Trang chủ    Diễn đàn    Xây dựng hình ảnh nhà giáo, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo
Thứ tư, 20 Tháng 12 2017 16:53
3347 Lượt xem

Xây dựng hình ảnh nhà giáo, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo

(LLCT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đội ngũ giáo viên nói riêng và những người làm công tác giáo dục nói chung. Người chỉ rõ sư phạm là một nghề đặc biệt vì đối tượng và “sản phẩm” lao động là con người. Để sự nghiệp “trồng người” thành công, theo Người trước hết phải quan tâm đến đội ngũ giáo viên, nhân tố cơ bản, then chốt, có ý nghĩa quyết định.

Kế thừa truyền thống “văn hiến” “hiếu học”, “tôn sư, trọng đạo” trong văn hoá dân tộc, với tinh thần tôn vinh vai trò của nhà giáo, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”(1). Thầy, cô giáo là người ươm mầm cho tương lai, là những kiến trúc sư tâm hồn kiến thiết những “công trình” đặc biệt cho nước nhà - đó chính là những chủ nhân tương lai của đất nước. Người căn dặn: “Các cô, các chú có nhiệm vụ rất quan trọng: Bồi dưỡng thế hệ công dân, cán bộ sau này... Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới”(2). Cho nên “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy dạy là: chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà. Để làm tròn nhiệm vụ ấy, cán bộ giáo dục cần phải luôn luôn ra sức thi đua công tác và học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ mãi”(3). Người khẳng định: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang”(4). Người căn dặn: Trách nhiệm của người thầy “không phải là gõ đầu trẻ để kiếm cơm” mà phải chăm lo, dạy dỗ, đào tạo các em thành những công dân, lao động, người cán bộ, người chiến sĩ trung với nước, hiếu với dân, có lòng yêu nước nồng nàn, có đạo đức trong sáng, cần - kiệm - liêm - chính, chí công, vô tư, có tri thức và sức khỏe để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh.

Người khẳng định: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”(5).

Quán triệt và thực hiện những chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của giáo dục, trong thời kỳ đổi mới, “lĩnh vực giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(6). Để có được những thành tựu đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết để lãnh đạo hoạt động giáo dục và đào tạo đi đúng hướng, trong đó có việc xây dựng đội ngũ nhà giáo các cấp học, bậc học nhằm đào tạo ra một đội ngũ trí thức có đức, có tài, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo nói chung và hình ảnh nhà giáo nói riêng còn không ít bất cập, hạn chế. Hiện nay, mỗi năm Nhà nước dành khoảng 20% GDP đầu tư cho giáo dục, nhưng chúng ta chưa dành sự ưu tiên thích đáng cho xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo (yếu tố căn cốt nhất để phát triển sự nghiệp giáo dục) mà đang ưu tiên cho xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp… Vì vậy, chưa tạo được “sức hút” đối với ngành sư phạm. Chất lượng tuyển sinh đầu vào sư phạm không ổn định và nhìn chung còn thấp; chất lượng đào tạo giáo viên còn nhiều hạn chế; đạo đức nghề nghiệp của không ít giáo viên xuống cấp; chế độ lương, phụ cấp và chính sách đãi ngộ giáo viên trong các trường công lập còn thấp, giáo viên khó có thể yên tâm cống hiến… Từ đó, nảy sinh nhiều tiêu cực, như: nhà trường thu nhiều loại phí ngoài học phí dưới vỏ bọc “nhà nước và nhân dân cùng làm”, giáo viên tổ chức dạy thêm, dạy kèm với nhiều hình thức khác nhau để tăng thu nhập… Điều đó tạo áp lực cho học sinh, gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội, làm xấu hình ảnh của nhà giáo.

Hạn chế, yếu kém của nền giáo dục nước ta trong những năm gần đây do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân căn bản, trực tiếp nhất do chưa nhìn nhận và đánh giá đúng về vị trí, vai trò to lớn của giáo viên. Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đánh giá nguyên nhân của những thành tựu mà giáo dục - đào tạo đã đạt được là: “…sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”(7). Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo ít được quan tâm, hiệu quả thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nghị quyết Trung ương Đảng nêu rõ: “Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”(8).

Hình ảnh nhà giáo suy giảm, thậm chí mất đi vị thế trong xã hội. Nền giáo dục nước nhà trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc song thu nhập của nhà giáo lại giảm so với mặt bằng chung của các ngành nghề khác. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc nhà giáo không thực sự yên tâm công tác, không hết mình vì nghề, phải “chân trong chân ngoài”, tổ chức dạy thêm tràn lan, “thương mại hóa giáo dục”… ảnh hưởng xấu tới “hình ảnh” của họ trong mắt học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.

Do vậy, để xây dựng hình ảnh cao đẹp của nhà giáo, góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, cần thực hiện một số nội dung sau:

Trước hết, cần nhận thức đúng về tính chất đặc biệt của nghề sư phạm

Cần nhận thức rõ sư phạm là một nghề đặc biệt vì đối tượng lao động của họ là con người; không chỉ đơn thuần cần kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ mà quan trọng hơn cần có nhân cách tốt, có tâm trong sáng và luôn là tấm gương mẫu mực. Để có được điều này, mỗi nhà giáo phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, phải hy sinh lợi ích cá nhân.

Mặt khác, tính chất đặc biệt của nghề sư phạm được thể hiện ở kết quả lao động thường khó có thể kiểm chứng ngay, không đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngay tức thì, mà phải hàng chục năm và lâu hơn nữa mới đánh giá được. “Sản phẩm” của giáo dục là nhân cách của mỗi con người, trong đó, hàm chứa nhiều yếu tố, như: khả năng tư duy, trình độ nhận thức, phẩm chất năng lực, kỹ năng, bản lĩnh, nghị lực, tác phong, những tố chất đặc biệt của cá nhân,… được người thầy phát hiện, khơi gợi, định hướng, giáo dục, bồi dưỡng bằng những phương pháp, nghệ thuật riêng một cách kiên trì, cần mẫn qua một quá trình lâu dài.

Hai là, khẳng định rõ vị trí, vai trò của nhà giáo trong hoạt động giáo dục và vị thế của họ trong xã hội

Kinh nghiệm phát triển của các quốc gia trên thế giới cho thấy, quan tâm phát triển giáo dục là tiền đề cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững, trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ nhà giáo. Nhà giáo luôn được kính trọng và dành sự ưu đãi đặc biệt không chỉ về thu nhập, về chính sách đãi ngộ mà còn cả về môi trường và điều kiện làm việc.

Dân tộc Việt Nam cũng đã khẳng định: Không thày đố mày làm nên”, hay “Nên thợ, nên thầy nhờ có học. No ăn, no mặc bởi hay làm” (Nguyễn Trãi). Ngày nay, trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta xác định: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”(9) và hơn bao giờ hết, nhà giáo cần được coi trọng như những “chiến sĩ” tiên phong trên mặt trận văn hóa.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyên dương, để mọi người trong xã hội nhận thức rõ vị trí, vai trò của nhà giáo. Từ đó, nâng cao vị thế xã hội của nhà giáo tương xứng với sự đóng góp và cống hiến của họ đối với xã hội.

Ba là, quy định và thực hiện thống nhất “giáo phục”, phù hiệu riêng trong toàn ngành giáo dục

Trang phục của nhà giáo có ý nghĩa trong việc xây dựng hình ảnh cao đẹp của nhà giáo. Muốn tạo ra sự trang nghiêm, dễ phân biệt với các nghề nghiệp khác trong xã hội cần quy định trang phục riêng cho giáo viên, gọi tắt là “giáo phục”, tương tự như quân phục đối với lực lượng vũ trang và các lực lượng khác hay đồng phục của ngành y tế và một số tổ chức dân sự đang sử dụng hiện nay. Để tạo sự thống nhất chung, ngành giáo dục nên quy định trang phục của giáo viên cho từng cấp học, bậc học. Đi kèm với trang phục phải có biển tên (trên đó ghi rõ họ tên, mã số giáo viên, chức vụ, nơi công tác của nhà giáo kèm theo logo của ngành giáo dục và biểu tượng của nhà trường). Nên quy định cấp hàm của từng giáo viên theo thâm niên, vị trí công tác, chức vụ đảm nhiệm để tăng thêm phần trang nghiêm. Mỗi giáo viên khi khoác trên mình bộ giáo phục sẽ thấy được trách nhiệm cao cả của mình trong sự nghiệp “trồng người”, để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Bốn là, quy định và thực hiện nghiêm việc xưng hô, chào hỏi, ứng xử của giáo viên khi giao tiếp trong ngành và ngoài xã hội

Cần quy định cụ thể về cách xưng hô, chào hỏi, ứng xử giữa giáo viên với người học, phụ huynh học sinh và các đối tượng khác trong xã hội khi công tác và giao tiếp… nhằm tạo sự thống nhất trong ngành giáo dục và toàn xã hội. Từ đó, mọi người thấy được sự uy nghiêm, thanh cao, mô phạm của nghề giáo. Đây là cách xác lập vị thế đặc biệt của nhà giáo. Vấn đề này cần được luật hóa để mỗi nhà giáo, học sinh và từng công dân trong xã hội thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ và chế tài xử phạt nghiêm minh, công khai đối với những hành vi vi phạm.

__________________

 (1),(4),(5) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.403, tr.747,tr.402-403.

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.344.

(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.448.

(6),(7),(8),(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2013, tr.115.

                                                           

ThS Vũ Tuấn

Học viện Kỹ thuật quân sự

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền