Trang chủ    Diễn đàn    Một số giải pháp thực hiện cam kết về lao động và công đoàn khi TPP có hiệu lực
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 16:46
2082 Lượt xem

Một số giải pháp thực hiện cam kết về lao động và công đoàn khi TPP có hiệu lực

(LLCT) - Công đoàn độc lập (CĐĐL) được thành lập và hoạt động ở Việt Nam là nhằm bảo đảm quyền cơ bản của con người, thực hiện các cam kết quốc tế về lao động và công đoàn trong TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng đặt ra không ít những thách thức, đó là nguy cơ chia rẽ, phá vỡ tính hệ thống của phong trào công nhân, công đoàn của nước ta; các thế lực thù địch lợi dụng CĐĐL làm công cụ để chống phá Đảng, Nhà nước... Để khắc phục những tác động tiêu cực, bài viết đề xuất một số giải pháp: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công đoàn trong doanh nghiệp tư nhân và FDI;  Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với lao động, công đoàn; Đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của CĐVN đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân và FDI...

Trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam cam kết sẽ cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp và tổ chức này có quyền lựa chọn: hoặc tham gia vào hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoặc sẽ đứng độc lập bằng cách đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật,tổ chức này sẽ được phép hoạt động với tư cách là tổ chức đại diện cho những thành viên của tổ chức đó để tương tác với người sử dụng lao động về các vấn đề quan hệ lao động trong phạm vi doanh nghiệp.

Hiện nay, các văn bản chính thức của Việt Namsử dụng thuật ngữ “tổ chức đại điện của người lao động” để chỉ tổ chức công đoàn độc lập (CĐĐL) sẽ được thành lập theo cam kết trong TPP, mà chưa sử dụng thuật ngữ “tổ chức công đoàn độc lập”.Để phân biệt với tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong bài viếtsử dụng thuật ngữ “tổ chức công đoàn độc lập” hay “công đoàn độc lập” để chỉ tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Công đoàn Việt Nam - CĐVN).

1. Những mặt tích cực và những thách thức sẽ đặt ra đối với hoạt động của công đoàn độc lập tại Việt Nam

Từ kết quả nghiên cứu thực tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, có thể dự báo, việc cho phép CĐĐLđược thành lập và hoạt động ở Việt Nam sẽ có một số tác động tích cựcnhư sau:

- Những mặt tích cực

Sẽ tạo điều kiện để hình thành những tổ chức đại diện thực sự của người lao động, do người lao động và vì người lao động để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt trong khu vực kinh tế tư nhânvà có vốn đầu tư nước ngoài FDI.

Bảo đảm quyền cơ bản của con người, phù hợp với Hiến phápnước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namnăm 2013.

Tạo điều kiện để Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế, tuân thủ theo các công ước cơ bản của quốc tế, đáp ứng yêu cầu về lao động trong các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.

Những thách thức đặt ra

Thứ nhất, CĐĐLlà vấn đề rất mới và nhạy cảm ở Việt Nam, nhất là trong điều kiện lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước sụt giảm và một số thế lực đang tìm cách lôi kéo người lao động nhằm phục vụ cho những mục đích chính trị không trong sáng. Mặt khác, ở Việt Nam hiện nay, nền tảng lý luận về CĐĐLchưa tường minh, nội hàm về “tính độc lập”của công đoàn độc lập chưa được xác định rõ và chưa được kiểm nghiệmthực tế. Dođócầntránh xu hướng hiểu không đúng và không đầy đủ về CĐĐL. Nếu nhận thức không đúng,có thể dẫn đến những cáchnhìn nhậnvấn đềtheo hai xu hướng trái ngược nhau.

Xu hướng thứ nhất,cho rằng CĐĐLxa lạ và không phù hợp với định hướng XHCN.Từ đó dẫn đến không ủng hộ, thậm chícó hành động tiêu cực hơn nhưtẩy chay và phản đối sự ra đời của CĐĐL. Xu hướng này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện cam kết TPP nói riêngvà thực hiện các tiêu chuẩn về lao động, công đoàn nói chung trong quá trình hội nhập quốc tế.

Xu hướng thứ hai, cho rằng CĐĐL ra đời sẽphá vỡ rào cản, cởi nút thắt kìm hãm sự phát triển của phong trào công nhân, công đoàn trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Từ đó có thái độ lạc quan thái quá, dễdẫn đếnchủ quan, nóng vội, thiếu thận trọng trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về lao độngcông đoàn, cũng như trong thực hiện các giải pháp quản lý,dẫn đếnra đời những tổ chức công đoàn độc lập gượng ép, không thực chất, không đáp ứng yêu cầu là đại diện thực chất của người lao động.

Cả hai xu hướng trên đều không có lợi,đòi hỏi phải có sự thống nhất trongnhận thức để có hành động đúng.

Thứ hai, do vấn đềCĐĐL còn mới ở Việt Nam, chưa có sự thống nhất trong nhận thức và hành động nên việc quản lý, kiểm soát hoạt động công đoàn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tổ chức CĐĐL ra đời và phát triển tự phát trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Một thỏa thuận quan trọng trong cam kết TPP là mặc dù phải bảo đảm thực hiện quyền tự do liên kết của người lao động theo tiêu chuẩn lao động của ILO, nhưng tổ chức CĐĐLra đời và hoạt động phải phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại là thành viên TPP. Điều đó có nghĩalà CĐĐL ở Việt Nam ra đời phải trong khuôn khổ pháp luật, chịu sự quản lý của Nhà nước thông qua pháp luật, nhất là pháp luật về lao động và công đoàn. Tuy nhiên, nếu pháp luật không chặt chẽ, sựquản lý yếu kém sẽ dẫn đến hệ quả: CĐĐL ra đời và phát triển tự phát, nhất là trong cùng một doanh nghiệp có nhiều tổ chức CĐĐL khác nhau,dẫn đến tình trạng cạnh tranh, hỗn loạn; hoạt động vượt ra khỏi phạm vi quan hệ lao động, khuôn khổ pháp luật, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, tác động tiêu cực đến phong trào công nhân và công đoàn.

Thứ ba, sự thiếu gắn kết giữa CĐĐLở cơ sở với công đoàn cơ sở thuộc công đoàn Việt Namsẽ dẫn đến nguy cơ chia rẽ, phá vỡ tính hệ thống của phong trào công nhân, công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam.

CĐĐL ở Việt Nam không phải là tổ chức chính trị - xã hộivà độc lập với CĐVN, nhưng là tổ chức của người lao động trong phong trào công nhân,công đoàn. Trong doanh nghiệp hoặc trên cùng địa bàn (nhất là ở khu công nghiệp, khu chế xuất) có thể vừa có tổ chức CĐĐL cơ sở, vừa có tổ chức công đoàn cơ sở thuộc CĐVN. Do đó, rất cần có sự gắn kết, hợp tác giữa hai tổ chức công đoàn này để thúc đẩy phong trào công nhân và công đoàn phát triển vì mục tiêu thống nhất chung là bảo vệ quyền và lợi íchhợp phápcủa người lao động. Nếu giữa các tổ chức công đoàn này không có sự hợp tác sẽ rất dễ phát sinh mâu thuẫn, cạnh tranhthiếu lành mạnh, thậm chí đối lập nhau,tác động xấu đến phong trào công nhân và công đoàn. Và như vậy, sẽ có nguy cơ phá vỡ tính hệ thống của phong trào công nhân, công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Thứ tư, sự xuất hiện của tổ chức CĐĐL với tinh thần nêu cao quyền tự do, dân chủsẽ tạo điều kiện cho các thế lực phản động trong và ngoài nước lợi dụng,sử dụng CĐĐL làm con bài, công cụ chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Việc cho phép CĐĐL ra đời trên nguyên tắc thực hiện quyền tự do lập hội, tự do công đoàn và độc lập với Công đoàn Việt Nam sẽ làmảnh đất thuận lợi cho cácthế lực,tổ chức không thân thiện với Việt Nam lợi dụng nhằmmục đích chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, chúng ta một mặt chấp nhận CĐĐLở Việt Nam ra đời theo cam kết TPP; mặt khác, cần phải nâng cao cảnh giác, có biện pháp đấu tranh hiệu quả với xu hướng đòi tự do, dân chủ phi XHCNcủa lực lượng đối lập, chống đối ở trong và ngoài nước để công đoàn độc lập ở Việt Nam ra đời trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam,làm tròn vai trò đại diện cho người lao động, đóng góp tích cực, có trách nhiệm vàophong trào công nhân, công đoàn của đất nước.

2. Một số giải pháp thực hiện cam kết về lao động và công đoàn trong TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Do Việt Namchưa có thực tiễn hoạt động của CĐĐL nên các giải pháp đưa ra chỉ dựa trên những nhận định, đánh giá mang tính dự báo, có tham khảo kinh nghiệm một số nước. Do vậy, cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ để bổ sung, hoàn thiện.

Nhóm giải pháp thứ nhất: Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với tổ chức công đoàn

- Đổi mớinhận thức của Đảng đối vớitổ chức công đoàn

Cần đổi mới nhận thức của Đảng về quan hệ lao động, về tính chất, vai trò, vị trí, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung với hai thành phần cơ bản là nhà nước và tập thể, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu. Chính vì thế, trong khi ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, người lao động có vị thế làm chủ, được tham gia quản lý, làm việc vì lợi ích chung của đất nước, thì ở các doanh nghiệp tư nhân, FDI, người lao động là người làm thuê vì mục đích thu nhập bảo đảm cuộc sống. Vì vậy, không thể áp đặt vai trò, vị trí và phương thức tổ chức, hoạt động của tổ chức công đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước vào các doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhânvà FDI.

Từ sự thay đổi nhận thức như trên, đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ công đoàn trong các tổ chức CĐĐL trên cơ sở có sự hiểu biết sâu sắc về phong trào công nhân, công đoàn, có năng lực vận động công nhân, tổ chức các hoạt động thuộc chức năng của công đoàn, nhất là trong việc thương lượng với giới chủ về lợi ích, điều kiện làm việc của công nhân;xác định rõ nhiệm vụ chính trị  của tổ chức Đảng tại khu vực kinh tế tư nhânlà lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng tổ chức công đoàn thực sự đại diện cho quyền và lợi ích công nhân, không để giới chủ chi phối. Đồng thời, lãnh đạo các tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) tập hợp, giáo dục công nhân, thương lượng có hiệu quả với giới chủ, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động về lương, thưởng và cải thiện điều kiện lao động.

- Tăng cường tuyên truyền,giáo dục người lao động để thống nhất nhận thức về bản chất, vai trò của công đoàn và công đoàn độc lập đối với phong trào công nhân, công đoàn hiện nay

Để thống nhất nhận thứccủa người lao động, phải bắt đầu từ nghiên cứu lý luận, phân tích kinh nghiệm của thế giới về hoạt động và phát triển tổ chức công đoàn, làm rõ bản chất của công đoàn và CĐĐL trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ đó, sớm định hìnhmô hình tổ chức CĐVN, mô hình CĐĐL phù hợp với chế độchính trị, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa Việt Nam và cam kết TPP.

- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công đoàn trong doanh nghiệptư nhân và FDI

Chuyển vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công đoàn bằng cách thông qua (giao hẳn cho) CĐVNnhư hiện nay sang lãnh đạo thông qua công tác cán bộ và chủ trương, định hướng chính sách, pháp luật và sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước ban hành pháp luật rõ ràng cho việcxây dựng tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) của CĐVN và công đoàn độc lập tại khu vực doanh nghiệp tư nhân và FDI phù hợp với các điều kiện, văn hóaViệt Nam. Theo đó, tổ chức công đoàn do người lao động thành lập nên, không có sự thao túng hay gây ảnh hưởng của chủ sử dụng lao động, phát huy được vai trò tích cực và hiệu quả trong bảo vệ quyền lợi của người lao động. Luật pháp và các chế tài nhà nước quy định chặt chẽ, phát huy vai trò làm chủ của người lao động nhằm lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo công đoàn có đủ năng lực, uy tín.

Nhóm giải pháp thứ hai: Đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của CĐVN

- Đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của CĐVN đối với khu vực doanh nghiệptư nhân và FDI

Công đoàn Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, có cách tiếp cận hợp lý, hiệu quả đối với việc xây dựng tổ chức và hỗ trợ đối với công nhân, công đoàn ở các loại hình cơ quan, doanh nghiệp khác nhau. Cần đổi mới mạnh mẽ bộ máy tổ chức cán bộ, phương thức vận động thành lập tổ chức công đoàn cơ sở và hoạt động của công đoàn cấp trên cơ sở, đặc biệt là công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để bảo đảm công đoàn thực sự trở thành chỗ dựa cho người lao động. Cần nghiên cứu đề án đưa cán bộ chuyên trách công đoàn xuống tận doanh nghiệp đối với những địa bàn trọng điểm. Hạn chế các hoạt động không thiết thực trong hoạt động công đoàn, không thuộc về chức năng của công đoàn, tập trung vào nhữngvấn đề màngười lao động thực sự cần và quan tâm.

- Nghiên cứu sửa đổi Điều lệ của CĐVN nhằm xác định rõ nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn theo thứ tự ưu tiên mà các cấp công đoàn cần tập trung thực hiện, ưu tiên các vấn đềvề quan hệ lao động.Giảm thiểu hoặc lược bớt các nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội, ít liên quan hoặc không liên quan đến quan hệ lao động.Việc sửa đổi Điều lệ của CĐVN cũng sẽ làm rõ sự khác biệt về vai trò, vị trí, phương thức hoạt động của CĐCS trong các loại hình doanh nghiệp.

- Đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cơ sở.

Chuyển đổi từ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo hành chính của công đoàncấp trên cơ sở sang phương thức trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để CĐCS chủ động thực hiện nhiệm vụ. Công đoàn cấp trên cơ sở có thểcùng với CĐCS giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, nhưng không làm thay CĐCS.

- Xây dựng mô hình mới cho Công đoàn Việt Nam tại các doanh nghiệp tư nhân và FDI.

Đốivớikhu vực doanh nghiệp tư nhânvà FDI,tổ chức công đoàn cần thực hiện vai trò chính yếu là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong quan hệ với chủ sử dụng lao động. Chuyển vai trò quản lý của CĐVN hiện nay đối với tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp sang vai trò song trùng: Nhà nước thực hiện chức năng quản lý đối với CĐĐL, CĐVN chỉ tổ chức, hỗ trợ về nghiệp vụ công đoàn. Ở doanh nghiệp, chỉ cho phép tổ chức CĐĐLhoạt động trong phạm vitừng doanh nghiệp và chỉ được thực hiện các tương tác về quan hệ lao động, bao gồm đối thoại, thương lượng thỏa ước lao động tập thể và đình công theo quy định của pháp luật. Công đoàn cấp trên hỗ trợ, giúp đỡ và tổ chức cho người lao động học tập, nâng cao nhận thức, chủ động và tự nguyện liên kết với nhau thành lập tổ chức CĐCS tại nơi làm việc. Gắn việc thành lập CĐCS, thiết lập cơ cấu tổ chức của CĐCS với yêu cầu thương lượng tập thể, phục vụ thương lượng tập thể.

Trong quá trình vận hành các mô hình hoạt động của tổ chức công đoàn cần tập trung vào điểm tương đồng giữa mục đích của Đảng,nguyên tắc của các Công ước quốc tế và cam kết của Việt Nam, đó là tính độc lập của tổ chức công đoàn,không bịkhống chế, kiểm soát của chủ tư nhân sử dụng lao động. Tuy nhiên, cần hướng sự độc lập của tổ chức này gắn với sự hợp tácxây dựngthông qua đối thoại và thương lượngvới giới chủ sở hữu lao động. Không để các tổ chức này phát triển lên thành lực lượng chính trị, đặc biệt là lực lượng chính trị đối lập.

- Đổi mới công tác cán bộ trong tổ chức Công đoàn Việt Nam

Đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ công đoàn theo hướng tổ chức công đoàn tuyển chọn và sử dụng cán bộ công đoàn trưởng thành từ thực tiễn phong trào công nhân, trong hoạt động công đoàn, là thủ lĩnh thực sự của phong trào công nhân cơ sở (trừ cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ), có uy tín với người lao động, có phẩm chất tốt và có tố chất thủ lĩnh công đoàn.

Cần ưu tiên quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn nguồn; tăng cường việc lựa chọn cán bộ công đoàn cấp trên từ cấp cơ sở. Nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ quan công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở,tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoànđể cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở có đủ khả năng hoạt động độc lập trong việc hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS thực hiện nhiệm vụ.

Thực hiện luân chuyển cán bộ công đoàn cấp trên xuống trực tiếp thực hiện nhiệmvụ, rèn luyện ởthực tiễn cơ sở trước khi giới thiệu để bầu hoặc bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo,quản lý cao hơn. Ưu tiên bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ở công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đông công nhân, lao động,như:công đoàn các khu công nghiệp, Liên đoàn lao động cấp huyện ở các vùng trọng điểm kinh tế.

Nhóm giải pháp thứ ba:Đổi mớinội dung, phương thức và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về quan hệ lao động, công đoàn

- Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với lao động, công đoàn.

Cần sớm rà soát, chỉnh sửa các luật liên quan đến quan hệ lao động, công đoàn cho phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta và các cam kết quốc tế. Đặc biệt, cần sớm xây dựng những quy định pháp lý về tổ chức, gia nhập CĐĐL, về quy trình, thủ tục đăng ký hoạt động của CĐĐL, về các mối quan hệ giữa CĐĐL với các chủ thể liên quan đến quan hệ lao động như Nhà nước, người lao động, chủ sử dụng lao động.

-Xây dựng hành lang pháp lý chocáctổ chức hỗ trợ công nhân, công đoàn.

Nhà nướccần ban hành luật pháp, tổ chức quản lý chặt chẽ đối với những tổ chức hỗ trợ công nhân và công đoàn (những tổ chức tới doanh nghiệp tiếp xúc và hỗ trợ người lao động thành lập tổ chức,hoạt động công đoàn). Kinh nghiệm thế giới cho thấy, những tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tính chất của những tổ chức công đoàn do họ hỗ trợ thành lập và hoạt động.

-Xây dựng bộ máyquản lýnhà nước để quản lý hữu hiệu các vấn đề về công đoàn và quan hệ lao động

Hiện nay ở Việt Nam chưa có cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về quan hệ lao độngvà công đoàn. Theo kinh nghiệm của các nước, cơ quannày thường thuộcBộ Lao động,cụ thể là Cục Quan hệ lao động. Cơ quan nàycó các chức năng là: Quản lýnhà nước về quan hệ lao động, về các tổ chức công đoàn; hỗ trợ các tổ chức công đoàn được phép hoạt động; kiểm tra, giám sát,thực thi pháp luật để bảo đảmkhông để lọt những tổ chức công đoàn trá hình hoặc có những hoạt động vượt ra ngoài khuôn khổ quan hệ lao động; kịp thời xử lý, hóa giải các vấn đề nảy sinh về quan hệ lao động và công đoàn trong quan hệ quốc tế, trước mắt là với các đối tác TPP.

Nhóm giải pháp thứ tư:Các biện pháp về giữ gìn an ninh trong nước kết hợp với hoạt động đối ngoại

-Xây dựng luật pháp rõ ràng, minh bạch về những điều tổ chức công đoàn độc lập được phép làm, không được phép làm.

Nghiên cứu, rà soát để đưa vào luật một cách rõ ràng, minh bạch về tất cả những gì được phéplàm,không được phéplàmtrong quan hệ lao động và công đoàn. Các nội dung của luật, việcthực thi pháp luật về những nội dung đó là phù hợp với các công ướcquốc tế,cam kết TPP và cáccam kết quốc tế khác.

-Thực hiện cácgiải pháp ngăn chặn và trấn ápđối với những đối tượng và hành vi lợi dụng tổ chức CĐĐLvào mục đích không trong sáng.

Cần có những giải pháp chủ động theo dõi, phát hiện, ngăn chặn không để những vụ việc mâu thuẫn, bức xúc về quan hệ lao động, công đoàn phát triển thành vụ việc lớn. Để làm tốt việc này, cần dựa vào chính người lao động và các tổ chức CĐCS.

- Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế với cáctổ chứccông đoàn trên thế giới

Thông qua hoạt động ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân và hợp tác quốc tế của CĐVN để xây dựng, phát triển mối quan hệ tích cực với các tổ chức công đoàn quốc tế, đặc biệt là Liên đoàn Công đoàn quốc tế (ITUC).Ngoài ra, cần xây dựng mối quan hệ với các công đoàn Hoa kỳ, EU, Australia và một số nước trong ASEAN để tranh thủ sự ủng hộ và làm giảm thiểu những khiếu kiện có thể phát sinh từ những tổ chức công đoàn này tại các diễn đàn quốc tế.

______________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 9-2017

 

PGS, TS Bùi Đình Bôn

Hội đồng Lý luận Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền