Trang chủ    Diễn đàn    Doanh nhân và công tác vận động doanh nhân trong thời kỳ đổi mới
Thứ năm, 28 Tháng 12 2017 16:59
2620 Lượt xem

Doanh nhân và công tác vận động doanh nhân trong thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Ra đời và phát triển cùng với sự nghiệp đổi mới, đội ngũ doanh nhân đã đóng vai trò ngày càng lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững. 

Ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, cùng với sự du nhập của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã hình thành một tầng lớp xã hội mới - tầng lớp tư sản. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tầng lớp tư sản dân tộc, doanh nhân Việt Nam có sự phát triển. Họ đã có những đóng góp vào phong trào yêu nước, đặc biệt là trong Cách mạng Tháng Tám và sau ngày cách mạng thành công.

Nhận thức rõ vai trò của tầng lớp doanh nhân đối với cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, trên cơ sở coi mọi lực lượng dân tộc đều là nguồn lực của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rất rõ vai trò của doanh nhân trong công cuộc xây dựng đất nước. Tình cảm, sự quan tâm của Người dành cho doanh nhân Việt Nam đã định hướng, động viên, khích lệ đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển theo tư tưởng của Người.

Với nhận thức sâu sắc vị trí và vai trò của công, thương nghiệp đối với công cuộc kiến thiết nước nhà, nửa tháng sau ngày Độc lập (ngày 18-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ giới doanh nhân nhằm tranh thủ sự ủng hộ đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới giới công - thương Việt Nam. Trong thư, Người viết: “Được tin giới Công - Thương đã đoàn kết lại thành "Công - Thương cứu quốc đoàn" và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay "Công - Thương cứu quốc đoàn" đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”(1). Về vai trò của giới công - thương Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”(2). Về trách nhiệm của Chính phủ đối với sự phát triển của giới công thương, Người chỉ rõ: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”(3).

Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, tầng lớp doanh nhân đã có nhiều đóng góp quý báu cho cách mạng, không chỉ đóng góp nguồn tài chính cho các phong trào cách mạng mà họ còn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ trong nuôi giấu cán bộ cách mạng. Gia đình ông Trịnh Văn Bô là tấm gương tiêu biểu cho giới công thương trong việc ủng hộ chính quyền nhân dân, ủng hộ nền tài chính cách mạng non trẻ. Sau khi Chính phủ lâm thời được thành lập, ngân khố quốc gia chỉ còn 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, đa phần đã rách nát, không thể sử dụng được. Tính từ thời điểm Nhà nước phát động "Tuần lễ vàng" đến sau năm 1954, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng. Ngoài ra, gia đình ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động Tuần lễ vàng, khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng(4). Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà tham gia “Tuần lễ vàng” ở Hải Phòng với 105 cây vàng và một lượng lớn tiền Đông Dương.

Trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh và chính sách kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp đã kìm hãm sự phát triển kinh tế ngoài quốc doanh và kinh tế tập thể, vai trò của doanh nhân Việt Nam vì vậy không được khuyến khích phát triển kinh doanh. Từ năm 1986, đường lối đổi mới được triển khai đã làm thay đổi toàn diện đất nước, đã phát huy được mọi lực lượng xã hội, mọi thành phần kinh tế, trong đó có tầng lớp doanh nhân.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận thức rõ vai trò, vị trí của doanh nhân, ngày 20-9-2004, Thủ tướng đã ký Quyết định số 990-QĐ/TTg lấy ngày 13-10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới về nhận thức của Đảng, Nhà nước ta về vai trò và sự đóng góp của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đội ngũ doanh nhân tích cực tham gia các chương trình hoạt động xã hội như “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “xóa đói giảm nghèo”, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đóng góp các quỹ nhân đạo, từ thiện,… góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Để vận động đội ngũ doanh nhân có nhiều đóng góp hơn nữa xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, biện pháp để vận động và khuyến khích đội ngũ doanh nhân phát triển.

Vai trò của đội ngũ doanh nhân từng bước được nhận thức rõ và có những chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo điều kiện để doanh nhân Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tạo bản sắc thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Đại hội VIII của Đảng (1996) đánh dấu một bước chuyển mới trong quan điểm của Đảng khi lần đầu tiên, đội ngũ doanh nhân đã xuất hiện trong cơ cấu xã hội phân chia theo giai tầng ở Việt Nam. Cùng với giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, các giới thanh niên, phụ nữ, thì “các nhà doanh nghiệp tư nhân”(5) được Văn kiện Đại hội VIII đề cập là một lực lượng có vị trí quan trọng trong xã hội. Quan điểm về công tác vận động doanh nhân được thể hiện trong Văn kiện Đại hội là: “Đối với các nhà doanh nghiệp, nêu cao vai trò và trách nhiệm đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế - xã hội”(6)

Đại hội X (2006) tiếp tục hoàn chỉnh quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân. Đội ngũ doanh nhân từ vị trí cuối trong các lực lượng xã hội đã được đặt ở vị trí cao hơn, “doanh nhân”xếp sau công nhân, nông dân, trí thức và đặt ở vị trí thứ 4 trong tổng số 8 lực lượng được nêu. Vai trò của đội ngũ doanh nhân tiếp tục được đề cao khi lần đầu tiên Đảng khẳng định “tôn vinh các doanh nhân có tài, có đức và thành đạt”(7).

 Đại hội Đảng XI chính thức xác định doanh nhân là một đội ngũ: “Đội ngũ doanh nhân”, trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong cơ cấu giai tầng của xã hội Việt Nam. Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ doanh nhân, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ-TW ngày 9-12-2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm, chủ trương xây dựng đội ngũ doanh nhân: “(1) Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế; (2) Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (3) Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước. Tăng cường mối liên kết, hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ trong khu vực Đông Nam Á.

Hiến pháp năm 2013 cũng đã hiến định vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng này. Điều đó đã tạo thêm niềm tin và sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tiếp tục trụ vững, vượt qua khó khăn, trở ngại, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Tháng 6-2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành thể hiện rõ quan điểm đề cao Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN,  vai trò động lực của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, quá trình nhận thức của Đảng về vai trò, vị trí của đội ngũ doanh nhân từ Đại hội VI đến Đại hội XII có sự chuyển biến phù hợp với thực tiễn. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam thực sự trở thành một trong những lực lượng tiên phong trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước đã ban hành Luật Doanh nghiệp, điều chỉnh và tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nhân. Luật Doanh nghiệp đi vào cuộc sống đã mở đường cho doanh nghiệp ra đời và hoạt động sôi động trong sự ủng hộ mạnh mẽ của xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã trở thành thành phần trụ cột của nền kinh tế, là lực lượng chủ lực đi đầu thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ doanh nhân có mặt ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Đồng hành cùng sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Có chính sách tôn vinh đội ngũ doanh nhân, những doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ghi nhận, tôn vinh doanh nhân tiêu biểu đối với cách mạng và đất nước, ngày 13-10-2006, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã truy tặng doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can, Trịnh Văn Bô danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu(8); Bộ Tài chính biên soạn cuốn sách “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam”; Bộ cũng đề xuất đặt tên đường Trịnh Văn Bô tại Thủ đô(9).

Bên cạnh việc đề ra những chủ trương, chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và doanh nhân phát triển kinh doanh. Hằng năm, nhiều giải thưởng được tổ chức nhằm khuyến khích, tôn vinh doanh nhân như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu “Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu", "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu", giải thưởng Sao Đỏ "Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu", thành lập "Hội đồng Doanh nhân và gia đình Việt Nam"...

Với nhận thức mới về vai trò của doanh nhân và đóng góp của doanh nhân đối với đất nước, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ chương, chính sách pháp luật cụ thể đối với doanh nghiệp và doanh nhân. Khẳng định vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp đối với phát triển, hàng loạt quyết sách liên quan đến doanh nhân và doanh nghiệp được ban hành; các cuộc gặp gỡ đối thoại giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nhân được tổ chức thường niên, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, các bộ ngành đã vào cuộc gỡ bỏ những rào cản, xóa bớt những  giấy phép con, giảm thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà cho doanh nghiệp... góp phần động viên, khuyến khích doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân phát triển kinh doanh.

Trong hơn 30 năm đổi mới đất nước cũng là thời kỳ chứng kiến sự ra đời và trưởng thành của một lớp doanh nhân, thế hệ “Doanh nhân đổi mới”. Với tinh thần không cam chịu đói nghèo, tụt hậu, bằng nỗ lực và đam mê làm giàu, họ đã cùng toàn dân tộc tạo nên bước chuyển mang tính lịch sử, góp phần đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành một nước có thu nhập trung bình trên thế giới.

 


(1), (2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr 53, 53, 53

(4) http://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/doanh-nhan/3-dai-doanh-nhan-yeu-nuoc-noi-tieng-dat-ha-thanh-a54849.html

(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005,  tr. 507, 670.

(7) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội,  2006, tr.84

(8) http://enternews.vn/nguyen-son-ha-ong-to-nghe-son-doanh-nhan-lung-lay-36913.html

(9) https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/doanh-nghiep/vi-doanh-nhan-hien-hon-5-000-luong-vang-cho-cach-mang-2860930.html

 

ThS Trần Thị Kim Dung

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 
Tags: doanh nhân
Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền