Trang chủ    Diễn đàn    Phê phán một số quan điểm phủ nhận, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng
Thứ hai, 25 Tháng 9 2017 11:41
3201 Lượt xem

Phê phán một số quan điểm phủ nhận, xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng

(LLCT) - Độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa là đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tiến trình đổi mới. Đường lối đó đã tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ. Nhờ thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần xứng đáng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong hơn 30 năm đổi mới.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhất là vấn đề Biển Đông, trên một số trang mạng xã hội đã xuất hiện những quan điểm, ý kiến của những “công dân”, “nhà báo”, “nhà dân chủ”, “nhà nghiên cứu”, “người yêu nước”... dưới các hình thức “lời kêu gọi”, “tư vấn”, “phản biện”, “kiến nghị” “góp ý”... nhằm phê phán, bác bỏ đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay. Nổi lên là các quan điểm: (1) Để giữ độc lập, chủ quyền... phải tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, tẩy chay người Trung Quốc, phải chống Trung Quốc; (2) Chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo; (3) Không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi (!); (4) Nếu Đảng, Nhà nước vẫn “kiên định”, vẫn “khăng khăng” giữ chính sách quốc phòng “Ba không” (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia) như thế là “dân đi một đường, Đảng đi một nẻo”(!)...

Vậy, bản chất những quan điểm, luận điệu đó thế nào? Đây là lời “gan ruột” góp ý chân thành, tâm huyết nhưng thiếu nhạy cảm, tỉnh táo về chính trị hay là dụng ý thâm độc của những kẻ cơ hội? Đây là sự phiến diện, lệch lạc do hạn chế về nhận thức, xử lý thông tin hay là sự xuyên tạc, đổi trắng thay đen? Đây có phải là sự nham hiểm, tinh vi, trắng trợn của các thế lực phản động, thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối, là biểu hiện của sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng chỉ ra? Theo chúng tôi, thực chất đây là những tư tưởng, quan điểm lệch lạc, sai trái, xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định tính đúng đắn, khoa học trong đường lối đối ngoại của Đảng và bác bỏ những quan điểm sai trái nêu trên. 

Thứ nhất, phê phán luận điệu: Để giữ độc lập, chủ quyền... phải tẩy chay hàng hóa Trung Quốc, tẩy chay người Trung Quốc, phải chống Trung Quốc

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị. Tình cảm hữu nghị giữa hai nước đã được xây dựng qua nhiều thế hệ, trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc. Quan hệ giữa hai nước tuy trải qua nhiều thăng trầm nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi với Trung Quốc, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và luôn mong muốn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững([1]1). Với những thỏa thuận đã được hai nước đàm phán, ký kết trong những năm qua, hai bên cần kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp phù hợp với luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc; nhưng đồng thời cũng quyết tâm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Điều này vẫn luôn được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ.

Rõ ràng những “kiến nghị”, “lời kêu gọi” “bài Trung”, “tẩy chay hàng hóa Trung Quốc”, “không tiếp khách Trung Quốc”... được phát tán trên mạng xã hội, trên một số trang báo điện tử và những hành vi kích động, đập phá của người biểu tình ở Bình Dương, Vũng Áng... thời gian qua là những tư tưởng và hành động sai trái, thâm độc cần phải phê phán, bác bỏ. Những tư tưởng, hành động đó thực chất là xuyên tạc, đi ngược lại đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam, cổ súy cho chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kích động bạo lực, kích động chiến tranh và hận thù dân tộc. Những tư tưởng, hành động cực đoan, quá khích đó không những đã làm thiệt hại cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài (trong đó có người Trung Quốc) tại Việt Nam mà còn trực tiếp gây thiệt hại cho người tiêu dùng, người lao động, người sản xuất, kinh doanh Việt Nam, gây mất an ninh, trật tự xã hội; làm suy yếu đất nước từ bên trong, làm xấu đi hình ảnh của một Việt Nam thanh bình, yêu chuộng hòa bình, là điểm đến an toàn, hấp dẫn trong mắt bè bạn quốc tế và vì thế mà càng gây thêm khó khăn cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta([1]2). Do đó, cũng giống như những hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, những tư tưởng, hành động cực đoan, quá khích đó đã làm tổn thương nghiêm trọng tình hữu nghị tốt đẹp của nhân dân hai nước Việt - Trung.

Thứ hai, phê phán quan điểm: Chỉ có“nắm lấy bàn tay của một nước phát triển nào đó”; “chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo...”(!).

Một là, những bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông hiện nay không chỉ liên quan đến 5 nước 6 bên có yêu sách chủ quyền mà còn trực tiếp liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và khu vực. Đây là vấn đề phức tạp, lâu dài, không thể giải quyết ngay trong ngày một ngày hai. Vấn đề Biển Đông không thể do một vài cường quốc dàn xếp, quyết định, càng không thể được giải quyết bằng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Vì sẽ không thể có hòa bình, ổn định và phát triển lành mạnh ở Biển Đông nếu những tranh chấp, bất đồng được các bên hành xử theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”. Thực tế cho thấy, chính những hành động bất chấp luật pháp quốc tế và quân sự hóa ở Biển Đông gần đây đã làm cho tình hình trở nên phức tạp, căng thẳng và khó kiểm soát. Do đó, giải quyết vấn đề Biển Đông tất yếu phải bằng các cơ chế đàm phán, thương lượng hòa bình song phương và đa phương trên cơ sở Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hai là, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ hiện nay phải bằng sức mạnh tổng hợp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Kết hợp nội lực và ngoại lực, bằng cả sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếng nói của cộng đồng quốc tế, chứ không thể chỉ dựa vào việc liên minh quân sự với một vài quốc gia đơn lẻ. Hơn nữa, trong bối cảnh các nước đều đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc thì hiếm có một “nước phát triển”, một “cường quốc” nào lại bảo vệ chủ quyền, bảo vệ Tổ quốc cho quốc gia, dân tộc khác một cách vô tư, không tính toán. Do đó, dựa vào một nước nào đó, cho dù là “nước phát triển”, “cường quốc” thì không những không giải quyết được vấn đề, mà thậm chí còn làm trầm trọng, căng thẳng và phức tạp thêm tình hình. Thực tế cho thấy, tuy là đồng minh của Nhật nhưng lâu nay Mỹ cũng chẳng giúp được gì cho Nhật Bản trong việc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Hay như đối với Ucraina, dù được cả Mỹ và Liên minh châu Âu “bảo trợ” khá toàn diện, nhưng nước này vẫn không thể giành được bán đảo Crưm trong tranh chấp với Nga.

Ba là, “liên minh” với một nước nào đó để chống nước khác tức là chúng ta đã tự tạo cho mình thêm một kẻ thù. Càng tai hại hơn nếu đó lại là một quốc gia có địa chính trị“núi liền núi, sông liền sông”. Lịch sử đã khắc ghi nhiều bài học sâu sắc cho việc tồn tại độc lập bên cạnh một láng giềng luôn tìm cách “đồng hóa” chúng ta, đó không chỉ là nhờ vào những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm, mà còn nhờ vào chính sách ngoại giao mềm dẻo ngay sau mỗi chiến thắng của các nhà lãnh đạo, nhà quân sự sáng suốt, vì dân, vì nước. Hơn nữa, trong quan hệ quốc tế đương đại, các nước, đặc biệt là các nước lớn có xu hướng vừa hợp tác, vừa đấu tranh với nhau. Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản... vừa là chủ nợ, vừa là con nợ, vừa là đối thủ, vừa là đối tác lớn của nhau. Do đó, việc nêu quan điểm “đi theo” (liên minh với) nước này để chống nước khác nhằm bảo vệ chủ quyền, biển đảo là ảo tưởng, ấu trĩ.

Bốn là, quan điểm dựa vào nước này, liên minh với nước khác để bảo vệ chủ quyền là thể hiện tư tưởng yếu hèn, nhược tiểu. Quan điểm này hoàn toàn trái ngược với truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc ta. Trong trường kỳ lịch sử:  độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường là truyền thống, kinh nghiệm, bản lĩnh, khí phách dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: Không có gì quý hơn độc lập, tự do; đem sức ta mà tự giải phóng cho ta; tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Xu thế phát triển khách quan của thế giới đương đại cũng là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển; các quốc gia, dân tộc đều đề cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường... Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, dựa vào nước khác không những không bảo vệ, không đòi được chủ quyền, thậm chí còn mất luôn cả quyền độc lập về chính trị, quyền tự quyết của dân tộc.

Thứ ba, phê phán quan điểm: “Không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi”(!).

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, trong 30 năm qua, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta đã đạt được những thắng lợi to lớn.

Một là, đã mở rộng quan hệ ngoại giao, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; phá được thế bị bao vây, cấm vận thời kỳ đầu đổi mới; bình thường hóa, thiết lập quan hệ ổn định, lâu dài với các nước, các vùng lãnh thổ trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị. Đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 nước, trong đó có tất cả các nước lớn có quan hệ thương mại - đầu tư với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước, trong đó có 5 nước là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc; chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước; tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các định chế đa phương quốc tế như IMF, WB, WTO, Liên Hợp quốc và các tổ chức thành viên, các diễn đàn đa phương như phong trào Không liên kết, nhóm các nước G77... để nâng cao vị thế quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Hai là, quan hệ với các nước láng giềng được củng cố và tăng cường. Quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào có bước phát triển mới và vẫn sâu đậm nghĩa tình, thủy chung, trong sáng. Quan hệ Việt Nam - Campuchia phát triển tích cực theo phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc có những bước tiến triển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Trước tình hình phức tạp trên Biển Đông, việc chúng ta kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích của đất nước; kiên trì giữ vững môi trường hòa bình và ổn định; kiên trì quan hệ hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, kiên trì chủ trương giải quyết những bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế... đã được đông đảo nhân dân đồng tình và dư luận quốc tế ủng hộ.

Ba là, tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả cho việc hình thành và phát triển cộng đồng ASEAN. Theo đó, cơ chế ASEAN đã tạo ra thế và lực tốt hơn cho Việt Nam trong quan hệ với các đối tác khác. Tham gia tích cực và có trách nhiệm vào việc liên kết khu vực ở Đông Á, có quan hệ hài hòa với tất cả các nước Đông Á, góp phần thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng kinh tế Đông Á theo hướng mở.

Quan hệ Việt - Mỹ không ngừng tiến triển tích cực; quan hệ kinh tế phát triển nhanh; quan hệ an ninh, quân sự từng bước được thiết lập; hợp tác về khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế... được mở rộng. Quan hệ đối tác toàn diện Việt - Nga đã đi vào thực chất, hiệu quả, cùng có lợi. Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản được thúc đẩy mạnh mẽ bằng những hành động cụ thể. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác với EU, tăng cường thực hiện vai trò là cầu nối giữa EU với khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với nhiều nước trong EU, đưa các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Như vậy, nhờ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; nhờ không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba nên Việt Nam không những không bị trói buộc, không bị cô lập, mà còn có điều kiện để chủ động, tích cực mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế; giữ vững được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đổi mới, phát triển và đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Rõ ràng, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa nói chung, chính sách đối ngoại quốc phòng “ba không” nói riêng của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thực tế.

Thứ tư, phê phán quan điểm: Đảng, Nhà nước vẫn“kiên định”, vẫn “khăng khăng” giữ quan điểm “ba không” là “dân đi một đường, Đảng đi một nẻo”(!).

Đề nghị “chỉnh sửa”, “thay đổi”, “từ bỏ” chính sách “ba không” được phát tán trên mạng chỉ là quan điểm của một số người hoặc chưa hiểu đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn của chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, hoặc đó là những phần tử cơ hội, bất mãn, thù địch với ý đồ thâm độc, nham hiểm. Họ là một bộ phận rất nhỏ, tiếng nói đó không thể là đại diện cho tiếng nói của nhân dân và dân tộc Việt Nam tự lực, tự cường, luôn mong muốn chung sống hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng và anh em bè bạn quốc tế. Nếu một đảng chỉ biết theo đuôi quần chúng, làm theo một cách mù quáng tất cả các đề xuất, kiến nghị của quần chúng, nhất là những kiến nghị, góp ý của một bộ phận “quần chúng”, một số “trí thức”, “học giả” với tư tưởng cực đoan, thù hận, với tinh thần nhược tiểu, yếu hèn thì đảng đó cũng không thể tồn tại lâu dài để lãnh đạo nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước ta nói chung, trong đó có chính sách đối ngoại quốc phòng “ba không” nói riêng chính là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đường lối ấy có cơ sở lý luận, khoa học, thực tiễn, cơ sở pháp lý vững chắc, có sự tham khảo ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách dân chủ, công khai. Do đó, thực chất quan điểm, đường lối của Đảng chính là ý chí, nguyện vọng của nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng bằng tất cả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, bằng tình cảm yêu nước thiết tha và trí tuệ thông minh, sáng tạo của mình dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng.

Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(3). Rõ ràng, trong vấn đề đối ngoại, kể cả chính sách đối ngoại quốc phòng, lòng dân và ý Đảng gắn bó, thống nhất chặt chẽ. Không hề có chuyện,“dân đi một đường, Đảng đi một nẻo” như các thế lực thù địch xuyên tạc. Vì thế, không thể chấp nhận quan điểm “thay đổi”, “từ bỏ” chính sách “ba không”. Ngược lại, chúng ta cần nhận thức sâu sắc, quán triệt đầy đủ, xác định rõ đây là một trong những nội dung cơ bản trong đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước ta. Qua đó góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII; thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ về lĩnh vực quốc phòng, đối ngoại.

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1) Xem: Đại sứ quán Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa: Tổng quan về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, http://www.vnemba.org.cn.

(2) Xem: Nguyên Vũ: Thể hiện tình cảm yêu nước một cách tỉnh táo, để không bị lợi dụng,  http://tapchiqptd.vn.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.153.

 

PGS, TS ĐỖ THỊ THẠCH

TS NGUYỄN ANH TUẤN

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền