Trang chủ    Diễn đàn    Phúc trình nhân quyền 2016 của tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) về Việt Nam hoàn toàn vô giá trị
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 15:34
1893 Lượt xem

Phúc trình nhân quyền 2016 của tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) về Việt Nam hoàn toàn vô giá trị

(LLCT) - Vẫn như hằng năm, ngày 19-6-2017, tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Hoa Kỳ đã ra “Phúc trình thường niên” về tình trạng nhân quyền thế giới, trong đó có Việt Nam. Phúc trình năm nay dài 65 trang... Trong phần về Việt Nam được Hãng BBC rút “tít”: “Không chốn dung thân cho các nhà hoạt động vì nhân quyền” ở Việt Nam! Vậy Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) là gì? Nội dung, bản chất của “Phúc trình” năm nay như thế nào? Cơ sở dữ liệu của văn bản có đáng tin cậy không?

Tổ chức theo dõi nhân quyền (tiếng Anh: Human Rights Watch - HRW) là một tổ chức phi chính phủ (NGOs), có trụ sở tại Hoa Kỳ và văn phòng đại diện ở một số quốc gia. Tiền thân của HRW là tổ chức Helsinki Watch, thành lập năm 1978 ( trong thời kỳ chiến tranh lạnh) với mục đích “giám sát” Liên Xô (trước đây) bằng cách thu thập tư liệu liên quan tới việc thực hiện hiệp ước của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và “hỗ trợ” các nhóm bảo vệ nhân quyền tại nước này nhằm chống đối chế độ hiện hữu. Năm 1988, Helsinki Watch hợp nhất với một số tổ chức quốc tế khác đổi tên thành Human Rights Watch (HRW).

Hoạt động chính của HRW là: (a) Sưu tầm/ lượm lặt tài liệu, soạn thảo Phúc trình thường niên, đồng thời cung cấp thông tin và “gợi ý chính trị” cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo “Phúc trình Nhân quyền thế giới” và “Phúc trình Tôn giáo thế giới” hằng năm; (b) Cổ vũ cho cá nhân “đấu tranh cho nhân quyền” bằng hình thức trao giải thưởng nhân quyền. Và (c) mục tiêu của HRW là dùng vấn đề nhân quyền, dân chủ để kích động người dân chống lại chế độ xã hội do các Đảng Cộng sản lãnh đạo và các chế độ xã hội khác mà họ gọi là “độc tài”, các nhà nước “cứng đầu” (không theo “cái gậy chỉ huy” của Hoa Kỳ) chuyển sang chế độ dân chủ “ đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” và thể chế “tam quyền phân lập” theo mô hình “cổ điển” của phương Tây.

Với Việt Nam HRW luôn luôn đặt ở vị trí đặc biệt. Có thể nói, dung lượng của các Phúc trình thường niên thế giới phần về Việt Nam bao giờ cũng chiếm nhiều trang nhất. Năm nay, ngoài công bố Phúc trình, tổ chức này còn công bố dự liệu của Phúc trình trên web của mình. Phúc trình của HRW (về tình hình nhân quyền năm 2016), công bố ngày 19-6-2017 thực chất không có gì mới. Đó vẫn là những cáo buộc vô căn cứ về tình hình nhân quyền Việt Nam với “chứng cớ”: “Các nhà vận động dân chủ, những blogger hoạt động vì nhân quyền” bị bắt bớ, bỏ tù, bị côn đồ đánh đập “chỉ vì họ thực thi các quyền cơ bản của mình”. Đó vẫn là hành vi bao che, chạy tội cho những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, đặc biệt là tự do internet để xuyên tạc sự thật, bôi nhọ chế độ, vu cáo cơ quan chức năng, đặc biệt là công an. HRW viết “công an không chỉ bắt bớ, mà còn dung túng cho côn đồ đánh đập những người “bất đồng chính kiến”, những người đấu tranh “ôn hòa”, “bất bạo động”!

Phúc trình năm nay có một vài điểm mới. Đó là việc HRW tập trung, bao che, chạy tội cho hai nhóm đối tượng: Đó là (1) những kẻ lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, nhất là blogger, sử dụng internet - Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân. Và (2) những kẻ lợi dụng vấn đề bảo vệ môi trường để phá hoại an ninh quốc gia, trật tự công cộng. Chẳng hạn, HRW viết: Việt Nam “kiểm duyệt báo chí, internet gắt gao”, bắt nhiều người “bất đồng chính kiến”, các cựu “tù nhân lương tâm”, blogger, trong đó có Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) ở Nha Trang, Khánh Hòa, (tháng 10-2016). Hoặc bắt Hoàng Đức Bình - người “đấu tranh bảo vệ môi trường”, đòi Formosa bồi thường cho người dân ở Diễn Châu, Nghệ An, tháng 5-2017(!) Ở phần cuối của Phúc trình “kiến nghị”:

“Yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải ra lệnh chấm dứt tình trạng được gọi là “hành hung những người đấu tranh cho nhân quyền”;

“Quốc hội Việt Nam cần hủy bỏ, sửa đổi các điều khoản trong Bộ luật Hình sự Việt Nam có nội dung “mơ hồ”, hình sự hóa hành vi “bất đồng chính kiến ôn hòa” với các tội danh về an ninh quốc gia được định nghĩa không chính xác”.

Và “kêu gọi (Đảng Cộng sản) Việt Nam chấm dứt chế độ độc đảng”(!).

Về quan điểm chính trị và quan niệm về nhân quyền, có thể nói Phúc trình của HRW năm nay vẫn giữ quan điểm trong thời kỳ Chiến tranh lạnh - kỳ thị với chế độ xã hội và nhà nước CHXHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo - cầm quyền. Với quan điểm đó, HRW nhìn nhận vấn đề nhân quyền trong xã hội Việt Nam một cách phiến diện, lệch lạc. Đồng thời, HRW nhìn nhận quyền con người chỉ là quyền cá nhân. Trong khi quyền con người còn bao gồm quyền của tập thể (quyền của nhóm xã hội), đặc biệt là quyền của quốc gia - dân tộc. Và trong những quyền của cá nhân dường như họ chỉ quan tâm đến quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do internet của một số kẻ vi phạm pháp luật. Mặt khác, HRW dường như cố tình “quên” hoặc “không biết” đến hạn chế quyền. Luật quốc tế về quyền con người đã quy định có một số quyền bị hạn chế, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ngôn luận báo chí (ngày nay còn là quyền tự do internet), quyền lập hội và quyền hội họp hòa bình...

Về trường hợp Nguyễn Ngọc Như Quỳnh phạm pháp, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói trong thông cáo báo chí hôm 27-6-2017 trước khi công bố Phúc trình năm 2016 rằng: “Đưa Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ra xử, chỉ vì đơn thuần thực hiện quyền tự do ngôn luận và kêu gọi chính quyền cải tổ và có tinh thần trách nhiệm, thật là quá đáng”. Ông này thậm chí còn ca ngợi Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rằng: “Trong 10 năm qua Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã làm việc không mệt mỏi để thúc đẩy nhân quyền và tự do dân chủ ở Việt Nam”(!)

Thực tế thì ngược lại. Tại phiên tòa xét xử công khai Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, các cơ quan chức năng đã cung cấp đầy đủ bằng chứng về các hành vi phạm tội của “Mẹ Nấm” (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh). Đó là việc Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã soạn thảo, đăng tải, “chia sẻ” trên Facebook của mình nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bôi nhọ nhiều cá nhân... đặc biệt có tập tài liệu “Stop police killing civilians” (Phải chấm dứt việc cảnh sát giết dân thường). Đây là tài liệu do Nguyễn Ngọc Như Quỳnh lập ra theo quan điểm của mình và không được kiểm chứng. Trên thực tế, đó là sự vu cáo trắng trợn cơ quan chức năng với mục đích để người đọc hiểu sai bản chất vấn đề, phá hoại mối quan hệ giữa nhân dân với lực lượng công an. Đặc biệt, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã có hành vi phát tán một số nội dung xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thậm chí bôi nhọ lãnh tụ Hồ Chí Minh(1).

Về trường hợp Hoàng Đức Bình phạm tội, bị bắt vào tháng 5-2017 cũng do y đã vi phạm pháp luật. Những ai quan tâm đến vụ việc này đều có thể tìm thấy thông tin trên mạng về vụ Formosa Hà Tĩnh gây ra ô nhiễm trên diện rộng ở nhiều tỉnh miền Trung, tháng 4, tháng 5-2016. Nguyễn Đình Thục, Hoàng Đức Bình và một số phần tử khác đã kích động người dân tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng. Nguyễn Đình Thục dùng loa phát thanh và Hoàng Đức Bình dùng điện thoại quay phim, phát trực tiếp trên mạng, vu cáo công an khủng bố, bắt bớ người dân và đòi Formosa “bồi thường cho người dân” đòi “đuổi Formosa” khỏi Việt Nam.

Nhằm gây tiếng vang trên cả nước và quốc tế, Nguyễn Đình Thục và Hoàng Đức Bình còn tụ tập, lôi kéo một số Giáo dân ra ở quốc lộ 1, cố tình gây ách tắc giao thông (đoạn qua Diễn Châu, Nghệ An). Thế nhưng với Phúc trình 2016 của HRW thì việc bắt Hoàng Đức Bình là “vi phạm nhân quyền, là “đàn áp” những người đấu tranh “bất bạo động”, ôn hòa”, “người yêu nước, đấu tranh bảo vệ môi trường”.

Về quan niệm nhân quyền, sai lầm cố hữu của HRW nói chung và trong Phúc trình 2016 nói riêng là họ chỉ xem quyền con người là quyền của cá nhân, quyền của những kẻ phạm pháp mà bỏ qua nhiều quyền khác, như quyền của các nhóm xã hội, đặc biệt là quyền của quốc gia, dân tộc.

Điều 1 (Phần I), Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (1966) quy định: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”... Quy định này có nghĩa, việc các quốc gia lựa chọn chế độ xã hội nào - TBCN hay XHCN; chế độ đa đảng hay một đảng lãng đạo, thể chế tam quyền phân lập hay phân công phối hợp... cũng như xây dựng hệ thống pháp luật như thế nào là quyền của mỗi quốc gia, dân tộc, mà không có bất cứ cơ quan tổ chức nào, kể cả Liên Hợp quốc có quyền can thiệp.

Cũng cần phải nói thêm rằng, HRW cố tình không hiểu rằng, nhiều quyền con người có thể bị hạn chế, theo quy định của pháp luật quốc gia. Điều này cũng được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (1966). Chẳng hạn về quyền tự do ngôn luận, báo chí, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hội họp... Điều 19, (Về quyền tự do ngôn luận) quy định: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2... kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định,... để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.

Những quyền nói trên trong Hiến pháp 2013 cũng quy định những hạn chế tương tự. Những trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận, báo chí, internet vừa qua, bị cơ quan chức năng bắt giữ, xét xử cầm tù mà Phúc trình của HRW đưa ra như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hoàng Đức Bình là vì họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam.

Về lập luận, những hoạt động “ bất bạo động”, “ôn hòa” mà theo HRW cho là vô tội... có thể nói, đây lại thêm một sai lầm, ấu trĩ về pháp luật. Thiết nghĩ pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các quốc gia trên thế giới không lấy khái niệm hoạt động “ôn hòa” hay bạo lực làm tiêu chí để xác định tội phạm, mà căn cứ vào tất cả các hành vi (kể cả “ôn hòa”, “bất bạo động” và bạo lực) có liên quan đến lợi ích của quốc gia dân tộc và các chủ thể khác làm tiêu chí. Bộ luật Hình sự hiện hành của Việt Nam quy định: Tội phạm “Là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự (Điều 8 Bộ luật Hình sự). Hành vi nguy hiểm ở đây có thể là “bạo động”, cũng có thể là “ôn hòa”, “bất bạo động”.

Nhân đây xin được cung cấp thông tin - Đạo luật Phản loạn của Mỹ quy định: “Việc viết, in, phát biểu hay phổ biến... mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là hành vi tội phạm”. Cũng theo Hiến pháp Hoa Kỳ, Tòa án tối cao được phép đưa ra những trừng phạt pháp lý khi phát hiện báo chí có hành vi phá hoại, lăng nhục, vu khống, xúc xiểm nhà nước, xã hội và cá nhân”.

Thứ hai, về mặt chứng cứ, dữ liệu của Phúc trình.

Như chính trang web của HRW và phát biểu Người phát ngôn của HRW khi công bố Phúc trình vừa qua: Phúc trình dựa trên “Tin tức trên báo chí nước ngoài, như Đài Á châu Tự do (RFA), Đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA), Đài BBC, Mạng lưới Truyền hình Sài Gòn (SBTN), các mạng xã hội như Facebook và YouTube, các trang mạng độc lập về chính trị, như Dân làm báo, Dân luận, Việt Nam Thời báo, Tin mừng cho người nghèo, Defend the Defenders, và các blog cá nhân”.

Như vậy là Phúc trình hoàn toàn không dựa vào các nguồn tin chính thức của Nhà nước Việt Nam cũng không dựa trên bất cứ nguồn tin nào của các tổ chức của Liên Hợp quốc, như UNDP, UNESCO,... HRW chỉ dựa trên những nguồn tin mạng của những cá nhân, tổ chức vốn có hận thù với cách mạng. Về nội dung, đó là những thông tin thất thiệt, không được kiểm chứng, từ các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài.

Tôn trọng và bảo đảm quyền con người là quan điểm, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Điều này đã được thể hiện đầy đủ nhất quán trong Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Hiến pháp 2013 và trong những thành quả lớn lao trên thực tế, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Cương lĩnh 2011 của Đảng ta khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Hiến pháp 2013 đã dành cả một chương (Chương II) quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Trong chương này, các quyền con người được quy định đầy đủ và hoàn toàn tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người.

Cho đến nay, Việt Nam đã là thành viên của hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, trong đó có “Công ước chống tra tấn” (CAT).

Như các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp, trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo đảm quyền con người trên thực tế trên tất cả các nhóm quyền. Về quyền kinh tế, xã hội, từ một nước nghèo, thiếu ăn, cho đến nay (2016) thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam đã tăng từ 1.900 USD năm 2013 lên 2.215 USD năm 2016. Số người được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế tăng, 25,05% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm, kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển,...

Về các quyền dân sự, chính trị, trong đó có quyền tự do ngôn luận báo chí, tự do internet đã được Nhà nước ta bảo đảm cả về mặt pháp lý cũng như trên thực tế. Sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam thời gian qua là một minh chứng cho điều đó. Luật Báo chí 2016 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) đã có quy định mới về “quyền tác nghiệp của báo chí”. Quyền này được quy định cụ thể về “trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm”; Cơ quan báo chí, nhà báo được giữ bí mật nguồn tin của mình và “chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”...

Quyền tự do ngôn luận, báo chí, còn được thể hiện ở sự phát triển “như vũ bão của internet” ở Việt Nam. Việt Nam hiện nay nằm trong nhóm 20 quốc gia có số người dùng internet nhiều nhất thế giới, đứng thứ 8 ở khu vực châu Á và đứng thứ 2 trong ASEAN. Hiện có khoảng 50 triệu người Việt Nam sử dụng internet, chiếm 52% dân số. Riêng số người sở hữu tài khoản Facebook cũng lên tới 35 triệu người, bằng 1/3 dân số, trong đó 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động.

Ở Việt Nam, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc có điều kiện tiếp cận đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn. Cho đến nay ở Việt Nam có tới 75 kênh truyền hình, sóng radio nước ngoài “online”, trong đó có các hãng nổi tiếng, như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia
Network, KBS, Bloomberg,... Có tới 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua
internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận tin tức, bài viết ở các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times, v.v..

Với quan điểm cầu thị, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối thoại về nhân quyền với nhiều quốc gia, tổ chức như Hoa Kỳ, EU, Australia... Uy tín quốc tế của Việt Nam trên trường quốc tế về nhân quyền ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp quốc khóa 2014 - 2016.

Có thể nói, với quan điểm kỳ thị với chế độ xã hội, Nhà nước CHXHCN Việt Nam từ thời kỳ chiến tranh lạnh; với cách nhìn nhận nhân quyền phiến diện, phản khoa học, chứng cứ giả tạo, thất thiệt,... Phúc trình thường niên 2016 của HRW là hoàn toàn vô giá trị, hơn nữa nó còn làm tổn hại đến lợi ích của Việt Nam và Hoa Kỳ - nơi “đứng chân” HRW.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

(1) Như lưu trữ, phát tán “thơ” dung tục, phản động của Bùi Chát.

 

TS Cao Đức Thái

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền