Trang chủ    Diễn đàn    Những chuẩn mực đạo đức mới của người cán bộ, đảng viên, công chức viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thứ hai, 25 Tháng 12 2017 09:55
7845 Lượt xem

Những chuẩn mực đạo đức mới của người cán bộ, đảng viên, công chức viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức của cơ quan, đơn vị, địa phương theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc học tập và làm theo Bác.

1.Chuẩn mực đạo đức là một hệ thống các tiêu chuẩn, nguyên tắc điều chỉnh hành vi con người được xã hội thừa nhận và qua đó, mỗi người tự điều chỉnh hành vi theo chuẩn mực đạo đức chung, góp phần bảo đảm trật tự của xã hội theo những thang giá trị đạo đức cụ thể của từng giai đoạn phát triển. Chuẩn mực đạo đức của mỗi tổ chức là các giá trị, triết lý hành động trong những hoàn cảnh nhất định về đối tượng và mối quan hệ cụ thể, được coi là biện pháp thực hành cần thiết để điều hành một tổ chức trong xã hội. Như vậy, có chuẩn mực đạo đức xã hội, chuẩn mực đạo đức công vụ, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp…

Chuẩn mực đạo đức công vụ là những giá trị đạo đức và chuẩn mực pháp lý được áp dụng cho đối tượng cụ thể - những công chức trong lĩnh vực hoạt động công vụ. Chuẩn mực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước và nền công vụ nước ta coi là “cái nền”, “cái gốc” của đội ngũ cán bộ, công chức và được gói gọn trong 4 chữ “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính”, suy rộng ra là “nhân, nghĩa, trí, dũng, tín”.

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp dựa trên “cái nền”, “cái gốc” của chuẩn mực đạo đức công vụ, có tính chuyên biệt, quy định bởi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập; thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Các cơ quan, đơn vị cùng một nghề, có cùng chức năng nhưng thực thi công vụ ở địa bàn, đối tượng… khác nhau, sẽ có nhiệm vụ khác nhau thì đạo đức nghề nghiệp cũng khác nhau, đòi hỏi từng cơ quan, đơn vị phải nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để cụ thể hóa, lựa chọn, bổ sung nội dung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp, thiết thực.

2.Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với chức năng, nhiệm vụ cơ bản: (1) là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị; (2) là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; (3) là cơ quan chịu trách nhiệm về tổ chức, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Trường bộ, ngành.

Tính đến tháng 6-2017, toàn Học viện có tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là 2.317; trong đó, biên chế là 2.109; hợp đồng lao động theo Nghị định số 68 là 123 người; hợp đồng lao động 78 người, hợp đồng vụ việc là 07 người. Về giới tính: nam có 1.050/2.371 (45,33%), nữ có 1.267/2.317 (54,67%); đảng viên có 1.277 đồng chí (55,11%). Về cơ cấu ngạch: chuyên viên cao cấp và tương đương 225 đồng chí (chiếm 10%); chuyên viên chính và tương đương 601 đồng chí (chiếm 27%; chuyên viên và tương đương 1.081đồng chí (chiếm 48%; cán sự và tương đương 112 đồng chí (chiếm 5%); ngạch khác là 214 đồng chí (chiếm 10%). Về trình độ chuyên môn: Tiến sĩ 522 đồng chí (chiếm 23,38%); thạc sĩ 863 đồng chí (chiếm 38,65%%); Cử nhân 540 đồng chí (chiếm 24,18%% %); khác 308 đồng chí (chiếm 13,79%). Về học hàm: Giáo sư  9 đồng chí (chiếm 0,45%); Phó giáo sư 162 đồng chí (chiếm 7,25%).

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Học viện đã có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nhất định, có tinh thần trách nhiệm, gắn bó với chuyên môn nghề nghiệp.

3.Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nay là Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2015 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên Học viện.

Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện đã ban hành Quy định số 260-QĐ/ĐU ngày 26-9-2012, quy định về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đưa ra 5 chuẩn mực đạo đức đối với cán bộ, công chức, viên chức Học viện, gồm:

Một là, phát huy truyền thống, niềm tự hào của Học viện mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức quyết tâm giữ vững lập trường chính trị, tư tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn; chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, nói và viết theo định hướng của Đảng; kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, phản động đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; ra sức phấn đấu vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn.

Bốn là, thực hiện nếp sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị và nơi cư trú; tận tụy với sự nghiệp đào tạo, hết lòng vì học viên; không lợi dụng vị trí người thầy để mưu cầu lợi ích cá nhân; chống mọi biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và các hình thức tham nhũng, lãng phí, phô trương hình thức.

Năm là, thực hiện sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, cơ quan, đơn vị; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; luôn tự kiểm điểm trung thực, kịp thời phát hiện những khuyết điểm, sai lầm và kiên quyết sửa chữa; tích cực đấu tranh phê bình đối với những cá nhân và tổ chức mắc sai lầm, khuyết điểm; chấp hành nghiêm quy định những điều đảng viên không được làm và các quy định khác của cơ quan, đơn vị.

Trên tinh thần: "Ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra", Quy định về chuẩn mực đạo đức của của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Học việnđược gắn kết với việc xây dựng kế hoạch đăng ký của cá nhân trong học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đơn vị cho thấy, ý thức tự rèn luyện, của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong đơn vị đã có những chuyển biến tích cực, đã nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ vĩ đại. Hầu hết cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Học viện đã nghiêm túc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; đổi mới lề lối làm việc theo hướng thiết thực, hiệu quả; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, giữ gìn đoàn kết nội bộ; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống và các biểu hiện tiêu cực khác. Do vậy, chất lượng hoạt động trên các mặt công tác của Học viện có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học.

4.Trong xu thế toàn cầu hóa, không gian mở và biên giới mềm như hiện nay, cùng với tình tình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Học viện nói riêng. Tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ quan, sâu sa nhất của tình trạng trên là:“do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và những hậu quả gây ra”[1].

Học viện với tính đặc thù trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ (trung tâm duy nhất, có tính độc lập, tự chủ, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ươngvề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị) vàtính đặc thù trong nghiên cứu khoa học (nghiên cứu chuyên sâu về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam để nắm vững, vận dụng trong công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến; và bổ sung, phát triển về lý luận chính trị; phản bác những luận điểm sai trái, chống phá) đang đặt ra cho Học viện trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới, trong đó nổi lên là yêu cầu về xây dựng chuẩn mực đạo đức mới của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm thế nào để tiếp tục khẳng định, tăng cường vị thế của Học viện với tư cách là Trường Đảng Cao cấp của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; là một cơ quan Đảng đặc thù trong hệ thống các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Đảng; là trung tâm quốc gia duy nhất có chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho toàn Đảng và hệ thống chính trị.

Với quyết tâm chính trị cao của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Giám đốc Học viện và sự đồng thuận, nhất trí của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện, ngày 26-10-2017, Quy định về văn hóa trường Đảng đã được Giám đốc Học viện ban hành, Quy định đã khẳng định 5 giá trị cốt lõi, bản chất, đặc trưng riêng có về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trường Đảng[2]. Đó là:

Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc

Đây là chuẩn mực đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức Học viện. Bởi lẽ, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Học viện là Trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hò Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; hơn nữa, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức Học viện là cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy mà đối tượng học tập tại Học viện là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Do đó, mỗi vấn đề được cán bộ, giảng viên Học viện trao đổi, thảo luận với học viên, trên các phương tiện thông tin đại chúng đều có tác động rất lớn. Vì vậy, đòi hỏi và yêu cầu tiên quyết đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Học viện phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc. Có nghĩa là:

- Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức Học viện phải tuyệt đối tin tưởng vào lý tưởng cách mạng, đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; kiên quyết chống lại những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, độc lập dân tộc; tích cực và sẵn sàng tham gia bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.Phấn đấu tích cực góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóađất nước, đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

- Phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng; phải có thái độ chính trị rõ ràng và bản lĩnh chính trị vững vàng, tán thành con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải luôntỉnh táo, không sa vào cạm bẫy của địch, không mắc mưu các thủ đoạn diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc; không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với đường lối cách mạng Việt Nam, tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới; tỏ rõ lập trường kiên quyết chống bảo thủ, trì trệ, cơ hội, xét lại, gương mẫu đi đầu trong cuộc đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng ở mỗi cán bộ, đảng viênlà biểu hiện cao nhất sự kiên định cách mạng và tính nhân văn cao cả. Bởi, Đảng không có mục tiêu, lý tưởng nào khác ngoài mục tiêu, lý tưởng đấu tranh cho hạnh phúc của con người, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với mục tiêu, lý tưởng của Đảng đòi hỏi người cán bộ, đảng viênkhông ngần ngại chấp nhận hy sinh bảo vệ con người, bảo vệ nhân dân, chống lại những hành vi "phi nhân tính"; dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh bảo vệ cái đúng, chống lại cái sai, không vì lợi ích, địa vị cá nhân, không sợ hãi trước bất cứ sự đe dọa, ép buộc, hoặc áp đặt cá nhân độc đoán nào.

- Đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết; chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa quan liêu, tư tưởng cục bộ bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

- Trung thực, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công tô tư. "Cần" là cần cù trong lao động, biết khuyến khích và giúp đỡ người khác làm tốt công việc. "Cần" trong giai đoạn hiện nay còn phải là tích cực, chủ động, sáng tạo trong công việc được giao, mang lại hiệu quả cao trong công việc mình đảm nhiệm. "Kiệm" có nghĩa là không hoang phí thời gian, của cải của mình và của nhân dân. Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm trong sản xuất để mang lại hiệu quả sản xuất cao. Tiết kiệm trong đời sống, trong sinh hoạt, tránh xa hoa, lãng phí của cải của cá nhân, gia đình và xã hội. "Liêm" là không tham ô, là tôn trọng tài sản của công dân và của nhân dân. "Chính" là thẳng thắn, trung thực, làm theo lẽ phải, đấu tranh chống sự giả dối, cơ hội, lợi dụng chức quyền làm việc bất minh; không vụ lợi, không để cho người thân lợi dụng quyền hạn và ảnh hưởng của mình để trục lợi. "Chí công vô tư" có nghĩa là quyền lợi của mọi người bao giờ cũng gắn với lợi ích xã hội; hoạt động của cá nhân phải trên cơ sở nền tảng của xã hội, vì lợi ích xã hội; mọi người phải lấy lợi ích chung của tập thể, của quốc gia, của dân tộc đặt lên trên lợi ích cá nhân mình.

Thứ hai, cống hiến trong thực thi công vụ. Có nghĩa là, cán  bộ, công chức, viên chức học viện phải tận tâm, tận lực đóng góp công sức, trí tuệ cho công tác đào tạo, bồi dưỡngcán bộ, xây dựng Học viện ngày càngphát triển trong sạch vững mạnh, góp phần thực hiệnthắng lợi sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của hệ thống chính trị; không ngừng nỗ lực học tập, ham học hỏi, có chí tiến thủ và cầu tiến bộ; chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tác phong dân chủ, quần chúng, thân thiện, thể hiện phong cách mẫu mực của người giảng viên trường Đảng trên giảng đảng và trong cuộc sống.

Thứ ba, cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Trong bài nói chuyện tại buổi Lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “... anh em phải siêng năng, tiết kiệm, phải có thái độ khiêm nhường, chớ kiêu ngạo. Nếu anh em nhớ được tất cả những điều đó thì không lo gì không tiến bộ được dễ dàng và các công việc của Chính phủ và Đoàn thể giao cho anh em sẽ làm thành công được rực rỡ”[3]. Phải thực sự cầu thị, luôn có chí tiến thủ, tinh thần cầu tiến bộ. Người chỉ rõ: “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”[4]. Tinh thần cầu tiến bộ, học tập không ngừng là một yêu cầu cao đối với mỗi người: “Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta: “Phải học, học thêm, học mãi”. Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”[5]. Do vậy, đỏi hỏi, cán bộ, công chức, viên chức Học viện phải không ngừng chủ động cập nhật kiến thức; không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu của công việc và sự nghiệp đổi mới; tích cực đổi mới phương pháp nghiên cứu, giảng dạy. Thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm các nhân và hiệu quả trong công việc.

Thứ tư, kỷ cương nơi công sở. Cán bộ, công chức, viên chức Học viện phải có ý thức tổ chức kỷ luật cao, không độc đoán cá nhân, không đặt mình cao hơn tổ chức, không đứng ngoài kỷ luật. Thống nhất trong lời nói và việc làm. gương mẫu chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, sự phân công, điều động của tổ chức; hết lòng chăm lo xây dựng và tăng cường đoàn kết nội bộ.Kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện tiêu cực của những phần tử thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, độc đoán, chuyên quyền; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện chia rẽ, bè phái, gây mất đoàn kết trong nội bộ và nhân dân. 

Thứ năm, văn minh trong công sở. Cán bộ, công chức, viên chức Học viện phải có thái độ lịch sự, đúng mực khi giao tiếp; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp và khách đến làm việc; không xúc phạm danh dự của đồng nghiệp dưới mọi hình thức; giữ thái độ khiêm tốn khi trao đổi, thảo luận.

Tóm lại, 5 giá trị đặc trưng, cốt lõi chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức Học viện trên là sự kế thừa, phát triển từ những nội dung quy định về việc thực hiện văn hóa công sở tại Trung tâm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số 2616/QĐ-HVCTQG ngày 10-10-2007), Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (ban hành kèm theo Quyết định số 1659/QĐ-HVCT-HCQG ngày 26-6-2008) và Quy định số 260-QĐ/ĐU ngày 26-9-2012.

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức Học viện thực hiện tốt các chuẩn mực đạo đức đặc trưng, riêng có của Học viện là góp phần xây dựng, phát triển Học viện, khẳng định vị thế, vai trò của Học trong đời sống xã hội. Lịch sử gần 70năm xây dựng và phát triển thể hiện rõ, dù mang nhiều tên gọi khác nhau qua các thời kỳ, nhưng Học viện luôn luôn mang chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của Trường Đảng Trung ương, chỉ khi nào giữ vững bản chất, bản sắc của Trường Đảng, Học viện mới phát triển ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

                                


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.24-25.

[2] Quyết định số 5029/QĐ-HVCTGG ngày 26-10-2017 của  Giám đốc Học viện quy định về văn hóa ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

[3] Hồ Chí Minh(2000), Toàn tập, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 117

[4] Hồ Chí Minh(2000), Toàn tập, tập 8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội,tr. 405

[5] Hồ Chí Minh(2000), Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội,tr. 90

 

    PGS, TS Đinh Ngọc Giang

                                                            ThS Hà Văn Luyến

                                                          Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền