Trang chủ    Diễn đàn    Phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức
Thứ sáu, 27 Tháng 10 2017 12:10
6996 Lượt xem

Phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức

(LLCT) - Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là nhận thức, thái độ đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ; là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá phẩm chất, năng lực. Tinh thần trách nhiệm là một chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Có thể coi đây như một chìa khóa để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

1. Nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức

Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức(1). Đây là lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức, đặt ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thể hiện sự đổi mới tư duy về xây dựng Đảng.

 Xây dựng Đảng về đạo đức là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhưng hết sức khó khăn, phức tạp trong tình hình hiện nay, khi mà tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, thoái hoá, biến chất, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thiếu tự giác rèn luyện, phấn đấu, thiếu tinh thần đồng chí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đang diễn ra nghiêm trọng, kéo dài. Tình trạng trên chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, đang là nguy cơ, thách thức lớn, trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là tình trạng nể nang, né tránh, ngại phê bình vẫn diễn ra khá phổ biến; nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa được thực hiện nghiêm túc; một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng chưa thực sự tiền phong, gương mẫu...

Để xây dựng Đảng về đạo đức, trước hết, phải giáo dục đạo đức cách mạng, tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và đấu tranh phòng, chống tham tham nhũng, lãng phí; xử lý theo pháp luật và kỷ luật đảng đối với cán bộ, đảng viên vi phạm; rèn luyện lập trường quan điểm, bồi dưỡng tư tưởng, lý tưởng cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức, lối sống theo chuẩn mực tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dựng tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ, đảng viên, cụ thể hóa thành tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ; phát huy tính tiền phong gương mẫu, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên…

Trong các nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, vấn đề quan trọng hàng đầu là phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện công việc được phân công, trong giải trình và nêu gương. Từ đó tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta đủ sức phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

2. Phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên - nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng Đảng về đạo đức

Phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao; trong giải trình, nêu gương là một nội dung quan trọng của xây dựng Đảng về đạo đức. Để lãnh đạo sự nghiệp đổi mới thành công, Đảng phải xứng tầm “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(2); cán bộ, đảng viên phải thực sự tiền phong, gương mẫu, phải có tinh thần trách nhiệm và tính chịu trách nhiệm cao trước tổ chức đảng, trước nhân dân. Điều đó được thể hiện cụ thể:

Một là, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao

Tinh thần, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao thể hiện trước hết ở tinh thần chủ động, tự giác, tích cực thực hiện chức trách, nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Tinh thần trách nhiệm với công việc của cán bộ, đảng viên còn thể hiện ở sự tích cực tìm tòi, sáng tạo các cách thức để thực hiện nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả, có khả năng ứng xử linh hoạt trong các tình huống bất ngờ. Cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm với công việc là những người luôn năng động, sáng tạo, chủ động thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình, hoàn cảnh cụ thể nhưng vẫn giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương.

Ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với công việc còn thể hiện ở tinh thần tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động, sản xuất và công tác. Cán bộ, đảng viên phải hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống lại hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy huân chương và các biểu hiện tiêu cực khác. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”.

Tinh thần trách nhiệm với công việc của cán bộ, đảng viên có được thông qua quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện, giống như “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Tinh thần, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc thực hiện nhiệm vụ được giao có được khi cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện những đức tính cần thiết như:

“1) Không tự kiêu, không có cái bệnh làm “quan cách mạng”.

2) Phải siêng năng: siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm.

3) Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm.

4) Trung thành với mục đích cách mạng: Giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”(3).

Hai là, trách nhiệm trong giải trình

Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm truyền đạt thông tin, giải thích việc thực thi nhiệm vụ, công vụ hay những vấn đề liên quan đến chức trách, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý của mình khi được yêu cầu. Trách nhiệm giải trình không chỉ là khả năng giải đáp thông tin về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà còn là sự chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm giải trình theo định kỳ những vấn đề liên quan đến việc sử dụng thẩm quyền của mình như thế nào, đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng thẩm quyền, các nguồn lực công và giải trình kết quả đạt được thông qua ý kiến phản hồi của các cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường trách nhiệm giải trình của cán bộ, đảng viên là việc làm cần thiết, nhằm công khai, minh bạch hoạt động của cán bộ, đảng viên, của tổ chức đảng, của cơ quan nhà nước, qua đó nâng cao lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trách nhiệm giải trình của cán bộ, đảng viên được thực hiện trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước, được thực hiện thông qua các hình thức chất vấn trong Đảng, hình thức đối thoại và chất vấn ở một số kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm trả lời chất vấn trong Đảng về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng hoặc chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn đảng viên, cấp ủy viên, trừ những vấn đề bí mật theo quy định của Đảng và Nhà nước. Việc chất vấn và trả lời chất vấn trong hội nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, được áp dụng đối với đảng viên, các cấp ủy viên, các cấp ủy, các ban thường vụ cấp ủy. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên là người đứng đầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó. Mục đích của tăng cường trách nhiệm giải trình của cán bộ, đảng viên nhằm phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ngăn ngừa các biểu hiện tha hóa của quyền lực: “lộng quyền”, “lạm quyền”, “tiếm quyền”… và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để xây dựng Đảng về đạo đức.

Ba là, trách nhiệm gương mẫu

Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm nêu gương về đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh. “Cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải làm gương, nêu gương vì: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(5). Mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những phẩm chất đạo đức cần có đối với cán bộ, đảng viên: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Tinh thần quốc tế trong sáng… Cán bộ, đảng viên phải học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh (phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt). Hơn nữa, mỗi cán bộ, đảng viên phải có văn bản cam kết luôn tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, kiên quyết đấu tranh phòng, chống: suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; quan liêu, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm” và các biểu hiện tiêu cực khác.

Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đi đến thành công, Đảng không ngừng tự đổi mới, chỉnh đốn Đảng, đổi mới tư duy nhận thức về xây dựng Đảng, bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức và nâng ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức nhằm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh:Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Với vai trò của Đảng cầm quyền, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước nhân dân, phải thực sự tiền phong, gương mẫu, xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thể hiện tập trung ở trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm nêu gương. Xây dựng Đảng về đạo đức trước hết phải phát huy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm phòng, chống các nguy cơ đối với Đảng cầm quyền: suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, quan liêu, tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm” và các biểu hiện tiêu cực khác.

__________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016 tr.202.

(2) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.12, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.403.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội2011, tr. 38.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2011, tr.16.

 

TS Lê Thị Minh Hà

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền