Trang chủ    Diễn đàn    Đổi mới hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở Việt Nam
Thứ hai, 18 Tháng 12 2017 15:37
1557 Lượt xem

Đổi mới hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị ở Việt Nam

(LLCT) - Trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, để ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị đòi hỏi phải xây dựng, hoàn thiện thể chế chính trị tương thích với sự vận động, phát triển của thể chế kinh tế, xã hội...

Đất nước đang cần một hệ thống chính trị được tổ chức và hoạt động không chỉ phù hợp với các yêu cầu đòi hỏi của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, của Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và hội nhập quốc tế mà còn phải thật sự trở thành một nhân tố thúc đẩy tích cực của sự phát triển kinh tế thị trường, tăng cường dân chủ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đủ năng lực để giải quyết những khó khăn, các diễn biến phức tạp về chính trị, kinh tế, xã hội trong tiến trình phát triển theo con đường định hướng đi lên CNXH. Do vậy, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính trị luôn là đòi hỏi cấp thiết, là một trong những nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với sự phát triển bền vững của nước ta hiện nay và thời gian tới. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về hoàn thiện thể chế chính trị đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị nước ta chưa được làm sáng tỏ, như sự tương tác của mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; Đảng vừa với tư cách là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội vừa là thành tố của hệ thống chính trị; cơ chế để nhân dân thực sự làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo đảm tính độc lập tương đối để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có thể giám sát và phản biện xã hội... Công cuộc đổi mới càng phát triển theo chiều sâu, càng đặt ra những vấn phức tạp và mới mẻ; nhiều vấn đề phức tạp chưa được lý giải thấu đáo thì lại xuất hiện những vấn đề mới. Do vậy, có những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu theo chiều sâu. Một trong những vấn đề trọng yếu đó là đổi mới nội dung, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội. Cụ thể là:

1. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị-xã hộitrong tình hình mới

Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lãnh đạo của từng tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo Điều lệ hiện hành. Điều lệ của từng tổ chức chính trị - xã hội đã được đại hội từng tổ chức thông qua, ban hành và thực hiện. Từng tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lãnh đạo từng tổ chức theo Điều lệ hiện hành.

Có quy định cụ thể về các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động với tư cách là thành viên của hệ thống chính trị và với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Hiện tại, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động với hai tư cách chính: hoạt động với tư cách là thành viên của hệ thống chính trị và hoạt động với tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc.

Có quy định cụ thể về các tổ chức chính trị - xã hộivới tư cách là thành viên của Mặt trận Tổ quốc tham gia hiệp thương bầu đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội, lấy phiếu tín nhiệm cán bộ dân bầu, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc xá, cử bào chữa viên nhân dân.

Luật Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy định những hoạt động nêu trên. Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, từng tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm tham gia các hoạt động đó. Để các tổ chức chính trị - xã hội tham gia có hiệu quả các hoạt động trên cần có quy định cụ thể, nhất là trong bảo vệ quyền lợi đoàn viên, hội viên của mình.

2. Kiện toàn hệ thống tổ chức của từng tổ chức chính trị - xã hội gọn nhẹ, hiệu quả

Kiện toàn các ban tham mưu, giúp việc của ban chấp hành từng tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương và cấp tỉnh, gọn, nhẹ, chuyên sâu, hoạt động hiệu quả. Cần tổng kết hoạt động của các ban tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương và ban chấp hành từng tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, chỉ ra ưu điểm, hạn chế, nhất là những điểm chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ban; sự cần thiết phải có ban nào đó, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức chính trị - xã hội đã được hoàn thiện và phù hợp với tình hình mới.

Nghiên cứu các mô hình tổ chức của Hội Liên hiệp phụ nữ ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về việc thành lập một cách hợp lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Hiện tại, ở các các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp chưa có tổ chức của phụ nữ, công tác phụ nữ (nữ công) do Công đoàn ở cơ quan, đơn vị phụ trách và cử một cán bộ trong ban chấp hành công đoàn phụ trách nữ công. Điều này hạn chế đáng kể hoạt động của phụ nữ. Cần nghiên cứu có mô hình tổ chức của phụ nữ ở các cơ quan, tổ chức này một cách hợp lý. Nên chăng, thành lập tổ chức của phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị có số lượng lớn phụ nữ nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của phụ nữ trong cơ quan, đơn vị.

Nghiên cứu, có giải pháp ngăn chặn, loại trừ nguy cơ không còn tổ chức Đoàn Thanh niên ở nhiều xã, phường, thị trấn. Hiện tại, ở nhiều xã, phường, thị trấn, vai trò của tổ chức Đoàn mờ nhạt, số lượng đoàn viên giảm đáng kể và đang có xu hướng tiếp tục giảm. Ở nhiều phường, tổ chức Đoàn còn rất ít đoàn viên, nguồn phát triển đoàn viên cạn kiệt. Nhiều tổ dân phố có rất ít, thậm chí không có đoàn viên, phải ghép số đoàn viên của 2, 3, thậm chí 4 tổ dân phố mới thành lập được chi đoàn. Trong khi đó, ở mỗi tổ dân phố có một chi bộ với số lượng đảng viên rất lớn. Điều này, dẫn đến tình trạng 2, 3, thậm chí 4 chi bộ lãnh đạo một chi đoàn, trên dưới 20 đảng viên lãnh đạo một đoàn viên, nhưng chi đoàn vẫn không mạnh.

Nghiên cứu, sắp xếp, kiện toàn một cách hợp lý những tổ chức, cơ quan, đơn vị của một số tổ chức chính trị - xã hội đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế. Hiện tại, trong một số tổ chức chính trị - xã hội có những tổ chức, cơ quan, đơn vị đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, không thực sự phù hợp với tôn chỉ, mục đích của các tổ chức chính trị - xã hội. Cần nghiên cứu, sắp xếp, chuyển đổi mục đích hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị này, để chuyển giao, hoặc giải thể một cách hợp lý theo quy định của pháp luật và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của từng tổ chức chính trị - xã hội trong công tác vận động nhân dân.

Nghiên cứu và có các giải pháp khả thi nhằm hạn chế và loại trừ dần tình trạng tổ chức chính trị - xã hội bị hành chính hóa.

Để hạn chế và loại trừ dần tình trạng này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu về: xây dựng tổ chức bộ máy; giáo dục, rèn luyện phong cách làm việc của cán bộ cho phù hợp với điều kiện thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN; nhận thức sâu sắc và thực hiện dần việc tự chủ, tự túc về kinh phí hoạt động của từng tổ chức chính trị - xã hội …

3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao

Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ từng tổ chức chính trị - xã hội có chất lượng, có phong cách công tác theo chuẩn mực cán bộ dân vận; giải quyết thỏa đáng “đầu ra” cho cán bộ Đoàn.

Đổi mới mạnh mẽ chính sách cán bộ dân vận, khắc phục tình trạng nhiều cán bộ không muốn làm công tác dân vận. Nghiên cứu, đổi mới mạnh mẽ chính sách cán bộ dân vận, nhất là cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ dân vận và chính sách thu hút những người có đức, có tài, có năng khiếu, tâm huyết với công tác dân vận về làm việc trong các tổ chức chính trị - xã hội. Quan tâm thỏa đáng đến việc giải quyết “đầu ra” cho cán bộ Đoàn khi không còn tuổi đời thích hợp làm công tác đoàn. Nâng cao chất lượng Ban Bí thư Trung ương Đoàn và ban thường vụ tỉnh, thành Đoàn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức đoàn.

Trong tổ chức Đoàn ở Trung ương và cấp tỉnh không có đảng đoàn. Ban Bí thư Trung ương Đoàn và ban thường vụ tỉnh, thành Đoàn về thực chất, đảm đương cả chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn trong tổ chức đoàn cấp Trung ương và cấp tỉnh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo tổ chức Đoàn thông qua Ban Bí thư Trung ương Đoàn và ban thường vụ tỉnh, thành Đoàn. Vì vậy, cần coi trọng nâng cao chất lượng các cơ quan này đáp ứng yêu cầu vừa là cơ quan lãnh đạo của tổ chức Đoàn, vừa đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Đoàn.

Đẩy mạnh kết nạp đoàn viên, khắc phục tình trạng giảm sút số lượng đoàn viên của tổ chức đoàn địa bàn dân cư, nhất là các xã, thị trấn.

4. Quán triệt và cụ thể hóa Quy chế của Đảng về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong thể chế chính trị nhất nguyên, đảng duy nhất cầm quyền

Nhận thức sâu sắc vai trò việc giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước trong điều kiện thực hiện thể chế chính trị nhất nguyên, Đảng duy nhất cầm quyền.

Cụ thể hóa Quy chế của Đảng về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với từng tổ chức và thực hiện. Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Từng tổ chức chính trị - xã hội cần dựa chắc vào chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm đoàn viên, hội viên và địa bàn, lĩnh vực hoạt động của tổ chức mình để cụ thể hóa Quy chế của Đảng về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với tổ chức mình và thực hiện nghiêm chỉnh.

Coi trọng việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết kinh nghiệm để hoàn thiện quy chế về giám sát, phản biện xã hội đã được cụ thể hóa. Các tổ chức chính trị - xã hội cần coi trọng và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội của tổ chức mình; duy trì thành nền nếp việc định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế, chỉ ra ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và tổng kết kinh nghiệm để hoàn thiện quy chế.

5. Từng tổ chức chính trị - xã hội coi trọng phát huy cao nhất vai trò là thành viên của hệ thống chính trị, đồng thời, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội khác tạo thành hoạt động chung trong thực hiện nhiệm vụ của hệ thống chính trị

Từng tổ chức chính trị - xã hội phát huy cao độ tính độc lập tương đối của mình trong thực hiện nhiệm vụ của hệ thống chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Các tổ chức chính trị - xã hội là các thành viên của hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, xây dựng tổ chức và hoạt động nhằm thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng. Từng tổ chức chính trị - xã hội có tính độc lập tương đối về tổ chức và hoạt động, không độc lập về chính trị, mà phải tuân theo đường lối, quan điểm chính trị của Đảng. Đây là yếu tố rất quan trọng để phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động đạt hiệu quả cao của từng tổ chức chính trị - xã hội trong lĩnh vực hoạt động và trong vận động đoàn viên, hội viên của từng tổ chức.

Xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp hoạt động của các từngtổ chức chính trị - xã hội, tạo thành hoạt động chung, thực hiện đạt hiệu quả nhiệm vụ của hệ thống chính trị. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị là trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị, gồm: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cáctổ chức chính trị - xã hội. Để nhiệm vụ của hệ thống chính trị được thực hiện đạt kết quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ, tạo thành hoạt động chung của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Sự phối hợp ấy tuân theo cơ chế hoạt động: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phối hợp hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo thành hoạt động chung thực hiện nhiệm vụ của hệ thống chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là thành viên của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ và hoạt động của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, lãnh đạo tổng thể việc xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ và hoạt động của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, Đảng cũng lãnh đạo sự phối hợp hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội tạo thành hoạt động chung. Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm cho sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức chính trị - xã hội theo đúng đường lối của Đảng và đạt kết quả cao.

                                                   PGS, TS Nguyễn tất Giáp

                                  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền