Trang chủ    Diễn đàn    Xây dựng văn hóa trường Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ ba, 26 Tháng 9 2017 16:50
2057 Lượt xem

Xây dựng văn hóa trường Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

(LLCT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Trong một trường học, các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực. Các trò nên thi đua nhau học. Đồng thời biết tiết kiệm giấy bút, biết giữ kỷ luật”(1).

Để thi đua dạy tốt - học tốt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đòi hỏi người giảng viên và học viên Trường Đảng phải rèn luyện những phẩm chất cơ bản như sau:

1."Có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt"(2)

Điều quan trọng nhất trong tư cách người giảng viên và học viên trường Đảng là phải "giữ chủ nghĩa cho vững"(3). Giảng viên lý luận chính trị là những người trực tiếp "truyền bá" nền tảng tư tưởng của Đảng đến người học, giúp họ vận dụng sáng tạo để giải quyết những nhiệm vụ cụ thể ở địa phương, đơn vị. Từ học viên, quan điểm, tư tưởng của Đảng sẽ tiếp tục lan tỏa và thấm sâu vào đời sống xã hội. Vì thế, cả giảng viên và học viên "giữ chủ nghĩa cho vững" tức là phải có "tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ"(4). Điều đó có nghĩa, cả người dạy và người học trong trường Đảng phải có niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng, nhận thức rõ tính sáng tạo, tính khoa học, cách mạng và tính nhân văn trong di sản vô giá của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh. Với niềm tin và tình cảm đặc biệt, người giảng viên mới thực sự hóa thân vào từng bài giảng để hoàn toàn cảm hóa được người học. Hay nói cách khác, muốn thuyết phục được người học, bản thân mỗi giảng viên phải hoàn toàn bị thuyết phục trước điều mình giảng. Cũng bằng cách đó, người học, khi trở về địa phương, đơn vị sẽ học được cách tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cho nhân dân. Do đó, quá trình giảng dạy không chỉ là quá trình cung cấp kiến thức mà hơn thế nữa còn là quá trình tạo ra sự đồng điệu về tình cảm và tâm hồn giữa giảng viên với học viên trước những giá trị tư tưởng và tấm gương đạo đức của các nhà kinh điển Mác, Ăngghen, Lênin, và Hồ Chí Minh.

2. "Phải kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc"(5)

Theo Hồ Chí Minh, người thầy giáo tốt trước hết phải là người kiểu mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Đạo đức là linh hồn, còn chuyên môn là thể xác của người giảng viên. Giảng viên tốt thì ảnh hưởng tốt đến người học và ngược lại. Vì một tấm gương sống còn hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, nên hơn ai hết, mỗi giảng viên phải xứng đáng là một tấm gương sống về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; giản dị và mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày.

Trước hết, phải say mê nghiên cứu khoa học, luôn tìm tòi và kiến giải những nội dung mới để bổ sung cho bài giảng. Giảng viên đồng thời phải thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm từ giấy, bút, điện, nước đến thời gian, tiền bạc. Đặc biệt về thời gian làm việc, Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Một phút đồng hồ rất quý báu… Một phút của hàng triệu người cộng lại thành rất nhiều ngày giờ và làm được rất nhiều công việc"(6). Cho nên mỗi giảng viên và học viên phải bố trí thời gian hợp lý cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Phải nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật lao động, không được đi muộn về sớm. Cần phải hiểu rằng: “Giữ đúng thời giờ là một tính tốt của người cách mạng”(7).

Kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân, chống lại những biểu hiện tham nhũng, hối lộ. Trên thực tế, có học viên chạy theo bằng cấp, muốn được điểm cao trong khi không nỗ lực phấn đấu. Nếu giảng viên không trong sáng, mà chạy theo đồng tiền hoặc những lợi ích vật chất tầm thường để "phóng điểm" cho học viên thì đó cũng chính là những biểu hiện "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài…, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc"(8). Theo Hồ Chí Minh, nếu có biểu hiện tiêu cực như vậy thì: “Những thầy giáo này không tiêu biểu cho "Sư hinh" (tiếng thơm của người thầy giáo-TG) mà họ đã "Sinh hư"(9). Mỗi giảng viên và học viên phải kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái đó.

Hơn thế nữa, cán bộ, giảng viên phải có "tác phong dân chủ", gương mẫu để xây dựng bầu không khí dân chủ và nhân văn trong nhà trường. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, thầy trò "không phải cá đối bằng đầu"(10). Thực tế, rất nhiều người học có tuổi đời, chức vụ lớn hơn giảng viên, nhưng người giảng viên phải luôn giữ đúng vị thế, tư cách người thầy từ trên bục giảng đến các mối quan hệ thường nhật.

Đối với đồng nghiệp, phải thật thà đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cả về chuyên môn và trong cuộc sống. Người có kinh nghiệm, chuyên môn sâu phải luôn chủ động và sẵn sàng trao đổi với tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để họ được nghiên cứu, học tập và giảng dạy; tránh thái độ kiêu ngạo và xem thường đồng nghiệp. Giảng viên mới luôn có thái độ kính trọng, lễ phép với những người lớn tuổi, tránh thái độ già chê trẻ thiếu kinh nghiệm, trẻ chê già lỗi thời mà Hồ Chí Minh đã phê bình. Những người làm công tác hành chính, phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học viên, đặc biệt trong các thủ tục hành chính. Đó cũng là một kênh giáo dục thực tiễn rất quan trọng. Tất cả để tạo ra một môi trường làm việc dân chủ, nhân văn, khuyến khích, động viên được mỗi cá nhân thật thà yêu nghề mình, yêu trường mình, tận tụy với công việc như lời Hồ Chí Minh đã dạy.

3. Phải tinh thông chuyên môn, vững vàng nghiệp vụ

Hồ Chí Minh ví mỗi giảng viên như "người huấn luyện". Người nhấn mạnh rằng "không phải ai cũng huấn luyện được". Mỗi giảng viên muốn huấn luyện được, ngoài kiến thức sâu rộng phải thường xuyên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm: "Phải tìm cách dạy. Dạy cái gì, để học trò hiểu chóng, nhớ lâu, tiến bộ nhanh"(11). Tránh dạy theo lối nhồi nhét, việc cốt yếu là làm cho người học hiểu thấu vấn đề. Phải biết cách truyền đạt: nói thì phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực, có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được; tránh dùng danh từ lạ, từ nước ngoài ít người hiểu, tránh nói ra ngoài lề, lắp đi, lắp lại làm cho người học khó lĩnh hội được kiến thức. Hồ Chí Minh đã viết: "Tục ngữ nói "gẩy đờn tai trâu" là có ý chê người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là trâu"(12). Người cũng căn dặn: tránh lạm dụng thời gian nghỉ của học viên, không nói quá một tiếng đồng hồ, vì nói dài thì người ta chán tai, không thích nghe nữa(13). Sử dụng các thiết bị nghe nhìn nhưng không được tuyệt đối hóa mặt kỹ thuật mà xem nhẹ, thậm chí phủ nhận phương pháp thuyết trình. Bởi vì, đối với việc giảng dạy lý luận, tư tưởng chính trị thì chiều sâu của sự phân tích khoa học và tính tư tưởng của bài giảng là cực kỳ quan trọng. Nó chỉ có thể đạt được thông qua thuyết trình, diễn giảng của người giảng viên bằng sự điêu luyện và chắt lọc của ngôn từ.

Học tập phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh qua các bài viết, bài nói, đặc biệt là các bài giảng tại Quảng Châu, thì bài giảng lý luận chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu. Nội dung bài giảng cần tập trung vào những giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tránh căn bệnh mà Người đã phê bình: "Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho địa phương đó, những việc mà ở đó dân chúng cần biết, cần hiểu, cần làm, thì không nói đến"(14). Theo Hồ Chí Minh, bài giảng phải gắn với thực tiễn phong phú, sinh động. Tuy nhiên, việc liên hệ thực tiễn cần phải có chọn lọc, chỉ sử dụng những dẫn chứng điển hình để phân tích một cách toàn diện. Nếu giảng viên khi giảng bài chỉ liên hệ những sai lầm, hạn chế của cán bộ, đảng viên, thậm chí ca ngợi quá mức các nước tư bản mà ít hoặc không chỉ ra những thành tựu của cách mạng nước ta; đặc biệt, thái độ, cử chỉ lúc phê bình được biểu hiện quá gay gắt, thì điều đó rất nguy hiểm. Đó là nguồn cội của tự diễn biến về tư tưởng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta(15).

Về phương pháp giảng dạy, có thể vận dụng hai cách mà Người đã nêu ra: cách thứ nhất là dạy tỷ mỷ. Theo Hồ Chí Minh, cách này tốn nhiều thời giờ. Nếu thời giờ ít, trình độ kém mà cứ cặm cụi nghiên cứu tỷ mỷ thì giảng dạy không có ích lợi gì.

Cách thứ hai là dạy bao quát, giúp người học biết được cái toàn thể rồi kích thích người học tự tìm hiểu, vận dụng giải quyết vấn đề. Hiện nay, đó là phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp dạy học theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Đảng. Bởi vì, đa số học viên đã có trình độ, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, thời lượng giảng dạy có hạn nhưng lượng kiến thức ngày càng nhiều, do vậy, giảng viên không thể tốn nhiều thì giờ mà dạy tỷ mỷ. Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng cho học viên. Hồ Chí Minh căn dặn, học chủ nghĩa Mác-Lênin không phải nhắc như con vẹt. Tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn(16). Có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Phải đặt câu hỏi vì sao? Phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không?(17). Giảng viên phải giúp người học nhận thức được rằng: "Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào"(18). Thảo luận là nhiệm vụ của học viên, thông qua đó, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên. Chỉ đạo là vai trò định hướng của giảng viên giúp học viên tập trung thảo luận và rút ra kết luận của chủ đề. Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh, Nghị quyết trung ương 8 khóa XI đã chỉ rõ: "Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực"(19). Để làm được như vậy đòi hỏi mỗi giảng viên phải tinh thông về chuyên môn (cả lý luận và thực tiễn), vững vàng về nghiệp vụ để tránh tình trạng "hấp tấp, lướt qua lớp này một chút, lớp khác một chút như "chuồn chuồn đạp nước", dạy không chu đáo.

Mỗi giảng viên và học viên phải luôn khắc ghi lời dạy của Hồ Chí Minh rằng, ai tự cho mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất(20). Mọi giảng viên và học viên phải nêu cao tinh thần khiêm tốn và thật thà: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”(21). Đồng thời phải làm theo tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học… Công việc cứ tiến bộ mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau"(22). Không chỉ học ở sách vở mà còn phải học ở nhân dân, học ở đồng nghiệp, đặc biệt là ở những người có kinh nghiệm giảng dạy, có chuyên môn sâu; học ở thực tế, phải tiếp thu phê bình, rút kinh nghiệm để không ngừng nâng cao kiến thức, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, lời nói của cổ nhân đã được Hồ Chí Minh nhắc lại như để lưu ý mỗi giảng viên và học viên phải biết cách tự rèn luyện để thực sự tiêu biểu cho tiếng thơm của người giảng viên và học viên trong các trường Đảng: "Người thầy giáo tốt - Thầy giáo xứng đáng là Thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không được đăng báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh"(23). Hơn ai hết, chính "những anh hùng vô danh" ấy cùng với học viên chân chính là lực lượng cơ bản để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay.

_________________

(1), (7), (12), (13), (14), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.120, 343, 340, 191, 343, 312.

(2), (11), (22) Hồ Chí Minh: sđd, t.10, tr. 378, 291, 465.

(3) Hồ Chí Minh: sđd. t.2, tr.280.

(4), (5), (20) Hồ Chí Minh: sđd. t.6, tr. 250, 46, 3565.

(6) Hồ Chí Minh: sđd, t.7, tr.189.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.22.

(9) Hồ Chí Minh: sđd. Tập 14, tr.134-135.

(10) Hồ Chí Minh: sđd. Tập 9, tr.266.

(15), (18) Ban Tuyên giáo Trung ương: Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp Hành Trung ương Đảng khóa XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.50, 32.

(16), (17), (21), (23) Hồ Chí Minh: sđd, t.11, tr.99, 98-99, 98, 331

 

ThS Nguyễn Minh Khoa

Học viện Chính trị khu vực III

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền