Trang chủ    Diễn đàn    Nhà báo với vấn đề giám sát và phản biện xã hội
Thứ sáu, 22 Tháng 12 2017 11:58
2627 Lượt xem

Nhà báo với vấn đề giám sát và phản biện xã hội

(LLCT) - Giám sát, phản biện xã hội từ nhân dân và dư luận xã hội thông qua báo chí - truyền thông góp phần kiểm soát quyền lực và hoàn thiện chính sách công. Bài viết này làm rõ nhận thức, thái độ của nhà báo và công chúng đối với vấn đề giám sát, phản biện xã hội qua cuộc điều tra trên phạm vi 4 địa điểm được chọn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Quảng Ninh; với dung lượng mẫu nghiên cứu trên 900 công chúng và 600 nhà báo.

Nhằm làm rõ những vấn đề mang tính chủ quan, nội tại bên trong của hoạt động báo chí trong giám sát và phản biện xã hội (GS, PBXH), đề tài sử dụng 600 phiếu khảo sát, số phiếu thu về có giá trị sử dụng là 568 phiếu, địa bàn khảo sát: Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ; đối tượng khảo sát là nhà báo - chủ thể trực tiếp của hoạt động báo chí(1), thời gian khảo sát năm 2014.

Nhóm mẫu khảo sát là những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên, giảng viên, học viên ngành báo chí. Thâm niên công tác trong lĩnh vực báo chí của mẫu nghiên cứu là khá cao, nên có thể cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về thực trạng nhận thức, thái độ của nhà báo về vấn đề báo chí GS, PBXH.

Để thu thập dữ liệu định tính, bổ sung cho nghiên cứu định lượng, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 16 chuyên gia trong lĩnh vực báo chí(2) và phỏng vấn sâu gần 60 nhà báo; tổ chức 4 cuộc thảo luận nhóm tại 4 khu vực khảo sát.

Nội dung phỏng vấn chuyên gia tập trung vào 5 vấn đề cơ bản: (1) Quan niệm và vai trò của báo chí trong việc thực hiện chức năng GSXH; (2) Đánh giá về hiệu quả GSXH của báo chí Việt Nam trong thời gian qua; điều kiện cần có để nâng cao hiệu quả GSXH của báo chí; (3) Quan niệm về PBXH, vai trò và tính đặc thù của báo chí Việt Nam trong việc thực hiện chức năng PBXH; (4) Đánh giá về hiệu quả PBXH của báo chí Việt Nam trong thời gian qua; thuận lợi, khó khăn, điều kiện cần có để nâng cao hiệu quả PBXH của báo chí; (5) Thuận lợi, khó khăn, điều kiện pháp lý...; giải pháp tăng cường chức năng GS, PBXH của báo chí.

1. Nhận thức của nhà báo về vấn đề giám sát xã hội

Với nhóm đối tượng là những người trực tiếp tham gia hoạt động báo chí ở 4 khu vực khảo sát,có thể nhận thấy những nét tương đồng trong quan niệm về GSXH. Theo đó, hai nội dung được những người làm báo đề cập tới nhiều nhất là Theo dõi việc xây dựng, ban hành, triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; Theo dõi các thiết chế công dân (văn hóa, kinh tế, giáo dục, pháp luật...). Các nội dung khác, mức độ nhận diện chỉ đạt xấp xỉ 50%.

Bên cạnh đó, một loại dữ liệu nghiên cứu cũng rất đáng chú ý khi tìm hiểu nhận thức, quan điểm về đối tượng GSXH của báo giới (Bảng 1).

Như vậy, có sự khác biệt lớn giữa báo giới phía Bắc và phía Nam. Trong khi các nhà báo miền Nam đề cao vai trò giám sát các tổ chức chính trị và các cá nhân thành viên (tức là giám sát quá trình thực thi quyền lực công của tổ chức và cá nhân trong bộ máy), giới báo chí phía Bắc lại quan tâm đến việc giám sát các phương tiện thông tin đại chúng vàhoạt động của người dân.

Về chức năng GSXH của báo chí, các nhà báo khu vực TP. Hồ Chí Minh cho rằng, GSXH của báo chí là Sự theo dõi của công dân đối với Nhà nước và tổ chức nhà nước, là sự Theo dõi, đánh giá phân tích hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Điều này cho thấy, quan điểm của báo giới ở khu vực kinh tế năng động nhất cả nước đặt ra sự minh bạch hóa về cơ chế tổ chức và quản lý xã hội. Đây là đòi hỏi mang tính khách quan của ngành công nghiệp truyền thông theo xu hướng dân chủ hóa đời sống xã hội.

Trong khi đó, báo giới khu vực phía Bắc lại chú ý đến việc Theo dõi, đánh giá phân tích hoạt động của các cá nhân, các nhóm công dân.Như vậy, môi trường chính trị - xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, quan điểm báo giới.

Điểm chung trong nhận thức giữa các nhóm được khảo sát là chưa coi GSXH của báo chí chủ yếu tập trung vào vấn đề giám sát thực thi quyền lực của tổ chức, cơ quan và cán bộ viên chức trong bộ máy công quyền, cũng như GSXH việc thực thi pháp luật, chính sách công và các chủ trương, chính sách liên quan đến lợi ích cộng đồng.

Nhóm nhà báo được phỏng vấn sâu về vấn đề thứ 2 (hiệu quả giám sát và điều kiện để nâng cao hiệu quả) thường đưa ra những liệt kê khá đầy đủ và hệ thống về những yếu tố tác động mạnh đến hiệu quả GSXH của báo chí: (1) Nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của nhà báo; (2) Nhận thức, trình độ của công chúng; (3) Môi trường pháp lý, chính sách của Nhà nước; đường lối, chủ trương của Đảng.

Trả lời câu hỏi: Theo ông/ bà, ở Việt Nam, những yếu tố nào có tác động mạnh đến hiệu quả GSXH của báo chí? (có thể những thuận lợi, khó khăn), thì hầu hết các nhà báo cho rằng,các yếu tố tác động đến hiệu quả GSXH của báo chí là: (1) Tính chất vấn đề thông tin và nguồn tin; (2) Đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; (3) Quan điểm của lãnh đạo cơ quan báo chí; (4) Hiệu quả hoạt động và độ tin cậy của báo chí; (5) Trình độ, năng lực và tính chuyên nghiệp của nhà báo; (6) Tác động của các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường pháp lý,...

Đây là một hạn chế, và hạn chế này có lẽ do vấn đề GSXH ở Việt Nam nói chung và báo chí GSXH nói riêng còn mới mẻ, đang ở bước khởi đầu tích cực.

2. Quan niệm của nhà báo về phản biện xã hội

Quan niệm của các nhà báo về PBXH được nhận diện tập trung ở một số nội dung sau: (1) PBXH là đề xuất giải pháp nhằm điều chỉnh, khắc phục các thiếu sót, lạc hậu, trì trệ (73,9%); (2) PBXH là thể hiện quan điểm về một vấn đề xã hội nào đó (71,1%); (3) PBXH là phê phán, đấu tranh với một hiện tượng tiêu cực trong xã hội (70,7%). Tức là báo chí trở thành diễn đàn, là phương tiện để cộng đồng bày tỏ ý kiến phê phán và đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng.

Về chức năng của PBXH, đối tượng mẫu khảo sát là các nhà báo, phóng viên đang công tác tại các cơ quan báo chí cho rằng, việc cung cấp thông tin chân thực, khách quan, đa chiều là chức năng quan trọng nhất (chiếm 79,5 %).

Ngoài ra, các nội dung được lựa chọn nhiều nhất gồm:Bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, phân tích trúng vấn đề trọng điểm; Khơi gợi và thúc đẩy ý thức trách nhiệm xã hội của công dân, và Bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cá nhân chống tiêu cực.

Khi so sánh giữa các khu vực cho thấy có sự khác biệt rất rõ trong quan điểm của báo giới khu vực TP Hồ Chí Minh với 3 khu vực còn lại.

Bảng 2 cho thấy, báo chí khu vực TP. Hồ Chí Minh quan tâm nhiều đến các vai trò Phòng, chống tham nhũng, Đấu tranh cho công bằng vàNâng cao kiến thức, nhận thức cho người dân. Đặc biệt, vai trò Phòng chống tham nhũngđược quan tâm cao gấp đôi so với Hà Nội, Quảng Ninh; gấp 7 lần so với Cần Thơ. Kết quả khảo sát cho thấy, nhóm báo giới ở TP. Hồ Chí Minh nhận thức khá rõ ràng vấn đề GS, PBXH nhằm chủ yếu giải quyết mối quan hệ lợi ích và chống lạm dụng quyền lực trong thực thi công vụ.

Khi xem xét báo giới khu vực Hà Nội và Quảng Ninh, các số liệu cho thấy môi trường gần Trung ương tác động đến sự dè dặt khi đề cập đến các vấn đề như Phòng, chống tham nhũng, mà chủ yếu tập trung vào các vai trò mang tính xã hội như Phòng chống các hiện tượng xã hội tiêu cực hay Tạo đồng thuận và đoàn kết xã hội.

Trong thực tế, hoạt động GSXH luôn song hành cùng hoạt động PBXH. Đây là mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, có quan hệ tác động chặt chẽ. Đánh giá của các nhóm liên quan về PBXH của báo chí Việt Nam có tương thích với GSXH hay không? (Bảng 3).

Như vậy, các hoạt động PBXH của báo chí Việt Nam được đánh giá cao hơn hoạt động GSXH, cao nhất lên đến 2,96 điểm.

Ba hoạt động được đánh giá có hiệu quả nhất là: các mục 2, 3, 6, cóđiểm số đánh giá  từ 2,78 đến 2,96.

Những hoạt động PBXH chưa nhận được đánh giá cao, là các mục 5,7, có khoảng điểm từ 2,32 đến 2,58.

So sánh hai nhóm đối tượng, đánh giá của công chúng cao hơn nhóm nhà báo.

Khi so sánh giữa các khu vực, báo giới ở Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có sự đánh giá chặt chẽ hơn so với Quảng Ninh và Cần Thơ về hiệu quả PBXH của báo chí Việt Nam thời gian qua (Bảng 4).

Từ các số liệu trên đây có thể thấy, mặc dù có sự khác nhau về quan điểm, nhận thức đối với việc xác định các chức năng PBXH của báo chí, nhưng báo giới ở hai khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có những đánh giá thẳng thắn và thừa nhận sự hạn chế của báo chí trong PBXH thời gian qua. Trong khi đó, báo giới ở các khu vực Quảng Ninh, Cần Thơ lại có cái nhìn lạc quan và tích cực hơn về các chức năng PBXH của báo chí.

Biểu đồ 1 cho thấy, các đối tượng liên quan đều đánh giá ở mức khá và tốt về vai trò báo chí GS, PBXH trên hầu hết các lĩnh vực cơ bản, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Điểm số về hoạt động GS, PBXH trên lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt mức cao nhất 3.0.

Xem xét giữa hai mẫu nghiên cứu thì đánh giá của nhóm nhà báo về hiệu quả trên lĩnh vực chính trị chưa cao (2,51 điểm). Điều này cho thấy sự hạn chế của báo chí trong GS, PBXH đối với lĩnh vực chính trị, hay đối với các chủ thể quyền lực nhà nước.

Để có những đánh giá chi tiết hơn, cần đi sâu vào việc đánh giá các vai trò cụ thể của báo chí trong các hoạt động có tính nhạy cảm như phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội…

Bảng 5 cho thấy, vai trò nhận được đánh giá cao chủ yếu diễn ra trên lĩnh vực xã hội, đó là các nội dung: 1,7,9. Các điểm số đạt được nằm trong khoảng 2,70 đến 2,79.

Ngược lại, các vai trò ít được ghi nhận là: mục 3,4.Điểm số đạt được ở mức thấp, chỉ nằm trong khoảng từ 2,12 đến 2,38.

Những đánh giá tích cực về vai trò của báo chí đối với GS, PBXH của báo giới ở hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều thấp hơn Quảng Ninh và Cần Thơ. Đặc biệt, số lượng các nhà báo ở TP. Hồ Chí Minh thể hiện sự chưa hài lòng đối với vai trò GS, PBXH của báo chí, chiếm tỷ lệ thấp nhất.

3. Các yếu tố tác động đến năng lực, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của báo chí

Nhóm các yếu tố khách quan

Yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến năng lực GS, PBXH của báo chí chính là môi trường thể chế và khuôn khổ pháp lý để báo chí hoạt động. Hai yếu tố tác động nhiều nhất đến hoạt động và hiệu quả GS, PBXH của báo chí là: (1) Mức độ dân chủ hóa của môi trường chính trị - xã hội; (2) Cơ chế phản biện của báo chí chưa rõ ràng, chưa được tôn trọng.

Nhóm nhà báo coi các yếu tố về môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng nhất. Trong khi đó, công chúng báo chí lại chỉ ra tính kém hiệu quả của hoạt động báo chí trong GS, PBXH phụ thuộc vào : (1) Xu hướng thương mại hóa báo chí;(2) Thị hiếu “lá cải” của một bộ phận công chúng. Từ kết quả trên đây, có thể nhận xét về sự khác biệt này như sau : Đối với các nhà báo, cơ quan báo chí, việc đăng tải thông tin nhạy cảm hay phản ánh một vấn đề tiêu cực trên các sản phẩm báo chí, đôi khi, là một việc không dễ dàng, nhất là báo chí địa phương. Đối với mục tiêu GS, PBXH, nguy cơ đụng chạm tới các quy định pháp luật, các cơ quan công quyền, các nhóm lợi ích, hay các mối quan hệ nhạy cảm là rất cao. Báo chí Việt Nam là báo chí nhà nước, trên thực tế có thể nằm trong sự kiểm soát của cá nhân nắm giữ quyền lực. Do đó, dù phản ánh chống tiêu cực, kể cả khi có đủ bằng chứng, tính chiến đấu của báo chí, đôi khi, cũng bị ảnh hưởng theo hướng suy yếu khá nhiều. Bởi cá nhân có quyền lực có thể nhân danh tổ chức để hạn chế thông tin, mà việc hạn chế ấy không vì lợi ích của tổ chức, của Đảng, Nhà nước hay lợi ích của nhân dân, mà chỉ vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm.

Như vậy, các yếu tố về môi trường pháp lý, động cơ kinh tế hay thị hiếu tiếp nhận sản phẩm của công chúng là những yếu tố khách quan tác động đáng kể đến chức năng GS, PBXH của báo chí Việt Nam thời gian qua.

Nhóm các yếu tố chủ quan

Qua khảo sát cho thấy, hơn 50% nhà báo được hỏi cho rằng mình chưa đóng góp hoặc đóng góp còn hạn chế cho vai trò GS, PBXH của báo chí; khoảng 43,1% cho rằng cá nhân mình có đóng góp đáng kể. Các hoạt động được coi là đóng góp tích cực nhất, bao gồm việc: (1) Cung cấp, phản ánh thông tin chân thực, khách quan; (2) Bám sát sự kiện, thông tin kịp thời.

Tuy nhiên, nhiều hoạt động cần thiết cho GS, PBXH lại ít được các nhà báo chú trọng, như: trực tiếp điều tra, phanh phui các vụ việc tiêu cực; bảo vệ cá nhân chống tiêu cực; tạo diễn đàn ngôn luận công khai cho người dân; phê phán và đề xuất giải pháp điều chỉnh, khắc phục các thiếu sót, lạc hậu, trì trệ.

Như vậy, hoạt động của các nhà báo còn hạn chế trong việc thúc đẩy vai trò GS, PBXH của báo chí. Tính chiến đấu, tính phê phán, tính xây dựng của báo chí cũng như năng lực kết nối xã hội trong giám sát, đánh giá, phân tích phản biện của nhà báo còn ít được chú trọng. Nguyên nhân là do đội ngũ những người làm báo còn thiếu bản lĩnh nghề nghiệp để thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm này (60% chọn lý do này).

Điều này là dễ hiểu, bởi GS, PBXH luôn đặt ra những thách thức, khó khăn, phức tạp, thậm chí nguy hiểm cho cơ quan báo chí. Do vậy, sự dũng cảm của nhà báo được coi là một trong những yêu cầu tiên quyết đối với hoạt động GS, PBXH, nhất là bản lĩnh và tính chuyên nghiệp của người đứng đầu cơ quan báo chí.

Các yếu tố tiếp theo ảnh hưởng đến năng lực GS, PBXH của báo chí là: Quan điểm của lãnh đạo cơ quan báo chí (73,1%) và Năng lực, trình độ phản biện của nhà báo.

Như vậy, hiệu quả GS, PBXH của báo chí phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu cơ quan báo chí. Với vai trò là người điều hành hoạt động và chịu trách nhiệm trước pháp luật và DLXH về các nội dung thông tin đăng tải trên sản phẩm báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí luôn đối diện với những sức ép rất lớn từ: cơ quan chủ quản; cơ quan quản lý báo chí; đối tượng bị phản ánh; các cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan; công chúng và dư luận xã hội. Do đó, mức độ tham gia GS, PBXH của cơ quan báo chí, của đội ngũ nhà báo chịu ảnh hưởng lớn từ quan điểm và thái độ của người đứng đầu cơ quan báo chí.

Yếu tốnăng lực, trình độ phản biệnlà nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả GS, PBXH của báo chí. Đây là một thực tế phải đối diện với các cơ quan báo chí, nhất là nhà báo.

Hai yếu tố mang tính chủ quan làm hạn chế khả năng tham gia GS, PBXH của nhà báo là (1) Do “lực bất tòng tâm”, nghĩ rằng có làm cũng không hiệu quả và (2) Sự can thiệp, tác động từ bên ngoài đến cơ quan báo chí.

Kết quả khảo sát nhóm nhà báo cho thấy, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức nghề nghiệpluôn là động lực để các nhà báo giữ “ngọn lửa nghề”, tích cực và chủ động trong các hoạt động trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến thúc đẩy báo chí GS, PBXH. Bên cạnh đó, tính thời sự, gay cấn của các vấn đề kinh tế - xã hội và sự thúc ép của công chúng và DLXH cũng là lý do thu hút, lôi cuốn các nhà báo tham gia.

4. Giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả báo chí giám sát, phản biện xã hội

Một là, cải thiện môi trường pháp lý

Tăng cường hiệu lực của Luật Báo chí được coi là giải pháp pháp lý quan trọng nhất để nâng cao năng lực GS, PBXH của báo chí. Giải pháp này có sự đồng thuận cao của cả hai nhóm mẫu nghiên cứu là công chúng và nhà báo (tỷ lệ ủng hộ đều đạt 64,3%).

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung và phương thức GS, PBXH của các tổ chức trong hệ thống chính trị làm cơ sở cho báo chí kết nối nguồn lực và sức mạnh xã hội để nâng cao năng lực và hiệu quả GS, PBXH. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho báo chí hoạt động, phát huy ngày càng hiệu quả chức năng GS, PBXH; thực hiện tốtquyền dân chủ của nhân dân; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tác giả, tác phẩm báo chí có tính PBXH cao.

Hai là, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ người làm báo

Biểu đồ 2 cho thấy, có hai nhóm giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực cho người làm báo trong hoạt động GS, PBXH, đó là (1) Tăng cường rèn luyện bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội cho nhà báo và(2) Nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo. Cả hai nhóm giải pháp này đạt tỷ lệ đồng tình lên đến 75% - 80%. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm và bản lĩnh chính trị, sự am hiểu pháp luật và trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm chính trị của nhà báo. “Muốn báo chí nâng cao năng lực GS, PBXH thì trước hết nhà báo phải có năng lực GS, PBXH”.

Ba là, tăng cường vai trò của công chúng báo chí - truyền thông

Tiếp cận trên bình diện năng lực báo chí - truyền thông trong bối cảnh môi trường truyền thông số, năng lực GS, PBXH của báo chí còn phụ thuộc vào năng lực của công chúng trong GS, PBXH. Công chúng nào, báo chí ấy. Bởi, cơ quan báo chí chỉ thực hiện tốt vai trò này thông qua việc tổ chức và kết nối nguồn lực GS, PBXH từ công chúng và DLXH: đó là năng lực thiết lập, phát triển các mối quan hệ với công chúng và DLXH, với các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động văn hóa - xã hội trên phạm vi rộng lớn. Bởi vì, PBXH, chủ yếu là phản biện của các chuyên gia, của đội ngũ trí thức am hiểu vấn đề; và GSXH chủ yếu là giám sát bằng tai mắt, bằng trí tuệ và cảm xúc của đông đảo nhân dân.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017

(1) Trong bài viết: Báo chí giám sát và phản biện xã hội dưới cái nhìn của công chúng, đăng số 2-2017, tác giả đã trình bày kết quả nghiên cứu về ý kiến, nhận thức, thái độ của công chúng báo chí.

(2) Nhà báo Hữu Thọ, Nhà báo Hà Đăng; ông Vũ Quốc Hùng, ông Trương Minh Tuấn, ông Đỗ Quý Doãn, ông Hoàng Hữu Lượng, ông Nguyễn Thế Kỷ, ông Phạm Bá Thịnh, ông Nguyễn Công Khế, ông Phạm Tất Thắng, ông Hồ Quang Lợi, ông Nguyễn Quang A, ông Đinh Văn Hường, ông Nguyễn Thành Lợi, ông Trần Bá Dung, ông Phan Quang.

 

PGS, TS Nguyễn Văn Dững

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền