Trang chủ    Diễn đàn    Trí tuệ nhân tạo: Thành tựu và nỗi lo của con người
Thứ ba, 19 Tháng 9 2017 16:24
4567 Lượt xem

Trí tuệ nhân tạo: Thành tựu và nỗi lo của con người

(LLCT) - Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI) là thuật ngữ chỉ sản phẩm máy móc thông minh do con người tạo ra, có thể tư duy, suy nghĩ, học hỏi và ra quyết định... mô phỏng theo trí tuệ con người. AI xuất hiện từ giữa thế kỷ XX tại Mỹ. Là máy móc thông minh nên mức độ xử lý dữ liệu của AI có phạm vi rộng, tính hệ thống, khoa học và nhanh hơn nhiều so với con người, do vậy là nhân tố cốt lõi của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, sự phát triển của AI cũng dấy lên lo ngại về nguy cơ con người bị “nô lệ hóa”, thậm chí AI có thể làm hại con người nếu con người không tìm ra phương thức kiểm soát hữu hiệu.

1. AI - thành tựu to lớn của con người

Lịch sử phát triển AI đã ghi nhận có hai trường phái tư duy: (1) AI truyền thống và (2) trí tuệ tính toán. Chiếc máy tính cơ học đầu tiên có khả năng lập trình do Blaise Pascal chế tạo năm 1642 đã đặt nền móng cho AI, và vào những  năm 1950, John McCarthy lần đầu tiên đưa ra thuật ngữ “artificial intelligence” trong một cuộc hội thảo tại Mỹ về chủ đề này(1). AI là một trong những lĩnh vực trọng yếu của ngành tin học, liên quan đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng thông minh của máy móc, bao gồm các nhiệm vụ điều khiển, lập kế hoạch, lên lịch; trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng về các sản phẩm của một công ty, nhận dạng chữ viết, tiếng nói và khuôn mặt…

Ngày nay AI đã trở thành một ngành khoa học, với mục đích chính là cung cấp lời giải cho các vấn đề của cuộc sống thực tế. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo được dùng thường xuyên trong kinh tế, y học, các ngành kỹ thuật, công nghệ và quân sự - quốc phòng cũng như trong các ứng dụng gắn với đời sống.

Giám đốc điều hành Intel, ông David Moloney mới đây đã tuyên bố rằng AI trong thời đại ngày nay còn quan trọng hơn ứng dụng điện năng ở nửa cuối thế kỷ XIX. Theo đó, máy móc học nhanh hơn và tốt hơn con người. Chúng có thể hoạt động với hiệu suất vượt ngoài khả năng của con người trong nhiều lĩnh vực như phân tích số liệu hay khám bệnh. Mặt khác, AI còn có khả năng tự khắc phục và ghi nhớ sai sót.

Hiện nay AI đã vượt trí tuệ con người trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, năm 1997 cỗ máy Deep Blue do IBM phát triển đã đánh bại nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov; năm 2011, IBM phát triển thành công “chuyên gia ngôn ngữ” Watson, cũng đã đánh bại 2 chuyên gia trong trò chơi ngôn ngữ Jeopardy trên truyền hình; năm 2015, cỗ máy Cepheus đánh bại những nhà vô địch trong lĩnh vực xì phé (trò chơi bài). Hay mới đây nhất, cỗ máy AlphaGo của Google đã thắng nhà vô địch cờ vây người Trung Quốc Ke Jie...(2)

Cho đến nay đã có nhiều hãng công nghệ khổng lồ đầu tư mạnh vào AI như: Google, Facebook, Amazon, IBM, Microsoft…, trọng tâm nghiên cứu là định hình những ứng dụng tốt nhất trong công nghệ AI.

2. Nguy cơ bị lệ thuộc vào AI

Theo giới nghiên cứu, bên cạnh những thành tựu to lớn về công nghệ AI giúp định hình thế giới theo cách tốt đẹp hơn, nhưng AI cũng gây ra những lo ngại ngày càng gia tăng, rằng đến lúc nào đó máy móc sẽ kiểm soát con người, khiến con người phụ thuộc vào những quyết định của máy móc khi chúng đạt đến trình độ siêu trí tuệ (SI) hay trí thông minh tổng quát (GI).

Ngay từ năm 2014, tỷ phú công nghệ Elon Musk đã nhiều lần dự đoán rằng AI có thể gây hại cho con người, rằng AI có thể làm nhiều việc nguy hiểm hơn vũ khí hạt nhân. Mới đây, phát biểu tại Hội nghị của Hiệp hội các thống đốc Mỹ, tỷ phú Elon Musk cho biết, ông đã có cơ hội tiếp cận những bước tiến lớn của AI và cho rằng con người nên lo ngại về nó. Theo ông Elon Musk, AI là mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội con người và cần phải được kiểm soát trước khi quá muộn. Nhiều chuyên gia cũng đã bày tỏ lo ngại, con người với sự hạn chế về tiến hóa sinh học có thể bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo.

Trong giới chuyên gia còn có những ý kiến cho rằng sự phát triển của AI chính là “con dao hai lưỡi”, rằng “trong khi AI có thể là niềm hy vọng lớn nhất ngăn cản làn sóng tấn công mạng và vi phạm, bản thân nó cũng có thể tạo ra thêm nhiều chiến thuật tấn công tiên tiến trong ngắn hạn”(3). Khảo sát của Cylance công bố ngày 1-8 vừa qua cho thấy, khoảng 62% số chuyên gia bảo mật tin rằng AI sẽ được vũ khí hóa và sử dụng cho các cuộc tấn công mạng trong vòng 1 năm tới. Trong một cuộc thăm dò ý kiến, có tới 62% số người được hỏi dự đoán AI sẽ bị sử dụng vào việc tấn công mạng, chỉ 32% cho rằng AI sẽ không có khả năng này.

Sự lo lắng lớn nhất của giới chuyên gia đối với AI chính là nguy cơ “nô lệ hóa” con người. Trong cuốn sách Super intelligence (siêu trí tuệ - SI), Nick Bostrom cho rằng khi AI đạt mức trí thông minh tổng quát (general intelligence - GI), nó có thể tự lập ra những thuật toán mới để đạt tới mức SI. Và với khả năng xử lý điện toán cực nhanh, cộng với việc có thể tổng hợp từ các nguồn dữ liệu lớn (Big Data) nó có thể nhanh chóng vượt qua con người để đạt tới mức siêu nhiên. Khi máy móc có trí thông minh vượt trội, loài người có khả năng trở thành nô lệ của máy móc. Theo Bill Joy, người đồng sáng lập và Giám đốc khoa học của Sun Microsystems thì “Có một vấn đề rất lớn đối với xã hội loài người khi AI trở nên phổ biến, đó là chúng ta sẽ bị lệ thuộc. Khi AI trở nên hoàn thiện và thông minh hơn, chúng ta sẽ cho phép bản thân mình nghe theo những quyết định của máy móc, vì đơn giản các cỗ máy luôn đưa ra quyết định chính xác hơn con người”(4).

3. Khả năng kiểm soát AI của con người

Theo giới chuyên gia, hiện nay AI vẫn chưa đạt tới mức trí thông minh tổng quát (GI), tức là không có khả năng xử lý tất cả tình huống xảy ra trong thực tế giống như con người hoặc các loài động vật. Việc đưa AI đạt tới mức GI luôn là thách thức của các nhà phát triển AI từ trước đến nay. Bởi khác với con người, máy móc chỉ có thể học từng loại kỹ năng riêng biệt. Chẳng hạn, máy chơi cờ tướng chỉ có thể chơi cờ tướng. Nó có thể học hàng tỷ nước đi của môn cờ tướng, nhưng không thể học dù chỉ một nước đi của môn cờ vua. Nếu các nhà khoa học muốn cho cỗ máy chơi cờ tướng học cách chơi cờ vua, trước hết họ phải để nó quên tất cả dữ liệu liên quan đến cờ tướng. Các nhà nghiên cứu AI gọi điều này là “thảm họa quên lãng”(5). Nếu không có khả năng học hỏi, kỹ năng này sẽ chồng lên kỹ năng khác và AI không bao giờ học được như con người, hoặc có đủ tính linh hoạt để giải quyết những vấn đề theo cách mà con người thực hiện. Tuy nhiên, James Kirkpatrick, một chuyên gia trong dự án AI DeepMind của Google lại mới cho biết bộ phận nghiên cứu DeepMind đã phát triển được một thuật toán giúp máy móc có thể học hỏi như con người. Với tiến bộ mới nhất của Google, khả năng AI đạt tới mức GI sẽ không còn xa, và khi đó chắc chắn nhiều vấn đề sẽ được đặt ra.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 50 quốc gia đang nghiên cứu robot chiến trường, nhất là ở Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Nhật Bản… Vì thế, nhiều người lo ngại điều này sẽ sớm dẫn đến việc máy móc có thể giết hại con người mà con người không kiểm soát được.

Trong khi đó, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg lại tỏ ra lạc quan và tin tưởng việc AI sẽ cứu sống và giúp đỡ con người trong nhiều vấn đề, như điều trị bệnh, chẩn đoán ung thư, lựa chọn thuốc... Mark Zuckerberg cho rằng “Mọi thứ luôn là 2 mặt của một vấn đề, có mặt tốt, mặt xấu. Chính vì thế, người dùng cần cẩn trọng trong mục đích của việc tạo sản phẩm, dùng nó vào vấn đề nào và được dùng ra sao”.

Một hướng đi đang được nghiên cứu là dùng cộng đồng để kiểm soát AI, điển hình là dự án OpenAI - đóng vai trò phát triển các kỹ thuật và sản phẩm AI, song đồng thời cũng nghiên cứu các cách thức kiểm soát để AI không làm hại đến con người. Và như cái tên đã gợi ý, sản phẩm do OpenAI làm ra sẽ hoàn toàn mở, miễn phí cho mọi người sử dụng.

Trong thời điểm hiện nay, chưa có lý do gì để hoảng loạn bởi AI cần có những bước tiến lớn mới có thể tương xứng với não bộ con người, nếu con người nhận thức sớm và có những biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa thích hợp ngay từ bây giờ. Phải chấp nhận sự thật rằng, con người sẽ luôn dùng chính những công nghệ họ phát minh ra vào cả mục đích tốt và xấu. Điều quan trọng là, cần lập ra các kế hoạch phát triển bền vững và an toàn, làm sao cho AI phát huy tốt nhất ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội và thúc đẩy nền văn minh nhân loại.

______________

(1): Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: Lịch sử ngành trí tuệ nhân tạo, https://vi.wikipedia.org

(2) Thần đồng cờ vây số một thế giới đánh thua máy tính, http://tuoitre.vn, 24-5-2017

(3) Trí tuệ nhân tạo sẽ bị vũ khí hóa ngay trong năm tới?, http://viettimes.vn, 2-8-2017

(4), (5) Hai mặt trí tuệ nhân tạo (K2): Khi AI đạt mức siêu nhân, http://saigondautu.com.vn, 10-8-2017

Nguyễn Nhâm

Viện Chiến lược Quốc phòng

Nguyễn Thị Nguyệt Anh

Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền