Trang chủ    Diễn đàn     Nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 18:09
2886 Lượt xem

Nỗ lực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

(LLCT) - Ở Việt Nam hiện nay, không lĩnh vực nào thiếu vắng sự cống hiến của nữ giới. Tuy nhiên, các con số thống kê cho thấy, dường như “giá trị xã hội” của nữ giới luôn thấp hơn so với nam. Để đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ, thì không chỉ nhất quán về quan điểm, chủ trương, mà cần phải có một hệ giải pháp đồng bộ và khả thi, gắn liền với nâng cao nhận thức, đổi mới nội dung và phương thức phát huy tiềm năng phụ nữ; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng nhân lực nữ theo hướng loại trừ bất bình đẳng giới trong quan hệ gia đình, xã hội, cơ quan, tổ chức và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

1. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Ngay khi ra đời, Đảng ta sớm xác định nam nữ bình quyền là một trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, Đảng luôn đề cao vai trò của phụ nữ và đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác phụ nữ, như: Nghị quyết số 152-NQ/TW ngày 10-1-1967 về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận; Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12-7-1993 về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16-5-1994 về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới. Đặt biệt Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 27-4-2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước xác định: “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”, thể hiện cụ thể trong việc xây dựng và thực hiện Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới (Thông báo số 196-TB/TW ngày 16-3-2015).

Tại Đại hội XII, Đảng ta xác định phải “nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội”(1).

Về phía Nhà nước, địa vị pháp lý của phụ nữ Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp 1946 : “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9); “Mọi công dân đều bình đẳng về quyền trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6) và “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 7)... Luật Bình đẳng giới (2006) xác định: Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàndiện, phát huy vai trò trong xã hội. Bộ luật nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới và xác định 8 lĩnh vực cần tập trung thực hiện bình đẳng giới là: chính trị, kinh tế, giáo dục - đào tạo, y tế, gia đình, khoa học và công nghệ, văn hóa thông tin, thể dục thể thao.Trong đó, bình đẳng giới trong chính trị (Điều 11) gồm: bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, hoạt động xã hội; trong  tham gia xây dựng và thực hiện quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức;  trong việc tự ứng cử đại biểu quốc hội, HĐND, ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Nam nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức.

Trong thực tế, việc hiện thực hóa bình đẳng giới được quán triệt mạnh mẽ. Chỉ riêng trong lĩnh vực trao quyền cho phụ nữ, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các cấp ủy địa phương, ngành đưa ra quy định về tỷ lệ “không dưới” và tinh thần “nhất thiết có” thành phần phụ nữ trong mỗi tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Đặc biệt là Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã cụ thể những tiêu mốc cho bình đẳng giới trong chính trị như: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp đạt 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đạt 35-40%. Các cơ quan đơn vị có tỷ lệ nữ 30% trở lên nhất thiết phải có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Cần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước đạt 30% trở lên.

Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, cùng với việc nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực, những nỗ lực thực hiện bình đẳng trong lĩnh vực chính trị ở nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực:

Trong chỉ đạo, sự thống nhất quan điểm từ Trung ương đến các bộ, ban, ngành, địa phương về định hướng mục tiêu bảo đảm cơ cấu nữ đã mang lại cơ hội cho cán bộ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Trong tổ chức thực hiện, ngoài bảo vệ quyền bình đẳng giới, các chính sách ưu tiên được vận dụng, góp phần động viên, tạo điều kiện cho cán bộ nữ phấn đấu, trưởng thành. Đa số các địa phương khi bố trí, phân công nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ nữ được ưu tiên ở những vị trí phù hợp với sở trường, sức khỏe. Khi đào tạo chuẩn hóa chức danh quy hoạch cán bộ nữ (nhất là những người đang nuôi con nhỏ), được đề đạt nguyện vọng, chủ động lựa chọn thời điểm đi đào tạo, được hỗ trợ thêm kinh phí so với chế độ chung.

Kết quả bầu cử cấp ủy viên cơ sở nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy sự thành công trong công tác cán bộ nữ ở cấp cơ sở, với 19,07% nữ, tăng so với nhiệm kỳ trước (18,1%) và vượt mức yêu cầu của Trung ương (15%), một số địa phương vượt xa, như: TP. Hồ Chí Minh (30,27%), Trà Vinh (28,52%), Bình Dương (27,1%), Thái Nguyên (24,86%), Lạng Sơn (23,53%), Đà Nẵng (23,69%)(2). Ở cấp trên trực tiếp cơ sở, tuy tỷ lệ cấp ủy viên nữ chỉ đạt 14,3% nhưng cũng đã tăng so với nhiệm kỳ trước 0,3%, và đã có 25 đảng bộ tỉnh, thành vượt mức trung bình chung (15%), trong đó vượt xa là thành phố Hồ Chí Minh (25%), Bình Dương (24%), Lạng Sơn (21%), Bắc Cạn (19,8%), Tuyên Quang (19%)(3).

Kết quả bầu cử cấp ủy cấp tỉnh có 466 nữ (13,3%) tham gia ban chấp hành, tăng 1,9%  so với nhiệm kỳ trước; 21 đảng bộ có tỷ lệ cấp ủy viên nữ đạt trên 15% (nhiệm kỳ trước chỉ có 10 đảng bộ đạt). Trong ban thường vụ cấp ủy tỉnh, có 104 nữ (10,75%, cao hơn 2,9% so với đầu nhiệm kỳ trước), trong đó 7 đảng bộ có tỷ lệ nữ trên 15%(4). 18/63 cấp ủy tỉnh có nữ phó bí thư, 4/63 tỉnh ủy có nữ bí thư. Ở cấp Trung ương, có 20 nữ Ủy viên Trung ương Đảng (10%), trong đó 3 nữ là Ủy viên Bộ Chính trị (15,8%).

So sánh kết quả bầu cử HĐND các cấp khóa 2016-2021 với các khóa trước đều thấy có sự gia tăng tỷ lệ là nữ, cụ thể: cấp xã: 26,59% (tăng 5,86%), cấp huyện: 27,5% (tăng 2,89%,) cấp tỉnh: 26,56% (tăng 1,19%);

Trong Quốc hội, tỷ lệ nữ Khóa XI: 27,31%, Khóa XII: 25,76%, Khoá XIII: 24,4% và Khóa XIV: 26,7%. Đặc biệt tại Quốc hội khóa XIV đã có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, bình đẳng giới ở Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Hiện nay, trên tất cả các lĩnh vực đều có sự cống hiến của nữ giới. Tuy tuyệt đại bộ phận các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước ở các cấp đều có tỷ lệ nam giới cao hơn, song chất lượng, hiệu quả, uy tín của cán bộ nữ đã ngày càng chứng tỏ nỗ lực cá nhân phụ nữ cũng như vai trò của các cấp, các ngành trong quá trình thực hiện bình đẳng giới.

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, công tác bình đẳng giới ở nhiều nơi, trên khá nhiều lĩnh vực ở nước ta còn hạn chế. “Khoảng cách giới và bất bình đẳng giới vẫn tồn tại và phần lớn nghiêng về phía phụ nữ (...). Kết quả thực hiện các chỉ tiêu phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị là không đạt kế hoạch và có xu hướng giảm”(5).

Cách đây 5 năm, nếu như chênh lệch giới tính trong sinh viên các trường cao đẳng, đại học là không đáng kể (49,03% nữ và 50,07% nam, chênh lệch 1,04%), thì hiện nay khi xét tương quan với thị trường lao động, tỷ lệ lao động nữ (48,7%) đã giảm so với lao động nam (51,3)%(6).

Kết quả bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, chỉ có 31% ứng viên nữ so với 69% ứng viên nam, chênh lệch 37%. Kết quả bầu cử càng tạo nên chênh lệch lớn hơn khi ở địa phương chỉ có 26% nữ nắm giữ các vị trí trong HĐND, chênh lệch so với nam 48%; trong đó chỉ 3% là nữ chủ tịch HĐND, chênh lệch 94%. Ở cấp Trung ương, hiện chỉ có 24,4% nữ so với 75,6% nam là đại biểu Quốc hội, chênh lệch 51,2%; 9% nữ so với 91% nam là ủy viên Trung ương Đảng, chênh lệch 82%. Bầu cử trong đại hội Đảng cấp trên trực tiếp cơ sở nhiệm kỳ 2016-2020, toàn Đảng không đạt mục tiêu “không dưới 15%” cấp ủy viên nữ.

Nguyên nhân của tình trạng trên được nhìn nhận ở các chiều cạnh sau:

Về phía xã hội,tư tưởng “trọng nam khinh nữ” tồn tại sâu đậm trong cộng đồng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, cả nam và nữ, những người có quyền đánh giá, quyết định đến công tác cán bộ nữ; sự nỗ lực của từng cá nhân phụ nữ chưa hết mình; những áp lực từ thiên chức làm mẹ, làm vợ.

Dưới góc độ công tác tổ chức - cán bộ, thể hiện ở sự nhận thức và quyết tâm chưa cao của các cấp ủy đảng, dẫn đến quan điểm chỉ đạo tuy nhất quán nhưng tổ chức thực hiện thì hình thức, không có chế tài gắn trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy với kết quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong công tác cán bộ. “Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho công tác này. Sự phối hợp giữa các ngành trong việc triển khai thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ còn nhiều hạn chế”(7).

2. Một số đề xuất

Để mang lại quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ, xin đề xuất một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về bình đẳng giới và vấn đề bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ. Nghiêm túc đánh giá trên cơ sở các nghiên cứu khoa học để chỉ ra đúng nguyên nhân cơ bản, đặc thù của mỗi địa phương, cấp, ngành, đơn vị dẫn đến sự không thành công trong mục tiêu bình đẳng giới.

Hai là, thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết 11-NQ/TW đề ra, trước đó Luật Bình đẳng giới (2006) cũng đã quy định “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức” (Điều 11, Khoản 4), song chưa được thực hiện. Quy định tuổi nghỉ hưu của phụ nữ thấp hơn nam giới 5 tuổi đã kéo độ tuổi quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm của nữ dừng ở tuổi 50, trong khi đối với nam là số tuổi lớn hơn. Hiện nay, Trung ương đã quy định kéo dài tuổi công tác (đồng nghĩa với việc tiếp tục được giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý) đối với một nhóm đối tượng rất nhỏ là các nữ thứ trưởng và tương đương trở lên: nữ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học (mà không được giữ chức vụ). Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu để có căn cứ nhân rộng đối tượng. Bênh cạnh đó cũng cần điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nữ ngang bằng với nam trong những ngành nghề phù hợp mà phụ nữ không nhất thiết phải nghỉ trước nam giới như hiện nay.

Ba là, chú trọng tạo nguồn cán bộ nữ và bảo đảm chất lượng thực sự. Trong các tổ chức Đảng, mỗi cấp ủy viên phải có trách nhiệm phát hiện, đánh giá, giới thiệu nguồn cán bộ nữ để đưa vào quy hoạch, bảo đảm tỷ lệ nữ trong quy hoạch phải tương ứng với tỷ lệ nhân lực nữ và tỷ lệ đảng viên nữ trong cơ quan, đơn vị. Việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ cũng phải tuân thủ cơ cấu tỷ lệ trên. Bên cạnh đó, cần có các chính sách chăm lo, ưu tiên để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cán bộ nữ trong quá trình phấn đấu.

Khi bố trí, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ phải chú ý đến tỷ lệ cán bộ nữ cho phù hợp. Với các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên cần có cán bộ lãnh đạo là nữ. Nếu nguồn tại chỗ chưa có thì có thể luân chuyển, điều động cán bộ nữ nơi khác đến. Trong quá trình luân chuyển, điều động cần xem xét kỹ từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể để phát huy khả năng, thế mạnh của cán bộ.

Bốn là, nâng cao vị thế và trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong việc xây dựng và bảo vệ quyền lợi cho giới nữ. Các cấp ủy đảng cần xây dựng quy chế, nhất thiết phải lấy ý kiến của Hội Liên hiệp Phụ nữ hoặc Ban Nữ công Công đoàn trong quá trình thực hiện công tác cán bộ liên quan đến nữ. Đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức này đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, để tiếng nói của họ có trọng lượng và để việc chăm lo, giáo dục, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ có hiệu quả.

Năm là, đẩy mạnh phát triển đời sống kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức để phụ nữ có được điều kiện phát triển toàn diện. Nhà nước cần có chính sách phát triển và tổ chức tốt các dịch vụ công để phục vụ tốt hơn đời sống nhân dân, giúp phụ nữ giảm gánh nặng gia đình để tập trung sức lực, trí tuệ cho công tác, góp phần thiết thực vào việc thực hiện bình đẳng giới phụ nữ trên thực tế.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

(1) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốclần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.163.

(2) www.vietnamplus.vn: “Đại hội Đảng cấp cơ sở trên toàn quốc đã cơ bản hoàn thành”. Vietnamplus, 18-7-2015.

(3) http://www.xaydungdang.org.vn: “Từ đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương, tập trung chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ cấp tỉnh”, Tạp chíXây dựng Đảng, 8-9-2015.

(4) http://www.xaydungdang.org.vn: “Kết quả bầu cử cấp ủy tại đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020”,Tạp chíXây dựng Đảng, 8-9-2015.

(5), (7) ĐCSVN: Thông báo số 196-TB/TW ngày 16-3-2015 Kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”.

(6)Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2012, Nxb Thống kê, Hà Nội.

 

TS Trương Thị Bạch Yến

Học viện Chính trị khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền