Trang chủ    Diễn đàn    Thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên tham gia các hiện tượng tôn giáo mới ở miền Bắc hiện nay
Thứ năm, 26 Tháng 4 2018 17:52
3279 Lượt xem

Thực trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên tham gia các hiện tượng tôn giáo mới ở miền Bắc hiện nay

(LLCT) - Trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, một số hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện, nhất là khu vực miền Bắc, thu hút khá đông người dân tin theo, trong đó có một bộ phận cán bộ, đảng viên, cả đương chức lẫn hưu trí. Trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu đi trước kết hợp với tư liệu khảo sát điền dã của cá nhân trong 5 năm qua tại một số tỉnh, thành tiêu biểu như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ..., tập trung phân tích nhiều chiều cạnh liên quan đến thực trạng và xu hướng một bộ phận cán bộ, đảng viên tham gia các hiện tượng tôn giáo mới.

Tính đến tháng 12-2016, nước ta có 40 tổ chức thuộc 15 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động (38 tổ chức tôn giáo được công nhận, 2 tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động)(1), với trên 24 triệu tín đồ, chiếm 27% tổng dân số, gần 53 nghìn chức sắc, gần 134 nghìn chức việc, gần 28 nghìn cơ sở thờ tự. Ngoài các tổ chức tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động nêu trên, ở nước ta hiện có rất nhiều tổ chức tôn giáo chưa được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, trong đó có trên 70 hệ phái Tin lành tư gia(2) và trên 80 hiện tượng tôn giáo mới(3) (trong đó có nhiều giáo phái cực đoan có những hoạt động gây nguy hại cho xã hội).

Một số hiện tượng tôn giáo mới như: Pháp luân công (do ông Lý Hồng Chí lập ra, từ Trung Quốc truyền vào); Thanh Hải vô thượng sư (do bà Đặng Thị Trinh lập ra, từ Đài Loan truyền sang); Đạo luật Ơn nghĩa và Nhân nghĩa (còn được biết đến với tên gọi Ngọc Phật Hồ Chí Minh, do bà Nguyễn Thị Lương lập ra ở Hải Phòng); Đạo Trời nước Việt (còn được biết đến với tên gọi Đạo Bác Hồ, do bà Phạm Thị Xuyến lập ra ở Hải Dương); Đại pháp Đoàn tràng Tu gia (còn được biết đến với tên gọi Tâm linh Hồ Chí Minh, do bà Nguyễn Thị Điền lập ra ở Hà Nội),... đã và đang phát triển khá nhanh ở khu vực Bắc Bộ, thậm chí trên phạm vi toàn quốc, thu hút một số lượng không nhỏ người dân tin theo, trong đó cả cán bộ, đảng viên, hưu trí và đương chức. Một số cán bộ, đảng viên đã xin ra khỏi Đảng, cơ quan, đoàn thể để tham gia các hiện tượng tôn giáo mới nêu trên. Một số cán bộ, đảng viên tham gia các hiện tượng tôn giáo mới không chỉ với tư cách người tin theo, mà còn với tư cách người đứng đầu (bà Nguyễn Thị Lương lập ra Đạo luật Ơn nghĩa và Nhân nghĩa; tiến sĩ Trịnh Thái Bình lập ra Trường Ngoại cảm Tố Dương,...)(4).

Hiện tượng này xuất phát từ những yếu tố không lành mạnh trong hoạt động của một số tôn giáo truyền thống, một hệ quả tất yếu và phổ biến của quá trình hiện đại hóa tôn giáo và thế tục hóa tôn giáo hiện nay. Thực tế ba thập niên gần đây cho thấy, hầu hết các tôn giáo truyền thống ở nước ta có sự phục hồi và phát triển khá mạnh mẽ. Bên cạnh các yếu tố tích cực, hoạt động của các tôn giáo truyền thống đang nảy sinh một số hiện tượng thiếu lành mạnh. Đạo hạnh của một bộ phận chức sắc và tu sĩ bị xuống cấp dưới tác động của kinh tế thị trường. Cách hành xử của không ít chức sắc và tu sĩ làm biến đổi giá trị đích thực của tôn giáo truyền thống. Nhiều hoạt động tôn giáo được thực hiện theo hướng mê tín hóa với mục đích dịch vụ thương mại. Việc thương mại hóa dịch vụ tôn giáo mang lại nguồn lợi lớn cho một bộ phận chức sắc và tu sĩ, nhưng cũng làm suy giảm niềm tin tôn giáo của nhiều tín đồ và nhân dân. Một bộ phận người dân, cũng như cán bộ, đảng viên không đủ điều kiện hoặc có đủ điều kiện nhưng không muốn tham gia tôn giáo truyền thống. Họ tìm kiếm, hoặc tự lập ra hình thức tôn giáo mới để thoả mãn nhu cầu tâm linh của mình. Nhiều hiện tượng tôn giáo mới với sự đơn giản về nghi lễ và sự tiết giảm chi phí hoạt động tôn giáo là lựa chọn phù hợp cho nhóm đối tượng này.

Bên cạnh đó, việc một bộ phận cán bộ, đảng viên tham gia các hiện tượng tôn giáo mới còn do tác động của sự chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường (định hướng XHCN). Sự chuyển đổi này khiến một bộ phận công nhân viên chức, vốn gắn bó với cơ quan nhà nước, với chế độ bao cấp nay không thích ứng với sự cạnh tranh trong cơ chế thị trường, không bắt kịp sự phát triển của xã hội, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế trong ba thập niên vừa qua làm cho nền kinh tế nước ta tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam chuyển từ một nước chậm phát triển sang nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đời sống vật chất của nhân dân được nâng cao đáng kể. Nhưng cùng với sự tăng tưởng kinh tế, gần đây cũng xuất hiện nhiều vấn đề đáng quan ngại liên quan đến đạo đức và lối sống. Đó là sự suy thoái đạo đức, sự lệch lạc và buông thả trong lối sống của không ít người, nhất là thế hệ trẻ, sự bùng phát của các tệ nạn xã hội; mối quan hệ giữa người với người bị xói mòn. Đáng chú ý là, những vấn nạn này diễn ra trong không chỉ trong dân chúng, mà còn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực tế ấy, cùng với sự bung nở nhu cầu tâm linh sau nhiều thập niên bị kìm nén do phải dành hết vật lực và trí lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, khiến nhiều người Việt Nam, nhất là khu vực miền Bắc, một giai đoạn khá dài sống trong sự bình yên và ổn định xã hội thời kinh tế bao cấp, mất niềm tin vào thực tại, nuối tiếc quá khứ, mong chờ tương lai tốt đẹp thông qua sự trợ giúp của thần linh. 

Ở chiều hướng tích cực, các hiện tượng tôn giáo mới đã giúp một bộ phận cán bộ, đảng viên thoát khỏi tình trạng cô đơn, bế tắc, hụt hẫng, bất an trong cuộc sống dosự tác động mạnh mẽ của quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa. Bằng những cách thức khác nhau, một số hiện tượng tôn giáo mới đã giúp nhiều người hòa nhập với cộng đồng, điều mà một số tôn giáo truyền thống với giáo lý cao siêu, tổ chức chặt chẽ, nghi lễ tốn kém đã không làm được hoặc làm không tốt. Những buổi cùng nhau tập luyện tinh thần dưới hình thức luyện yoga, dưỡng sinh hay thảo luận về tôn giáo là dịp kết nối tín đồ các hiện tượng tôn giáo mới trong một tổ chức, giúp họ có được cảm giác hòa nhập cuộc sống, tìm lại được vị trí và sức mạnh của mình;định hướng hành vi ứng xử, khiến cho một số giá trị tốt đẹp của tôn giáo dễ đi vào đời sống thường ngày của họ.

Bên cạnh những mặt tích cực, một bộ phận cán bộ, đảng viên tham gia hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới gây nguy hại không chỉ cho bản thân họ, mà còn cho cộng đồng xã hội. Những người đứng đầu các hiện tượng tôn giáo mới tích cực tuyên truyền với người thân khả năng chữa bệnh không cần có sự can thiệp của y học, mà bằng các pháp thuật, thần chú hoặc những nghi thức tôn giáo với niềm tin được các sức mạnh siêu nhiên giúp đỡ. Trên thực tế, với những căn bệnh mà nguyên nhân liên quan đến sự căng thẳng về tinh thần hoặc mặc cảm tâm lý, sự hướng dẫn trị liệu bằng cách luyện tập yoga kết hợp với thần chú của một số hiện tượng tôn giáo mới cũng đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, do lòng tin mù quáng vào cách chữa bệnh của nhiều hiện tượng tôn giáo mới, không ít người đã bị mất mạng. Trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ,... một số người bị chết sau khi chữa bệnh theo hình thức uống nước thánh (chủ yếu là nước lã hoặc nước đun sôi để nguội đặt trên ban thờ thắp hương) của các hiện tượng tôn giáo mới như Long Hoa Di Lặc, Đại pháp Đoàn tràng Tu gia,...

Không ít cán bộ, đảng viên sau khi tham gia các hiện tượng tôn giáo mới đã bỏ bê công việc cơ quan và gia đình, hằng ngày tập trung thực hiện nghi thức cúng lễ, sám hối; con cháu ốm đau không cho uống thuốc, không cho đưa đến cơ sở y tế khám chữa; phản bác việc đi lễ của các tôn giáo truyền thống, từ bỏ thờ cúng tổ tiên. Người thân trong gia đình khuyên giải nhưng họ không nghe, dẫn đến bất đồng, mâu thuẫn trong gia đình, dòng tộc.

Một số cán bộ, đảng viên còn tiếp tay cho những lý giải xuyên tạc tâm linh về lịch sử dân tộc và danh nhân dân tộc của người đứng đầu các hiện tượng tôn giáo mới. Chẳng hạn, bà Phạm Thị Xuyến, người đứng đầu nhóm Đạo Trời nước Việt cho rằng, Lạc Long Quân tái hồn sang Đào Lang, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ và Nguyễn Ái Quốc. Âu Cơ tái hồn sang Liễu Hạnh, Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Bác Hồ). Vua Hùng thứ nhất tái thế ra Trần Nhân Tông (Phật Tổ của Việt Nam), Hai Bà Trưng (quá khứ là con gái Vua Hùng) tái thế ra Cô Quỳnh và Cô Quế (con gái Liễu Hạnh), Lê Thái Tổ tái thế ra Lê Thánh Tông, Đinh Tiên Hoàng tái thế ra Lý Thường Kiệt,... Bà Phạm Thị Xuyến còn cho rằng, sau khi qua đời, hồn Bác Hồ đã nhận công việc của Tòa Trời, ngày đêm dồn sức lực và tâm trí để lo công việc tâm linh của nước ta và thế giới. Hơn nữa, vì Bác Hồ là tái thế của Lạc Long Quân, con trưởng Cha Thiên - Mẹ Địa, cho nên Người được Tòa Trời tin cậy giao trọng trách đứng đầu hàng Phật Thánh vào thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ(5).

Một số cán bộ, đảng viên tham gia Đạo Trời nước Việt (do bà Phạm Thị Xuyến lập ra ở Hải Dương), Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Tại gia (do bà Trần Thị Ân lập ra ở Quảng Ninh)... tích cực ủng hộ chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong lĩnh vực tâm linh, thể hiện trong kinh sách giáo lý, đối tượng thờ tự và cách thức thờ tự của các giáo phái này. Cụ thể, các giáo phái này chỉ thờ tự các vị thần linh bản địa, bài trừ gay gắt các vị thần linh ngoại lai (kể cả Đức Phật Thích Ca của Phật giáo). Bà Phạm Thị Xuyến giải thích: việc hiện thực hóa chủ quyền âm phần của các quốc gia trên thế giới có ý nghĩa bước ngoặt trong lịch sử nhân loại. Âm phần nước ta đã giành được quyền độc lập bằng sự kiện Đạo Trời nước Việt ra đời năm 2001. Đây là sự thể hiện cụ thể và dứt khoát việc thực thi Luật Thiên, Luật Âm về chủ quyền tâm linh mỗi quốc gia. Trong tương lai gần, mỗi nước sẽ xuất hiện những tôn giáo riêng. Các tôn giáo ngoại lai sẽ chấm dứt tồn tại theo hình thức tự tan rã, tự giải thể. Kể từ năm 2001, các thần linh ngoại ở Việt Nam đều không còn hồn, vì các thực thể tâm linh đó đã bị trục xuất về cố quốc. Những nơi thờ cúng thần linh ngoại đều bị lực lượng tâm linh Việt Nam tiếp quản. Cho nên, việc tiếp tục xây dựng nơi thờ tự thờ thần linh ngoại, tạo tác tượng thần linh ngoại để thờ tự vừa lãng phí tiền của và công sức nhân dân, vừa bị Thiên Âm ghi tội(6).

Mặc dù một số cán bộ, đảng viên tham gia các hiện tượng tôn giáo mới hiện nay với mục đích nâng cao sức khỏe và chữa bệnh tâm linh. Tuy nhiên, họcó thểsẽ bị ảnh hưởng, bị lôi kéo, kích độngbởi xu hướng chính trị hóa thông qua nhiều hoạt động của một số hiện tượng tôn giáo mới. Với trường hợp Thanh Hải vô thượng sư, nội dung thuyết giảng của Đặng Thị Trinh thể hiện rất rõ ý đồ chống chế độ XHCN ở Việt Nam: “Sư phụ cũng là một chiến sĩ chống cộng, nhưng chống cộng hòa thuận, an toàn. Sư phụ đánh cộng sản, nhưng không giết người, chỉ hoán cải họ (...)Nhờ sự tu hành khắp thế giới của Sư phụ mà Đông Âu, Liên Xô bị dẹp, mai mốt đây sẽ đến Việt Nam và Trung Quốc”(7). Trong nhiều tài liệu và hoạt động, người đứng đầu Thanh Hải vô thượng sư đã phủ nhận vai trò lãnh đạocủa Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận thành tựu phát triển của đất nước, cáo buộc Việt Nam vi phạm tự do dân chủ, nhân quyền và tôn giáo, thậm chí muốn “tiêu diệt cộng sản, lãnh đạo quốc gia”. Một số bài giảng của Đặng Thị Trinh còn kích động lòng hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc(8). Với trường hợp giáo phái Pháp luân công là việc tập hợp lực lượng chống đối chính quyền từng diễn ra ở Trung Quốc. Với giáo phái Dương Văn Mình là những hoạt động gây mất ổn định an ninh chính trị, đòi thành lập quốc gia ly khai tự trị cho dân tộc Mông ở Tây Bắc (tương tự như trường hợp đạo Hà Mòn do bà Y Gyin lập ra ở tỉnh Kon Tum, đòi thành lập quốc gia ly khai tự trị của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên).

Thành phần tham gia các hiện tượng tôn giáo mới ở miền Bắc hiện nay chủ yếu là nhóm dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế, như:phụ nữ có hoàn cảnh éo le, người lao động có thu nhập thấp, người dân ở vùng nông thôn,vùng sâu, vùng xa... Họ chủ yếu đến với các hiện tượng tôn giáo mới ở phương diện tôn giáo - cầu cúng các lực lượng siêu nhiên phục vụ cho cuộc sống trần thế của họ. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ tham gia các hiện tượng tôn giáo mới hiện nay là cư dân thành thị, trong đó khá nhiều là cán bộ, đảng viên có học thức, có điều kiện kinh tế, là nam giới, thanh niên và trung niên. Một số giáo phái chú trọng đến bảo vệ sức khỏe và chữa bệnh tâm linh như Pháp luân công, Thanh Hải vô thượng sư, Đại pháp Đoàn tràng Tu gia... tồn tại và phát triển nhờ vào vai trò quan trọng của những thành phần này.

Sự phát triển khá mạnh của một số hiện tượng tôn giáo mới, đặc biệt với Đạo Trời nước Việt và Đại pháp Đoàn tràng Tu gia - hai giáo phái có sự phát triển sâu rộng nhất trong số hơn 20 nhóm thờ cúng Hồ Chí Minh hiện nay - chủ yếu nhờ vào sự cố vấn của một số trí thức đã nghỉ hưu. Hoạt động của nhóm cố vấn này chủ yếu chứng minh công năng đặc dị của con người, cụ thể là khẳng định khả năng đặc biệt của bà Phạm Thị Xuyến và bà Nguyễn Thị Điền, cũng như các thế giới tâm linh (thiên giới, âm thế) là có thật; chứng minh tính hợp lý của các hiện tượng tôn giáo mới hiện nay.

Theocácvăn bản pháp luật cũng như quan điểm cơ quanquản lý nhà nước về tôn giáo, các hiện tượng tôn giáo mới ở nước ta đều đang hoạt động không phép. Một số hiện tượng tôn giáo mới như Đạo luật Ơn nghĩa và Nhân nghĩa, Dương Văn Mình, Đại pháp Đoàn tràng Tu gia, Đạo Trời nước Việt, Thiền phái Trúc lâm Yên Tử Tại gia,... có gửi đơn đến các cấp chính quyền đề nghị được đăng ký hoạt động và công nhận pháp nhân. Song dù đã gửi đơn thư hoặc chưa, các hiện tượng tôn giáo mới ở miền Bắc hiện nay vẫn đang hoạt động.

Chính quyền một số tỉnh thành ở miền Bắc đã chủ động yêu cầu các ban ngành, cơ quan liên quan, đặc biệt là Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo kịp thời nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy và chính quyềncác cấp về chủ trương, biện pháp đối với các hoạt động tôn giáo trái phép. Công tác vận động, tuyên truyền được quan tâm đối với người tham gia các hiện tượng tôn giáo mới, nhất là trưởng nhóm, để họ hiểu rõ bản chất của hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tự giác tham gia đấu tranh hoặc chủ động từ bỏ hoạt động.

Nhiều biện pháp cụ thể được chính quyền các tỉnh thành ở miền Bắc thực hiện như: xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tôn giáo; xử lý pháp luật đối với một số người lợi dụng tôn giáo để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, nói xấu Đảng, Nhà nước và chế độ... Riêng với cán bộ, đảng viên tham gia các hiện tượng tôn giáo mới đã bị bãi nhiệm chức vụ đang nắm giữ, đưa ra khỏi tổ chức chính trị - xã hội. Do vậy, công tác vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia các hiện tượng tôn giáo mới trở lại với sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống của nhiều địa phương đạt kết quả khả quan. Tỉnh Phú Thọ đã vận động được 772/1.000 người; tỉnh Thái Bình vận động được 900/1.000 người; tỉnh Hải Dương vận động được 4.300/5.000 người(9), tỉnh Vĩnh Phúc đã vận động được gần 200/500 người(10), tỉnh Sơn La đã vận động được 1.000/1.566 người(11).

Trong thời gian tới, với hàng loạt yếu tố khách quan từ phía xã hội (phân hóa giàu nghèo, tham nhũng, tệ nạn xã hội, nhiều bệnh nan y,...) và tôn giáo truyền thống (các xu hướng thế tục hóa, quan chức hóa, mê tín hóa trong hoạt động tôn giáo) cũng như chủ quan từ phía các hiện tượng tôn giáo mới (sự điều chỉnh về kinh sách giáo lý, luật lệ lễ nghi, cách thức tu tập,...), sẽ có không ít cán bộ, đảng viên sẽ tiếp tục tham gia các hiện tượng tôn giáo mới. Trong bối cảnh đó, điều cấp thiết là mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên được trang bị hoặc tự trang bị kiến thức đúng đắn về tôn giáo và luật pháp tôn giáo để họ không tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan, không cổ súy cho tư tưởng dân tộc hẹp hòi và tôn giáo cực đoan, cũng không tham gia các hành vi gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của các hiện tượng tôn giáo mới - những biểu hiện rõ rệt của sự suy thoái đạo đức, lối sống cũng như tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 11-2017

(1) Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, các tôn giáo và tổ chức tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động tính đến tháng 12/2016 gồm: Phật giáo (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), Công giáo (Giáo hội Công giáo Việt Nam), đạo Tin lành (với 10 tổ chức: Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Bắc, Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Nam, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam, Giáo hội Cơ đốc Phục lâm, Tổng hội Báp tít Việt Nam - Ân điển Nam phương, Hội thánh Mennonite Việt Nam, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam, Hội thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam, Hội thánh Báp tít Việt Nam - Nam phương, Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam), đạo Cao đài (với 11 tổ chức: Hội thánh Cao đài Tây Ninh, Hội thánh Cao đài Tiên thiên, Hội thánh Cao đài Chơn lý, Hội thánh Cao đài Minh Chơn đạo, Hội thánh Cao đài Ban Chỉnh đạo, Hội thánh Cao đài Cầu kho Tam quan, Hội thánh Truyền giáo Cao đài, Hội thánh Cao đài Việt Nam Bình Đức, Hội thánh Cao đài Bạch y Liên đoàn Chơn lý, Hội thánh Cao đài Chiếu minh Long châu, Pháp môn Cao đài Chiếu minh Tam thanh Vô vi), Phật giáo Hòa Hảo (Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo), Hồi giáo (với 6 tổ chức: Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh Tây Ninh, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà ni tỉnh Ninh Thuận, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà ni tỉnh Bình Thuận, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh Ninh Thuận), tôn giáo Baha’i (Cộng đồng Tôn giáo Baha’i Việt Nam), Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, đạo Tứ ân Hiếu nghĩa (Đạo hội Tứ ân Hiếu nghĩa), Bửu sơn Kỳ hương, Minh sư đạo (Giáo hội Phật đường Nam tông Minh sư đạo), Minh lý đạo (Hội thánh Minh lý đạo Tam tông miếu), Chăm Bà la môn (với 2 tổ chức: Hội đồng Chức sắc Chăm Bà la môn tỉnh Ninh Thuận, Hội đồng Chức sắc Chăm Bà la môn tỉnh Bình Thuận), Mormon (Giáo hội Các thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô), Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn.

(2) Xem: ThS Thiều Thị Hương chủ nhiệm: Quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức Tin lành chưa được công nhận ở Việt Nam hiện nay: thực trạng và giải pháp, Đề tài cấp Bộ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Hà Nội, 2016.

(3) Xem: Lê Tâm Đắc: Mấy đặc điểm về hiện tượng tôn giáo mới ở miền Bắc hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4/2016

(4) Miền Bắc là nơi du nhập hoặc hình thành và phát triển của khoảng trên 3/4 trong tổng số hơn 80 hiện tượng tôn giáo mới ở nước ta hiện nay. Xem: TS Lê Tâm Đắc và TS Nguyễn Thị Minh Ngọc đồng chủ nhiệm: Một số hiện tượng tôn giáo mới ở miền Bắc từ sau Đổi mới đến nay, Đề tài cấp Bộ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2014, tr.72.

(5) Trần Văn Đình: “Giới thiệu”, trong: Lời tâm linh Hồn Trời - Hồn Nước (Tư liệu ngoại cảm - bà Phạm Thị Xuyến ghi), quyển II, Hà Nội, tháng 5-2010, tr. 15-21.

(6) Nguyễn Ngọc Phương: Hiện tượng thờ cúng Hồ Chí Minh: quá trình hình thành, đặc điểm thờ cúng và bản chất tôn giáo, Luận văn thạc sĩ chuyên ngành Dân tộc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2014, tr.72.

(7) Đức Huy: Thanh Hải vô thượng sư: sự thật về một tà đạo, http://daophatngaynay.com.

(8) Quang Minh: Về tà đạo Thanh Hải vô thượng sư, http://www.baocantho.com.vn.

(9) Trung tâm Nghiên cứu, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ (2008), Khảo sát thực trạng tôn giáo mới ở nước ta hiện nay: giải pháp và kiến nghị, Hà Nội, tr.61-65.

(10) Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc: Báo cáo tình hình các đạo lạ hoạt động trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, 2014, tr.1-6.

(11) Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La: Báo cáo tình hình công tác tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, nhiệm vụ công tác năm 2017, 2016, tr.7.

 

TS Lê Tâm Đắc

Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền