trách nhiệm đã góp phần kìm hãm và hạn chế những biểu hiện tiêu cực của bệnh vô cảm, đồng thời tạo nên sức mạnh của sự thống nhất cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh những mặt tích cực, lối sống truyền thống cũng bộc lộ không ít những hạn chế. Cụ thể như sau:

Về tư duy, xu hướng duy tình, lấy tình cảm thay thế cho việc phân tích khoa học,  sức mạnh của quan hệ tình cảm, quan hệ cộng đồng, quan hệ ân nghĩa… nhiều khi vượt qua cả lý lẽ, pháp luật. Cách tư duy này dẫn đến việc khi giải quyết các vấn đề thường nể nang, coi nhẹ pháp luật, dẫn đến con người sống thiếu kỷ cương, thiếu tôn trọng pháp luật.

Trong cách ứng xử với tự nhiên, sự hòa đồng, tôn trọng tự nhiên cũng thể hiện sự phụ thuộc vào tự nhiên, thậm chí tôn thờ tự nhiên của người Việt. Vì vậy, khi đối diện với sự biến đổi thất thường của tự nhiên, đáng lý người việt phải biết tìm cách làm chủ tự nhiên, thì người Việt lại quá lệ thuộc vào tự nhiên (Trời), nên trong quá trình sống hay lao động sản xuất, người Việt thường tin vào số phận, may rủi, trông chờ vào thiên nhiên, dẫn đến người Việt dễ chán nản, chùn bước khi giải quyết khó khăn. Hơn nữa, nền sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên nên mang tính thời vụ và năng suất thấp. Đây là cơ sở hình thành lối sống tiểu nông với tác phong chậm chạp, không tiếc và không tuân thủ thời gian. Điều này còn được biểu hiện ở việc làm ăn tùy tiện, không biết lo xa, không biết hạch toán, thiếu khả năng lao động liên kết, thiếu đầu óc tính toán trong kinh doanh, sản xuất chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, thiển cận, thực dụng, tính tổ chức, kỷ luật kém, mang nặng tính cục bộ, địa phương chủ nghĩa…Những biểu hiện trên của lối sống tiểu nông vẫn,đã và đang trở thành một trong những trở ngại khi chúng ta bước sang giai đoạn xã hội mới - xã hội công nghiệp - một xã hội đòi hỏi tác phong nhanh nhẹn, khẩn trương, kịp thời, khoa học, chính xác.

Trong các mối quan hệ xã hội, với việc đề cao tính cộng đồng, tập thể nên vai trò của cá nhân hết sức mờ nhạt. Cá nhân luôn bị cộng đồng chế ngự, vì vậy trở thành nhỏ bé. Hơn nữa, điều này cũng tạo ra sự quân bình về lợi ích giữa các thành viên trong cộng đồng, hạn chế sự năng động, tích cực của cá nhân, gây nên tính cục bộ của cộng đồng. Điều này khiến cho người Việt khó hòa nhập trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

2. Ảnh hưởng của lối sống truyền thống đến quá trình xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam hiện nay

Phát triển là sự kế thừa và đổi mới. Sinh viên Việt Nam ngày nay là thế hệ trí thức tương lai của đất nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình hội nhập quốc tế. Được sống và học tập trong nhà trường cũng như xã hội luôn coi trọng truyền thống, nên trong quá trình hình thành lối sống mới của mình, sinh viên Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng và kế thừa, phát huy được những giá trị của văn hóa truyền thống nói chung và giá trị tốt đẹp trong lối sống dân tộc nói riêng. Điều này được thể hiện cụ thể như sau:

Một là, về tư duy, sinh viên ngày nay có tư duy biện chứng ở một trình độ tương đối cao. Đây vừa là kết quả của sự phát triển tâm lý lứa tuổi, vừa là kết quả của quá trình giáo dục đại học, đồng thời cũng là hệ quả tác động của tư duy truyền thống. Tuy nhiên, nếu tư duy truyền thống chủ yếu dừng lại ở biện chứng tự phát và tổng hợp sơ khai, thiếu tính logic, chưa vươn tới tư duy khoa học khái quát và tổng hợp ở trình độ cao, thì tính logic, tính trừu tượng, tính khoa học trong tư duy của sinh viên ngày càng cao. Một trong các nguyên nhân là sự tiếp xúc giữa sinh viên với các quan hệ xã hội ngày càng trực tiếp hơn, mật thiết hơn đã dần hình thành thói quen tư duy độc lập với những phán đoán ngày càng toàn diện hơn, khoa học hơn, từ đó làm cho tư duy lôgíc, tư duy trừu tượng cũng ngày càng phát triển, thế giới quan, nhân sinh quan từng bước hình thành, tư tưởng và hành vi ngày càng có tính độc lập. Đây cũng là kết quả của tính tích cực học tập của sinh viên ngày nay. Theo kết quả điều tra xã hội học, trong tổng số 1402 học sinh/sinh viên được hỏi thì 94,44% khẳng định rằng “tích cực học tập là mục tiêu phấn đấu quan trọng nhất lúc này”(1).

Ngày nay, sinh viên cũng có điều kiện phát triển hơn về mặt trí tuệ nên thông minh hơn, hiểu hiết nhiều hơn, năng động và nhạy cảm hơn. Cùng với sự kế thừa đặc điểm linh hoạt, uyển chuyển, thiết thực của lối tư duy truyền thống đã giúp cho sinh viên dễ dàng chấp nhận cái mới, cái văn minh trong quá trình hội nhập. Điều này là cần thiết và phù hợp với bối cảnh hiện nay.

 Tuy nhiên, do còntrẻ, ít kinh nghiệm sống, lại chịu tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa, của kinh tế thị trường, nên tư tưởng sinh viên cũng dễ bị dao động, chưa nhất quán, không ít sinh viên mất phương hướng. Một bộ phận sinh viên còn thụ động, chưa thích nghi với môi trường thay đổi nhanh chóng, dẫn đến quả học tập còn thấp. Theo báo cáo của Hội sinh viên Việt Nam, trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên có kết quả học tập trung bình và yếu kém còn cao (66,15% trung bình và 10,85 yếu kém), trong khi tỷ lệ sinh viên giỏi và xuất sắc chỉ chiếm 4,69%(2). Bên cạnh đó, một số sinh viên do tâm lý tuổi trẻ chưa thật ổn định đã rơi vào lối sống đua đòi, thực dụng, buông thả. Theo kết quả nghiên cứu được tiến hành ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, có tới 27,1%  sinh viên đọc sách dưới 1 giờ/ ngày(3).

Hai là, trong ứng xử với tự nhiên. Những quan niệm về ứng xử với tự nhiên truyền thống như: quan niệm “Thiên - Địa - Nhân hoà đồng” hay “Thiên - Nhân hợp nhất”; quan niệm “Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên”; quan niệm “Nhân định thắng Thiên”, v.v. đã tạo nên triết lí sống hài hoà giữa con người với tự nhiên cũng được sinh viên nhận thức ngày càng sâu sắc. Đa số sinh viên hiểu được, đó là triết lý sống bền vững của dân tộc. Triết lí đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa triết học nhân sinh, tư duy biện chứng với lối sống thực tế của người trồng lúa nước - những con người luôn sống và hoạt động gắn bó chặt chẽ với tự nhiên. Đây cũng là một trong những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc, và đóng vai trò to lớn trong hoạt động ứng xử của sinh viên với môi trường tự nhiên.

Hầu hết sinh viên hiểu được rằng, để phát triển bền vững đòi hỏi con người phải có mối quan hệ hài hòa với tự nhiên. Không chỉ dừng lại ở nhận thức, sinh viên ngày nay đang tích cực hiện thực hóa nhận thức đó bằng các hoạt động, phong trào cụ thể để bảo vệ, cải thiện tự nhiên, bảo vệ môi trường sống của chính mình. Trong thời gian qua, sinh viên cùng đoàn viên thanh niên cả nước đã rất tích cực và sôi nổi trong công tác bảo vệ môi trường, gây ấn tượng và tạo được hiệu quả tuyên truyền tốt đẹp tới nhân dân và cộng đồng xung quanh bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: dọn vệ sinh, thu gom rác thải đường làng, ngõ, xóm; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; trồng rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn, rừng hoàn nguyên; vận động nhân dân tại địa phương tham gia xây dựng các công trình nước sạch vệ sinh môi trường; tổ chức tập huấn về bảo vệ môi trường kêu gọi bảo vệ động vật quý hiếm. Các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức của sinh viên, tiến tới hành động đi đầu trong công tác vận động, tuyên truyền hưởng ứng các chiến dịch:  Ngày vì môi trường; Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn; Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn,…Chương trình COP 21 và hành động của giới trẻ cũng đã được phát động trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia đông đảo các bạn trẻ đã đóng góp cảm nhận, ý kiến của mình về môi trường, các dự án cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu; “Clean Up Vietnam” của tổ chức Enactus RMIT với sự tham gia của hơn 250 sinh viên trường Đại học Quốc tế RMIT và gần 1.500 các bạn học sinh trung học cơ sở và phổ thông tại các địa điểm tổ chức.

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóađất nước để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho CNXH, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Những thành tựu mà CNH, HĐH đưa lại là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, môi trường tự nhiên bị huỷ hoại ngày càng nghiêm trọng với khối lượng tài nguyên thiên nhiên được sử dụng ngày càng nhiều hơn và tốc độ khai thác nhanh hơn, các chất thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt làm giảm chất lượng môi trường và chất lượng sống cũng là một thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt. Vấn đề này đòi hỏi sinh viên phải không ngừng học hỏi, tiếp nhận và sáng tạo tri thức mới để hạn chế sự can thiệp quá mức vào tự nhiên, để tự nhiên thực sự là “thân thể vô cơ” lành mạnh của con người.

Ba là, trong ứng xử với các mối quan hệ xã hội

Mỗi sinh viên là một cá nhân đang phát triển và hoàn thiện nhân cách, tham gia đầy đủ vào các quan hệ xã hội. Tuy chịu ảnh hưởng của lối sống truyền thốngtrong ứng xử với các quan hệ xã hội, nhưng sinh viên ngày này có những điểm rất khác biệt. Trong lối sống truyền thống, cá nhân và vai trò của cá nhân thường rất mờ nhạt, thậm chí bị hòa tan vào các mối quan hệ cộng đồng. Ngày nay, cá nhân vẫn không tách khỏi các mối quan hệ xã hội, song xu hướng khẳng định cá nhân đang thể hiện rõ nét, đặc biệt là sinh viên - tầng lớp đang muốn khẳng định sự trưởng thành của mình.

Sinh viên ngày nay đánh giá cao nhu cầu, giá trị bản thân. Họ mong muốn hướng tới một cuộc sống thỏa mãn được nhu cầu cá nhân và khẳng định giá trị bản thân. Nhiều sinh viên không nề hà làm mọi việc để học tập với mục đích sau này có cuộc sống tiện nghi, hiện đại. Giá trị sinh viên hướng đến hầu hết là mưu cầu hạnh phúc, làm giàu trước hết cho bản thân, sau đó là gia đình, cộng đồng và xã hội. Họ đánh giá cao những giá trị: hòa bình, tự do, học vấn, nghề nghiệp, việc làm. Ngày nay, sinh viên có xu hướng chọn những ngành dễ kiếm việc làm, những nghề nghiệp có thu nhập cao, có điều kiện thể hiện, phát triển năng lực bản thân.

Sinh viên ngày nay đã thể hiện sự “thông thoáng”, năng động, tích cực, chủ động trong giao tiếp xã hội, đặc biệt sinh viên từ nông thôn, miền núi ra thành phố học tập đã hòa nhập nhanh chóng trong quan hệ xã hội phức tạp ở đô thị. Quan hệ thầy trò ngày nay có sự chủ động, tích cực, thiết thực. Quan hệ tình bạn, tình yêu đa dạng, phong phú, sinh động và thực tế hơn trước đây. Họ được tự do thể hiện lối sống của mình trong những quan hệ phức tạp, đó là sự trải nghiệm để trưởng thành.

Các hoạt động chính trị - xã hội được sinh viên tham gia ngày càng sâu rộng với nội dung thiết thực và nhiều hình thức hấp dẫn, phong phú thể hiện rõ trình độ văn hóa và bản sắc sinh viên. Bằng các hoạt động cụ thể, họ đã tham gia vào phong trào sinh viên tình nguyện, tham gia chào mừng các sự kiện chính trị xã hội của đất nước. Sinh viên hưởng ứng các sự kiện chính trị xã hội theo cách của mình và qua đó ý nghĩa của các sự kiện chính trị xã hội thấm vào sinh viên một cách tự nhiên. Theo kết quả khảo sát 1066 học sinh/sinh viên cho thấy, khi được yêu cầu tham gia các hoạt động xã hội ở nơi cư trú, có 77,39% trả lời sẵn sàng, 16,42% miễn cưỡng và 6,19% tìm lý do từ chối; 90,61% học sinh/sinh viên sẵn sàng tham gia ủng hộ giúp đỡ đồng bào bị thiên tai(4).

Phần lớn sinh viên Việt Nam đang kế thừa, phát huy được các giá trị truyền thống của dân tộc, biết ứng xử có văn hóa trong mọi quan hệ xã hội, như biết kính trên nhường dưới, biết sống vì người khác, quan tâm đến những người xung quanh, đến cộng đồng, biết chia sẻ. Điều này bắt nguồn từ nhận thức đúng đắn, hiểu biết phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc mình và các dân tộc khác cũng như hiểu được tính cách của người khác, từ đó có cách ứng xử đúng đắn, tôn trọng lẫn nhau giữa người với người. Không ít sinh viên luôn nghiêm khắc với chính mình, luôn tự phê bình, rút ra những ưu điểm để phát huy và khắc phục những hạn chế, thiếu sót; luôn tôn trọng người khác, như kính trọng thầy cô, yêu thương gia đình, thân thiện với bạn bè, thấy được nghĩa vụ lớn lao đối với xã hội, có quan niệm đúng đắn về tình yêu để giải quyết hài hòa quan hệ giữa tình yêu và sự nghiệp, từ đó luôn cố gắng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, để có sự nghiệp vững vàng, tình yêu trong sáng.

Bên cạnh những mặt tích cực, lối sống truyền thống cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống của sinh viên. Đó là sựhình thành và tồn tại lối tư duy thực dụng. Tư duy thực dụng khi được tuyệt đối hóa, bị lạm dụng đã xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực trong học tập, hoạt động, lối sống của sinh viên. Nhiều sinh viên chỉ chú ý đến những vấn đề trước mắt, không chú ý đến tương lai lâu dài của bản thân cũng như gia đình, xã hội. Việc học tập của một bộ phận sinh viên không nhằm trang bị kiến thức tạo hành trang cho tương lai, mà chủ yếu lấy được tấm bằng đại học để tìm việc làm có thu nhập cao. Nhiều sinh viên tìm mọi cách, trong đó có những cách tiêu cực (như gian lận trong thi cử,…) để có được điểm cao dẫn đến kết quả học tập không phải thực chất, mà chỉ mang tính hình thức. Và thực trạng thất nghiệp của sinh viên ra trường trong những năm gần đây đã phản ánh tương đối đầy đủ hệ quả của lối tư duy thực dụng trong học tập của sinh viên.

Lối sống trọng danh, coi trọng yếu tố tinh thần đã dẫn đến đức tính hiếu học đáng quý. Nhưng đi liền với nó là thói háo danh, mua danh, học vì danh chứ không phải thực học. Vì vậy, dẫn đến việc học tập, nghiên cứu mang nặng tính giáo điều, sao chép và thuộc lòng các lý thuyết có sẵn. Lối học này đã trói buộc những sáng kiến, kìm hãm lối tư duy phản biện, dẫn đến thiếu tự tin trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Ngoài ra, một trong những đặc trưng của lối sống truyền thống là đề cao kinh nghiệm, không chú trọng đến tư duy khoa học cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến lối tư duy của sinh viên hiện nay. Đây là một trong những nguyên nhân giải thích cho thực trạng thành tích nghiên cứu khoa học còn yếu kém ở sinh viên hiện nay.

Việc đề cao tính cộng đồng, tính tập thể trong lối sống truyền thống cũng dẫn đến sự lệ thuộc vào cộng đồng, tập thể của cá nhân. Điều này dẫn đến tính tự chủ, độc lập của sinh viên chưa cao và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu tự tin của sinh viên trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Như vậy, có thể thấy, lối sống truyền thống có vai trò rất quan trọng đến sự hình thành và hoàn thiện lối sống mới của sinh viên. Điều này đòi hỏi các chủ thể tham gia quá trình xây dựng lối sống cho sinh viên và bản thân sinh viên cần phải biết kế thừa những mặt tích cực, đồng thời loại bỏ những yếu tố hạn chế của lối sống truyền thống để xây dựng lối sống mới vừa văn minh, hiện đại vừa mang đậm đà bản sắc dân tộc.

Đảng, Nhà nước và xã hội luôn đánh giá cao vai trò của thế hệ trẻ nói chung và sinh viên nói riêng đối với sự phát triển của đất nước. Vì vậy, mỗi sinh viên cần ý thức được nhiệm vụ của mình để nghiêm túc học tập, lao động, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trở thành người có ích cho xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong quá trình ấy, mỗi sinh viên không thể không kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có lối sống truyền thống để xây dựng, hoàn thiện lối sống, nhân cách của sinh viên phù hợp với yêu cầu xây dựng con người trong điều kiện mới.

_____________________

(1)  Phạm Minh Hạc, Thái Duy Tuyên (Chủ biên): Định hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.207.

(2), (3) Phạm Hồng Tung: Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.345., 346.

(4) Phạm Minh Hạc, Thái Duy Tuyên (Chủ biên): Định hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.215.

 

ThS Ngô Xuân Dương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh  

ThS Nguyễn Văn Hiếu

Học viện Ngân hàng – Phân viện Bắc Ninh

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền