Trang chủ    Diễn đàn    Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay
Thứ năm, 24 Tháng 5 2018 16:42
7798 Lượt xem

Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay

(LLCT) - Tâm lý tiểu nông là một trong những nguyên nhân dẫn tới hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ hiện nay. Những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông là thiển cận, cục bộ địa phương, dòng họ, tùy tiện, vô nguyên tắc... Do vậy, cần có các giải pháp khắc phục những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong công tác cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”(1). Hiện nay, nếu xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt vì chất lượng của công tác cán bộ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ cán bộ. Để nâng cao chất lượng công tác cán bộ, người tham gia vào công tác cán bộ phải có trí tuệ, công tâm, khách quan “càng ít khuyết điểm thì xem xét cán bộ càng đúng”(2). Tuy nhiên, thời gian qua “Nhiều khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ chậm được khắc phục”(3). Một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong những người tham gia vào công tác cán bộ. Do đó, nhận diện đúng những ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông trong công tác cán bộ để có những giải pháp khắc phục hiệu quả là rất cần thiết trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

1. Biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông

Tâm lý tiểu nông là các hiện tượng ý thức, như: tình cảm, mong muốn, ý chí, thói quen, tâm trạng... của con người được nảy sinh trực tiếp trên nền tảng kinh tế là sản xuất nông nghiệp nhỏ. Bên cạnh những biểu hiện tích cực, tâm lý tiểu nông cũng có những biểu hiện tiêu cực:

Tâm lý tư lợi,chỉ lo việc của cá nhân mình theo kiểu “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “việc ai người ấy lo, bè ai người ấy chống”, lo vun vén cho cá nhân, không quan tâm đến những người xung quanh. Người có tâm lý tiểu nông thường tủn mủn, vụn vặt, chỉ tính đến cái ăn ngay, trước mắt theo kiểu “được đâu hay đó”. Kiểu thu vén của người tiểu nông là “rất nhỏ nhen, đôi khi đến khó coi, bần tiện theo kiểu “sển nồi vơ rế”, “hết nạc thì vạc đến xương”(4).

Nếp nghĩ theo kinh nghiệm, tính bảo thủ, ngại thay đổi, tầm nhìn thiển cận.Nền sản xuất tiểu nông với những công cụ, cách thức mà thế hệ trước từng làm; lặp đi, lặp lại theo chu kỳ mùa vụ, với những giống cây con có sẵn, quen thuộc khiến người nông dân sản xuất nhỏ không cần phải trăn trở, suy tư. Họ chỉ cần nắm vững những kinh nghiệm cha ông truyền lại là tiếp tục duy trì sản xuất và đời sống. Từ đó, dần dần tạo nên tâm lý suy nghĩ và hành động theo kinh nghiệm, bảo thủ, ngại thay đổi, nhất là những thay đổi đột ngột; không dám thử nghiệm và sáng tạo cái mới. Chính điều kiện sản xuất và sinh hoạt khiến người nông dân sản xuất nhỏ có tầm nhìn thiển cận, không có tầm nhìn xa, thường chỉ thấy những cái trước mắt hoặc những cái xảy ra trong tương lai gần.

Tâm lý phụ thuộc cộng đồng, hành động, không dám thể hiện chính kiến, quan điểm riêng, phụ thuộc vào dư luận. Người mang tâm lý tiểu nông sợ dư luận, không dám hành động theo ý muốn của chính mình, luôn làm theo đa số, hành động không dựa theo điều kiện thực tế của bản thân. Đây là nguồn gốc của tâm lý dựa dẫm, ỷ lại vào cộng đồng, tập thể, không dám chịu trách nhiệm “Cha chung không ai khóc, lắm sãi không ai đóng cửa chùa”.

Sự tùy tiện, vô nguyên tắc, ý thức kỷ luật kém, trọng lệ hơn luật, trọng tình hơn lý.  Do tính độc lập của sản xuất nông nghiệp nhỏ khiến người nông dân có tâm lý tuỳ tiện, ý thức kỷ luật kém, việc hôm nay để ngày mai. Không gian làng xã có tính chất khép kín, người nông dân cả đời nếu không có biến cố, có thể không rời khỏi luỹ tre làng, họ chỉ biết có lệ làng. Hơn nữa, mối quan hệ giữa những người trong làng là hàng xóm, họ hàng nên chủ yếu đối xử với nhau bằng tình cảm, dẫn tới tâm lý trọng lệ hơn luật, trọng tình hơn lý.

Tâm lý thụ động, cầu an. Tâm lý này khiến họ bằng lòng, yên phận với những gì đã có, thiếu năng động, sáng tạo trong thực hiện, trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Tâm lý cục bộ, địa phương, dòng họ. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” trở thành phương châm ứng xử của người dân trong làng. Sự cố kết trong các dòng họ, nếu đẩy tới quá mức, sẽ trở thành tư tưởng bè phái, phe cánh. Cùng với đó, tính khép kín, biệt lập của làng dẫn tới tâm lý cục bộ, địa phương theo kiểu “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”.

Tâm lý bình quân chủ nghĩa.“Xấu đều hơn tốt lỏi”, “chết một đống còn hơn sống một người”, thà chấp nhận khốn khổ chung chứ không muốn một cái gì, người nào đột xuất vượt trội hơn cộng đồng, không muốn người khác hơn mình, hưởng thụ hơn mình; níu kéo những cá nhân muốn vươn lên, muốn khẳng định mình là quan niệm phổ biến.

2. Biểu hiện của tâm lý tiểu nông trong công tác cán bộ

Tâm lý tiểu nông ảnh hưởng đến tất cả các khâu của công tác cán bộ, trong đó thể hiện nổi bật ở một số khâu đoạn sau:

Thứ nhất, trong công tác đánh giá, kỷ luật và khen thưởng cán bộ

Đánh giá cán bộ đúng “một mặt tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác những người hủ hóa cũng sẽ lòi ra”(5). Người tham gia vào đánh giá cán bộ có tâm lý tiểu nông giống như người đeo kính có màu, không nhận ra được sự thật, dẫn tới làm sai lệch công tác đánh giá cán bộ. Những biểu hiện của tâm lý tiểu nông trong công tác đánh giá cán bộ được Đảng ta khẳng định: “Đánh giá cán bộ vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng được thực chất cán bộ; chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá cán bộ; còn cảm tính, hình thức, xuê xoa, chiếu lệ; thiếu tính chiến đấu, thiếu tinh thần xây dựng trong đánh giá cán bộ”(6). Do tầm nhìn thiển cận nên đánh giá cán bộ phiến diện, có trường hợp đánh giá cán bộ chỉ qua biểu hiện bề ngoài hoặc thông qua bằng cấp, học hàm, học vị mà không xem xét kiến thức và năng lực cán bộ trong công việc thực tiễn. Tâm lý họ hàng, cục bộ, địa phương cùng với tâm lý trọng lệ hơn luật, trọng tình hơn lý dẫn tới đánh giá cán bộ thiếu khách quan, theo tình cảm cá nhân, chủ quan “yêu nên tốt, ghét nên xấu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra: “Kéo bè kéo cánh lại là một bệnh rất nguy hiểm nữa. Từ bè phái mà đi đến chia rẽ. Ai hợp với mình thì dù xấu cũng cho là tốt, dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Bệnh này rất tai hại cho Đảng. Nó làm hại đến sự thống nhất. Nó làm Đảng bớt nhân tài và không thực hành đầy đủ chính sách của mình”(7). Thậm chí, dẫn tới bao che, dung túng khuyết điểm cho nhau của những người cùng cánh. Thí dụ như: trường hợp đánh giá cán bộ đối với Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Huy Hoàng “mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016... Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của PVC và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh...”(8).

Cùng với đó, do tâm lý tư lợi cá nhân, an phận, không muốn người khác chỉ ra khuyết điểm của mình, nhiều cán bộ không dám nói thẳng những khuyết điểm của người khác, dẫn tới việc bao che cho cái xấu. Tâm lý bình quân dẫn tới sự ghen ghét, đố kỵ, không chấp nhận người khác hơn mình một cách chính đáng; đánh giá con người, công việc không khách quan, hẹp hòi; không muốn nhận xét, đánh giá tốt về người khác.

Thứ hai, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Việc hạn chế tầm nhìn sẽ làm cho kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không có tính chiến lược, chắp vá, không dựa trên nhu cầu thực tế, bảo đảm yêu cầu trước mắt và lâu dài. Do tâm lý bình quân chủ nghĩa, không muốn người khác hơn mình, đặc biệt là không muốn nhân viên giỏi hơn lãnh đạo nên ở một số cơ quan, lãnh đạo không muốn cử cán bộ đi học ở trình độ cao. Nếp suy nghĩ theo kinh nghiệm, tâm lý an phận khiến nhiều cán bộ làm việc theo kinh nghiệm cũ đã tích luỹ và học tập được, bằng lòng với những kiến thức đã có, không muốn hoặc ngại đi học.

Thứ ba, trong công tác bố trí sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ

Tâm lý họ hàng, địa phương, cục bộ trong sử dụng, bổ nhiệm cán bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra là “ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài”(9). Cộng với tâm lý trọng lệ hơn luật, coi thường pháp luật, việc bổ nhiệm người nhà, người cùng vây cánh, hợp với mình khi chưa đủ tiêu chuẩn, không xứng đáng bằng người khác khá phổ biến. Thời gian qua, có “một bộ phận không nhỏ” người có quyền lực bổ nhiệm người thân trong gia đình, dòng họ, quê hương... Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra (theo phản ánh của báo chí) từ ngày 31-10 đến 3-11-2016, số người nhà của một số lãnh đạo tại 9 địa phương là 60 người. Trong đó, số người có quan hệ ruột thịt là 18 (có chức vụ 15 người, không có chức vụ 3 người); số người nhà có quan hệ họ hàng là 40 (có chức vụ 22 người, không có chức vụ 18 người)(10). Tâm lý cục bộ, địa phương còn gây cản trở cho công tác luân chuyển cán bộ. Cán bộ được luân chuyển từ địa phương này đến địa phương khác không được hợp tác, ủng hộ, tạo điều kiện làm việc.

Tâm lý tư lợi thể hiện sẵn sàng bổ nhiệm những người không đủ năng lực, phẩm chất để thu lợi cho cá nhân người có quyền. Từ đó, dẫn tới hiện tượng chạy chức, chạy quyền mà Đảng ta đã thừa nhận. Tâm lý tư lợi dẫn tới việc lợi dụng luân chuyển để thực hiện các mục tiêu cá nhân, như: đẩy người trung thực, thẳng thắn đi nơi khác để tránh việc họ giám sát, tố cáo các khuyết điểm của mình hoặc đưa những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút không có triển vọng đi nơi khác ở chức vụ tương đương, thậm chí cao hơn.

Tâm lý bình quân chủ nghĩa, không thích người khác hơn mình dẫn tới trường hợp nhiều cán bộ hiền lành, năng lực và phẩm chất bình bình thì được lựa chọn giữ vị trí lãnh đạo, quản lý còn những người có năng lực thực sự vì nhiều lý do lại không được lựa chọn. Do tâm lý ghen ghét, đố kỵ, trước khi bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, nhiều người cố tình tung tin sai sự thật... làm mất cơ hội đề bạt cán bộ của những người có năng lực thực sự.

3. Giải pháp khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong công tác cán bộ

Thứ nhất, cụ thể hóa, hoàn thiện các quy định, quy trình trong công tác cán bộ

Các quy định về tiêu chuẩn trong đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ còn chung chung, có thể hiểu thế nào cũng được đã tạo kẽ hở để “vận dụng” tùy tiện, làm cho tâm lý họ hàng địa phương, cục bộ, tâm lý tư lợi, bình quân chủ nghĩa có điều kiện phát triển. Điều này đã được Đảng ta khẳng định “chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ...chưa góp phần đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; chưa thể hiện rõ vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng cũng như trong công tác cán bộ”(11). Vì vậy, phải thực hiện quy chế hóa trong công tác cán bộ, xây dựng, ban hành và thực thi các quy chế, quy định rõ ràng, cụ thể không chỉ định tính mà phải định lượng, chặt chẽ trong từng khâu.

Thứ hai, công khai, minh bạch, dân chủ hoá trong công tác cán bộ

Dân chủ hóa trong công tác cán bộ đòi hỏi phát huy trí tuệ tập thể, sự tham gia của nhiều người vào các khâu của công tác cán bộ; tăng quyền của cấp dưới, người dân trong công tác cán bộ. Nhờ đó sẽ có cách nhìn toàn diện, bao quát, khắc phục được cái nhìn manh mún, hạn hẹp, thiển cận của tâm lý tiểu nông trong công tác cán bộ. Đồng thời, thực hiện dân chủ hóa trong công tác cán bộ sẽ tránh được độc đoán chuyên quyền của người đứng đầu; khắc phục được ý chí chủ quan, cảm tính và những biểu hiện họ hàng, cục bộ địa phương, tư lợi cá nhân, bình quân chủ nghĩa trong công tác cán bộ.

Thứ ba, tăng cường chế độ trách nhiệm trong công tác cán bộ

Để cho người có trách nhiệm trong công tác cán bộ sợ không dám mắc sai phạm, trong công tác cán bộ thì phải quy định rõ, cụ thể quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể. Trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý không đề xuất, bồi dưỡng được cán bộ dự nguồn để bổ nhiệm cũng như đề xuất, bổ nhiệm không đúng gây hậu quả xấu phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần có chế tài đối với từng sai phạm trong công tác cán bộ, đặc biệt, “Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương”(12). Chế tài đối với các sai phạm phải thật công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng trách nhiệm.

Thứ tư, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao ý thức của người tham gia vào công tác cán bộ theo hướng khắc phục tâm lý tiểu nông

Cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia vào công tác cán bộ đối với Đảng và đất nước; công tác cán bộ. Toàn bộ công việc của công tác cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị chung của Đảng và đất nước, vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Khi họ thực sự nhận thức được và có trách nhiệm thì sẽ dần khắc phục được biểu hiện của tâm lý tiểu nông trong công tác cán bộ. Đồng thời, khắc phục tâm lý tiểu nông thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, cần tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ vì người có đạo đức cách mạng vì dân, vì nước sẽ dần loại bỏ được tâm lý tiểu nông. Cần đổi mới phương pháp, tăng cường trao đổi, đối thoại, tranh luận trong đào tạo - bồi dưỡng để phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, tránh sự thụ động, ỷ lại.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ cần kết hợp cả giám sát bên trong (bản thân từng cấp uỷ kiểm điểm, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ của mình, sự giám sát của cấp uỷ cấp trên) cùng với giám sát bên ngoài (sự kiểm tra, giám sát của cán bộ, nhân dân, báo chí, dư luận xã hội đối với công tác cán bộ). Vì vậy, cần xây dựng chế độ tự kiểm điểm thường xuyên, định kỳ của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức trong công tác cán bộ để sớm ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong công tác cán bộ của Đảng ta thời gian qua chưa được ngăn chặn hiệu quả một phần do những hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ chưa thường xuyên, kịp thời. Nhiều sai phạm trong công tác cán bộ khá rõ nhưng mới chỉ dừng ở dư luận xã hội, khi có đơn thư tố giác mới kiểm tra, không xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm. Do đó, cấp ủy cấp trên cần chủ động trong thực hiện kiểm tra, giám sát công tác cán bộ cùng với việc tăng cường hình thức và cơ chế để nhân dân tố giác, tố cáo các sai phạm trong công tác cán bộ, bảo vệ người tố cáo.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên là yêu cầu cấp bách hiện nay nhằm khắc phục những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong công tác cán bộ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ, công tác xây dựng Đảng.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

(1), (2), (5), (7), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.313, 277, 2747, 257, 279.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.271.

(4) Nguyễn Quang Du: Ý thức nông dân trong cán bộ đảng viên miền Bắc Việt Nam - những đặc trưng chủ yếu, Luận án Phó tiến sĩ Triết học, Hà Nội, 1994, tr 50-51.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.212-213.

(8) Thông báo về nội dung Kỳ họp thứ VII ngày 24-10-2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

(10) http:petrotimes.vn

(11) ĐCSVN: Văn kiện hội nghị Trung ương 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.22.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.262.

 

ThS Hà Thị Thùy Dương

Học viện Chính trị Khu vực IV

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền