Trang chủ    Diễn đàn    Báo chí phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý - Những vấn đề đặt ra
Thứ sáu, 22 Tháng 12 2017 11:59
2023 Lượt xem

Báo chí phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý - Những vấn đề đặt ra

(LLCT) - Trong những năm qua, báo chí nước ta đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Báo chí đã thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; tham gia giám sát, phản biện chính sách, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí...Đặc biệt, báo chí đã tích cực tham gia vào công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội; góp phần nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý (LĐQL) trong hệ thống chính trị.

Kết quả điều tra xã hội học của Đề tài “Mối quan hệ giữa báo chí - truyền thông với hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay”(1) cho thấy, dưới tác động của báo chí, công tác lãnh đạo, quản lý (LĐQL) của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị (HTCT) đã có những thay đổi tích cực. Những hình thức, nội dung chịu sự tác động gồm: thay đổi tư duy, nhận thức về công tác LĐQL; thay đổi phương thức lãnh đạo; thay đổi về hình ảnh, uy tín của cơ quan. Tỷ lệ ý kiến đánh giá về ba nội dung trên lần lượt là 51,9%, 30,3% và 20,2% (Biểu đồ).

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song báo chí nước ta còn không ít những bất cập, đòi hỏi phải tập trung khắc phục để phục vụ có hiệu quả công tác LĐQL của HTCT hiện nay:

Thứ nhất, chất lượng thông tin chưa cao, còn đơn điệu, trùng lặp, độ nhạy bén chính trị còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu định hướng dư luận xã hội

Qua khảo sát cho thấy, đa số thông tin trên báo chí hiện nay còn đơn điệu, một chiều, cùng một sự kiện, hầu hết các báo, đài đưa tin giống nhau, tình trạng sao chép thông tin của nhau còn phổ biến. Hiện nay, số lượng các cơ quan báo chí ở nước ta rất hùng hậu nhưng lại có sự chênh lệch lớn về sự hưởng thụ thông tin báo chí giữa các khu vực, địa bàn, vùng, miền; hầu hết các báo chồng chéo về tôn chỉ, mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ. Nhiều cơ quan báo chí khai thác thông tin thiếu chọn lọc, nặng về thông tin những mặt tiêu cực, mặt trái của xã hội và những thông tin giật gân, câu khách, thiếu tính giáo dục, định hướng tư tưởng và hành động, làm giảm chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, chất lượng khoa học, chất lượng nghiệp vụ của báo chí.Không ít tờ báo có biểu hiện của khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo những thị hiếu tầm thường, sa vào tuyên truyền bạo lực, đồi trụy, mê tín dị đoan... không phù hợp với định hướng tư tưởng, chính trị và truyền thống văn hóa dân tộc. Đưa các thông tin tiêu cực nhiều nhưng ít chú ý đến việc đề xuất giải pháp để giải quyết.

Xu thế thương mại hóa đang khiến cho nhiều sản phẩm báo chí mang tính giải trí lấn lướt các chương trình truyền thông chính trị.

Thực tế cho thấy, thông tin mà các báo đăng tải chủ yếu là tin tức sơ lược, văn bản. Nhiều bài viết thiếu minh chứng từ thực tiễn, việc nắm bắt dư luận xã hội, phát hiện những bất cập trong chính sách và triển khai thực hiện chính sách để có những đề xuất, khắc phục còn chưa kịp thời. Tính định hướng, dự báo, tính chiến đấu của một số cơ quan báo chí, nhất là báo chí địa phương còn hạn chế; còn ít các bài điều tra, phân tích, bình luận sâu sắc, có giá trị phát hiện vấn đề, đề xuất phương hướng, biện pháp giải quyết. Công tác tuyên truyền chủ yếu mới chỉ ở bề nổi, còn thiếu chiều sâu, tính hệ thống, hiệu quả tuyên truyền còn hạn chế; tính chiến đấu trong việc phản bác các luận điệu phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên các báo còn hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên,các cơ quan báo chí cần không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin báo chí (TTBC); phản ánh và định hướng dư luận về những vấn đề lớn của đất nước, bảo vệ quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh có hiệu quả chống những quan điểm sai trái, thù địch. Vấn đề đó đặt ra yêu cầu về phương thức truyền tải nội dung phải hấp dẫn, sinh động; mỗi chương trình truyền thông cần xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể, rõ ràng và thiết thực.

Thứ hai, phương thức khai thác và tiếp nhận thông tin của các cơ quan báo chí chưa được đổi mới kịp thời, phương thức truyền phát thông tin chưa đa dạng, chưa tạo thuận lợi cho công tác LĐQL

Do yêu cầu TTBC phải đầy đủ, chính xác, có nguồn gốc rõ ràng, đủ độ tin cậy, nên hầu hết các cơ quan báo chí lấy tin từ các cơ quan Đảng, Nhà nước (nghị quyết, quyết định, thông báo các kỳ họp Trung ương, Quốc hội, trích dẫn tin của TTXVN) thông qua các cuộc họp báo, ít có sự tìm tòi, sáng tạo, khai thác thông tin từ các chiều cạnh khác nhau, vì vậy thông tin đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Trong thời gian gần đây, một số cơ quan báo chí đã chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ, với nhiều loại hình, phương tiện truyền tải thông tin, đáp ứng nhu cầu sử dụng mọi lúc, mọi nơi của công chúng. TTXVN, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam... không chỉ truyền tin qua báo hình, báo viết, mà cả báo mạng. Đài Tiếng nói Việt Nam, ngoài phát thanh còn có báo hình, báo viết, báo mạng...

Tuy nhiên, báo chí nước ta vẫn chưa theo kịp được sự thay đổi nhanh chóng, khi cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã tác động làm thay đổi cách thức thụ hưởng thông tin của công chúng, số lượng độc giả của báo chí in ngày càng giảm, lượng độc giả truy cập báo mạng ngày càng tăng; báo phát thanh, truyền hình giữ mức ổn định số lượng độc giả. Đây là xu thế chung trên thế giới.

Các nhà LĐQL rất cần đọc những bài báo có chất lượng cao, có giá trị khoa học và thực tiễn, nhất là những bài mang tính chiến đấu, tính phản biện,những bài bình luận, phân tích sắc xảo vềnhững vấn đề xã hội quan tâm, những kiến giải để nâng cao năng lực LĐQL. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu vắng những bài báo như vậy. Nguyên nhân là do hầu hết các cơ quan báo chí hoạt động thiếu năng động, chậm đổi mới phương thức đưa tin(2); chưa có cơ chế để khuyến khích cộng tác viên - các nhà khoa học tham gia viết bài.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, các cơ quan báo chí phải đổi mới mạnh mẽ theo hướng đa phương tiện, đồng thời truyền phát thông tin trên các phương tiện khác nhau; hình thức đưa tin phải đa dạng, phong phú: đối với báo hình, báo nói, báo điện tử, thông tin phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; đối với báo in và tạp chí, thông tin sâu sắc, lý lẽ thuyết phục, chứng cứ đầy đủ, tin cậy. Qua đó, giúp nhà LĐQL nắm bắt tình hình nhanh, khi đi sâu tìm hiểu và cần giải pháp giải quyết vấn đề do TTBC cung cấp.

Thứ ba, ý thức chính trị, trách nhiệm xã hội, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của một bộ phận cán bộ báo chí còn hạn chế

Một số nhà báo chưa ý thức đầy đủ về trách nhiệm chính trị trước dân tộc, trước cộng đồng, nghĩa vụ của người làm báo cách mạng, chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, do chạy theo lợi ích kinh tế, khai thác các chủ đề đáp ứng thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. Đã xuất hiện TTBC (chủ yếu trên báo điện tử) đi chệch định hướng chính trị của Đảng. Không ít nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, viết sai lệch, thổi phồng nhiều môhình “giả” làm cho xã hội bị nhiễu thông tin (nhất là thông tin về thị trường bất động sản, thị trường tài chính, chứng khoán). Nhiều nhà báo lạm dụng quyền hạn, vụ lợi, viết theo đơn đặt hàng, ca ngợi thành tích mộtsố đơn vị, cá nhân không đúng với sự thật. Tính tiên phong của báo chí trong đấu tranh chống suy thoái, tha hóa quyền lực trong mộtbộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao, chưa hình thành được chủ đề về kiểm tra, giám sát và phản biện đối với công tác LĐQL, chưa bám sát được thực tiễn cuộc sống xã hội.

Trong xu thế toàn cầu hóa thông tin, nhà báo có thể truy cập mạng Internet khai thác tin nóng hổi vừa xảy ra hoặc đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu. Do đó, nhà báo phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin, các thiết bị kỹ thuật phục vụ tác nghiệp, từ đó kịp thời khai thác các nguồn tin trên thế giới, hội nhập hiệu quả vào nền báo chí thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ khá lớn phóng viên, biên tập viên chưa đáp ứng được yêu cầu này. Trong một số trường hợp, do xử lý thông tin thiếu nhạy bén, đưa tin vội vàng, thiếu chính xác(3).

Giải pháp khắc phụclà, đội ngũ những người làm báo cần không ngừng rèn luyện, phấn đấu nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật kiến thức về lĩnh vực mà mình được phân công, am hiểu những vấn đề chính trị- xã hội, nắm vững pháp luật, có đủ dũng khí vượt qua mọi khó khăn, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, bám sát thực tiễn, để có nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, có sức thuyết phục cao.

Đây không chỉ là tiêu chí đánh giá phẩm chất và năng lực nhà báo mà còn là yêu cầu trong công tác cán bộ, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Thứ tư, công tác lãnh đạo, quản lý của cơ quan chủ quản báo chí còn hạn chế, buông lỏng; một số cơ quan báo chí chạy theo mục đích kinh tế, chưa chú trọng đúng mức nhiệm vụ chính trị

 Công tác lãnh đạo, quản lý của cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn thiếu sâu sát, thậm chí khoán trắng mọi hoạt động cho cơ quan báo chí, trong đó có việc  liên kết với các đối tác, dẫn đến một số nội dung trên báo chí bị thao túng. Khi sai phạmxảy ra, xử lý không nghiêm, có biểu hiện bao che. Vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản còn mờ nhạt, quy trình làm báo không được thực hiện nghiêm túc, nhiều bài báo không qua biên tập vẫn được đăng, phát. Lãnh đạo một số cơ quan báo chí còn thiếu chủ động, lúng túng trong định hướng thông tin,chưa kịp thời và kiên quyết trong xử lý đối với nhà báo đưa thông tin sai, thậm chí còn bao che, dung túng. Vẫn còn hiện tượng “cửa quyền” ở nhiều cơ quan báo chí, không thực hiện đúngLuật báo chí, viết sai khôngđính chính hoặc đính chính lấy lệ, nhận khuyết điểm không đúng mức;một số cơ quan báo chí và nhà báo chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, địa phương, đoàn thể. Chưa quan tâm đúng mức việc nêu gương, biểu dương cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt để tạo không khí, niềm tin cho xã hội. Do chạy theo lợi ích kinh tế, một số tờ báo cố tình đăng tải những tin, bài phản ánh những mặt tiêu cực, mặt trái của xã hội, tiết lộ bí mật nhà nước, xâm phạm đời tư, thiếu nhạy cảm khi thông tin các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do - tôn giáo, dân tộc... làm “nóng” các vấn đề kinh tế - xã hội một cách thiếu ý thức.

 Nhiều vấn đề bức xúc, nhạy cảm, báo chí thông tin, phản ánh một chiều, thiếuthuyết phục, không giúp “hạ nhiệt”, mà còn làm trầm trọng thêm tình hình.

Để khắc phục những yếu kém nêu trên, cần làm tốt công tác cán bộ, lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, trong sáng về đạo đức, có uy tín trong giới báo chí LĐQL công tác báo chí và cơ quan báo chí. Đội ngũ phóng viên phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết với nghề, có bản lĩnh, không sa ngã trước những cám dỗ vật chất, dũng cảm đấu tranh chống cái ác, cái xấu, bênh vực và bảo vệ cái tốt, cái tiến bộ, nhất là am hiểu về công tác LĐQL để sáng tạo tác phẩm có chất lượng cao, phục vụ công tác LĐQL. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với hoạt động của các cơ quan báo chí, kết hợp hài hòa giữa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị với phát triển kinh tế báo chí để bảo đảm nguồn thu, nâng cao đời sống của cán bộ báo chí.

Thứ năm, môi trường làm việc của các nhà báo chưa thuận lợi; khả năng phối hợp tổ chức TTBC phục vụ công tác LĐQL còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả thông tin chưa cao, chưa thiết thực

Thực tế cho thấy, các nhà báo chưa được tác nghiệp trong một môi trường thuận lợi, chưa được bảo vệ một cách kịp thời, chính đáng, nhất là khi tiếp cận những vụ việc liên quan đến sai phạm của các cơ quan LĐQL. Các nhà báo chưa được tạo điều kiện khi nghiên cứu, điều tra những vụ việc tiêu cực; tính mạng của nhà báo bị đe dọa, một số nhà báo đã bị hành hung, nguồn tin của họ chưa được bảo vệ nghiêm túc; kinh phí hỗ trợ trong quá trình điều tra các vụ việc phức tạp còn rất khiêm tốn, khiến nhiều nhà báo nản lòng. Những vướng mắc này, nếu được quan tâm giải quyết một cách thỏa đáng, chắc chắn vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ ngày càng được phát huy.

Các cơ quan báo chí chưa có sự phối hợp đồng bộ trong truyền thông phục vụ công tác LĐQL (Thí dụ: mở chuyên mục về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, về phổ biến nội dung Hiến pháp, về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh...). Việc tổ chức và tập hợp đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia viết những bài có chiều sâu về tư tưởng, thể hiện tính chiến đấu của báo chí, nhất là trong xây dựng và phản biện chính sách, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch chưa được quan tâm đúng mức.

Trongđiều kiện báo chí còn gặp nhiều khó khăn, sự đầu tư về nguồn nhân lực, vật lực cho công tác này còn hạn chế, chưa tương xứng với tình hình mới. Các cơ quan báo chí chủ yếu vẫn hoạt động riêng rẽ, ít chia sẻ cơ sở dữ liệu và thành tựu khoa học công nghệ, dẫn đến nội dung thông tin của từng cơ quan báo chí vẫn thiếu chiều sâu, thiếu sức thuyết phục; nhiều thông tin nhấn mạnh những mặt trái, tiêu cực, vô hình trung làm cho đồng bào ta ở nước ngoài có cái nhìn thiếu tích cực về tình hình trong nước; việc chuyển ngữ một số ấn phẩm báo chí chưa kịp thời; hình ảnh đất nước, con người Việt Nam chưa được quảng bá tương xứng với tầm vóc, vị thế hiện nay.

Để khắc phục, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông phải phối hợp chỉ đạo các cơ quan báo chí thường xuyên trao đổi thông tin, tích cực “hợp đồng, tác chiến” trong các chiến dịch truyền thông phục vụ nhiệm vụ chính trị. Mỗi cơ quan phải phát huy tối đa thế mạnh, sở trường của mình để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, tham gia xây dựng và phản biện chính sách, đấu tranh có hiệu quả trong phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến” trong nội bộ cán bộ LĐQL. Nếu tất cả các cơ quan báo chí có sự phối hợp một cách đồng bộ, thống nhất, sẽ tạo ra hiệu ứng xã hội tốt, tác động tích cực đến công tác tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Thứ sáu, một số cơ quan báo chí xa rời sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thiếu trách nhiệm trong khai thác và truyền tải thông tin; công tác xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí chưa đủ sức răn đe; công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về báo chí chưa kịp thời

Trên báo chí, cả báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, những bài viết về những tấm gương cán bộ LĐQL, những đảng viên hết lòng vì nước vì dân còn ít. Các bài viết trên một số báo về nghị quyết, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường được đưa tin một cách khô khan, thiếu hấp dẫn. Trong một số trường hợp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu về nhiều vấn đề, nhưng báo chí chỉ tập trung khai thác, trích đoạn về những hạn chế, yếu kém, khiến dư luận xã hội hoang mang, lo lắng cho rằng năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước rất yếu kém, để xảy ra nhiều tiêu cực. Một số cơ quan báo chí viết những bài đánh giá, bình luận thái quá, gây phản cảm. Một số nhà báo có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, né tránh viết bài trên báo chính thống về những vấn đề họ tự cho là “nhạy cảm”, nhưng lại đăng trên mạng xã hội ý kiến ngược lại, tỏ thái độ bất mãn, thu hút sự tán đồng của cộng đồng mạng.

Các báo có rất ít cây bút chính luận sắc sảo, viết những bài mang tính lý luận cao, đủ sức thuyết phục, cảm hóa công chúng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Mặc dù nhiều vụ việc đã được các cơ quan chức năng xử lý công khai, cung cấp thông tin chính thống, nhưng một số tờ báo vẫn cố tình có các bài phân tích, bình luận thiếu khách quan. Một số báo còn tùy tiện khai thác thông tin từ báo chí nước ngoài, dựa vào quan điểm của các hãng thông tấn phương Tây, thậm chí cả báo, trang tin của người Việt Nam ở nước ngoài để phân tích, bình luận về những vấn đề quốc tế, vấn đề nhân quyền, tôn giáo... vô tình ca ngợi cả những người Việt ở nước ngoài thành đạt nhưng là kẻ chống đối Đảng và sự nghiệp xây dựng đất nước. Đó là thái độ thiếu ý thức chính trị, thiếu trách nhiệm trong khai thác và truyền tải thông tin, gây nhiễu thông tin, dẫn đến sự nghi ngờ, hoang mang trong công chúng.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều phóng viên, cơ quan báo chí, như: phạt tiền, cảnh cáo, thu hồi, rút giấy phép xuất bản, đình chỉ hoạt động, cách chức tổng biên tập... Tuy nhiên, đối với vấn đề này, cần phải quản lý chặt chẽ ngay từ đầu để ngăn chặn các vi phạm, hạn chế đến mức thấp nhất những dư luận tiêu cực chứ không để phải xử lý vi phạm, vì công tác báo chí là “người” dẫn đường, định hướng dư luận, những thông tin phát ra, bất luận dưới hình thức nào, cũng gây dư luận nhiều chiều trong xã hội. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để xây dựng chiến lược phát triển báo chí và TTBC một cách khoa học, chuyên nghiệp.

Phải nâng cao vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng và người đứng đầu cơ quan báo chí trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đối với báo chí; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và thực tiễn báo chí để đổi mới, nâng cao chất lượng nhằm phục vụ công tác LĐQL của các tổ chức, cơ quan của HTCT.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017

(1) Đề tài do PGS, TS Lưu Văn An làm Chủ nhiệm.

(2) Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, thanh niên, Nhi đồng của Quốc hội năm 2008, trong số hơn 700 cơ quan báo chí, chỉ có 10 cơ quan tự cân đối được ngân sách, số còn lại đều phải trông chờ vào bao cấp và các hỗ trợ khác.

(3) Phóng viên VTV vội vàng đưa tin sai về phản ứng của Tổng thống Nga khi Mỹ trục xuất 35 nhân viên ngoại giao của Nga, tháng 12-2016.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Thông tin và Truyền thông: Báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2016 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2017.

2. Trương Minh Tuấn: Nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục, Báo Nhân dân 25-10-2015.

3. Nguyễn Thế Kỷ (chủ biên): Công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trong 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

 

PGS, TS Lưu Văn An

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền