Trang chủ    Diễn đàn    Hiện đại hóa nền hành chính đảng: thực trạng và giải pháp
Thứ tư, 29 Tháng 11 2017 11:09
1733 Lượt xem

Hiện đại hóa nền hành chính đảng: thực trạng và giải pháp

(LLCT) - Hiện đại hóa hành chính là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay. Hoạt động hành chính của đảng không chỉ làm tăng năng suất lao động mà còn góp phần quan trọng thay đổi phương thức làm việc của cán bộ, công chức, hướng tới một môi trường hành chính hiện đại.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc hiện đại hóa nền hành chính trong các cơ quan Đảng, trong những năm qua, Đảng tađã sớm có những chủ trương, chính sách ứng dụng và phát triển lĩnh vực quan trọng này. Thí dụ như: Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17-10-2000 của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Quyết định số 47-QĐ/TW ngày 6-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương về việc ban hành Đề án tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2001-2005; Quyết định số 06-QĐ/TW ngày 19-5-2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành Đề án Tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2006-2010; Nghị Quyết số 36-NQ/TW, ngày 1-7-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế;Quyết định số 260-QĐ/TW ngày 1-10-2014 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2015-2020. Đến nay, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu xây dựng và đưa vào sử dụng một cách phổ biến các hệ thống thông tin điện tử phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, tác phong công tác của cán bộ, công chức trong các cơ quan đảng, góp phần nâng cao vai trò tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn Đảng.

Nội dung của hiện đại hóa nền hành chính đảng là:

- Đối với Trung ương: Phát triển hạ tầng kỹ thuật; Xây dựng, mở rộng, nâng cấp các hệ thống thông tin chuyên ngành; số hóacác cơ sở dữ liệu trọng điểm; đào tạo cán bộ.

- Đối với địa phương (Tỉnh ủy, thành ủy): Bổ sung, nâng cấp thiết bị công nghệ thông tin; xây dựng phòng họp trực tuyến: Xây dựng, bổ sung phòng họp trực tuyến ở cấp trung ương và cấp tỉnh ủy, thành ủy; xây dựng phần mềm đặc thù;xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu chung; đào tạo cán bộ.

Công tác tin học hoá hoạt động của các cơ quan Đảng chủ yếu tập trung vào việc thiết lập đồng bộ, thống nhất hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - truyền thông, bao gồm: xây dựng các mạng máy tính nội bộ của từng cơ quan, kết nối thành mạng thông tin diện rộng của Đảng từ Trung ương đến địa phương (cấp huyện và từng bước mở rộng đến cấp xã, phường); xây dựng và đưa vào sử dụng thống nhất phần mềm Hệ thông tin điều hành tác nghiệp (bao gồm: thư điện tử, quản lý, xử lý, gửi nhận, lưu trữ văn bản); tập huấn sử dụng máy tính, mạng máy tính và phần mềm ứng dụng trong công tác văn phòng cho cán bộ, chuyên viên; ban hành quy định về quản lý, sử dụng máy tính và phần mềm ứng dụng, gửi nhận văn bản trên mạng thông tin diện rộng của Đảng.

Do đặc thù lưu giữ, xử lý tài liệu, văn bản của Đảng nên mạng máy tính nội bộ của các cơ quan Đảng không kết nối internet, không kết nối với mạng máy tính của các cơ quan Nhà nước (mạng máy tính của cơ quan Nhà nước kết nối trực tiếp với Internet). Do đó, nhiều ứng dụng CNTT phát huy hiệu quả cao trong việc hỗ trợ hoạt động của các cơ quan Đảng. Điển hình nhất là Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp thực hiện việc quản lý, xử lý, gửi nhận và lưu trữ văn bản tài liệu (dưới dạng text) giúp việc tra cứu, khai thác văn bản được thuận lợi, nhanh chóng, rút ngắn thời gian xử lý công việc hàng ngày của các cơ quan Đảng.

Các cơ quan Đảng trong cả nước đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, thúc đẩy cải cách hành chính, phục vụ có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Thông qua việc triển khai thực hiện Đề án Tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 - 2011 (Đề án 47 và Đề án 06), hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan Đảng đã được quan tâm đầu tư, đáp ứng cơ bản yêu cầu công việc.  Cán bộ, công chức, viên chức thường  xuyên  sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc, quản lý công tác tài chính bằng máy tính và phần mềm quản lý  tài chính. Cán bộ được đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ  năng về công nghệ thông tin. Các điều kiện kỹ thuật được bảo đảm để Văn kiện Đảng, mục lục hồ sơ kho lưu trữ của cấp ủy được quản lý và truy cập trên  mạng truyền số liệu chuyên dùng của Đảng.

Bên cạnh đó, công tác hiện đại hóa nền hành chính của đảng còn một số hạn chế

-   Nhận thức của một bộ phận lãnh đạo chưa sâu sắc và đầy đủ. Một số cấp ủy chưa thấy rõ vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng và phát triển CNTT, nên thiếu chủ động, chưa kiên quyết ứng dụng CNTT nhằm đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng công tác. Trình độ ứng dụng CNTT vào công tác chỉ đạo, điều hành không đồng đều.

- Chậm triển khai dự án về hệ thông tin chuyên ngành, các phần mềm dùng chung;

- Thiếu cơ chế đảm bảo kinh phí thường xuyên cho khâu bảo trì, bảo hành thiết bị và phần mềm ứng dụng;

- Cán bộ kỹ thuật CNTT còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, đặc biệt là ở cấp huyện, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, thiếu cán bộ chuyên trách về CNTT…

- Phương thức hoạt động của bộ phận chuyên trách CNTT nặng về hành chính;

- Chưa xây dựng được quy hoạch tổng thể, chỉ rõ lộ trình, cách thức và bước đi trong phát triển ứng dụng CNTT, đầu tư còn tản mạn, thiếu thống nhất và thiếu đồng bộ;

- Nhiều cơ quan chưa tận dụng hết hạ tầng thiết bị CNTT đã được đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động;

- Chưa hình thành các cơ sở dữ liệu (CSDL) và các hệ thống thông tin quan trọng phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và làm nền tảng cho phát triển các ứng dụng quản lý;

Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do: CNTT là lĩnh vực mới, có tốc độ phát triển nhanh; việc triển khai ứng dụng CNTT để góp phần đổi mới phương thức, lề lối làm việc là một nhiệm vụ phức tạp, trên quy mô rộng, liên quan đến nhiều khâu công việc, nhiều người, đòi hỏi phải có một quá trình thực hiện lâu dài; công tác tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính chưa tốt; thiếu cơ chế, quy định, quy hoạch, định hướng, hướng dẫn cụ thể, đồng bộ về tổ chức triển khai ứng dụng CNTT.

Để nâng cao chất lượng hiện đại hóa nền hành chính đảng, cần:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy; nâng cao nhận thức về vai trò việc ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành nền hành chính cho cán bộ, công chức

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương đối với công tác ứng dụng CNTT bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần đổi mới lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính trong Đảng. Tổ chức quán triệt tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế cũng như nâng cao hiểu biết về các lợi ích trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTTtrong hoạt động của các cơ quan đảng cho cán bộ, đảng viên và công chức.

Người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan đảng phải quan tâm chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tổ chức, cơ quan phụ trách. Thủ trưởng các cơ quan đảng ở Trung ương, bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả triển khai các nhiệm vụ được giao trong Chương trình này. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan đảng phải theo thứ tự ưu tiên dựa trên nhu cầu thực tế, bảo đảm hiệu quả, khả thi, thiết thực và tiết kiệm.

Hai là, xây dựng môi trường pháp lý, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin

Xây dựng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trong các cơ quan đảng, giảm văn bản giấy. Bảo đảm tận dụng triệt để hạ tầng kỹ thuật được trang bị để tăng cường trao đổi, chia sẻ các văn bản điện tử giữa các cơ quan đảng; từng bước trao đổi văn bản điện tử với các cơ quan Nhà nước. Xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong các cơ quan đảng (kiến trúc công nghệ thông tin, chuẩn thông tin, quy trình tích hợp thông tin,...). Xây dựng các quy định về an toàn, an ninh thông tin, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan đảng. Xây dựng các văn bản quy định về tài chính phù hợp đặc thù ứng dụng CNTT. Phát triển các hình thức thuê, khoán trong triển khai ứng dụng CNTT, phù hợp với quy định của Chính phủ. Xây dựng quy định về tiêu chuẩn, biên chế, chính sách, chế độ sử dụng, đãi ngộ thích hợp cho cán bộ, công chức chuyên trách CNTT trong các cơ quan đảng.

Ba là, đào tạo nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế

Đào tạo nâng cao năng lực, trình độ sử dụng tin học của cán bộ công chức trong các cơ quan đảng về việc ứng dụng CNTT để cải thiện hiệu suất công việc, giảm thiểu tâm lý e ngại, né tránh trong sử dụng máy tính và các thiết bị tin học, thay đổi phong cách làm việc của cán bộ công chức từ môi trường giấy tờ chuyển sang làm việc trên môi trường máy tính và các hệ thống thông tin, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và thúc đẩy hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ quan đảng.

Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trao đổi kinh nghiệm về chỉ đạo ứng dụng CNTT cho lãnh đạo các cơ quan đảng. Tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, đảng viên và công chức. Đẩy mạnh và xã hội hóa việc bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính, khai thác internet cho cán bộ, đảng viên và công chức. Đẩy mạnh hình thức đào tạo trực tuyến cho cán bộ, đảng viên và công chức. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về công CNTT, tập huấn nghiệp vụ, kỹ thuật ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức chuyên trách các cấp. Đặc biệt nâng cao kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Tổ chức các đoàn nghiên cứu, học tập thực tế mô hình ứng dụng CNTT có hiệu quả, thành công tại các nước.

Bốn là, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin

Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phải gắn kết chặt chẽ với việc bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật thông tin. Triển khai giải pháp bảo đảm an toàn, bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ cho dữ liệu lưu giữ và trao đổi trên mạng, như: bảo mật văn bản điện tử cấp độ "Mật" gửi, nhận trên mạng, bảo mật dịch vụ hội nghị truyền hình; triển khai thiết bị nhớ an toàn; triển khai các giải pháp tạo kênh ảo PVN và bảo mật cơ sở dữ liệu. Thường xuyên cập nhật, thông báo thông tin về nguy cơ, hiểm họa mất an toàn hệ thống, an ninh thông tin trong các hoạt động ứng dụng CNTT; quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và kỹ năng sử dụng cho người dùng về các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống và an ninh thông tin, bảo vệ bí mật của Đảng và Nhà nước trong hoạt động ứng dụng CNTT. Xây dựng, thực hiện các giải pháp kỹ thuật thực hiện quản lý người dùng tập trung trong mạng máy tính nội bộ (trong mỗi cơ quan và trong toàn bộ hệ thống các cơ quan đảng); kiểm soát, giám sát hoạt động truy nhập, khai thác thông tin trong mạng; sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền; sao lưu, bảo vệ dữ liệu hệ thống và ứng dụng. Xây dựng, thực hiện giải pháp kỹ thuật quản lý, kết nối Internet tập trung, tách biệt với mạng máy tính nội bộ; diệt, quét virus, mã độc đối với thư điện tử, dữ liệu sao lưu từ Internet vào mạng máy tính nội bộ.

Năm là, chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, kiểm tra, giám sát, bảo đảm triển khai đồng bộ các nội dung hiện đại hóa nền hành chính đảng

Kiện toàn cơ cấu tổ chức và phương thức chỉ đạo, quản lý ứng dụng CNTT các cấp. Có hướng dẫn chung trong các cơ quan đảng về việc xây dựng các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan đảng. Xác định mô hình ứng dụng điển hình các cấp, phổ biến triển khai nhân rộng. Kết hợp chặt chẽ việc triển khai Chương trình này với việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong Đảng để ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan đảng thực sự góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong Đảng, đổi mới phương thức và lề lối làm việc, tăng cường công tác cải tiến quy trình làm việc, chuẩn hóa nghiệp vụ. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng CNTT trong các cơ quan đảng để có giải pháp thúc đẩy kịp thời. Xem xét đưa tiêu chí hiệu quả ứng dụng CNTT vào phong trào thi đua, bình xét khen thưởng.

Khảo sát, đánh giá tổng thể hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT trong các cơ quan đảng. Trên cơ sở đó, đầu tư nâng cấp và từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo triển khai các ứng dụng CNTT đồng bộ, hiệu quả tại các cơ quan. Trên cơ sở các ứng dụng CNTT đã và đang triển khai trong các cơ quan đảng, tiến hành tổng kết đánh thực trạng và có biện pháp nâng cấp, phát triển đồng bộ các hệ thống thông tin và phần mềm ứng dụng trên cơ sở đảm bảo triển khai đồng bộ các ứng dụng CNTT, từng bước tự động hóa các quy trình thu thập, xử lý, truyền tài, lưu trữ và cung cấp thông tin trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan đảng.

ThS Bùi Thu Chang

ThS Nguyễn Thị Mai Anh

Viện Xây dựng Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền