Trang chủ    Diễn đàn    Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa
Thứ hai, 20 Tháng 11 2017 15:07
36640 Lượt xem

Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa

(LLCT) - Quản lý nhà nước về văn hóa là sự quản lý của Nhà nước đối với toàn bộ hoạt động văn hóa của quốc gia bằng quyền lực của Nhà nước thông qua Hiến pháp, pháp luật và cơ chế chính sách nhằm đảm bảo sự phát triển của nền văn hóa dân tộc. Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về văn hóa ở Việt Nam đã đạt nhiều kết quả, song còn một số hạn chế, cần khắc phục.

1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực quản lý văn hóa và đã có nhứng bước tiến quan trọng. Nhiều văn bản pháp luật về lĩnh vực này được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Các luật: Luật Di sản văn hoá, Luật Báo chí, Luật Xuất bản,Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh; Pháp lệnh về giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước… Một số pháp lệnh: Pháp lệnh công nhận danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú;Pháp lệnh Thư viện; Pháp lệnh Phí và lệ phí (2001); Pháp lệnh Quảng cáo (2001),... được ban hành, giúp công tác quản lý nhà nước về văn hóa dễ dàng, hiệu quả hơn.

Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa được quan tâm xây dựng theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, phát huy vai trò của các cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa và xử lý kịp thời các sai phạm. Các cơ quan tích cực thực hiện cải cách hành chính; thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền quản lý; từng bước tách các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh văn hóa ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước; mạnh dạn trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp.

2. Hoạt động quản lý cáclĩnh vực văn hóacó bước tiến mới

Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về báo chí, công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý được tổ chức thường xuyên và thu kết quả tốt. Chú trọng vận dụng các kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, hợp tác về báo chí, nhất là quản lý hoạt động báo chí nước ngoài tại Việt Nam. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được tăng cường, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp báo chí phát triển và xử lý kịp thời những vi phạm trong hoạt động báo chí.

Việc tăng cường và đổi mới công tác quản lý nhà nước về báo chí đã góp phần vào thành tựu chung của nền báo chí Việt Nam: “Báo chí tiếp tục phát triển nhanh về số lượng, loại hình, ấn phẩm, đội ngũ người làm báo và số lượng người đọc; cơ sở vật chất kĩ thuật, công nghệ, năng lực tài chính được tăng cường; tác động, ảnh hưởng của báo chí được mở rộng. Phần lớn báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội, chống “diễn biến hoà bình”(1)… Báo chí đã đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới đất nước.

Trong quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản, việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hoạt động xuất bản, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về hoạt động xuất bản được quan tâm. Thường xuyên chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, biên tập viên, đôn đốc các cơ sở đào tạo chủ động xây dựng khung chương trình cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xuất bản, đôn đốc cổ phần hoá các doanh nghiệp phát hành sách nhà nước. Xây dựng chính sách tài trợ, đặt hàng xuất bản phẩm, trợ giá cước vận chuyển xuất bản phẩm,góp phần phát triển văn hoá đọc.

Lĩnh vực văn học, nghệ thuật, Đảng chỉ rõ: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mĩ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”(2).Việc đầu tư, tài trợ và hỗ trợ cho các hoạt động văn học, nghệ thuật, bước đầu chú trọng đầu tư chiều sâu và hỗ trợ cho các khâu sản xuất, dàn dựng, công bố truyền bá, giải thưởng… tạo điều kiện cho ra đời những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật.

Xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở được đặc biệt quan tâm. Thể chế về xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở ngày một hoàn thiện. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến văn hoá được ban hành đã tác động điều chỉnh các hoạt động văn hoá ở cơ sở theo hướng mở rộng sự tham gia của người dân, của các thành phần kinh tế đối với hoạt động văn hoá; xác định sự nghiệp văn hoá là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Công tác xây dựng đời sống văn hóa được toàn hệ thống chính trị, toàn dân quan tâm, góp phầnxây dựng nếp sống văn hoá mới đối với mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng.Các cơ quan quản lý các cấptích cực hướng dẫn nhân dân tổ chức xây dựng nếp sống, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào trong hương ước, quy ước làng, bản, xóm, ấp và của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...Coi trọng công tác xây dựng các thiết chế văn hoá, công tác cán bộ văn hóa ở cơ sở. Công tác này đã góp phần thúc đẩy nhiều phong trào văn hoá, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tính tự giác, tích cực của người dân đối với các hoạt động văn hoá. Đặc biệt là phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá phát triển mạnh,đã có sức lan toả sâu rộng trong đời sống văn hoá xã hội.

3. Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những bước tiến đáng ghi nhận, công tác quản lý nhà nước về văn hóa vẫn tồn tại một số hạn chế, yếu kém sau:

- Việc ban hành luật thiếu đồng bộ; nhiều luật điều chỉnh lãnh vực văn hóa chất lượng còn chưa cao; chưa coi trọng đúng mức công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, quy chế hoạt động của các lĩnh vực văn hóa.

- Bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa còn cồng kềnh, ôm đồm, thiếu phân định rõ chức năng, nhiệm vụ nên còn chồng chéo hoặc buông lỏng; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa ở các cấp không theo kịp sự phát triển.

- Chưa coi trọng đúng mức công tác nghiên cứu, tổng kết về về quản lý nhà nước về các lĩnh vực văn hóa.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa còn bất cập; công tác xây dựng giáo trình, chương trình vànăng lực và trình độ của một số giảng viên còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu công tác đào tạo trong bối cảnh mới, dẫn tới chất lượng nguồn nhân lực làmcông tác quản lý nhà nước về văn hoá không cao.

- Cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở các cấp với các tổ chức chính quyền và đoàn thể thiếu chặt chẽ, trách nhiệm không rõ; chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc sử dụng quyền lực của Nhà nước để xây dựng và phát triển văn hoá, đồng thời chấn chỉnh và đưa hoạt động văn hoá vào nền nếp.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa

Một là, đổi mới phương thức quản lý nhà nước về văn hoá

Đổi mới phương thức quản lýlà vấn đề then chốtđể nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về văn hoá. Đổi mới quản lý nhà nước về văn hoá theo phương châm tạo lập môi trường thuận lợi nhất để thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động sáng tạo, phổ biến và hưởng thụ văn hoá, phát huy ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, tự đề kháng, xây dựng cộng đồng tự quản, chống lại những hành vi phản văn hoá, sảnphẩm độc hại ảnh hưởng tới thuần phong mỹtục và sự phát triển của đất nước.

Đổi mới cần tiến hành đồng bộ: từ cách làm luật, cơ chế quản lý và đầu tư, nhằm chấm dứt tình trạng xin - cho; đổi mới thủ tục hành chính,cấp phép;minh bạch trong các quan hệ kinh tế trên lĩnh vực văn hóa, chống tham nhũng; đổi mới đào tạo nguồn nhân lực quản  lý văn hoá… Hướng tới xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về văn hoá tinh giản, gọn nhẹ, chất lượng, văn minh và hiện đại. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến đổi mới cách hướng dẫn, tuyên truyền mọi người dân thực hiện pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật về văn hoá.

Hai làxã hội hoá công tác quản lý nhà nước về văn hoá

Văn hoá là lĩnh vực rộng lớn, là nhu cầu thiết yếu của con người. Nhiều lĩnh vực của văn hoá có tính đặc thù và nhạy cảm nên việc quản lý nhà nước không đơn giản.Để hoạt độngquản lý nhà nước về văn hoá có hiệu lực, hiệu quả cần đẩy mạnh xã hội hoá. Cần thực hiện dân chủ rộng rãi việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước cần phát huytối đa các phương tiện thông tin đại chúng, tranh thủ các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân hiểu biết đầy đủ và tự giác thực thi các văn bản quản lý nhà nước về văn hoá.

Thực hiện phương châm “lấy quần chúng giáo dục quần chúng”, phát huy tính tự quản của cộng đồng dân cư, của mỗi cơ quan, đơn vị học tập, công tác, sản xuất, kinh doanh trong việc tuyên truyền, giám sát, kiểm tra các hoạt động văn hoá.

Thấm nhuần quan điểm văn hoá là sự nghiệp của toàn dân, cần nâng cao nhận thức của toàn dân để mỗi người đề cao ý thức tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tích cực đấu tranh với những biểu hiện phản văn hoá, vi phạm chính sách, pháp luật về văn hoá.

Ba là, tăng cường tổ chức nghiên cứu, tổng kết về quản lý các lĩnh vực văn hoá

Công tác nghiên cứu khoa học quản lý về văn hóa là một nội dungcủa quản lý nhà nước về văn hoá. Những năm gần đây, các cấp uỷ, chính quyền đã quan tâm đến tổng kết hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa. Tuy nhiên, chất lượng của một số đề tài nghiên cứu chưa cao, thể hiện ở kết quả nghiên cứu ít gắn với thực tiễn, tính phát hiện, dự báo còn hạn chế.Để nâng cao chất lượng của hoạt động này, các cơ quan, đơn vị cần xác định rõ những đề tài triển khai nghiên cứu hàng năm. Ưu tiên những vấn đề đang bức xúc trong công tác quản lý để cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách.Giao nhiệm vụ cho các viện nghiên cứu đảm nhận nghiên cứu sâu các vấn đề cơ bản liên quan đến các lĩnh vực văn hoá.

Mỗi đề tài nghiên cứu, sau khi được Hội đồng nghiệm thu đánh giá, cơ quan quản lý đề tài cần có hình thức công bố kết quả nghiên cứu. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm định chất lượng đề tài nghiên cứu và có cơ chế để các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu chuyên ngành được tiếp cận kết quả nghiên cứu để thẩm định và sử dụng kết quả nghiên cứu đó vào xây dựng chính sách trên nguyên tắc tôn trọng bản quyền sở hữu trí tuệ của người nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cần học tập kinh nghiệm của một số nước trongxây dựng phương pháp nghiên cứu hiện đạicho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về văn hoá; thông qua đó giúp cán bộ quản lý khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, quan liêu, mệnh lệnh trong thực thi các công việc liên quan.

Bốn là, nâng cao chất lượng công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra

Hoạt động quản lý mà không có kiểm tra, giám sát thì coi như không có quản lý. Trong bối cảnh cơ chế thị trường, hoạt động văn hoá ngày càng phức tạp, đa dạng thì vấn đề giám sát, kiểm tra, thanh tra càng có vị trí, vai trò quan trọng và có ý nghĩa lớn trong việc đưa hoạt động văn hoá vào trật tự, kỷ cương, nền nếp. Do đặc thù của lĩnh vực quản lý, nên cầnthực hiện cơ chế hai chiều trong giám sát. (1)Cơ quan quản lý nhà nước giám sát hoạt động văn hoá theo chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao. Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra, thanh tra hành chính. (2) Cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá phải chịu sự giám sát của người dân. Người dân giám sát cơ quan nhà nước về thái độ phục vụ, về các hành vi của công chức trong thực thi công vụ. Khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tham nhũng, sách nhiễu thì người dân có quyền tố giác lên các cơ quan có thẩm quyền.

Nhà nước cần thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động kiểm tra, thanh tra các hoạt động văn hoá. Phát huy vai trò của các đội thanh tra liên ngành (văn hoá, lao động, công an, quản lý thị trường, thuế….), đội thanh tra chuyên ngành văn hoá cùng với thanh tra nhân dân trong hoạt động kiểm tra, thanh tra. Muốn hoạt động thanh tra, kiểm tra có hiệu quả, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng, nắm bắt tính đặc thù của hoạt động văn hoá, văn nghệ.

Năm là, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa

Toàn cầu hoá kinh tế tất yếu xuất hiện các yếu tố của toàn cầu hoá văn hoá. Càng hội nhập sâu rộngvề kinh tế càng phải chú ýtrước sự xâm lăng văn hoá của nước ngoài, trước sự ảnh hưởng của các luồng tư tưởng làm biến đổi đạo đức, lối sống và suy giảm lý tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, nhân dân.

Muốn bình đẳng trong một sân chơi chung, cần phát huy nội lực, nâng cao khả năng thích ứng và trí tuệ. Cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá cần học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độtrong hợp tác làm ăn với nước ngoài trên lĩnh vực văn hoá. Để chủ động cần xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý văn hoá liên quan đến văn hoá đối ngoại, liên quan đến ngoại giao văn hoá,  luật sư giỏi, những nhà sản xuất, kinh doanh, những nghệ sĩ ở tầm quốc tế trên lĩnh vực văn hoá...

_________________

(1) ĐCSVN: Nghị quyết Trung ương5 (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí), dangcongsan.vn.

(2) ĐCSVN: Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, dangcongsan.vn.

ThS Nguyễn Thị Hằng

Học viện Chính trị Khu vực II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền