Trang chủ    Diễn đàn    Đấu tranh phòng, chống tội phạm phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay
Thứ hai, 28 Tháng 5 2018 11:29
7063 Lượt xem

Đấu tranh phòng, chống tội phạm phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Trong những năm qua, tội phạm phi truyền thống (TPPTT) đã nảy sinh, phát triển, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, một số loại hình TPPTT ở nước ta có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở phân tích, làm rõ các khái niệm, đặc điểm, thực trạng của TPPTT ở Việt Nam hiện nay, bài viết đề xuất một số khuyến nghị về giải pháp để phòng, chống, góp phần phát triển xã hội bền vững.

1. Quan niệm về tội phạm phi truyền thống

Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, thế giới bước vào giai đoạn phát triển mới với sự phát triển của nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Cùng với sự biến đổi về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh truyền thống (ANTT) chuyển dần thành an ninh phi truyền thống (ANPTT). Một số loại tội phạm mới - tội phạm phi truyền thống (TPPTT) cũng nảy sinh, phát triển và diễn biến phức tạp ở mỗi quốc gia, khu vực và trên toàn cầu. Với những phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội mới, tinh vi, có tổ chức, xuyên quốc gia, TPPTT đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc; chúng hoạt động không theo quy luật truyền thống mà theo những cách thức phi truyền thống.

Việt Nam tuy là nước đang phát triển, đang hội nhập, song cũng đã nhanh chóng đối diện với nhiều vấn đề thuộc ANPTT và TPPTT. Trong khi đó, quan niệm về ANPTT và TPPTT thì ngay cả thế giới lẫn Việt Nam cũng đang còn nhiều ý kiến khác nhau.

Theo nhiều nhà nghiên cứu quốc tế, TPPTT là khái niệm mới xuất hiện trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. TPPTT thường được hiểu như những tội phạm mới xuất hiện hoặc những tội phạm cũ nhưng phương thức, thủ đoạn thực hiện mới. Những tội phạm này thường gắn nhiều với việc sử dụng những phương tiện, công cụ của thời kỳ kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Phạm vi hoạt động của tội phạm thường có tính liên quốc gia, quốc tế. Hậu quả của các tội phạm này thường lớn, ảnh hưởng đến cả kinh tế, xã hội của không chỉ một nước mà cả một vùng, một khu vực hay toàn cầu.

Hiện tại, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, TPPTT thường được phân chia thành các loại sau:

(1) Tội phạm công nghệ cao;

(2) Tội phạm ma túy xuyên quốc gia,

(3) Tội pham rửa tiền, lưu hành tiền giả, kinh doanh trái phép;

(4) Tội phạm buôn bán người và nội tạng người;

(5) Tội phạm về môi trường (bao gồm cả tội phạm làm lây lan các dịch bệnh cho người và gia súc);

(6) Tội phạm khủng bố;

(7) Tội phạm cướp biển và làm mất an ninh hàng hải.

Hiện nay, TPPTT ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Chúng liên kết thành các băng nhóm, đường dây hoạt động phạm tội có tổ chức, có sự liên kết, móc nối nhau, hình thành các băng, nhóm tội phạm xuyên quốc gia.

Trong quá trình mở cửa, đổi mới, hội nhập quốc tế, các TPPTT đã nảy sinh, phát triển dưới tác động của các tội phạm tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế và gian lận thương mại sẽ càng làm cho các TPPTT này diễn biến phức tạp hơn, khó phòng, chống hơn. Trên lĩnh vực kinh tế, các hành vi phạm tội có tính phi truyền thống đang diễn ra với  nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn, có tính xuyên quốc gia nhiều hơn. Bọn tội phạm thường tạo sự thông đồng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước với sự tiếp tay của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước để phạm tội. Đây chính là yếu tố gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống TPPTT hiện nay trên cả thế giới và ở Việt Nam.

2. Đặc điểm tội phạm phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay

Phân tích về điều kiện, hoàn cảnh, về đối tượng phạm tội, về nguyên nhân nảy sinh và kết quả đấu tranh phòng, chống TPPTT, có thể khái quát đặc trưng của TPPTT ở Việt Nam hiện nay như sau:

Một là, người phạm tội trong các TPPTT thường là những người nắm tri thức khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế, chúng thường lợi dụng các phương tiện công nghệ cao, mạng thông tin hiện đại để tiến hành các hoạt động tội phạm. Ví dụ, sử dụng công nghệ cao để trộm cắp, lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; trộm cắp cước viễn thông quốc tế; sử dụng công nghệ thông tin để đánh bạc, cá độ bóng đá hoặc giao dịch mua bán ma túy, buôn bán người, nội tạng người và rửa tiền... Sử dụng công nghệ cao để thâm nhập các mạng thông tin và hệ thống quản lý nhằm làm rối loạn các thông tin, lợi dụng các tên miền đã được đăng ký, thực hiện các âm mưu phá hoại về kinh tế, xã hội thậm chí cả chính trị, quân sự...

Hai là, phương thức, thủ đoạn mà TPPTT sử dụng vẫn là lợi dụng hệ thống các phương tiện công nghệ cao để tiếp cận các công dân nhằm thực hiện hành vi phạm tội. Không gian mà bọn tội phạm hoạt động nhiều khi chỉ là không gian ảo. Việc tiếp xúc trực tiếp thường ít xảy ra. Chân dung của kẻ phạm tội nhiều khi không rõ ràng. Vì vậy, việc đấu tranh phòng, chống là không hề đơn giản. Những chứng cứ, vật chứng, chứng minh hành vi phạm tội của tội phạm, nhiều khi chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn, bị che dấu bởi nhiều sự kiện, hiện tượng khác, nhất là khi chúng được mã hóa bằng những chương trình công nghệ cao khác nhau.

Ba là, TPPTT là những tội phạm mới hoặc tội phạm cũ nhưng phương thức thủ đoạn mới. Hành vi phạm tội của những tội phạm này hầu như chưa được quy định cụ thể trong Luật Hình sự. Do vậy, việc xác định tội danh, khung hình phạt và nhiều vấn đề khác liên quan đến quá trình điều tra, tố tụng, xét xử đang là vấn đề gây không ít khó khăn, trở ngại hiện nay. Do vậy, cần phải tiến hành nghiên cứu, nhận diện và đấu tranh phòng, chống trong giai đoạn hiện nay.

Bốn là, trong điều kiện thế giới “Phẳng”, TPPTT thường diễn ra trên nhiều quốc gia, khu vực, thậm chí liên lục địa. Người phạm tội cũng mang nhiều quốc tịch khác nhau. Hậu quả kinh tế, xã hội của TPPTT, vì vậy, không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà thường là trên phạm vi nhiều quốc gia. Đấu tranh phòng, chống TPPTT phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng trong nhiều cấp, nhiều ngành ở nhiều quốc gia, khu vực, mà vai trò của Interpol là cực kỳ quan trọng.

Năm là, ở Việt Nam, trình độ phát triển kinh tế, xã hội còn nhiều yếu kem. Mở cửa, phát triển kinh tế thị trường mới được vài thập kỷ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phát triển kinh tế - xã hội và cho bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia còn thấp; quản lý, sử dụng còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất. Hiệu quả sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện có cũng chưa cao. Điều này đã hạn chế không ít tới cuộc đấu tranh phòng, chống TPPTT.

3. Đấu tranh phòng, chống một số loại tội phạm phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay

Hiện tại ở Việt Nam, đã xuất hiện hầu hết các loại TPPTT, cuộc đấu tranh phòng, chống các loại TPPTT, có thể được khái quát như sau:

Thứ nhất, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao

Tội phạm sử dụng công nghệ cao (TPSDCNC) được hiểu là loại hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý bằng việc sử dụng tri thức, kỹ năng, công cụ, phương tiện công nghệ thông tin, truyền thông ở trình độ cao, xâm phạm đến trật tự an ninh, an toàn thông tin, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Phương thức hoạt động của TPSDCNC là chúng thườngtấn công  các loại thiết bị kỹ thuật số, mạng máy tính, mạng viễn thông bằng cách phát tán virus, spyware, worm, spam; truy cập trái phép vào hệ thống máy tính, cơ sở dữ liệu; phá hoại dữ liệu, trộm cắp dữ liệu, tấn công từ chối dịch vụ DOS-BOTNET; tấn công chiếm đoạt tên miền, cản trở hoạt động của mạng máy tính, sử dụng trái phép dữ liệu, đưa thông tin trái phép lên mạng, điều khiển bí mật, bất hợp pháp máy tính, mạng máy tính; sử dụng máy tính làm công cụ để lừađảo qua mạng, trộm cắp tiền từ thẻ tín dụng, đánh bạc, buôn bán ma túy qua mạng, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, rửa tiền và xâm phạm sở hữu trí tuệ qua mạng.

Hậu quả của TPSDCNC là rất lớn cả về kinh tế, chính trị và an ninh, quốc phòng. Phòng, chống TPSDCNC đang đứng trước nhiều khó khăn, tháchthức. Đây là lý do mà đề tài coi đấu tranh phòng, chống TPSDCNC là một trong những vấn đề cần được đặc biệt quan tâm hiện nay.

Thứ hai, phòng, chống tội phạm rửa tiền, lưu hành tiền giả và kinh doanh trái luật.

Rửa tiền, lưu hành tiền giả và kinh doanh tráiphápluật là loại TPPTT đang có nguy cơ phát triển và gây hậu quả khôn lường ở Việt Nam hiện nay. Lý do khiến những loại tội phạm này phát triển vì Việt Nam là thị trường mới nổi; nền kinh tế đang cần rất nhiềunguồnvốn đầu tư; hệ thống luật pháp lại chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; cơ chế quản lý kinh tế và quản lý xã hội còn khá bất cập so với yêu cầu phát triển của thị trường; tình trạng cửa quyền, quan liêu và đặc biệt nạn tham nhũng chưa được khắc phục một cách hiệu quả. Mở của, đổi mới khiến tội phạm quốc tế xâm nhập, chúng lợi dụng tình trạng quản lý còn lỏng lẻo trong một số khâu để hoạt động. Đấy là chưa kể các thế lực thù địch tiến hành các hoạt động phá hoại như in và lưu hành tiền giả nhằm làm suy yếu kinh tế Việt Nam.

Hiện tại, cuộc đấu tranh chống tội phạm rửa tiền, lưu hành tiền giả và kinh doanh trái pháp luật đang diễn ra rất quyết liệt, khó khăn. Nhiều tội phạm là người nước ngoài, thậm chí do các thế lực thù địch tiến hành để phá hoại nền kinh tế Việt Nam. Để phòng, chống các loại tội phạm này, trước hết phải hoàn chỉnh hệ thống luật pháp; phải thực hiện nghiêm các luật đầu tư, kinh doanh, luật xuất nhập khẩu; luật hải quan; luật về thuế; phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng. Chính các tệ nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng là mảnh đất màu mỡ cho các loại tội phạm này nảy sinh, phát triển.

Thứ ba, phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia

Ma túy là loại tội phạm nguy hiểm với từng quốc gia và cho cả nhân loại. Tội phạm ma túy (TPMT) đang phát triển và gây ra nhiều hậu quả khôn lường ở Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 200 nghìn người nghiện ma túy. Số người phạm tội do ma túy hoặc có liên quan đến ma túy chiếm tới 70% số tội phạm trong các trại giam. Số vụ buôn bán, vận chuyển lớn ma túy ngày càng gia tăng, có vụ phát hiện tới 2,4 tạ ma túy. Hậu quả của TPMT rất to lớn, nặng nề về cả kinh tế, xã hội và chính trị. Phòng, chống TPMT đang là nhiệm vụ xã hội cấp thiết.

Để phòng, chống TPMT hiệu quả, cần phải thực hiện cuộc đấu tranh trên cả ba lĩnh vực: Giảm cung, giảm cầu và giảm hại. Trong đó, để giảm cung, phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quốc tế nhằm ngăn chặn các con đường mà ma túy vào và ra khỏi Việt Nam. Ở đây, để phòng ngừa việc buôn bán, vận chuyển ma túy có hiệu quả, cần phải phối hợp quốc tế, xử lý nghiêm minh các TPMT; ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả chống sự câu kết giữa TPMT trong nước với TPMT quốc tế. Vận động cộng đồng giảm cầu, giảm số nghiện mới; tăng cường cai nghiện và quản lý sau cai; từng bước giảm những hậu quả do nghiện ma túy mang lại. Chương trình đấu tranh phòng, chống TPMT phải được tiến hành kết hợp với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, bảo đảm sự phát triển xã hội bền vững.

Thứ tư, phòng, chống tội phạm buôn bán người và nội tạng người

Ở Việt Nam, tội phạm buôn bán người và nội tạng người mới phát triển nhiều từ khi Việt Nam mở cửa chuyển sang kinh tế thị trường. Hiện nay, loại tội phạm này đang phát triển dưới nhiều hình thức như: bắt cóc, lừa gạt, đưa người đi lao động, đi lấy chồng ở nước ngoài; đi du lịch, thăm thân hoặc cho, nhận con nuôi. Gần đây, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của một số người dân, bọn tội phạm đã xúi dục, lừa gạt không ít người lao động nghèo bán gan, thận, để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe bản thân. Đây là loại tội phạm mới, cần đấu tranh ngăn chặn.

Để ngăn ngừa những tội phạm này, trước hết cần đẩy mạnh việc tuyên truyền trong nhân dân, nâng cao ý thức của người dân về những hậu quả mà loại tội phạm này gây ra; phát động quần chúng nhân dân đấu tranh tố cáo tội phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành những biện pháp cần thiết để giải cứu các nạn nhân. Ngoài ra, để phòng, chống các loại tội phạm này một cách hiệu quả, cần tiến hành các hoạt động hợp tác quốc tế với các lực lượng chức năng của các nước có liên quan, đặc biệt là với Interpol.

Thứ năm, phòng, chống tội phạm về môi trường

Trong những thập kỷ gần đây, thế giới cũng như Việt Nam phải đối diện với những vấn đề an ninh môi trường. Nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao mức sống khiến việc sản xuất và tiêu dùng ngày càng tăng cao. Chạy theo lợi nhuận vẫn là mục đích tối cao của không ít nhà kinh doanh, sản xuất. Do đó, hành vi tội phạm về môi trường diễn ra ngày càng nhiều, phức tạp và việc đấu tranh, phòng, chống là không dễ dàng.

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, tình trạng tội phạm về môi trường (TPMT) rất đáng báo động. Chúng ta chưa có được một chương trình, kế hoạch hoàn chỉnh, rõ rang về việc kiểm soát phát thải khí nhà kính. Ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và tình trạng tuyệt diệt của một số loài thực vật và động vật đang chưa được kiểm soát một cách có hiệu quả. Sản xuất vẫn phát triển theo chiều rộng với các kỹ thuật còn thô sơ, lạc hậu. Ý thức của cộng đồng và của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo chưa cao. Điều này khiến cho TPMT đang có nguy cơ phát triển và diễn biến phức tạp. Đấu tranh phòng, chống TPMT đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách.

Để phòng, chống các TPMT, phải coi đây là một trong những nhiệm vụ xã hội cấp thiết mà toàn thể cộng đồng phải tham gia. Song song với việc tuyên truyền giáo dục phải chú ý đầu tư, sử dụng các công nghệ tiến tiến trong sản xuất và trong đời sống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh; hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo vệ môi trường có hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống TPMT.

Thứ sáu, phòng, chống tội phạm khủng bố

Ở Việt Nam, tội phạm khủng bố (TPKB) tuy chưa phát triển như ở một số khu vực khác trên thế giới, nhưng nguy cơ và hậu quả thảm khốc của TPKB thì cần phải hết sức đề phòng. Khủng bố ở Việt Nam cũng chưa nhuốm sắc màu tôn giáo nên phòng, chống có phần đỡ phức tạp hơn. Trong gần một thập kỷ qua, theo thống kê của các cơ quan chức năng, ở Việt Nam có hơn 100 hoạt động khủng bố các loại. Trong đó, có hoạt động do lực lượng lưu vong, thất thế của chế độ cũ tiến hành; có hoạt động do cá nhân đơn lẻ tiến hành; có hoạt động do những tổ chức chính trị tự xưng, mới xuất hiện tiến hành. Quy mô, mức độ của các hoạt động khủng bố còn ở mức thấp. Hậu quả kinh tế, xã hội mà khủng bố gây ra chưa lớn.

Nguyên nhân của các hoạt động khủng bố chủ yếu bắt nguồn từ lý do chính trị, do mâu thuẫn, xung đột về lợi ích kinh tế, do những hiềm khích cá nhân... Để phòng, chống TPKB cần hoàn thiện Luật Chống khủng bố và thực hiện nghiêm dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, đoàn thể xã hội và của cả cộng đồng. Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, để phòng, chống có hiệu quả TPKB, cần đẩy mạnh các biện pháp nghiệp vụ, nắm chăc các thông tin về khủng bố, xây dựng và tập dượt theo các phương án tác chiến cụ thể, huy động cả cộng đồng cùng tham gia. Trước mắt, để phòng, chống TPKB cần thành lập Ban phòng ngừa TPKB chuyên trách. Trong đó, việc thu thập thông tin, phân tích, đánh giá chính xác tình hình, lập kế hoạch phòng, chống TPKB là việc cần thường xuyên quan tâm thực hiện trong điều kiện hiện nay.

4. Khuyến nghị về các giải pháp phòng, chống tội phạm phi truyền thống ở Việt Nam hiện nay

Từ những phân tích và tổng hợp trên, có thể đưa ra các khuyến nghị về các giải pháp cụ thể cho các chủ thể trong hệ thống chính trị để tổ chức, chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống các TPPTT trong điều kiện hiện nay.

- Khuyến nghị với Đảng

Để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các TPPTT, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần ban hành một chỉ thị mới về “Phòng, chống các TPPTT trong tình hình mới”. Đây là chỉ thị hướng dẫn các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và cộng đồng quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ cần thực hiện nhằm đấu tranh có hiệu quả với các TPPTT trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Trong đó, cần đặc biệt quán triệt quan điểm an ninh nhân dân kết hợp chặt chẽ với các biện pháp nghiệp vụ cao, có sử dụng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các TPPTT. Cuộc đấu tranh này luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng.

- Khuyến nghị với các cơ quan Nhà nước 

Nhà nước cần hoạch định và thực hiện một “Chương trình quốc gia phòng, chống TPPTT”. Trong đó, Nhà nước phải hoàn thiện hệ thống luật pháp, kiện toàn các cơ quan chức năng, tiếp tục bổ sung, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/CP của Chính phủ về “Phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; hoàn thiện cơ chế tổ chức, phối hợp, kể cả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống, đẩy lùi các TPPTT.

- Khuyến nghị với các tổ chức, đoàn thể xã hội và cộng đồng 

Với các tổ chức chính trị, các đoàn thể xã hội và cộng đồng, trong điều kiện mới, vẫn cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng, tiếp tục tạo dựng phòng tuyến an ninh nhân dân vững chắc, huy động sức mạnh toàn dân để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả nhất các TPPTT.

 Như vậy là, đấu tranh phòng, chống TPPTT đang mới bắt đầu. Đây là những tội phạm mới hoặc những tội phạm cũ nhưng thủ đoạn mới diễn ra trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học, công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Toàn cầu hóa đang trở thành xu thế tất yếu. Nhiều thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại đang giúp con người vươn xa, bay cao, tạo ra những thành quả lao động sáng tạo to lớn chưa từng có. Song cũng chính những thành tựu khoa học công nghệ này đang bị bọn tội phạm lợi dụng gây ra những hậu quả khôn lường. Thế giới ngày nay, con người đang chịu nhiều áp lực hơn, dễ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa từ ANPTT với đủ loại TPPTT. Đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm loại này, cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn về từng loại tội phạm với những thủ đoạn mới mà chúng đang âm mưu thực hiện; trên cơ sở đó tìm kiếm những giải pháp hữu hiệu đấu tranh phòng, chống từng loại TPPTT, đảm bảo sự phát triển xã hội bền vững.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 -2018

PGS, TS Nguyễn Chí Dũng

Viện Nghiên cứu quyền con người,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền