Trang chủ    Diễn đàn    Nhà nước và thị trường trong phân phối hợp lý các nguồn lực phát triển
Thứ năm, 26 Tháng 4 2018 17:56
6970 Lượt xem

Nhà nước và thị trường trong phân phối hợp lý các nguồn lực phát triển

(LLCT) - Trong nền kinh tế thị trường, việc phân phối các nguồn lực phát triển bị chi phối bởi nhiều quan hệ từ phía chủ thể quản lý nhà nước và từ phía khách quan cơ chế thị trường. Nhà nước và thị trường trở thành hai lực lượng đồng hành với nhau vì mục tiêu phân phối hợp lý các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội. Sự phân phối các nguồn lực phát triển, như lao động, thu nhập, yếu tố đầu vào... phải tuân thủ các luật chơi của thị trường và các quy định của nhà nước. Tuy nhiên, trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, phân phối nguồn lực hiện còn nhiều bất cập do việc xử lý tương quan nhà nước - thị trường chưa được nhận thức và hành động đúng đắn. Bài viết nhằm mục đích làm sâu sắc hơn vấn đề này, góp phần làm sáng tỏ thêm tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

1. Phân phối trong tương quan nhà nước và thị trường

Stiglitz J.E. khẳng định rằng: “thị trường chính là vấn đề trọng tâm của mọi nền kinh tế thành công, nhưng bản thân thị trường không thể tự nó vận hành hiệu quả... Chính phủ cần phải có một vai trò cụ thể, không chỉ là giải cứu nền kinh tế thị trường sa sút và điều tiết thị trường để ngăn chặn các loại thất bại mà chúng gây ra. Nền kinh tế cần phải có sự cân bằng giữa vai trò của các thị trường và vai trò của chính phủ, với sự đóng góp quan trọng của các tổ chức phi thị trường và phi chính phủ”(1).

Trong nền kinh tế hiện đại, nhà nước và thị trường trở thành hai lực lượng đồng hành với nhau vì mục tiêu phân phối hợp lý các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội. Những quy tắc ứng xử thị trường mà nhà nước đưa ra bảo đảm tính toàn diện và bao quát, tránh mâu thuẫn giữa các chủ thể tham gia thị trường, từ đó tạo động lực phát triển. Quyền tự chủ, độc lập và bình đẳng của các chủ thể thị trường cần được tôn trọng và bảo đảm bằng luật pháp nhất quán trong nền kinh tế. Luật pháp đòi hỏi tính toàn diện, chính xác và hiệu lực thực thi cao trong việc bảo đảm sân chơi lành mạnh, tạo thuận lợi cho các chủ thể thị trường tối ưu lợi ích riêng hợp pháp.

Xử lý quan hệ phân phối nguồn lực phát triển trong nền kinh tế cần đặt trong tương quan nhà nước và thị trường. Sự phân phối các nguồn lực phát triển như: lao động, thu nhập, yếu tố đầu vào... phải tuân thủ các luật chơi của thị trường và các quy định của nhà nước.

- Xét góc độ thị trường, các chủ thể kinh tếcầnđược bảo đảm cơ hội bình đẳng tiếp cận nguồn lực và quyền năng thị trường, cạnh tranh lành mạnh để tối ưu hóa lợi ích riêng. Thông tin thị trường là cơ sở khách quan dẫn đắt hành vi kinh tế của “người chơi”, tức là điều chỉnh nguồn lực về chủng loại, quy mô nhằm đạt hiệu quả tốt nhất, duy trì lợi thế cạnh tranh.“Người chơi” luôn cân nhắc tương quan: chi phí - lợi ích, đầu vào-đầu ra, môi trường kinh doanh và vị thế của đối thủ trong sân chơi cạnh tranh thị trường. Như vậy, “người chơi” không chỉ dựa vào tiềm năng hay điều kiện kinh tế - kỹ thuật - tổ chức của bản thân mà cần phải xử lý linh hoạt và chính xác các điều kiện thị trường.

- Xét góc độ nhà nước, thiết chế phân phối tương thíchquy luật thị trường đóng vai trò hết sức quan trọng trongphát triển kinh tế thị trường. Nhà nước càng “thông thái”thì càng thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh. Khi đó, việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế sẽ hiệu quả hơn, kết quả lao động sản xuất được phân phối hợp lý hơn theo nguyên lý cống hiến - hưởng thụ thỏa đáng.

Nhà nước bảo đảm quan hệ phân phối hợp lý trong nền kinh tế thị trường, thể hiện thông qua: việc thiết lập khuôn khổ pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ phân phối; chế tài bảo đảm việc tuân thủ pháp luật liên quan tới quan hệ phân phối; xây dựng và áp dụng các công cụ quản lý để trực tiếp hoặc gián tiếp can thiệp vào quá trình phân phối. Cụ thể, có thể liệt kê một số công cụ quan trọng như sau:

Thứ nhất, theo nguyên lý chung nhất, hệ thống pháp luật quy định quan hệ phân phối có thể chia thành các nhóm như sau:(i) Hệ thống pháp luật quy định phân phối sơ cấp, thứ cấp. Khung khổ pháp luật quy định sự phân phối giữa người lao động - doanh nghiệp - nhà nước. Khung khổ quy định nhằm quản lý quá trình phân phối lại giữa các đối tượng khác nhau trong xã hội; (ii) Hệ thống pháp luật quy định hoạt động tạo thu nhập, phân phối thu nhập trực tiếp và gián tiếp; quyền định đoạt đối với của cải, tài sản, thu nhập; (iii) Hệ thống pháp luật quy định quan hệ liên quan tới hoạt động sử dụng các nguồn lựctrong nền kinh tế quốc dân, trong và ngoài nước; (iv) Hệ thống pháp luật quy định quan hệ liên quan lưu chuyển nguồn lực trong nội bộ nền kinh tế và với nước ngoài; (v) Hệ thống pháp luật quy định hoạt động kiểm tra, kiểm toán với việc phân bổ, sử dụng các loại nguồn lực trong nền kinh tế;...

Thứ hai, dưới góc độ phân phối, thuế là công cụ để điều tiết thu - chi và chi phối mạnh mẽ các hành vi kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

Thuế là công cụ để điều tiết sản xuất, điều chỉnh cung cầu thị trường, kiểm soát về mặt tài chính đối với mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các chủ thể kinh tế, như: cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, điều chỉnh thu nhập giữa các tầng lớp dân cư­, giữa các vùng lãnh thổ. Thông qua thuế gián thu và trực thu, phần thu nhập quốc dân được huy động vào ngân sách nhà nước. Thuế trực thu có tác động trực tiếp đến phân phối thu nhập nhằm giảm sự bất bình đẳng về thu nhập trong các nhóm dân cư.

Hệ thống thuế có khả năng phân phối tốt là nó làm giảm đi sự bất bình đẳng về thu nhập so với tr­ước khi có thuế; huy động đủ nguồn lực tài chính cho ngân sách nhà nước; tạo ra các yếu tố kích thích thúc đẩy sản xuất phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bư­ớc hòa nhập với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới.

Thứ ba, hệ thống tín dụng bao gồm các các ngân hàng th­ương mại, ngân hàng phục vụ người nghèo, ngân hàng chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, quỹ hỗ trợ phát triển, v.v.. Hoạt động của hệ thống tín dụng đem lại nhiều tác động tới quan hệ phân phối nguồn lực tài chính trong nền kinh tế quốc dân. Trước hết, hệ thống này thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tích tụ và tập trung vốn cho sản xuất. Các nguồn lực tài chính được huy động từ các nguồn tạm thời nhàn rỗi ngắn hạn và dài hạn sau đó phân phối cho các chủ thể có nhu cầu thông qua hoạt động vay mượn tín dụng trên thị trường. Tiếp theo, hệ thống tín dụng thực hiện tài trợ tín dụng hay đầu tư cho các chủ thể kinh tế, cho các ngành, vùng nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Thông qua công cụ lãi suất, các tổ chức tín dụng có khả năng tác động điều tiết hành vi đầu tư, tiêu dùng trên thị trường.

Thứ tư, phân phối qua hệ thống an sinh xã hội. Phân phối qua ngân sách nhà nước chư­a bao quát đ­ược hết các đối tượng cần đ­ược bảo đảm. Để khắc phục hạn chế này, phân phối thông qua các quỹ phúc lợi, an sinh xã hội được áp dụng trong xã hội. Cơ bản, hệ thống an sinh xã hội bao gồm 3 hợp phần như: hệ thống bảo đảm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo; hệ thống bảo hiểm gồm bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; hệ thống trợ cấp xã hội.

Nhà nước bảo đảm nguồn lực kinh tế nhất định để cung cấp các loại dịch vụ cho đối tượng hưởng lợi an sinh xã hội, hỗ trợ cho họ vươn lên, tạo điều kiện cho họ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ công phù hợp (y tế, giáo dục, việc làm...), hưởng thụ thành tựu phát triển một cách công bằng có thể.

2. Một số hạn chế, bất cập trong phân phối các nguồn lực phát triển ở nước ta hiện nay

Vấn đềphân phối nguồn lực trong nền kinh tế thị trường bị chi phối bởi các mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Vấn đề này thể hiện ở một số khía cạnh cụ thể như sau:

Thứ nhất, năng lực nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường

Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII chỉ rõ: “Quản lý nhà nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hiệu lực, hiệu quả chưa cao; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm”(2), “một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển”(3).

Khuôn khổ pháp lý và văn bản pháp quy chưa đầy đủ, đôi khi còn xung đột giữa các quy định với nhau, hệ thống luật vừa thiếu vừa không đồng bộ, thiếu hiệu lực chế tài và cơ chế giám sát đối với vấn đề phân phối nguồn lực phát triểnnói chung. Điều này dẫn tới nhiều kẽ hở, chồng chéo và bất cập trong việc thực thi luật pháp và văn bản pháp quy.

Chế tài xử lý vi phạm quan hệ phân phốicòn yếu kém nên thiếu khả năng răn đe những tiêu cực, phipháp trong việc phân phốinguồn lực, thiên vị lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân. Những hiện tượng tiêu cựctrongphân phối nguồn lực làm méo mó quan hệphân phối hiệu quả trong nền kinh tế quốc dân, làm mất động lực cho những chủ thể kinh tế sản xuất kinh doanhchân chính.

Khung thể chếcòn thiếuđồng bộ, chưabảo đảm cho các chủ thể trong nền kinh tế bình đẳng trong việc tiếp cận với các nguồn lực phát triển trong nền kinh tế. Tức là chưa có đầy đủ các quy tắc tạo thành “luật chơi” kinh tế (khung pháp luật về kinh tế, các quy tắc, chuẩn mực xã hội liên quan đến kinh tế, kể cả chuẩn mực phi chính thức); cũng như chưa có được cơ chế thực thi “luật chơi” kinh tế (cơ chế cạnh tranh thị trường; cơ chế phối hợp, phân cấp quản lý, tham gia giám sát...).

Thứ hai, bất hợp lý trongphân phối nguồn lực theo quy luật thị trường

Phân phối và sử dụng các nguồn lực còn bị tác động nặng nề bởimệnh lệnh hành chínhvà các nhóm lợi ích. Các chủ thể trong nền kinh tế chưa được tiếp cận mở, bình đẳng đối với các nguồn lực phát triển, đặc biệt các nguồn lực công.Việc phân phối cần phải tuân thủ theo các nguyên lý thị trường để bảo đảm tính hiệu quả. Thị trường sẽ cung cấp thông tin khách quan để điều chỉnh hành vi kinh tế khi đưa ra các quyết định huy động hay sử dụng nguồn lực.

Nguồn lực, chặng hạn vốn đầu tư, sẽ được phân bổ vào những lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, khả năng hoàn vốn và tỷ lệ lợi nhuận cao. Nếu nhà nước can thiệp một cách thô bạo vào nền kinh tế thị trường thì lại dẫn đến nền kinh tế kém hiệu quả làm méo mó quan hệ thị trường, chẳng hạn, nguồn lực chỉ được phân bổ cho các nhóm lợi ích có khả năng lobby chính sách mà thôi.

Chưa tạo được một sân chơi bình đẳng giữa các chủ thể trong việc tiếpcận  các nguồn vốn tín dụng, ODA và các nguồn vốn khác. Doanh nghiệp nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi về vốn vay, chưa xóa bỏ được cơ chế “xin - cho” trong quản lý tài chính. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tham nhũng, lãng phí và là căn nguyên dẫn đến sự bất bình đẳng trong phân phối và lợi ích nhóm đang chi phối,làm tổn hại tới môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với tài sản, nguồn vốn thuộc sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả do chưa có quy định rõ quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản trị doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước do yếu kém quản lý đã dẫn tới thua lỗ,nguy cơ phá sản. 17 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 12.504 tỷ đồng và 6 công ty mẹ lỗ lũy kế là 4.595 tỷ đồng(4).

  Cơ hội tiếp cận đối với nguồn lực đất đai là thiếu công bằng giữa các thành phần kinh tế, trong đó thành phần kinh tế nhà nước là có ưu thế vượt trội hơn so với cácthành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí trong phân bổ và sử dụng đất đai, tài nguyên; thiếu công khai, minh bạch việc quản lý, sử dụng đất công; yếu kém trong giám sát, quản lý sử dụng đất đai. Nhiều rào cản, khó khăn trong chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền sử dụng đất; trong tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn và nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững của nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn.

Chưa có được sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận đối với nguồn lực tài nguyên khoáng sản bởi doanh nghiệp nhà nước vẫn là những doanh nghiệp độc quyền,có nhiều lợi thế về lĩnh vực công nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản. Tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi diễn ra ở nhiều địa phương và đang bị lợi ích nhóm chi phối, gây ra sự thất thoátnguồn tài nguyên của đất nước.

Thứ ba, lợi ích nhóm tác động xấu tới quan hệ phân phối nguồn lực trong nền kinh tế thị trường

“Lợi ích nhóm” là một dạng tham nhũng có tổ chức, trong đó cá nhân có chức vụ, quyền hạn cấu kết với nhau để trục lợi từ nguồn lực công. Các nhóm lợi ích chi phối sự phân phối nguồn lực công (vốn, tài sản, tài nguyên quốc gia) nhằm phục vụ lợi ích nhóm. Nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế sẽ thâu tóm, lũng đoạn về chính trị. Tác hại của lợi ích nhóm rất lớn, nó làm suy yếu nền kinh tế đất nước, méo mó cơ chế phân phối nguồn lực hiệu quả.

“Lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở Việt Nam đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Đó là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội; quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành(5).

3. Một số giải pháp bảo đảm phân phối hợp lý các nguồn lực phát triển 

Một là, tiếp cận chính sách đột phá về quan hệ phân phối thích ứng cơ chế thị trường mở

“Nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn”(6). Nguyên tắc phân phối dựa trên nền tảng của cơ chế thị trường, các quy luật thị trường, thông qua cơ chế cạnh tranhcông bằng, minh bạch. Cơ hội trong nền kinh tế thị trường là tiền đề quan trọng quyết định tới thu nhập, khả năng cống hiến và hưởng thụ của mỗi chủ thể xã hội (cá nhân, tập thể, tổ chức, cộng đồng) trong tương lai. Tạo sự bình đẳng về cơ hội có thể tạo ra mức độ bình đẳng nhất định trong phân phối đối với mỗi chủ thể xã hội tham gia quá trình phát triển nói chung. Việc phân phối được thực hiện dựa theo năng lực và đóng góp thông qua tín hiệu thị trường. Trên cơ sở đó, các chủ thể có thể “làm giàu hợp pháp”, linh hoạt sáng tạo làm những gì pháp luật không cấm.

Tiếp cận chính sách kinh tếcủa nhà nước trong nền kinh tế thị trường hiện đại phải tương thích cơ chếthị trường, tức là phải tạo ra một môi trường để các chủ thể trong nền kinh tế cạnh tranh với nhau một cách công bằng, phải lấy thị trường làm căn cứ để phân bổ nguồn lực có hiệu quả, hạn chế tới mức tối đa sự can thiệp hành chính thô bạo của nhà nước vào nền kinh tế. Bảo đảm cho mọi chủ thể trong nền kinh tế thị trường có một sân chơi cạnh tranh công bằng và bình đẳng, có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển cũng như cơ hội tiếp cận đối với các nguồn lực phát triển.

Các nguồn lực phát triển(nguồn lực lao động, vốn, đất đai và tài nguyên, khoa học công nghệ,...) phải được phân bổ và dịch chuyểntự dogiữa cácngành, địa phương theo tỷ suất sinh lời, hiệu quả. Trong nền kinh tế thị trường để bảo đảm được sự bình đẳng về cơ hội giữa các chủ thể trong nền kinh tế đối với việc tiếp cận các nguồn lực phát triển, nhà nước phải bảo đảm các quyền cho mọi chủ thể có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận các nguồn lực “đầu vào” của sản xuất và tận dụng các cơ hội phát triển để đạt được sự thành công của các chủ thể theo nguyên tắc thị trường. Triệt để xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, đặt tất cả các chủ thể kinh tế vào môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch,có như vậy mới kích thích các chủ thể, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế vươn lên một cách lành mạnh;sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất.

Trong nền kinh tế thị trường,ngoài phân phối theo kết quả lao động, việc phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh được thừa nhận hợp pháp. Với nguyên tắc này, nguồn lực sẽ được phân phối đến những nơi sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, tạo ra của cải nhiều nhất cho xã hội. Ai làm việc hiệu quả, có đóng góp nhiều hơn thì thu nhập lớn hơn và ngược lại chống chủ nghĩa bình quân, chống dựa dẫm ỷ lại. “Phân phối phải theo mức lao động. Lao động nhiều thì được phân phối nhiều, lao động ít thì được phân phối ít. Lao động khó thì được phân phối nhiều, lao động dễ thì được phân phối ít. Không nên có tình trạng người giỏi, người kém, việc khó, việc dễ, cũng công điểm như nhau. Đó là chủ nghĩa bình quân. Phải tránh chủ nghĩa bình quân(7).

Hai là,phát huy ưu thế cơ chế thị trường trong xử lý quan hệ phân phối

Vận hành cơ chế thị trường đem lại ưu thế trong việc phân phốihiệu quả các nguồn lực trong xã hội. Sự tương tác cung - cầu, tín hiệu giá cả, cạnh tranh, hạch toán chi phí - lợi ích là những căn cứ khách quan cho phân phốivà sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển. Mọi giao dịch đều được quyết định dựa trên nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi. Vì thế, hoạt động kinh tế hiệu quả luôn luôn đòi hỏi khả năng tối ưu hóa lợi ích riêng trên cơ sở cạnh tranh thị trường.

Khi thừa nhận cơ chế thị trường, cơ hội cho phát triển nhiều hơn và khả năng tối ưu hóa lợi ích riêng được hiện thực hóa. Điều này làm cho nền kinh tế năng động và thúc đẩy sự phát triển. Thị trường cung cấp tín hiệu thông tin khách quan bảo đảm cho việc phân phốinguồn lực linh hoạt và hiệu quả hơn giữa các ngành, lĩnh vực và vùng miền đất nước.“Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường”(8).

Phát triển đồng hệ thống thị trường, như thị trường lao động, thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường hàng hóa và dịch vụ, khoa học-công nghệ, v.v.. Hệ thống thị trường đầy đủ tạo ra cơ chế phân phốinguồn lực hiệu quả hơn. Sự liên thông và đồng bộ của hệ thống thị trường làm cho sự lưu thông, phân bổ nguồn lực hợp lý. Kết quả lao động và sản xuất được xác định chính xác theo đúng nguyên tắc chi phí - lợi ích, cống hiến - hưởng thụ. Cơ chế thị trường tạo ra nhiều cơ hội cho phép mọi chủ thể tự do tối ưu hóa lợi ích riêng của mình. Cơ hội tạo thu nhập của từng thành viên xã hội gắn liền với sự hình thành và vận hành của các loại thị trường.Các nguồn lực trong xã hội được huy động linh hoạt, dưới sự dẫn đắt của động lực lợi ích trong nền kinh tế thị trường.

Môi trường cạnh tranh tự do, tạo biên độ độc lập tự chủ cao nhất cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt kinh tế tư nhân trong việc theo đuổi lợi ích riêng theo năng lực và tín hiệu thị trường. Nhiều chuỗi giá trị mới được thiết lập tạo ra cơ hội sản xuất - kinh doanh cho nhiều người lao động. Cơ hội tăng thu nhập cho mọi người trở nên dễ dàng hơn.

Ba là,nâng cao năng lực nhà nước pháp quyền trong phân phối

 “Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội”(9).

Trước hết, hệ thống pháp luật quy định rõ các quan hệ căn bản chi phối nguồn lực hiện hữu trong nền kinh tế quốc dân. Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này rất đa dạng. Chúng quy định tới bản chất quan hệ phân phối các loại nguồn lực, cơ chế phân bổ, cơ chế kiểm soát và điều tiết các quan hệ phân phối trong xã hội. Hệ thống pháp luật đặt nền tảng pháp lý căn bản quy định quan hệ phân phối và phân phối lại các nguồn lực trong nền kinh tế, bao gồm: lao động, thu nhập, vốn, đất đai, tài nguyên, v.v..Những quyền lợi và nghĩa vụ của mọi chủ thể sở hữu và sử dụng các nguồn lực cần phải quy định rõ ràng bằng luật pháp trong xã hội pháp quyền.

Hệ thống luật pháp được cụ thể hóa đối với từng loại nguồn lực theo từng lĩnh vực hoạt động. Nhiều quy tắc, quy định pháp quy là một trong những cơ sở quán xuyến và quản lý quan hệ phân phối trên thị trường. Bản chất và sự vận động của từng loại nguồn lực có những đặc thù nên việc xây dựng cụ thể từng quy định pháp lý điều tiết quá trình phân phối là tất yếu. Trong xã hội với đầy đủ luật lệ phù hợp, các chủ thể thể hiện được năng lực của mình khi có cơ hội cọ sát trong một sân chơi lành mạnh thu hút nguồn lực cần thiết cho phát triển.

Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, việc phân phối và sử dụng các nguồn lực phải nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước nhằm bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội theo trật tự và mọi thành viên xã hội phải được hưởng thụ bình đẳng những lợi ích mà nguồn lực đó đem lại.

Cần phải nâng cao hiệu lực các công cụ, chính sách trong điều tiết phân phối và phân phối lại. Những công cụ, chính sách đắc lực điều tiết quan hệ phân phối và phân phối lại có thể kể tới như thuế, tài chính-tiền tệ, thu nhập-việc làm, sở hữu đất đai, tài sản, thừa kế, v.v...

Hiệu lực nhà nước trong việc xây dựng chế tàibảo đảm sự lành mạnh trong thực thi các luật lệ, quy tắc của thị trường. Cơ quan chức năng thực hiện kiểm soát cạnh tranh buộc phải tổ chức và vận hành theo những quy trình quản lý hành chính nhà nước dựa trên những chuỗi trách nhiệm chính trị và quản lý. Cơ quan chức năng này bắt buộc phải hành động theo pháp luật, luật chơi cạnh tranhđể duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh,bảo đảm hiệu quả trong phân bổ nguồn lực trên phạm vi nền kinh tế quốc dân.

Sự công bằng trong phân phối đòi hỏi sự quản lý hiệu lực cao của Nhà nước pháp quyền. Phân phối bảo đảm cho sự làm giàu chính đáng cần được thể chế hóa bằng các chính sách, khuyến khích, đồng thời những hành vi phân phối bất hợp pháp phải được trừng trị nghiêm và công khai theo pháp luật, bất luận đối tượng vi phạm đó là ai. Những hành vi tìm mọi cách, mọi thủ đoạn phạm pháp để mưu cầu lợi ích riêng mà chà đạp lên lợi ích chung không thể chấp nhận trong xã hội và phải được nghiêm trị công khai theo luật pháp. Rõ ràng, điều cần thiết để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quan hệ phân phối là nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý công. “Tạo môi trường pháp lý và cơ chế, chính sách thuận lợi để phát huy các nguồn lực xã hội cho phát triển, các chủ thể hoạt động kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, có trật tự, kỷ cương”(10).

Bốn là, tăng cường các chế tài xử lý vi phạm quan hệ phân phối

Tăng cường hiệu lực chế tài nhà nước trong quan hệ phân phối. Cần có những chế tài nghiêm minh để xử lý những hành vi phạm pháp dẫn tới méo mó quan hệ phân phối nguồn lực phát triển.

Nhiều hành vi phân phối bất hợp pháp thể hiện dưới các sắc thái khác nhau trong đời sống kinh tế xã hội như: tham nhũng, gian lận, kinh tế ngầm, trốn thuế, làm hàng giả, buôn lậu, v.v. Mức độ vi phạm rất khác nhau trong các nước và tiếp cận giải quyết vấn đề cũng vô cùng đa dạng. Một trong những căn nguyên dẫn tới thu nhập mờ ám là lạm dụng quyền lực, dính líu tham nhũng.Do vậy, cần những chế tài hiệu lực để ngăn chặn kinh tế ngầm.

Tồn tại thu nhập ngầm gây ra sự méo mó phân phối nguồn lực phát triển và thu nhập quốc gia, dẫn tới kìm hãm sự phát triển và cải cách xã hội. Một khi quyền lực nhà nước dính líu tới lợi ích tư lợi, cạnh tranh tự do bị thay thế bằng độc quyền nhóm lợi ích, tất yếu sẽ dẫn tới sự phân hóa thu nhập và tài sản, hiệu quả kinh tế và xung đối xã hội không tránh khỏi.

Tệ nạn phức tạp khác là tham nhũng trong bộ máy công quyền. Để đấu tranh tích cực với tệ nạn này, đòi hỏi hoàn thiện hệ thống luật pháp, chế tài ngăn chặn và điều kiện vật chất. Đảng và Nhà nướcđã nêurõ quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Hoàn thiện pháp lývà chế tài xử lývề chống tham nhũng là tiền đề tiên quyết cho cuộc đấu tranh này. Hệ thống pháp luật và các quy định pháp lý cần phải toàn diện và chặt chẽ. Điều này hạn chế tới mức có thể những kẻ hở luật pháp cho các đối tượng có ý đồtham nhũng.

Các lĩnh vực hoạt động của chính phủ có khả năng dễ xảy ra tham nhũng cần phải tập trung rà soát lại. Các biện pháp pháp lý và hành chính xử lý tham nhũng phải đem lại một tác dụng phòng ngừa thỏa đáng.

Mức thoả đáng của tiền lương trong khu vực công là một trong những điều kiện góp phần bảo đảm trong sạch, liêm chính của bộ máy quản lý công. Các công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước phải được trả lương đủ sống, đáp ứng với những nhu cầu và mong đợi hợp lý. Quy định thưởng - phạt nghiêm minh, phù hợp với cống hiến và trách nhiệm được giao. Cần xây dựng các cơ chế để thu hút sự tham gia của xã hội dân sự và phải biến những cơ chế ấy thành một phần của quá trình kiểm tra, giám sát thường xuyên. Ngoài ra, thu nhập, tài sản của các quan chức có chức, có quyền phải được kê khai, giám sát hữu hiệu.

Tăng cường các chế tài xử lý tham nhũng, “lợi ích nhóm”trong việc phân phốinguồn lực, đặc biệt nguồn lực công, góp phần lấy lại lòng tin của nhân dân,làm lành mạnh hóamôi trường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Xử lý cương quyết và nghiêm minh các hành vi phân phối bất hợp pháp. Cần những chế tài đủ mạnh để hạn chế tới mức thấp nhấtnhững hành vi vi phạm pháp luật trong phân bổ nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực công. Cần phải thực thi những chế tài mạnh, truy cứu trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong việc phân phốivà sử dụng sai mục đích các nguồn lực, gây mất hiệu quả hay thất thoát nguồn lực công quốc gia,như ngân sách, tài nguyên...

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2017

(1) Josep E. Stiglitz. Rơi tự do: nước Mỹ, các thị trường tự do và sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới. Nxb Thời đại, 2010, tr.12.

(2), (3), (6), (8), (9) Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

(4) Báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016, http://vneconomy.vn.

(5) Vũ Ngọc Hoàng: “Lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” - Cảnh báo nguy cơ, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 2-6-2015. http://www.tapchicongsan.org.vn.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.410.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.78.

 

PGS, TS Vũ Thanh Sơn

Ban Tổ chức Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền