Trang chủ    Diễn đàn    Nguyên nhân và một số biện pháp ngăn chặn nạn “chạy chức” hiện nay
Thứ sáu, 22 Tháng 12 2017 12:01
3406 Lượt xem

Nguyên nhân và một số biện pháp ngăn chặn nạn “chạy chức” hiện nay

(LLCT) - “Chạy chức, chạy quyền” đang là một hiện tượng tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, gây bức xúc trong nhân dân, làm giảm uy tín của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và chế độ XHCN. Đây là một trong những nguyên nhân chính của sự tha hóa quyền lực của bộ máy công quyền và sự tha hóa quyền lực tất yếu dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Nhà nước.

1. Trước hết, cần nhận thức rõ “chạy chức” là  vấn nạn, một loại “bệnh”, một biểu hiện đặc trưng của tình trạng tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ. Về thực chất đó là việc mua quan, bán tước, là quá trình “trao đổi” giữa một bên là người mua muốn có một chức danh, chức vụ nào đó trong bộ máy công quyền mà không phải qua con đường phấn đấu, rèn luyện gian khổ, không từ sự uy tín, lựa chọn, tín nhiệm của nhân dân, với một bên là những người bán - nắm trong tay quyền hành bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ. Việc trao đổi này diễn ra chủ yếu thông qua quan hệ tiền tệ, đồng thời trong đó cũng có những quan hệ tình cảm, sự tri ân, mà chủ yếu là tình cảm gia đình, thân tộc dòng họ,...

Vấn đề đặt ra là, vì sao đối với một Đảng Cộng sản cầm quyền, một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, quyền lực của Nhà nước là quyền lực của nhân dân giao cho, nhưng nạn chạy chức, chạy quyền lại diễn ra đáng báo động? Vì sao trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, biến chất, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên nhưng tình hình lại đang trở nên “nghiêm trọng hơn”, từ chỗ chỉ có “một số cán bộ đảng viên” đến nay là “một bộ phận không nhỏ” và trở thành “một nhóm lợi ích” đang tồn tại trong bộ máy đảng và Nhà nước. Lý giải hiện tượng này có rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau:

Một là, trong quá trình đổi mới công tác cán bộ, Đảng, Nhà nước có rất nhiều quy định, quy chế về công tác cán bộ nhưng vấn đề cơ bản, chủ yếu nhất là hệ thống cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chặt chẽ và chưa đủ mức cần thiết để ngăn chặn tình trạng chạy chức.

Trong thực tế công tác cán bộ hiện nay đang thiếu bộ quy chế, quy định, cơ chế đồng bộ và còn nhiều bất cập. Trước hết đó là những cơ chế, chính sách, tạo ra những đặc quyền, đặc lợi cho những người có chức, có quyền. Thí dụ như quy định chế độ xe công, hỗ trợ giá mua nhà, cấp đất, trang cấp thiết bị, phòng làm việc... còn mập mờ, thiếu triệt để, bất hợp lý, tốn công quỹ. Cơ chế đặc quyền dẫn đến lộng quyền và lạm quyền. Cơ chế, chính sách đặc quyền, đặc lợi tất yếu dẫn đến quan liêu, xa dân.

Bên cạnh đó, một số quy định trong công tác cán bộ đang có xu hướng trọng chức, trọng quyền mà không gắn liền với việc kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình. Chức trách gắn liền với quyền lực tương ứng là lẽ đương nhiên; có thẩm quyền nhất định là điều kiện để cán bộ hoàn thành được chức trách được giao. Tuy nhiên, khi giao quyền thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Lộng quyền và lạm quyền là xu hướng tất yếu, nếu không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu. Do chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ nên với một số người có hành vi lộng quyền, lạm quyền, có chức sẽ có quyền, có quyền sẽ có tiền và bổng lộc (chức quyền đồng nghĩa với bổng lộc). Chức vụ, quyền lực không còn mang ý nghĩa thiêng liêng, vinh dự được nhân dân ủy thác mà với một số người, nó trở thành thứ phương tiện để thu bổng lộc riêng, có thể ban phát cho những người “biết chạy đúng lúc, đúng chỗ”, những người biết “chọn giá đúng”. Và khi có chức, có quyền, thì họ có thể lồng động cơ, mục đích cá nhân trong công việc chung để điều hành, thao túng cả bộ máy, có thể giải quyết cho con, cháu công ăn, việc làm,... với “món lợi đủ đàng, lợi đơn, lợi kép”. Bởi vậy nhiều người sẵn sàng “đầu tư” cho việc tìm kiếm chức vụ rồi sau đó tìm cách “thu hồi vốn”. Đối với những người này, lòng tham lam quyền lực, chức vụ, tiền bạc là không giới hạn. Đó là con đường tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Hai là, trong công tác cán bộ, việc thực hiện cơ chế, chính sách “khen, chê, thưởng, phạt” thiếu công minh, công bằng. Một tình trạng rất không bình thường trong công tác tổ chức cán bộ ở nước ta là một cán bộ mắc khuyết điểm ở cấp thấp có khi lại được điều chuyển lên cấp trên, hoặc chuyển sang vị trí khác. Một người đã “vào guồng” thì sẽ có rất nhiều cơ hội trên con đường thăng tiến lên cấp cao hơn, nếu không thì cũng yên vị cho đến lúc về hưu. Tình trạng xử lý “nhẹ trên, nặng dưới”, “đã lên, không xuống, đã vào không ra” khá phổ biến, là trái với quy luật. Điều này làm cho một số người có chức, có quyền không quan tâm trách nhiệm, không tự nhiệm mà chi lo vun vén cá nhân, chỉ lo thăng tiến, “chạy chọt”, “quan hệ” vì mục đích cá nhân.

Ba là, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là trong công tác cán bộ.

Một số quy định đang có xu hướng tập trung hóa quyền lực. Chủ trương nhất thể hóa một số chức danh là cần thiết, có nhiều cái lợi. Tuy nhiên, nhất thể hóa chức danh rất dễ dẫn đến tập trung hóa quyền lực trong tay một số người. Sắp tới đây, có thể thực hiện thí điểm cấp trưởng lựa chọn cấp phó. Hiện nay, với cơ chế thủ trưởng, cấp phó chỉ “là người giúp việc cho cấp trưởng”, còn cấp trưởng có quyền quyết định mọi vấn đề. Điều đó có nghĩa là, quyền lực cao nhất trong một tập thể đang nằm trong tay một người chứ không còn là của tập thể. Khi quyền lực lại nằm trong tay kẻ cơ hội thì vô cùng nguy hiểm. Khi quyền lực được tập trung hóa mà không có cơ chế kiểm soát quyền lực sẽ dễ dẫn đến lộng quyền, lạm quyền và nạn mua bán chức quyền, chạy chức, chạy quyền.

Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh phân cấp quản lý cán bộ. Đây là chủ trương đúng, nhằm phát huy tính chủ động, năng động của cấp dưới, nhưng khi phân cấp mà không có kiểm tra rất dễ dẫn đến cục bộ, cát cứ, tiêu cực trong bộ máy, sinh ra lợi ích nhóm,... Tất cả những điều này trái với nguyên tắc tập trung dân chủ, nó kích thích những kẻ tham quyền lực, chức tước và tất yếu nảy sinh hiện tượng chạy chức, chạy quyền. Vừa qua, nhiều địa phương đã bổ nhiệm cán bộ cấp phó vượt quá số lượng quy định nhưng cấp ủy cấp trên, cơ quan chuyên trách cấp trên là Ban Tổ chức và Sở Nội vụ “không biết”. Đây là biểu hiện của sự yếu kém, thiếu trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực khi thực hiện phân cấp quản lý cán bộ.

Bốn là, sự tha hóa quyền lực, nạn chạy chức có nguyên nhân từ sự tha hóa đạo đức, chủ nghĩa cá nhân thực dụng của một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ trong cơ quan quản lý cán bộ.

Do tác động của mặt trái kinh tế thị trường, hệ giá trị chuẩn mực xã hội thay đổi, chuyển từ hệ giá trị trọng nhân, trọng đức sang hệ giá trị trọng thực, một bộ phận cán bộ, đảng viên có lối sống thực dụng, lấy đồng tiên thay giá trị trong quan hệ xã hội. Do lối sống thực dụng chi phối, những người này sẵn sàng quên đi danh dự, hạ thấp giá trị nhân cách để đổi lấy tiền bạc, chức tước bằng mọi giá. Biến quyền lực công, quyền lực của nhân dân ủy thác thành quyền lực của riêng và từ đó đem đổi lấy lợi ích vật chất cho riêng mình. Đây là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực và tha hóa nhân cách trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nó diễn ra cả ở những người trong cơ quan quản lý cán bộ và cá nhân kẻ tham danh vọng, chức tước. Đây là cội rễ của nạn chạy chức.

Năm là, sự yếu kém, mất sức chiến đấu của không ít cấp ủy, tổ chức đảng và của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực tế hiện nay, hiện tượng chạy chức diễn ra ở nhiều nơi, có rất nhiều người biết, ai cũng hiểu, có những vụ việc rất ngang nhiên, nhưng tiếc thay, không ai dám công khai đấu tranh, mà chỉ xì xào, bàn tán ngoài lề. Tính chiến đấu của một số tổ chức đảng bị tê liệt như vụ Vinashin, vụ Trịnh Xuân Thanh và nhiều vụ việc khác. Có thể nói, ở nhiều nơi, những kẻ chạy chức không hề gặp vật cản nào. Đây là mảnh đất màu mỡ để kẻ chạy chức, mua quan, bán chức có cơ hội tồn tại, lộng hành.

2. Một số giải pháp hạn chế, ngăn chặn nạn chạy chức trong công tác cán bộ

Một là, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ, để không còn kẻ hở cho những kẻ cơ hội có thể lợi dụng để “chạy” và không thể “chạy”

Cần rà soát lại các quy chế, quy định, quy trình hiện hành để phát hiện những sai sót, những kẽ hở nếu có, tìm ra những khoảng trống mà những kẻ cơ hội có thể lợi dụng, luồn lách. Trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, hầu như tất cả đều “đúng quy trình”, thế nhưng vẫn không chọn được người tài đức, vẫn để lọt vào bộ máy những kẻ cơ hội, những người thân năng lực yếu kém vào bộ máy, gây bức xúc xã hội. Điều này có nghĩa là, hiện nay, quy trình đang có vấn đề, đang sai từ quy trình, cần phải phát hiện lỗ hổng và kẻ hở.

Xây dựng và hoàn thiện Quy chế trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên nếu để xảy ra hiện tượng chạy chức; ở đâu có hiện tượng chạy chức, thì cấp ủy, người đứng đầu ở đó phải bị kỷ luật, kể cả đã chuyển công tác, đã được thăng chức và kể cả đã nghỉ hưu thì cũng phải xử lý.

Xây dựng và hoàn thiện Quy chế nhân dân kiểm soát quyền lực để nhân dân kiểm tra, kịp thời phát hiện nạn chạy chức. Theo Hồ Chí Minh, dân biết hết, biết tất cả, “chỉ có điều nói ra hay không nói ra”. Nếu chúng ta có cơ chế để nhân dân tham gia phát hiện, ngăn chặn nạn chạy chức, chắc chắn việc đấu tranh chống vấn nạn này sẽ có hiệu quả. Một điều bất hợp lý là, quyền lực nhà nước là quyền lực của nhân dân. Nhân dân ủy quyền cho nhà nước sử dụng quyền lực để phục vụ nhân dân, thế nhưng hiện nay, nhân dân không kiểm tra, kiểm soát, giám sát được quyền lực của mình mà lại đang bị chính quyền lực của mình chèn ép. Theo Lênin, sau khi giành được chính quyền, có 2 vấn đề mấu chốt nhất: Một là, lựa chọn người và đặt người đúng chỗ; Hai là, nhân dân phải kiểm kê, kiểm soát được hoạt động của chính quyền. Đó là mấu chốt để bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Việc nhân dân tham gia kiểm soát quyền lực, tham gia đấu tranh ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền được thực hiện theo hình thức dân chủ trực tiếp hoặc dân chủ đại diện thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Vấn đề là phải có cơ chế bảo vệ người đấu tranh và có cơ chế để thu thập nguồn thông tin từ người dân.

Cần công khai các quy định, quy chế, cơ chế đó để mọi cán bộ, đảng viên thực hiện và để mọi người theo dõi, kiểm tra, giám sát. Dân chủ mà không gắn liền với công khai thì dân chủ chỉ mới là một nửa.

Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp trên, xử lý kiên quyết các biểu hiện, hành vi chạy chức

Kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn chạy chức. Theo Hồ Chí Minh: 9 phần 10 khuyết điểm là do thiếu sự kiểm tra, giám sát, “Kiểm tra, giám sát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết”. Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều vụ việc, nếu làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, nếu cấp trên quan tâm chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra sâu sát thì sẽ phát hiện kịp thời các vụ việc tiêu cực. Vụ Trịnh Xuân Thanh, quán cà phê “xin chào”,... là những ví dụ. Khi cấp trên chỉ đạo công tác kiểm tra sâu sát sẽ phát hiện kịp thời và xử lý chính xác nhiều vấn đề.

Để công tác kiểm tra, thanh tra đạt kết quả, cần phối hợp các lực lượng thanh tra nhân dân, thanh tra nhà nước, kiểm tra đảng, đặc biệt, thiết lập hệ thống cung cấp và xử lý thông tin. Mọi thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân gửi đến người và cơ quan có trách nhiệm, nếu có địa chỉ, chứng cứ, cho dù có tên hay nặc danh đều phải được nghiên cứu, xử lý. Hiện nay, quy định những đơn thư nặc danh không giải quyết. Quy định này đã bỏ đi một nguồn thông tin rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng và nạn chạy chức, chạy quyền. Vấn đề là vì sao người tố giác không muốn ghi tên. Vì họ sợ tố giác rồi cũng để đấy, có khi lại bị trù dập, mà trong thực tế đã có. Như vậy, cần có cơ chế bảo vệ người tố giác tội phạm tham nhũng và nạn chạy chức. Đồng thời, khi đã phát hiện thì kiên quyết xử lý triệt để. Đối với nạn chạy chức, khi phát hiện thì dứt khoát phải cách chức, bãi chức, xóa chức, vì đó là chức vụ do chạy chọt mà có chứ không phải do có năng lực, đức độ, tài năng, uy tín. Đối với người “bán chức”, nhận hối lộ, khi phát hiện được thì nhất định phải loại ra khỏi Đảng, khỏi bộ máy cơ quan công quyền. Vì họ là những con sâu mọt, đã đem quyền lực của nhân dân để trao đổi, mua bán, làm tha hóa cả bộ máy.

Ba là, kiên quyết xóa bỏ đặc quyền, đặc lợi

Rà soát cơ chế, chính sách cán bộ, “dũng cảm” loại bỏ những quy định tạo ra đặc quyền, đặc lợi, cơ chế xin cho. Còn đặc quyền, đặc lợi thì sẽ còn nạn chạy chức, chạy quyền để hưởng đặc quyền, đặc lợi. Thực hiện công khai hóa các chế độ, quy định về phụ cấp trách nhiệm công vụ. Trước mắt, xóa bỏ chế độ xe công,... không thực hiện khoán kinh phí xe công nửa vời như vừa qua vì làm như vậy sẽ thiếu triệt để, tạo ra một khoản thu nhập khác cho người có chức quyền. Tất cả ưu đãi nên đưa vào lương, vào phụ cấp trách nhiệm. Có như vậy mới bảo đảm tính minh bạch, công bằng và đỡ hao tốn, lãng phí công quỹ, tiền bạc của nhân dân.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017

 

PGS, TS Lê Kim Việt

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Hữu Thiết

Học viện Cảnh sát nhân dân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền