Trang chủ    Diễn đàn    Một số bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận của Đảng
Thứ tư, 16 Tháng 5 2018 11:41
7740 Lượt xem

Một số bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận của Đảng

(LLCT) - Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vì vậy,công tác vận động và tổ chức quần chúng luôn là vấn đề chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh công tác dân vận là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào. Người khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (1).

Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạngViệt Nam, thành công lớn nhất trong công tác dân vận là Đảng đã phát động nhân dân đứng lên giành chính quyền thắng lợi vào Tháng Tám 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập tự docho dân tộc. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹxâm lược, giành lạiđộc lậpvà thống nhất Tổ quốc. Cả nước đi lên xây dựng CNXH, một thành công lớn của Đảng trong giai đoạn này là bước đầu thực hiện thành công đường lối Đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Những kết quả to lớn mà chúng ta đạt được có vai trò quan trọngcủa công tác dân vận. Nhìn lại quá trình Đảng lãnh đạo công tác dân vận, bước đầu có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, công tác dân vận phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc, dân làm gốc”, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.Sinh thời, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(2). Người còn nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì nhân dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân…. Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(3).  Đại hội VI của Đảng đã tổng kết một trong những bài học kinh nghiệm lớn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là: trong mọi hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Đại hội XII của Đảng tổng kết 30 năm Đổi mới, một lần nữa bài học sâu sắc về “lấy dân làm gốc” lại được nhấn mạnh: đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh chân lý: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng là người làm nên lịch sử. Sức mạnh của quần chúng nhân dân được nhân lên từ khi có Đảng lãnh đạo. Nhìn lại những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể nhận thấy sức mạnh của Đảnglà ở chỗ Đảng đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào lực lượng của dân. Đảng luôn tin tưởng tuyệt đối ở lực lượng và sức mạnh vĩ đại của nhân dân, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Điều có giá trị cốt lõi, xuyên suốt trong công tác dân vận của Đảng là phải luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dânvà tất cả vì lợi ích của nhân dân. Từ đó đề ra chủ trương, chính sách về công tác dân vận phù hợp với thực tiễn, đồng thời phải có thái độ ứng xử đúng đắn, khách quan, thực sự vì dân, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Trong sự nghiệp Đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Namđặc biệt coi trọng việc khơi dậy và phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân,tạo nên sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội,quốc phòng - an ninh, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐHđất nước. Tuy nhiên, có thể thấy quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nơi này nơi khác, trên một số lĩnh vực. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho dân vẫn còn phổ biến, dẫn tới bất bình trong nhân dân, gây bức xúc xã hội nhưng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn và đẩy lùi. Người dân không được bàn bạc và quyết định những công việc cụ thể liên quan đến đời sống, tình trạng mất dân chủ, thậm chí là chà đạp lên lợi ích chính đáng của nhân dân, nhất là trong vấn đề quản lý và sử dụng đất đai…. Đơn thư khiếu nại, tố cáo còn nhiều, không được giải quyết kịp thời, đùn đẩy trách nhiệm, xử lý oan sai…chẳng những làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền, mà còn triệt tiêu động lực của nhân dân.

Phát huy dân chủ là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn. Bởi vậy, rất cần những chính sách đúng đắn để yên lòng dân, tạo sự đồng thuận, niềm tin trong nhân dân, để nhân dân đồng lòng, quyết chí thực hiện sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Mở rộng dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải luôn luôngắn với tăng cường pháp chế XHCN. Phải tăng cường kỷ cương phép nước bằng hệ thống luật phápvà các văn bản pháp quy. Thực hiện mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; chống tư tưởng mị dân hay lợi dụng dân chủ để gây rối an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Những bài học về sự thiếu sót trong quản lý và sử dụng đất đai, giải quyết những vấn đề lợi ích, công bằng xã hội, vấn đề dân tộc, tôn giáo;việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… đã cho thấy khi nào lợi ích của nhân dân không được xem trọng thì khi đó niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước sẽ giảm sút.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của các cấp ủyĐảng, chính quyềnvà cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nướcvề trách nhiệm, cũng như tầm quan trọng chiến lược của công tác dân vận.Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: cách mạng trước hết là phải làm cho dân giác ngộ. Vì vậy, trước hết công tác dân vậnlà phải làm cho dân hiểu, dân nghe, dân tin và dân theo Đảng làm cách mạng. Đồng thời, Đảng phải tập hợp nhân dân vào các tổ chức phù hợp nhằmphát huy sức mạnh to lớn của nhân dân. Không những Đảng phải quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng đoàn kết và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, mà còn phải động viên, phát huy quyền làm chủ và sức sáng tạo của nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, thực hiện sự nghiệp CNH, HĐHvà thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Trong các mối quan hệ của Đảng thì mối quan hệ của Đảng với nhân dân là cơ bản và quan trọng nhất, có ý nghĩa sống còn. Sức mạnh của Đảng là ở chỗ mật thiết liên hệ với quần chúng. Trong giai đoạn hiện nay, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, của hội nhập kinh tế quốc tế, do sự chống phá của các thế lực thù địch; do cả những thiếu sót, khuyết điểm của chúng ta trong lãnh đạo, quản lý, trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; do một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức lối sống… đã tác động xấu đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác vận động quần chúng. Có thể nói những biểu hiện tiêu cực đó đã và đang xói mòn mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Một chủ trương, nghị quyết đề ra là đúng đắnnhưng phải làm sao cho nhân dân hiểu, thấm nhuần, biến thành ý chí và hành động thì chủ trương, nghị quyết ấy mới thực sự đi vào cuộc sống. Khi đã có được niềm tin và sự ủng hộ của quần chúng thì đó chính là cội nguồn của sức mạnh, là cái gốc của mọi thắng lợi.Trong quá trình thực hiện công tác vận động quần chúng không phải mọi lúc, mọi nơi vấn đề này đều được nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức. Từ thực tiễncông tác dân vận của Đảng cho thấy, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới thì trước hết các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốcvà các đoàn thể nhân dân phải nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò của công tác dân vận.

Cấp ủy Đảng một mặt cần trực tiếp làm tốt việc xây dựng chương trình công tác dân vận cho toàn khóavà cụ thể từng năm, mặt khác phảithường xuyên gắn công tác dân vận với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tăng cường lãnh đạo chính quyền cụ thể hóacác Nghị quyết dân vận của Đảng thành các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng thực hiện tốt quy chế dân chủ, tổ chức tốt việc tiếp dân; giải quyết khiếu kiện kịp thời, đúng phát luật. Xây dựng, thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt động với Mặt trận Tổ quốc,các đoàn thể. Mặt trận, các đoàn thể xây dựng các mô hình mới, kịp thời chỉ đạo tổng kết, rút kinh nghiệm.

Thứ ba, hết sức coi trọng việc tập hợp nhân dân vào các tổ chức, hội quần chúng và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể đáp ứng đòi hỏi của thực tiễnĐảng ta chỉ rõ: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền lợi hợp pháp và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng thành hoạt động thực tiễn sinh động trong cuộc sống của nhân dân.

Công tác dân vận là nhiệm vụ chiến lược, phải được tiến hành thường xuyên trong mọi hoàn cảnh, mọi địa bàn, đối với tất cả các tầng lớp nhân dân. Nội dung, phương thức vận động nhân dân phải xuất phát và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng; với đặc điểm, lợi ích, trình độ và khả năng của mỗi giai cấp, tầng lớp xã hội. Phải khơi dậy phong trào cách mạng của quần chúng để thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, chính sách và cũng từ phong trào quần chúng mà Đảng, Nhà nước kiểm định lại chủ trương, đường lối, chính sách.

Cơ cấu giai tầngtrong xã hội có sự biến đổi mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượngcùng với quá trình đô thị hóa và CNH, HĐH; cơ cấu dân cư cũng có những thay đổilớn. Giai cấp nông dân có xu hướng giảm dần trong khi giai cấp công nhânngày càng tăng nhanh, nhất là trong cácloại hình doanh nghiệp tư nhân, liên doanh với nước ngoài, các ngành dịch vụ, du lịch. Đội ngũ trí thức ngày càng trở nên đông đảo, trình độ không ngừng nâng cao. Từ thực tế đó phải có nhiều hình thức mới phù hợp nhằm tập hợp các đối tượng thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hội quần chúng… với phương châm tự nguyện và vì lợi ích thiết thân của họ.

Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong những năm đổi mới được cải thiện và nâng lên rõ rệt, song nhìn chung đời sống nhân dân nhất là vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiềukhó khăn. Sự phân hóa giàu nghèo diễn ra mạnh mẽ không chỉ ở nông thôn -thành thị, đồng bằng -miền núi mà diễn ra ngay trong nội bộ Đảng, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước. Sự chênh lệch về mức sống và chất lượng cuộc sống của các tầng lớp dân cư khá rõ nét. Điều đó tác động không nhỏtới tư tưởng, tâm trạngcủa quần chúng. Vì vậy, các hình thức, phương pháp công tác dân vận phải đa dạng, phong phú, phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện đối tượng cụ thể, với nhiều cấp độ khác nhau để tập hợp mọi đối tượngquần chúng, tạo ra các phong trào thi đua trong nhân dân. Có như vậy mới phát huy được khả năng sáng tạo phong phú của nhân dân trongsự nghiệp CNH, HĐH cũng nhưxây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận, đoàn thểphải nắm chắc chủ trương, nghị quyết của Đảng,bám sát đối tượng, địa bàn, nắm chắc tâm tư, tình cảm của nhân dân, đối thoại trực tiếp với dân, nhất là những vấn đề liên quan mật thiết tới đời sống, lợi ích của nhân dân. Đồng thời, thông qua triển khai nghị quyết có thể lắng nghe phản hồi từ cuộc sống, tổng kết sáng kiến của nhân dân để nghị quyết không rơi vào lý thuyết, giáo điều mà thực sự sát với nguyện vọng của nhân dân và nhu cầu của cuộc sống.

Hướng đổi mới là đa dạng hóanội dung, phương thức hoạt động để tập hợp quần chúng, các đoàn thể cần hướng mạnh về cơ sở, sát đoàn viên, hội viênvà quần chúng, khắc phục lối làm việc hành chính, hình thức. Gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị với chăm lo lợi ích, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân làchất keo gắn kết đoàn viên, hội viên với tổ chức. Tăng cường giáo dụcđoàn viên, hội viên tự giác chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nghị quyết và điều lệ hội. Xây dựng Mặt trận, các đoàn thể vững mạnh,là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và chính quyền.

Thứ gắn chặt công tác dân vận với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyềntrong sạch, vững mạnh. “Lịch sử công tác dân vận của Đảng đã chứng minh, công tác dân vận thực sự góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Chỉ dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, thì Nhà nước mới phát huy được bản chất cách mạng, hiệu lực quản lý, nhân dân mới thực hiện được quyền làm chủ của mình. Để thực hiện được như vậy, cả hệ thống chính trị phải trong sạch, vững mạnh, trong một cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”(4).

Trong nền kinh tế thị trường, những nguy cơ mới xuất hiện là tệ quan liêu, xa dân trong bộ máy Đảng; tệ tham nhũng, lãng phí, mệnh lệnh hành chính, vi phạm dân chủ trong bộ máy chính quyền; tổ chức, hoạt động của các đoàn thể bị hành chính hóa. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tách rời công tác dân vận, mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân bị giảm sút nghiêm trọng. Do đó, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh phải gắn chặt với việc đổi mới công tác dân vận, củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Hàng năm, các cấp ủy có chương trình công tác dân vận, tổ chức phối hợp, kiểm tra và kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong nhân dân. Giới thiệucấp ủy viên có phẩm chất,năng lực và uy tín sang phụ trách công tác dân vận, mặt trận, đoàn thể. Lãnh đạo cấp ủy cần có kế hoạch phân công cán bộ đi cơ sở, định thời gian tổ chức đối thoại với nhân dân. Thông qua các kênh khác nhau kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm trạng, những khó khăn, bức xúc của nhân dân, để có hướng giải quyết kịp thời. Cuối mỗi năm hay trước kỳ Đại hội Đảng cần tổ chức lấy ý kiến quần chúng đóng góp vào báo cáo đánh giá, kiểm điểm và phương hướng nhiệm vụ; tổ chức góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên qua đó nắm rõ hơn đội ngũ cán bộ và chuẩn bị nhân sự cho đại hội sẽ đúng và trúng.

Mặt khác, cần nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính quyền đối với công tác dân vận. Các ban,ngành,chính quyền các cấp thực hiện cơ chế đảm bảo cho nhân dân và các đoàn thể tham gia ý kiến xây dựng pháp luật và các chế độ chính sách có quan hệ trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ, lợi ích của nhân dân trước khi quyết định. Thể chế hóa thành quy chế cụ thể thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ở các loại hình cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; công bố các quy chế về trách nhiệm phục vụ nhân dânvà làm dân vận theo chức tráchcủa cán bộ, côngchức; kiên quyết chống tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, gây phiền hà, ức hiếp dân.

Đồng thời, chính quyền các cấpcần xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp hoạt độngvới Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách,pháp luật của Nhà nước, các quy định của chính quyền; tổ chức các phong trào thi đuatrong nhân dâncùng chăm lo đời sống và giải quyết các vấn đề đặt ra. Sự phối kết hợp hoạt động này không những nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể mà nó còn góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc mà nhân dân đặt ra, góp phần xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh.

Thứ năm, thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận, đoàn thể ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụCán bộ dân vận là những người trực tiếp tham gia làm công tác vận động quần chúng, tham mưu giúp cấp uỷ đề ra chủ trương, đường lối cũng như kiểm tra, giám sát việc thực hiện lĩnh vực công tác này. Như vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có quan hệ hữu cơ, mật thiết đối với hiệu quả công tác dân vận. Chăm lo đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận là khâu quan trọng quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác vận động quần chúngcủa các cấp ủy Đảng.

Người làm công tác dân vận phải thuấn nhuần và thực hành phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân  nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. “Trọng dân” là cái gốc trong phong cách của người cán bộ nói chung và của cán bộ dân vận nói riêng. Quan điểm này xuất phát từ tư tưởng “lấy dân làm gốc” và “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Có trọng dân thì người cán bộ mới cống hiến hết mình vì lợi ích của nhân dân, là đầy tớ của nhân dân. “Gần dân” là điều kiện cần của cán bộ làmcông tác dân vận. Có gần dân thì cán bộ mới hiểu được cuộc sống, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân và tham mưu hiệu quả cho cấp ủy Đảng, chính quyền những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Muốn “học dân” thì người cán bộ phải hết sức khiêm tốn, cầu thị, biết lắng nghe để học hỏi những kinh nghiệm từ nhân dân bởi chính nhân dân là chủ thể sáng tạo nên lịch sử. Người cán bộ dân vận tốt phải đến với dân bằng sự chân thành, lòng nhiệt huyết, có trách nhiệm với dân, mọi việc đều vì hạnh phúc của dân, việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì cương quyết tránh. Người cán bộ trọng dân, gần dân, có tác phong gương mẫu trong hành động thì chắc chắn sẽ được dân tin, dân ủng hộ để hoàn thành tốt công việc. Cán bộ dân vận phải là cầu nối giữa Đảng, Chính quyền với nhân dân, là người tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để dân hiểu và thực hiện.

Nhìn vào thực tế cho thấy, biên chế, chất lượng cán bộ làm công tác dân vận ở nhiều địa phương còn hạn chế và bất cập. Chưa có những chính sách thích hợp để thu hút nhiều cán bộ giỏi tham gia lĩnh vực công tác này.Việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải gắn liền, đi đôi với xây dựng, củng cố, kiện toàn Ban Dân vận và các tổ chức làm công tác dân vận. Cùng với xây dựng và sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ, phải quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách; phong cách, phương thức làm việc; chăm lo, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác này có cơ hội phấn đấu, trưởng thành. Phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận hội đủ phẩm chất của người cán bộ cách mạng, trở thành người lãnh đạo, định hướng quần chúng, tổ chức điều hành công việc, là hạt nhân của tổ chức và nòng cốt của phong trào.

Công tác dân vận trong tình hình mới đòi hỏi người cán bộ dân vận không những có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, hiểu biết mà còn phải được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡngvề chuyên môn, nghiệp vụ. Họ phải được rèn luyện và trưởng thành từ phong trào quần chúng và được quần chúng tín nhiệm; thường xuyên gần gũi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, nhạy cảm với những vấn đề mới phát sinh, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết thấu tình đạt lý ngay từ cơ sở. Cán bộ dân vận còn nắm vững chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước;hiểu biết lịch sử, văn hóa, truyền thống địa phương;có năng lực nghiệp vụ vận động quần chúng, có tác phong hoà đồng với nhân dân.

Các cấp ủyĐảng phảithường xuyênchăm lo củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận, đoàn thể. Thực hiện tốt hơn nữa việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng và có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ làm công tác dân vận; tăng cường tập huấn,bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác dân vận các cấp.

________________

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 700, 453.

(3) Sđd, t.12, tr. 698.

(4) Ban Dân vận Trung ương: Lịch sử công tác dân vận của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 692.

                                                                                                                      

TS Bùi Thị Hồng Thúy

Học viện Ngân hàng

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền