Trang chủ    Diễn đàn    Tòa ma túy và khả năng áp dụng tại Việt Nam
Thứ ba, 21 Tháng 11 2017 11:10
2127 Lượt xem

Tòa ma túy và khả năng áp dụng tại Việt Nam

(LLCT) - Sau 50 năm Công ước Quốc tế của Liên Hợp quốc về phòng chống ma túy, cuộc chiến toàn cầu chống ma túy có thể nói đã thất bại với những hậu quả nặng nề đối với con người và xã hội trên toàn thế giới. Theo thống kê của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc (UNODC), thế giới hiện có hơn 250 triệu người sử dụng chất ma túy, trong đó số người chết do nghiện là 207.000 người (2014)(1). Ở Việt Nam, cả nước đã có hơn 210.751 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (2016), tăng 10.617 người so với năm 2015, trong đó 67,5% số người nghiện đang sinh sống ngoài xã hội(2).

Ngày 23-12-2016, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải nhanh chóng nghiên cứu và triển khai Tòa ma túy tại Việt Nam(3). Tuy Tòa ma túy mới chỉ được nhắc đến ở Việt Nam trong thời gian gần đây và còn khá xa lạ cả với giới chuyên môn và học giả, song với những ưu điểm, Tòa ma túy có thể sẽ là chìa khóa thành công cho công tác cai nghiện ở Việt Nam hiện nay.

1. Mô hình Tòa ma túy ở Hoa Kỳ

Lịch sử hình thành và hiệu quả hoạt động

Tòa ma túy (Drug Court) còn được gọi là Tòa điều trị nghiện ma túy (Drug Treatment Court) là tòa án đặc biệt được trao trách nhiệm để giải quyết các trường hợp tội phạm có liên quan tới lạm dụng chất gây nghiện, thông qua các biện pháp tổng hợp gồm: giám sát, xét nghiệm ma túy, điều trị nghiện cùng các biện pháp kỷ luật và động viên khuyến khích kịp thời. Tòa ma túy đầu tiên được thành lập tại thành phố Miami, bang Florida, Mỹ vào năm 1989 bởi Chánh án Gerald Wetherrington, Thẩm phán Herbert Klein, Trưởng công tố Janet Reno và Luật sư Bennett Brummer(4). Vào thời điểm đó, cocain được đưa lậu từ Clombia, Mexico vào Mỹ đã khiến tỷ lệ tội phạm ở Miami và các thành phố khác gia tăng chóng mặt, làm cho hệ thống tòa án và nhà tù ở các nơi này bị quá tải. Trong khi đó, việc chỉ áp dụng các biện pháp tư pháp hình sự truyền thống như: phạt giam, phạt tù hay quản thúc đã không còn hiệu quả và không thể phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa sử dụng ma túy và tội phạm.

Ở Hoa Kỳ, thời gian đầu, các Tòa ma túy hướng tới những người nghiện ma túy và phạm pháp về ma túy lần đầu (tàng trữ, mua bán nhỏ lẻ) và phi bạo lực (trộm cắp, lừa đảo, mại dâm...) tham gia vào chương trình nhằm phá vỡ chu kỳ nghiện và phạm tội của họ, từ đó “để dành” chỗ trong nhà tù cho những tội phạm nguy hiểm hơn. Khi tự nguyện tham gia vào chương trình của Tòa ma túy, những người này không bị xét xử hình sự và có án tích như ở các tòa án thông thường. Ngược lại, họ có được những lợi ích về kinh tế - xã hội rõ ràng như: giáo dục, việc làm, cải thiện mối quan hệ gia đình, tăng sự tự trọng về giá trị của bản thân trong cộng đồng mà không làm ảnh hưởng tới trật tự xã hội.

Nhiều nghiên cứu khẳng định, Tòa ma túy làm giảm đáng kể tội phạm, cung cấp kết quả điều trị nghiện tốt hơn và mang lại những lợi ích, chi phí tốt hơn cũng như bảo đảm quyền con người so với các biện pháp tư pháp khác. Theo Hiệp hội chuyên gia Tòa ma túy Mỹ (NADCP), sau 2 năm hoàn thành quá trình điều trị thông qua Tòa ma túy, 75% đối tượng không bị tái phạm tội và việc giảm tội phạm có thể  kéo dài từ 3-14 năm sau điều trị. Tòa ma túy giảm tới trên 45% tỷ lệ tội phạm so với các lựa chọn tuyên án khác và tiết kiệm 3,36 USD cho mỗi 1 USD đầu tư vào Tòa ma túy do giảm các chi phí liên quan đến tội phạm; lợi ích mang lại đến 27 USD cho 1 USD đầu tư do giảm các chi phí liên quan tới xung đột và các chi phí y tế. Tòa ma túy giúp tiết kiệm từ 3 nghìn USD đến 13 nghìn USD cho mỗi trường hợp tham gia. Khi đó ở Hoa Kỳ, hàng năm có hơn 142 nghìn người là thành viên của Tòa ma túy nên lợi ích kinh tế không nhỏ(5).

Với những hiệu quả trên, Tòa ma túy phát triển ra toàn Hoa Kỳ, thành phong trào mang tính quốc gia và được đánh giá là “sáng kiến tư pháp có ý nghĩa nhất” tại Hoa Kỳ trong thế kỷ XX(6). Tính đến tháng 6-2015, có 3.133 Tòa ma túy trên toàn nước Mỹ và hơn 40 Tòa ma túy ở 23 quốc gia khác nhau như: Achentina, Úc, Bỉ, Canada, Anh, Brazil, Chile, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ireland, Jamaica, Mexico, Nauy, Panama, Puerto Rico, Scotland, Trinidad-Tobaco(7)...

Vận hành và các yếu tố cơ bản của Tòa ma túy

Chương trình Tòa ma túy được vận hành theo mô hình đặc biệt, ở đó, thẩm phán, công tố viên, luật sư bào chữa, cán bộ quản thúc, cán bộ hành pháp, nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần, cán bộ xã hội và cán bộ điều trị cùng làm việc với nhau để giúp đỡ các học viên(8). Học viên cũng bị xử lý nghiêm khắc nếu không tuân thủ các yêu cầu điều trị của Tòa. Ngoài việc điều trị nghiện ma túy, Tòa ma túy còn có các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn gia đình, tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ về giáo dục, nhà ở và chăm sóc y tế cho người tham gia. Học viên còn có thể nhận được sự hỗ trợ từ người quản lý hay cán bộ xã hội trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ tài chính hay các dịch vụ xã hội khác.   

Do có sự khác nhau về luật pháp và văn hóa giữa các bang ở Hoa Kỳ nên chính sách và thủ tục đối với các Tòa ma túy không thống nhất. Mặc dù vậy, tất cả các Tòa ma túy tại Hoa Kỳ đều hướng tới ba mục tiêu chính là: giảm việc sử dụng ma túy, giảm tỷ lệ tái phạm và phục hồi chức năng xã hội của người tham gia. Theo quy định, những người tham gia chương trình phải trải qua các cuộc kiểm tra ma túy hàng tuần và thường xuyên tham gia các buổi xét xử tại Tòa.

Hầu hết các chương trình Tòa ma túy kéo dài từ 12 đến 18 tháng và được chia ra làm 3 hoặc 4 giai đoạn. Thí dụ Tòa ma túy Quận 16, bang Arkansas chia ra làm 4 giai đoạn(9):

Giai đoạn 1: Định hướng và đánh giá (12 tuần), yêu cầu: Tham gia đầy đủ 48 phiên - 120 giờ họp nhóm, 12 buổi cá nhân, 36 xét nghiệm ma túy, đến Tòa 2 tuần/lần.

Giai đoạn 2: Điều trị chuyên sâu và ổn định (12 tuần), yêu cầu: Tham gia 36 phiên - 90 giờ họp nhóm, 12 buổi cá nhân, 24 xét nghiệm ma túy, báo cáo người quản lý, đến Tòa ít nhất mỗi tháng một lần.

Giai đoạn 3: Trưởng thành và chuyển tiếp (12 tuần), yêu cầu: Tham gia 24 phiên - 60 giờ họp nhóm, 12 buổi cá nhân, 12 xét nghiệm ma túy, báo cáo người quản lý, xây dựng kế hoạch, có việc làm, đến Tòa theo lệnh của thẩm phán.

Giai đoạn 4: Chuyển tiếp và kết thúc (16 tuần), yêu cầu: Tham gia 12 phiên - 30 giờ họp nhóm, 6 buổi cá nhân, xét nghiệm ma túy ngẫu nhiên, đến Tòa án theo lệnh của thẩm phán, bồi thường bị hại, thanh toán chi phí điều trị, thiết lập mục tiêu.

Khi học viên hoàn thành các tiêu chí của từng giai đoạn, họ sẽ tiến tới cấp độ tiếp theo và cuối cùng là trở thành ứng viên tốt nghiệp từ chương trình Tòa ma túy. Sự tiến bộ từ mỗi giai đoạn và quyết định tốt nghiệp sẽ được đưa ra bởi thẩm phán dựa trên kết quả thảo luận của nhóm phụ trách. Nếu học viên thất bại trong chương trình của Tòa ma túy thì họ sẽ bị xét xử và có thể nhận hình phạt tù hoặc các hình phạt nghiêm khắc khác từ Tòa án hình sự.

Do có sự đa dạng và linh hoạt trong vận hành Tòa ma túy giữa các bang, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến nghị về 10 thành tố cơ bản cần có để một Tòa ma túy hoạt động hiệu quả(10):

(1) Tòa ma túy tích hợp các dịch vụ điều trị nghiện với việc xét xử của hệ thống tư pháp;

(2) Sử dụng cách tiếp cận, truy tố và bào chữa không đối kháng nhằm thúc đẩy an toàn công cộng trong khi vẫn bảo vệ quyền tố tụng của người tham gia;

(3) Xác định sớm những người đủ điều kiện tham gia và nhanh chóng đưa họ vào chương trình;

(4) Tòa ma túy cung cấp, giúp người nghiện được tiếp cận liên hoàn các dịch vụ điều trị, phục hồi và các dịch vụ khác có liên quan;

(5) Việc ngừng sử dụng ma túy được thường xuyên kiểm tra bằng các biện pháp xét nghiệm;

(6) Có chiến lược phối hợp điều chỉnh phản ứng của Tòa ma túy với sự tuân thủ của người tham gia;

(7) Cần có sự tương tác tư pháp liên tục của Tòa với người tham gia;

(8) Giám sát và đánh giá nhằm đo lường việc thực hiện các mục tiêu và hiệu quả của chương trình;

(9) Giáo dục liên ngành, thường xuyên nhằm phát huy hiệu quả việc lập kế hoạch, thực hiện và vận hành của Tòa ma túy;

(10) Thắt chặt quan hệ hợp tác giữa các Tòa ma túy với cơ quan chính quyền và các tổ chức cộng đồng sẽ thúc đẩy sự hỗ trợ của địa phương và tăng cường hiệu quả của Tòa ma túy.

Như vậy, phương thức vận hành và yêu cầu đối với một Tòa ma túy ở Hoa Kỳ là một chương trình được thiết kế khoa học nhằm phát huy tối đa các nỗ lực của học viên dựa trên sự giám sát chặt chẽ và tương tác toàn diện của các thiết chế công - tư trong cuộc chiến chống lại ma túy. Trong đó, các học viên luôn ở vị trí trung tâm và thẩm phán là hạt nhân điều phối của cả chương trình. Vì vậy các thẩm phán không chỉ cần có kiến thức pháp lý chuyên môn mà đòi hỏi còn phải có sự am hiểu nhất định về các lĩnh vực khác có liên quan.

2. Cơ sở áp dụng Tòa ma túy tại Việt Nam

Tình hình tệ nạn ma túy

Theo báo cáo của Bộ Công an về Thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2011 – 2015, năm 2011 cả nước có 158.414 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến năm 2015 tăng lên 200.134 người (tăng 21%, bình quân mỗi năm tăng 5,2%), trong đó 72,4% đang ở ngoài xã hội, 9,2% ở các cơ sở cai nghiện và 18,4% đang trong các cơ sở giam giữ; có 8.047/11.162 xã, phường có tệ nạn ma túy (chiếm 72% tổng số xã, phường trên cả nước). Như vậy, so với năm 1994, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tăng gần 4 lần. Thành phần người nghiện ma túy cũng đa dạng hơn trước, thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, từ học sinh, sinh viên, nghệ sĩ, người lao động đến cán bộ công chức, viên chức. Trong đó, 96% số người nghiệm ma túy là nam giới, 4% là nữ giới, 74% ở độ tuổi 18-35. Người nghiện sử dụng heroin có xu hướng giảm nhưng người sử dụng ma túy tổng hợp, nhóm kích thích dạng Amphetamin (ATS) lại gia tăng (2,5% năm 2005 lên đến 14,5% năm 2014), đặc biệt ở các tỉnh, thành phố phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu(11)...

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có 132 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 110 cơ sở công lập và 22 cơ sở ngoài công lập do tổ chức, cá nhân thành lập. Trong số 110 cơ sở công lập có 5 cơ sở cai nghiện bắt buộc, 75 cơ sở cai nghiện tổng hợp, 24 cơ sở điều trị nghiện tự nguyện và Methadone, 6 cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội. Đến cuối năm 2016, tổng số người đang được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 27.918 học viên, trong đó, cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án cho 17.488 học viên, tăng 12.461 học viên so với năm 2015. Cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập cho 3.576 học viên; điều trị thay thế bằng thuốc Methadone cho 50.663 người, trong đó điều trị tại các cơ sở của ngành Y tế là 48.229 người, ngành Lao động -Thương binh và Xã hội là 2.434 người(12).

Trong hai hình thức, cai nghiện tự nguyện tại gia đình - cộng đồng và cai nghiện bắt buộc tại trung tâm thì phương thức cai nghiện bắt buộc tại trung tâm tuy đã đạt được mục tiêu góp phần ổn định an ninh trật tự do cách ly được người nghiện với xã hội, nhưng thực tế chứng minh là không hiệu quả và theo mô hình quản lý hơn là điều trị tận gốc. Trong khi đó, mô hình này lại tốn nhiều kinh phí và chịu sự chỉ trích của các tổ chức quốc tế về nhân quyền cũng như về cơ sở khoa học trong điều trị. Theo chuyên gia tư vấn Nguyễn Khắc Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, mô hình cai nghiện tại các trung tâm chủ yếu thực hiện quy trình cắt cơn giải độc “chay” hoặc có sự hỗ trợ của các thuốc an thần, Cedemex, Bông Sen... từ 7 đến 10 ngày mà không có giải pháp chữa trị bệnh nghiện cũng như các bệnh khác có liên quan. Thời gian còn lại của các học viên chủ yếu là “lao động trị liệu” giản đơn với các nghề không sử dụng được sau này như dán lông mi, khâu bóng, đóng gạch... nên tỷ lệ tái nghiện luôn ở mức cao, có nơi lên đến 90%(13).

Chính sách và luật pháp

Trước tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp và tiếp tục gia tăng, những năm qua Đảng và Chính phủ đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết thể hiện quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy như: Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống ma túy; Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26-12-2014 của Chính phủ về Tăng cường công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới.

Trên cơ sở luật pháp, chúng ta đã có những thay đổi đáng kể, tạo tiền đề thuận lợi cho khả năng đưa Tòa ma túy vào áp dụng. Trước hết, đó là việc quyền con người ngày càng được khẳng định và đề cao trong Hiến Pháp năm 2013. Với những ghi nhận của Hiến pháp, Tòa ma túy là giải pháp phù hợp và giàu tính nhân văn hơn rất nhiều so với mô hình cai nghiện bắt buộc hiện nay. Việc Tòa ma túy ở Hoa Kỳ áp dụng cho các học viên là những người đã có hành vi phạm một tội hình sự liên quan đến ma túy, song ở nước ta, phạm vi đó có thể mở rộng ra bao gồm cả những trường hợp cai nghiện bắt buộc. Bởi lẽ, luật hình sự của các nước không có quy định thống nhất về tội phạm và giữa các bang của Hoa Kỳ cũng có sự khác nhau giữa một số tội danh. Trọng tâm mà Tòa ma túy hướng đến là điều trị nghiện và phục hồi chức năng xã hội cho người nghiện, không đơn thuần là trừng phạt tương xứng như các tòa án thông thường.

Trước đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã chuyển thẩm quyền đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc từ UBND cấp huyện sang cho Tòa án nhân dân cùng cấp nên việc áp dụng Tòa ma túy thay cho mô hình cai nghiện bắt buộc ở nước ta hiện nay là hoàn toàn khả thi.

Bộ luật Hình sự sửa đổi (năm 2015) có thay đổi về mức độ xử phạt đối với tội phạm ma túy. Trước đây, hành vi tàng trữ dưới 0,1 gram heroin hoặc cocain chỉ bị xử lý hành chính thì hiện nay sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm nếu như trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này. Với quy định trên, thời gian tới tội phạm ma túy ở nước ta sẽ gia tăng đáng kể. Do đó, việc cân nhắc tạo cơ hội cho những đối tượng thuộc Khoản 1 Điều 295 (tàng trữ ma túy) và Khoản 1 Điều 173 (trộm cắp tài sản) có nguyên nhân trực tiếp từ nghiện ma túy tham gia vào chương trình Tòa ma túy là phù hợp và cần thiết. Như vậy, họ sẽ có cơ hội được điều trị tại cộng đồng dưới sự giám sát chặt chẽ của Tòa ma túy mà chưa cần phải cách ly xã hội.

Cơ sở vật chất và nhân lực

Đề án đổi mới công tác cai nghiện đến năm 2020 của Chính phủ nhấn mạnh việc phải đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện, trong đó tiến tới điều trị tại cộng đồng là chủ yếu, giảm dần điều trị bắt buộc tại trung tâm. Thời gian qua, mô hình điều trị tự nguyện tại cộng đồng và tại trung tâm đã đem lại những hiệu quả nhất định, đặc biệt là phương pháp điều trị bằng chất thay thế Methadone gần đây cho kết quả rất khả quan. Với mục tiêu của Đề án, những năm tới hệ thống các trung tâm - cơ sở cai nghiện sẽ được nâng cấp, đầu tư mạnh mẽ. Cùng với đó, 100% đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn và tham gia điều trị sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ về điều trị nghiện(14). Đây là tiền đề rất thuận lợi cho sự vận hành của Tòa ma túy, vì trọng tâm hướng đến đầu tiên của Tòa ma túy là điều trị nghiện cho các học viên. Do đó, các học viên tham gia chương trình của Tòa sẽ được điều trị tại các trung tâm, cơ sở cai nghiện như các học viên bình thường. Trong quá trình điều trị, các trung tâm, cơ sở cai nghiện sẽ định kỳ kiểm tra kết quả, thông báo đến Tòa để thẩm phán xem xét tiến độ và áp dụng các hình thức thưởng, phạt đối với học viên.

Mục tiêu cuối cùng của Tòa ma túy là giúp các học viên tái hòa nhập cộng đồng nên sự vận hành của Tòa không thể tách rời vai trò của gia đình và xã hội. Ở nước ta, việc các tổ chức chính trị - xã hội: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh được tổ chức rộng khắp đến từng thôn, bản, khu phố tạo thuận lợi lớn cho công tác cai nghiện tại cộng đồng nói chung và hoạt động của Tòa ma túy nói riêng.

Ngày nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có cách tiếp cận mới trong việc điều trị nghiện ma túy, họ coi nghiện ma túy là một dạng bệnh mãn tính đặc biệt liên quan đến cơ chế của não bộ nên cần đối xử với người nghiện ma túy như là những bệnh nhân. Ở nước ta, việc nhiều người nghiện ma túy bị bắt buộc đưa vào các trung tâm cai nghiện, chịu sự quản lý như giam giữ đã dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội, nhất là việc người nghiện cảm thấy bị áp lực về tâm lý. Nhiều người vì phải đi cai nghiện bắt buộc đã mất việc làm, gia đình đổ vỡ và bị xã hội kỳ thị nặng nề. Điều đó đã vô tình đẩy họ vào vòng luẩn quẩn: nghiện, cai nghiện rồi lại tái nghiện.

Trước những thành công của mô hình Tòa ma túy ở Hoa Kỳ, việc nghiên cứu thí điểm xây dựng mô hình Tòa ma túy ở nước ta là rất phù hợp và cần thiết. Song với điều trị ma túy, không có giải pháp nào là hoàn hảo và tuyệt đối. Do vậy, việc thiết kế và vận hành Tòa ma túy trước tiên cần tập trung xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị của xã hội và phát huy nội lực của toàn hệ thống chính trị. Với những tiền đề sẵn có cùng sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ, tin tưởng rằng thời gian tới, mô hình Tòa ma túy sẽ sớm đi vào hoạt động và mở ra một trang mới cho công tác điều trị nghiện ở Việt Nam.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 5-2017

(1) Http://www.un.org.

(2) Http://www.molisa.gov.vn.

(3) Http://vov.vn:  “Thủ tướng nhanh chóng thành lập Tòa ma túy”.

(4) Https://en.wikipedia.org.

(5) Http://www.nadcp.org.

(6) Http://www.hiv.com.vn: “Xây dựng Tòa ma túy và vai trò của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội”.

(7) Http://www.ndcrc.org: “How many drug courts are there”.

(8) Https://www.nij.gov: “Drug courts”.

(9) Http://www.16thdistrictark.org.

(10) Http://www.nadcp.org.

(11) Http://thuvienphapluat.vn: “Báo cáo tổng kết chương trình quốc gia phòng chống ma túy 2011-2015”.

(12) Http://pctnxh.molisa.gov.vn.

(13) Http://congly.vn: “Công tác cai nghiện ma túy tại các trung tâm 06 ở các địa phương còn chạy theo thành tích”.

(14) Http://thuvienphapluat.vn: “Quyết định 2596 QD-TTg năm 2013 về đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020”.

 

ThS Bùi Võ

Viện Kiểm sát nhân dân

huyện Đông Hưng, Thái Bình

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền