Trang chủ    Diễn đàn    Văn kiện Đại hội XII và những vận dụng trong bài giảng cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội
Thứ ba, 21 Tháng 11 2017 11:07
2600 Lượt xem

Văn kiện Đại hội XII và những vận dụng trong bài giảng cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội

(LLCT) - Cơ cấu xã hội (CCXH), phân tầng xã hội (PTXH) và sự biến đổi của CCXH, PTXH là những chủ đề then chốt của xã hội học. Nghiên cứu CCXH, PTXH để hiểu được cấu trúc xã hội và xu hướng vận động của xã hội, từ đây mà cung cấp những bằng chứng khoa học giúp Đảng và Nhà nước hoạch định những đường lối, chính sách, đưa ra các giải pháp khoa học trúng và đúng nhằm thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng cân bằng, ổn định, văn minh, tiến bộ, hài hòa, bền vững, đồng thời “hóa giải một cách kịp thời những mâu thuẫn, bất bình xung đột, những khuynh hướng chia rẽ, rối loạn, đổ vỡ, nghiêng lệch xã hội.

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về CCXH, nhưng theo tôi khái niệm CCXH bao hàm cả PTXH, tức là cấu trúc “dọc” của xã hội. Theo đó, CCXH là một mô hình cấu trúc, một chỉnh thể thống nhất, “động”, tương đối ổn định bao gồm các nhóm xã hội cơ bản (giai cấp, nghề nghiệp, nhân khẩu, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo), vai trò, mạng lưới đan kết vào nhau, và được sắp xếp theo cả cấu trúc “ngang” và cấu trúc “dọc”, tạo ra bộ khung cho sự vận động và phát triển của xã hội. Những thành tố cơ bản của CCXH là nhóm với vị thế, vai trò, mạng lưới và các thiết chế. CCXH ở đây được hiểu như là “một hệ thống đa cơ cấu tự nhiên”, nhiều chiều, nhiều khía cạnh, nhiều cấp độ, trong đó, các đơn vị cấu thành của nó được sắp xếp, phân bố không phải một cách tùy tiện, ngẫu nhiên mà theo một trật tự xác định hợp lý, tương đối ổn định và được lặp lại như vậy ở những xã hội khác nhau.

CCXH là một cấu trúc khách quan, tự nhiên, vừa có những nét chung về mặt cơ cấu với mọi khách thể vật chất tự nhiên khác nhưng lại vừa có những dấu hiệu đặc thù của xã hội; bởi những thành tố cấu thành của nó không phải là những khách thể vật chất tự nhiên thuần túy mà là những nhóm xã hội với những con người biết lao động và có tư duy. CCXH là sự thống nhất biện chứng giữa mặt ổn định và sự biến đổi. Nếu so sánh với lịch sử và sự tiến hóa là cái luôn có xu hướng vừa duy trì một phần cái cũ, vừa lặp lại một phần cái cũ, vừa có xu hướng liên tục biến đổi, phá vỡ cái cũ, sắp xếp lại cái cũ thì CCXH là cái tương đối ổn định hơn, “bền bỉ” hơn, ít biến động hơn so với lịch sử. Sự phát triển của xã hội, biến đổi xã hội có nguồn gốc nội sinh từ những biến đổi của CCXH mà nguyên nhân sâu xa suy cho cùng là những biến đổi trong sản xuất, trong cơ cấu kinh tế.

Với cách hiểu mới mẻ và cập nhật như vậy, chúng ta có thể vận dụng vào việc xem xét những biến đổi thực tiễn nước ta sau 30 năm đổi mới qua các Văn kiện Đại hội của Đảng, đặc biệt là những thông tin mới mẻ trong Văn kiện Đại hội XII gần đây.

Trước tiên phải thấy rằng, đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng là dứt khoát từ bỏ chế độ kinh tế tập trung, quan liêu với một cơ cấu kinh tế “hai giai - một  tầng”, hành chính bao cấp sang một nền kinh tế nhiều thành phần, phát triển kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế nước ta chuyển dịch một cách căn bản, từ đó kéo theo những biến đổi to lớn trong CCXH.

Kiên định tinh thần đổi mới qua các Nghị quyết từ Đại hội VI đến Đại hội XI, tại Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(1), “Tiếp tục hoàn thiện chế độ sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp” “trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế: các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển”(2). Trong mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2016-2020, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần”(3). Cũng trong mục tiêu tổng quát của Văn kiện Đại hội này, lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta đã khẳng định vai trò động lực của kinh tế tư nhân trong sự phát triển nền kinh tế: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”(4). Đảng ta tiếp tục chủ trương: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ sản phẩm; chủ động lựa chọn và có chính sách ưu đãi trực tiếp đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại”(5). “Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường”; “Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp cho đối tượng chính sách người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số”. “Tiếp tục phát triển đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường. Thực hiện đa dạng hóa thị trường hàng hóa, dịch vụ theo hướng hiện đại, chú trọng hình thành khung pháp lý, phát triển hệ thống phân phối thông suốt và hiệu quả... Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động cả về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu ngành nghề. Tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường khoa học - công nghệ, thực hiện cơ chế thị trường và có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân, nhất là doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học -  công nghệ vào sản xuất kinh doanh”(6). Đảng ta cũng chủ trương: “Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục nghiên cứu, đàm phán, ký kết, chuẩn bị kỹ các điều kiện thực hiện các hiệp định thương mại tự do, tham gia các điều ước quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư... Để đạt được những thành quả ấy, Đảng ta cũng tiếp tục khẳng định cần: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội”; “Nâng cao năng lực hoạch định đường lối chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; tăng cường lãnh đạo việc thể chế hóa và việc tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội; tăng cường công tâc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng; lãnh đạo việc bố trí cán bộ và lãnh đạo việc thực hiện của đội ngũ cán bộ hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác tham mưu về kinh tế - xã hội ở các cấp, các ngành”.

“Nhà nước thể chế hóa nghị quyết của Đảng, xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách, bảo đảm các loại thị trường ngày càng  hoàn thiện và vận hành thông suốt, cạnh tranh công bằng, bình đẳng và kiểm soát độc quyền kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”(7). Đảng ta cũng cho rằng, cần phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, sự tham gia có hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng và giám sát thực hiện. Để đảm bảo thắng lợi các mục tiêu đề ra, một nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực”(8).

Những nội dung trên đây của Đại hội XII đã tiếp tục một cách nhất quán tinh thần của công cuộc đổi mới được khởi đầu từ Đại hội VI (1986), trực tiếp là Đại hội XI, đồng thời có những bước phát triển rất căn bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ “kiến tạo” đã đưa ra quyết tâm của chính phủ về “3 đồng hành”, “5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp. Với tinh thần như vậy, CCXH nước ta sẽ có những bước phát triển, không chỉ theo những di động “ngang” giữa các giai cấp, tầng lớp, hoặc trong nội bộ của từng khu vực, ngành, lãnh thổ mà đồng thời còn tiếp tục diễn ra những biến động theo chiều “dọc” theo kiểu lên, xuống, ngang, dọc, vào, ra hết sức phong phú, sôi động. Xã hội sẽ tiếp tục diễn ra quá trình phân hóa, phân tầng; sẽ có nhiều hơn những người thăng tiến, thành đạt, vươn lên để trở nên khá giả, giàu có và trở thành tầng lớp trung lưu trong xã hội. Đáng mừng là, sẽ có nhiều người trong số họ trở thành những doanh nhân giàu có, làm thay đổi diện mạo đất nước. Nhiều người mạnh dạn khởi nghiệp (Start up) và thành công nhờ tài năng, trí tuệ, sự kiên trì, cần mẫn và sự hỗ trợ của Chính phủ. Sự lớn lên ngày một đông đảo cả về số lượng và chất lượng của lực lượng này sẽ góp phần tích cực vào sự khá giả, thịnh vượng của đất nước.

Logíc tất yếu của tiến trình này là sự hình thành ngày một rõ hơn tầng lớp xã hội trung lưu, giàu có, có vai trò, ảnh hưởng ngày một lớn với xã hội; cả trong nước và quốc tế. Đây chính là điều Đảng ta cần tiên lượng cũng như sáng suốt chỉ đạo, đồng hành, dẫn dắt tầng lớp này tiếp tục vươn lên theo đúng quỹ đạo phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tất nhiên, bên cạnh sự lớn lên ngày một mạnh mẽ, đông đảo những người khá giả, thành đạt (chiếm ưu thế trong xã hội), là sự tồn tại những nhóm xã hội yếu thế (những gia đình neo đơn, có người tàn tật, già yếu, đau bệnh...). Bên cạnh đó là những thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Đây là một lực lượng xã hội không nhỏ, hết sức nhạy cảm, rất cần Đảng, Nhà nước, xã hội quan tâm.

Phát biểu trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Nhiệm vụ trung tâm của khóa XII là phát triển mạnh mẽ vai trò của đội ngũ doanh nhân.

Như vậy là theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XII, xã hội nước ta sẽ có những bước phát triển vượt bậc. Đội ngũ doanh nhân sẽ tiếp tục khởi sắc và sẽ có những đóng góp quan trọng cho sự thành công của hội nhập.

Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, tầng lớp trung lưu doanh nhân ở nước ta đang ngày một tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng và trở thành một lực lượng xã hội to lớn, quan trọng trong công cuộc chấn hưng đất nước. Sự lớn mạnh của họ đồng hành với sự thịnh vượng, phồn vinh và phát triển bền vững của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, đồng thời góp phần tích cực vào việc hóa giải các bất bình, mâu thuẫn, xung đột, sự phân cực có phần đang gay gắt trong đời sống xã hội.

Đã đến lúc chúng ta cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển tầng lớp trung lưu doanh nhân. Cần phải chính thức thừa nhận sứ mệnh và vai trò tích cực của họ, cần phải tiếp tục có những nghiên cứu thấu đáo về họ. Trong liên minh công - nông - trí trước đây cần phải có sự đồng hành tất yếu với trung lưu doanh nhân; mô hình liên kết 4 nhà đã chứng tỏ sự thành công trong thực tiễn. Với một sự thành tâm chân thực tràn đầy lòng tin tưởng, chúng ta có thể khẳng định rằng, Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết Trung ương gần đây sẽ tạo ra những bứt phá ngoạn mục cho sự phát triển của tầng lớp doanh nhân, và họ chính là những con chim đầu đàn, những động lực kéo nền kinh tế nước ta theo kịp và sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hằng mong đợi. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thấy rằng, đồng hành với sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu hợp pháp, hợp thức cũng còn đâu đó những phần tử đội “lốt” trung lưu song giàu lên không phải bởi tài năng, đức độ, sự kiên trì, chịu khó, mà bằng những thủ đoạn trốn thuế, lậu thuế, làm hàng giả, hàng nhái, luồn lọt, xu nịnh, bè cánh, “lợi ích nhóm”, tham ô, tham nhũng, lợi dụng “ô”, “dù” để thăng tiến, lợi dụng quyền thế để hà hiếp nhân dân, lợi dụng khe hở của pháp luật để vi phạm pháp luật. Đây là một bộ phận không nhỏ đang lẩn khuất trong cán bộ, đảng viên mà nhân dân ta rất bất bình, Đảng ta đang ra sức đấu tranh, vạch mặt. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh và tiến hành triệt để cuộc đấu tranh chống sự suy thoái, phai nhạt lý tưởng, “tự diễn biến” của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong nội bộ Đảng và Nhà nước ta. Thực chất của những người này là sự giàu lên, “phất” lên một cách không hợp pháp, hợp thức, là những biểu hiện tiêu cực góp mặt vào cấu trúc phân tầng xã hội “không hợp thức” mà các nhà khoa học đã chỉ ra.

Với những tinh thần cơ bản của Đại hội XII của Đảng và những Hội nghị Trung ương tiếp theo, chúng ta cần ý thức được một cách rõ ràng rằng, CCXH Việt Nam nước ta sẽ có nhiều biến đổi to lớn. Đến năm 2020, tỷ trọng lao động công nghiệp - dịch vụ sẽ tiếp tục gia tăng, lao động nông nghiệp sẽ giảm một cách tương đối, “tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%... Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0-1,5% năm”(9). Trong CCXH nước ta sẽ đồng thời tồn tại một cấu trúc “kép”- PTXH “hợp thức” và PTXH “không hợp thức”. Trong 2 cấu trúc đó, cấu trúc PTXH “hợp thức” sẽ là dòng chảy chính, chủ đạo, cơ bản của đất nước. Tuy nhiên, cấu trúc PTXH “không hợp thức” cũng đeo bám một cách ngoan cố và lỳ lợm, đòi hòi chúng ta phải không ngừng cảnh giác và kiên quyết đấu tranh loại bỏ nó ra khỏi cuộc sống.

Ngoài những biến đổi chính yếu trên, cũng đồng thời diễn ra những biến đổi hết sức quan trọng trong các phân hệ CCXH cơ bản khác.

Trước hết, là những biến đổi trong cơ cấu nhân khẩu xã hội. Nước ta đã bước vào CCXH dân số trẻ một thập kỷ qua. Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều chuyên gia quốc tế, tháp dân số nước ta sẽ nhanh chóng bước vào tháp dân số “già” sớm hơn các quốc gia khác. Do vậy, Đảng, Nhà nước ta, những cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp nhạy bén, thích hợp nhằm tận dụng một cách hiệu quả nhất cơ hội và hóa giải được những thách thức này.

Về CCXH lãnh thổ, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ sớm làm cho dân số đô thị gia tăng. Kéo theo đó là những áp lực khác sẽ tăng theo như: ùn tắc, ồn ào, ô nhiễm không khí, trật tự giao thông bị hỗn loạn v.v.. đòi hỏi  Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng cần tập trung giải quyết.

Cùng với những biến đổi trên là sự biến đổi CCXH - nghề nghiệp. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi lực lượng lao động nước ta phải không ngừng nâng cao năng suất lao động, nếu không sẽ tụt hậu với thế giới. Việc đổi mới cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chú trọng cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng chủ yếu vào chiều sâu (năng suất, chất lượng, kỹ thuật, công nghệ, hiệu quả) là hướng đi chủ yếu mà Đảng ta đã khẳng định. Việc cơ cấu lại con giống, cây trồng trong nền kinh tế trong bối cảnh của hạn hán và xâm nhập mặn, là một nhu cầu cấp bách mà chúng ta phải kịp thời ứng phó.

Trong CCXH - Dân tộc, CCXH - Tôn giáo cũng có nhiều biến động. Điều này đã được Nghị quyết của Đảngkịp thời chỉ ra.

Như vậy, với tinh thần dân chủ, cấp tiến và trách nhiệm cao, Đại hội XII đã mở ra một giai đoạn mới đầy hứng khởi cho sự phát triển đất nước. CCXH nước ta sẽ có nhiều biến đổi quan trọng. Nhận thức rõ điều này, giảng viên đảm nhiệm giảng dạy bài CCXH trong bộ môn Xã hội học cần quán triệt thật sự nhuần nhuyễn để có thể chuyển tải một cách tâm huyết, đầy trách nhiệm tinh thần khoa học và cách mạng của Nghị quyết cho người học tại các lớp cao cấp lý luận và cử nhân chính trị tại Học viện.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 5-2017

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.82, 103, 107, 107-108, 108, 109-110, 112, 113, 272-273.

 

GS, TS Nguyễn Đình Tấn

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền