Trang chủ    Diễn đàn    Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam - tiếp cận từ nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn
Thứ sáu, 24 Tháng 11 2017 15:34
2652 Lượt xem

Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam - tiếp cận từ nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn

(LLCT) Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được tiến hành trong gần 30 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi cơ bản về cơ cấu, cơ chế hoạt động của nền kinh tế và đạt bước phát triển vượt bậc. Tuy vậy, quá trình cổ phần hóa cũng còn nhiều bất cập. Tiếp cận từ nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, sẽ giúp làm rõ những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế và định hướng cho tiến trình cổ phần hóa và sau cổ phần hóa hiện nay.

 

1. Thống nhất giữa lý luận cổ phần hóa với thực tiễn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là yêu cầu cơ bản của quá trình cổ phần hóa

Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một trong những nguyên tắc cơ bản của triết học Mác- Lênin có vai trò định hướng cho các hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Nguyên tắc này đã phát hiện ra bản chất mọi hoạt động của con người, đó là sự liên kết chuỗi các hoạt động từ sản xuất vật chất đến sự hình thành các hoạt động nhận thức, hoạt động tinh thần. Nguyên tắc này cũng đã chỉ ra rằng, thông qua các hoạt động sản xuất vật chất, hoạt động chính trị xã hội và hoạt động thực nghiệm khoa học mà con người đã làm biến đổi thế giới. Sự biến đổi thế giới đó, chỉ có thể thực hiện được thông qua hoạt động của tư duy, tinh thần trong sự tìm kiếm bản chất của các hiện tượng trong thế giới, khái quát nó thành lý luận, vận dụng lý luận tác động trở lại thế giới bằng con đường thực tiễn. Thực tiễn là cơ sở cho sự hình thành lý luận, lý luận ra đời tác động trở lại thực tiễn là biện chứng của quá trình hoạt động của con người. Tổng kết mối quan hệ giữa thực tiễn và lý luận, Lênin khẳng định: “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”(1). Luận điểm này đã khẳng định, về phương pháp nhận thức, mọi hoạt động cần xuất phát từ thực tiễn, nhưng thực tiễn cần được định hướng, dẫn dắt bằng lý luận để đảm bảo tính hiệu quả trong tổ chức các hoạt động.

Vận dụng nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cho thấy, quá trình này cần phải được thực hiện dưới các yêu cầu sau:

Thứ nhất, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam phải xuất phát từ việc nhận thức đúng lý luận về cổ hóa doanh nghiệp nhà nước, xác định đúng thực trạng của doanh nghiệp nhà nước và mục tiêu phát triển của đất nước để xây dựng lý luận cổ phần hóa cho phù hợpvới điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Thứ hai, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khi hoạch định các chủ trương, chính sách hay tổ chức triển khai chủ trương, chính sách cổ phần hóa phải luôn xuất phát từ thực tiễn. Mỗi địa phương, đơn vị,doanh nghiệp có điều kiện khách quan và các nhân tố chủ quan khác nhau. Xuất phát từ tính đặc thù của các điều kiện cho thấy, lý luận cổ phần hóa mang tính khái quát, bao quát những đặc điểm chung, những quy luật chung nên khi áp dụng ở các địa phương, đơn vị phải linh hoạt,cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để xây dựng mục tiêu, mức độ, lộ trình, kế hoạch thực hiện phù hợp trong từng giai đoạn.

Thứ ba, các đường lối, chủ trương, chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải là sự cụ thể hóa lý luận cổ phần hóa trên cơ sở của thực tiễn, nhưng phải bảođảm tính quy luật khách quan của hiện thực.

Thứ tư,trong quá trình cổ phần hóa, cần nắm bắt các yêu cầu của thực tiễn, phát hiện ra các vấn đề do thực tiễn đặt ra đối với lý luận cổ phần hóa. Trên cơ sở đó, xem xét sự phù hợp giữa lý luận và thực tiễn, phát hiện ra những vấn đề bất cập mới nảy sinh để bổ sung, điều chỉnh lý luận về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.

Thứ năm, lý luận cổ phần hóa trang bị cho con người tri thức về các đặc điểm, các thuộc tính, các quy luật về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy nó giúp cho chúng ta khả năng định hướng mục tiêu, xác định lực lượng, biện pháp thực hiện, khả năng dự báo xu hướng phát triển, những thành công, những rủi ro, những hạn chế có thể xảy ra trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. Vì vậy, quá trình cổ phần hóa phải là sự chủ động vận dụng lý luận cổ phần hóa để tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn cổ phần hóa bằng việc xác định mục tiêu, mô hình và biện pháp thực hiện, trên cơ sở đó khắc phục những hạn chế, bất cập nảy sinh.

Thứ sáu, không áp dụng một cách nguyên tắc, sẽ dẫn đến tình trạng không thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Tránh vận dụng máy móc, giáo điều kinh viện, thiếu linh hoạt dẫn đến thất bại trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. 

Như vậy, theo quan niệm  của triết học Mác, thực tiễn là nơi cung cấp các dữ liệu, sự kiện để con người khái quát thành lý luận, muốn chứng minh tính đúng đắn của lý luận phải lấy thực tiễn để kiểm nghiệm. Qua đó lý luận được sử dụng, vận dụng để quay trở lại tác động vào thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn phát triển. Vì vậy, vận dụng các yêu cầu của nguyên tắc thống nhất giữa lý luận cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với thực tiễn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo tiến trình này đạt được hiệu quả.  

2. Những vấn đề đặt ra đối với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam- tiếp cận từ nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.

Để đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận cổ phần hóa với thực tiễn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc cổ phần hóa cần chú ý nhữngvấn đề về lý luận sau:

Một là, nghiên cứu về sự ra đời và đặc điểm của công ty cổ phần để có căn cứ, cơ sở định hướng cho sự chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.

Về sự ra đời của công ty cổ phần C.Mác đã nhận xét: “Trong các công ty cổ phần, chức năng tư bản tách rời với quyền sở hữu tư bản; và do đó lao động cũng vậy, nó hoàn toàn tách rời với quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và về lao động thặng dư. Đó là kết quả của sự phát triển cao nhất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, là điểm quá độ tất nhiên để tư bản lại chuyển thành sở hữu của những người sản xuất, nhưng không phải với tư cách là sở hữu tư nhân của những người sản xuất riêng lẻ nữa, mà với tư cách là sở hữu của những người sản xuất liên hiệp, thành sở hữu xã hội trực tiếp”(2).

Như vậy, C.Mác đã phát hiện ra các đặc điểm cơ bản của công ty cổ phần là hình thành hình thức huy động vốn mới. Sở hữu trong các công ty cổ phần không chỉ dừng lại ở việc sử dụng vốn của các nhà tư bản, các chủ doanh nghiệp mà còn sử dụng vốn của công nhân trong doanh nghiệp và vốn của tập thể những người lao động nói chung trong xã hội. Đây là một bước chuyển quan trọng trong sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, tạo ra hình thức huy động vốn linh hoạt cả về quy mô, tốc độ và phạm vi, vượt ra khỏi biên giới của mọi quốc gia. Tạo ra lợi thế vượt trội của công ty cổ phần so với các loại hình công ty khác.

Mặt khác, công ty cổ phần còn có sự thay đổi mang tính chất đột phá trong cơ chế hoạt động. Tách quyền sở hữu với quyền kinh doanh, tạo cơ chế hoạt động chuyên nghiệp trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hình thành cơ chế thuê chuyên gia trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động của công ty cổ phần tuân theo luật Công ty cổ phần, luật doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công ty cổ phần hoạt động hiệu quả trong điều kiện của sự vận hành đồng của ba yếu tố cơ bản là kinh tế thị trường, thị trường vốn và thị trường chứng khoán.

Những phát hiện của C.Mác, Ph.Ăngghen cho thấy về khả năng điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản nhằm hóa giải các xung đột lợi ích giữa các nhà tư bản với người lao động. Làm dịu sự căng thẳng trong bóc lột giá trị thặng dư của người lao động bằng cách đem cổ phần bán cho người lao động.

Từ những đặc điểm này, công ty cổ phần đã đáp ứng các nhu cầu chung của xã hội tư bản, giải quyết các quan hệ lợi ích giữa những nhà tư bản và người lao động trên một trình độ mới. Một mặt, nó tạo ra một phương thức kinh doanh mới đem lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà tư bản, một mặt làm tăng tính trách nhiệm và thay đổi phần nào vị thế của người lao động.Sự xuất hiện của công ty cổ phần đã giúp cho các quốc gia thực hiện được những nhiệm vụ lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội. Từ khi ra đời cho đến nay, công ty cổ phần đã hình thành, tồn tại, phát triển và dần hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động… Hình thái công ty này đã trở thành loại hình kinh doanh phổ biến hiện nay, được xem là phương thức phát triển cao nhất của loài người, làm cho nền kinh tế của mỗi quốc gia phát triển.

Hai là, về sự ra đời của doanh nghiệp nhà nước và vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Đầu thế kỷ XX, với sự ra đời của các công ty cổ phần, quá trình tích tụ và tập trung sản xuất đã dẫn đến tình trạng độc quyền và lũng đoạn. Lênin đã phân tích: “việc tập trung sản xuất đẻ ra các tổ chức độc quyền thì nói chung lại là một quy luật phổ biến và cơ bản trong giai đoạn phát triển hiện nay của chủ nghĩa tư bản”(3). Khi đó, nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh đã bị sự lũng đoạn bóp méo. Cơ chế thị trường tự do cạnh tranh không giữ được vai trò thúc đẩy nền kinh tế, sự độc quyền phá vỡ cơ chế tự điều chỉnh của thị trường, dẫn đến sự khủng hoảng kinh tế vào những năm 1929-1933. Để khắc phục tình trạng lũng đoạn của kinh tế tư nhân và khủng hoảng, các nhà nước tư bản chủ nghĩa đã tiến hành sử dụng các biện pháp can thiệp vào nền kinh tế để tháo gỡ khó khăn do độc quyền tư nhân gây ra. Nhà nước đã sử dụng các chính sách và công cụ quản lý vĩ mô như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách thu nhập... để điều tiết các hoạt động của thị trường. Nhà nước tư bản chủ nghĩa một mặt điều tiết nền kinh tế bằng hệ thống chính sách, pháp luật, một mặt xây dựng hệ thống các doanh nghiệp của nhà nước làm công cụ để đảm bảo quyền lực của nhà nước trong quản lý xã hội.

Từ đây, trong các nước tư bản phát triển, hình thành nền kinh tế hỗn hợp với hai khu vực nhà nước và tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế,ngoại trừ hoạt động an ninh, quốc phòng và thường hoạt động ở các lĩnh vực sản xuất có lợi nhuận cao; những lĩnh vực lợi nhuận thấp và không có lợi nhuận các doanh nghiệp tư nhân thường không tham gia đã tạo ra khuyết tật của nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động chủ yếu trong các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ công cộng và những ngành then chốt của nền kinh tế quốc dân. Với sự ra đời của kinh tế nhà nước, đã khắc phục được các khuyết tật của cơ chế thị trường, thực hiện phúc lợi xã hội và tạo môi trường cho kinh tế tư nhân phát triển.Như vậy, sự ra đời của kinh tế nhà nước nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng là một tất yếu khách quan.

Tuy nhiên, lịch sử cũng chứng minh rằng, với nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, không có sự điều tiết của nhà nước sẽ dẫn đến độc quyền của doanh nghiệp tư nhân. Nhưng trong nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nếu không xác định đúng vai trò, quy mô, mức độ và lĩnh vực hoạt động của kinh tế nhà nước cũng sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, làm cho nền kinh tế phát triển kém hiệu quả. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần phải xác định một cơ cấu kinh tế hợp lý giữa kinh tế nhà nước với các thành phần kinh tế khác và cơ chế hoạt động phù hợp để doanh nghiệp nhà nước được hoạt động như một đơn vị kinh tế, tuân theo các quy luật của kinh tế của nền kinh tế thị trường.

Bà là, tính tất yếu của việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.Xu hướng cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước bắt đầu hình thành khi các doanh nghiệp nhà nước trong chủ nghĩa tư bản hoạt động ngày càng kém hiệu quả. Mặt khác, do sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào thị trường, sự hình thành chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước dẫn đến tình trạng vi phạm các quy luật của thị trường.

Bên cạnh đó, do khối doanh nghiệp nhà nước hoạt động thường kém hiệu quả do hệ thống kế hoạch và tài chính cứng nhắc, phụ thuộc vào các quyết định của các cơ quan quản lý nhà nước theo hệ thống chính sách từ trên xuống với nhiều cấp trung gian, nên không có quyền tự chủ và không thích ứng được với nền kinh tế thị trường vốn cần có sự linh hoạt nhạy bén và kịp thời; Tính tự chủ trong quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước bị hạn chế vì nhiều qui chế liên quan đến quyền sở hữu của nhà nước, do đó gây ra những yếu tố làm cản trở đến hoạt động có hiệu quả của doanh nghiệp.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhà nước thường được hưởng nhiều chế độ ưu đãi về thuế, về vốn và được nhà nước bảo hộ nên thiếu tính cạnh tranh, thiếu động lực trong thực hiện nhiệm vụ; đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp hoạt động thiếu chuyên nghiệp, cơ chế sử dụng lãnh đạo theo sự bổ nhiệm của các cơ quan nhà nước và hoạt động như những công chức hành chính nên hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ngày càng kém hiệu quả. Trước tình hình đó, các quốc gia trên thế giới đều tiến hành hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nhằm tìm kiếm phương thức hoạt động hữu hiệu cho khu vực kinh tế này.

Trên cơ sở của những điểm lý luận cốt yếu này, thực tiễn cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cần  chú ý đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, nghiên cứu kỹ về mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của công ty cổ phần, đặc biệt là với công ty cổ phần có phần vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước để xây dựng các quy định hoạt động cho từngloại hình doanh nghiệp.

Các công ty cổ phần có phần vốn nhà nước dù chiếm tỷ lệ như thế nào trong doanh nghiệp, cũng phải hoạt động theo Luật công ty cổ phần và Luật doanh nghiệp. Thực hiện việc tách quyền sở hữu với quyền quản lý và sử dụng vốn kinh doanh tạo cơ chế hoạt động phù hợp để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Tránh tình trạng nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, vi phạm các nguyên tắc, cơ chế hoạt động của công ty cổ phần.

Đối với các doanh nghiệp nhà nước (nhà nước sở hữu 100% vốn), cần xây dựng hệ thống pháp luật, các quy định rõ ràng về: cơ cấu tổ chức, nhân sự và cơ chế hoạt động phù hợp nhằm đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được tự chủ, hiệu quả. Khắc phục tình trạng quản lý trực tiếp của nhà nước vào doanh nghiệp như: hệ thống quản lý tài chính cứng nhắc, bị ràng buộc bởi nhiều các quy định quản lý tài chính của các cơ quan quản lý nhà nước; phân định rõ giữa quyền hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước với quyền sở hữu của nhà nước, tạo cơ chế tự chủ trong cho doanh nghiệp; giảm thiểu các chế độ bao cấp, bảo hộ và ưu đãi của nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo động lực, kích thích doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

Mặt khác, cần phân chia rõ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công ích, doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận và doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ chính trị… để có cơ chế hoạt động phù hợp cho từng loại hình đảm bảo thực hiện định hướng chính trị của nhà nước Việt Nam.

Thứ hai, quá trình triển khai cổ phần hóa phải nghiên cứu kỹ những nội dung lý luận về cổ phần hóa và quá trình tổ chức thực hiện cổ phần hóa từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới. Từ đó, vận dụng cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Thực tế cổ phần hóa các doanh nghiệp của các quốc gia trên thế giới cho thấy, các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chỉ hoạt động hiệu quả khi các điều kiện: kinh tế thị trường thị, trường vốn, thị trường chứng khoán đã phát triển đủ mạnh.

Bởi vậy, tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cần có sự thận trọng trong lộ trình, quy mô và tốc độ cổ phần hóa cho phù hợp với sự phát triển đồng bộ của thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Tránh chủ quan, duy ý chí, áp đặt, gây khó khăn cho doanh nghiệp và dẫn đến thất bại trong cổ phần hóa.

Thứ ba,việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Theo lý luận chung, nhà nước thực hiện chức năng quản lý kinh tế quốc dân bằng việc sử dụng các chính sách và công cụ quản lý vĩ mô như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách thu nhập để can thiệp vào thị trường. Qua đó giữ vai trò điều tiết nền kinh tế. Để đảm bảo vai trò điều tiết nền kinh tế, nhà nước phát triển sở hữu nhà nước, thành lập các doanh nghiệp nhà nước qua đó hình thành khu vực kinh tế quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế quốc dân- khu vực kinh tế nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước trở thành công cụ hỗ trợ nhà nước trong thực hiện các chức năng xã hội, ổn định và thực hiện công bằng xã hội.

Vì vậy, đối với vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, cần phát huy vai trò của nhà nước trong việc xác định các lĩnh vực cổ phần hóa đảm bảo nguyên tắc thị trường: những lĩnh vực thị trường đảm đương được trả lại cho thị trường; khắc phục các khuyết tật của thị trường, những lĩnh vực tư nhân không muốn làm do không có lợi nhuận thì doanh nghiệp nhà nước đảm nhận hoạt động dưới hình thức các doanh nghiệp công ích; những lĩnh vực tư nhân không được làm hoặc không thể làm thì doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhằm đảm bảo an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng.

Thứ tư, xác định các yếu tố đặc thù và những nhân tố tác động, ảnh hưởng đến nội dung, tính chất và phương hướng của vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. Ở nước ta, chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước xuất phát từ đường lối kinh tế và đặc điểm kinh tế xã hội trong điều kiện nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là đặc điểm lớn nhất chi phối, quyết định mục đích, nội dung và phương thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Điều này đòi hỏi nhà nước phải có quan điểm đúng về vai trò, mục tiêu, nội dung và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Thứ năm, quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo các mục tiêu: Chuyển một phần sở hữu nhà nước sang sở hữu hỗn hợp; Huy động vốn của toàn xã hội; Tạo điều kiện để người lao động trở thành người chủ thực sự trong doanh nghiệp; Thay đổi phương thức quản lý trong doanh nghiệp.

Tóm lại, để tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam được hiệu quả thì việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước cần được thực hiện trong điều kiện của sự vận hành đồng bộ của kinh tế thị trường, thị trường vốn và thị trường chứng khoán. Hoạt động của công ty cổ phần có phần vốn nhà nước thực hiện theo luật doanh nghiệp, luật công ty cổ phần, đảm bảo nguyên tắc: tách quyền sở hữu với quyền sản xuất kinh doanh; cơ cấu tổ chức, nhân sự tuân theo luật của công ty cổ phần; giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước (đại diện phần vốn nhà nước) vào hoạt động của doanh nghiệp; tuân theo quy luật thị trường. Nhà nước thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế quốc dân thông qua thực hiện các chức năng cơ bản: xác định rõ các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; khắc phục khuyết tật của thị trường; đảm bảo an ninh, quốc phòng và những ngành kinh tế giữ vai trò then chốt; xây dựng các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô bằng xây dựng các chính sách, pháp luật phù hợp... với từng đối tượng doanh nghiệp.

________________

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.18, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr 167.

(2) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.25, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr 668.

(3) V.I. Lênin: Toàn tập, t.27, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.402.

TS Đặng Ánh Tuyết

Học viện Chính trị khu vực I

TS Lê Quang Bốn

Đại học Phòng cháy chữa cháy

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền