Trang chủ    Diễn đàn    Cơ hội và thách thức từ ba mô hình đặc khu của Việt Nam đến sự phát triển kinh tế - xã hội
Thứ tư, 05 Tháng 9 2018 15:25
1692 Lượt xem

Cơ hội và thách thức từ ba mô hình đặc khu của Việt Nam đến sự phát triển kinh tế - xã hội

(LLCT) - Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệtđang được dư luận đặc biệt quan tâm. Việc thành lập ba đặc khu của Việt Nam hiện nay, bao gồm: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) là bước phát triển đột phá, tạo động lực, đầu tàu kéo nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cũng tạo ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải sớm nhận diện để có các giải pháp khắc phục.

Điều 3 Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì “Đặc khu là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, do Quốc hội quyết định thành lập, có cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, có tổ chức đặc biệt về chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước”(1).

Đến nay chúng ta đã có gần 5 năm nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng ba đặc khu là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Song song đó, công tác nghiên cứu, xây dựng dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng được khẩn trương triển khai, hoàn thiện, dự kiến sẽ sớm thông qua Quốc hội khóa XIV. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng và phát triển của ba đặc khu. Mục tiêu đặt ra là cần phải xây dựng hệ thống các chính sách ưu đãi phù hợp với thông lệ quốc tế và các yêu cầu của thị trường; nhằm đảm bảo thu hút đầu tư, phát huy tác dụng thiết thực và giảm thiểu những hạn chế thường gặp của các đặc khu trên thế giới(2). Một trong những mục tiêu quan trọng được xác định trong mô hình mới này là hình thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới và ổn định trong một thời gian dài; tạo ra khu vực có môi trường sống hiện đại, xanh, sạch, an toàn; tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao trong một thời gian ngắn để bắt kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới; nâng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp cho ngân sách nhà nước. Cùng với đó, các đặc khu sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D), các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sinh học; giáo dục, y tế; dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển ngành dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại, tài chính. Ngoài ra, chúng ta cũng kỳ vọng từ thực tiễn phát triển của ba đặc khu có thể nhân rộng trong cả nước những thể chế, chính sách và mô hình quản lý mới, hiệu lực, hiệu quả… Có thể nói, ba đặc khu của Việt Nam đang tỏa sức hấp dẫn bởi là nơi thí điểm để mở rộng các thể chế mang tính đột phá so với mức độ hiện hành trong nước, tiếp cận các xu hướng môi trường kinh doanh và quản lý tiên tiến nhất của khu vực và quốc tế, tạo hấp lực thu hút các nguồn vốn, công nghệ hiện đại, nhân tài, ý tưởng phát triển và mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu kinh tế, cải thiện nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; bảo vệ môi trường và góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển. Đồng thời, đây cũng là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư(3). Từng đặc khu sẽ có những cơ hội riêng để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể:

- Đối với đặc khu Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh

Quảng Ninh là một vùng đất đầy tiềm năng về du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp. Năm 2017, Quảng Ninh đã vươn lên dẫn đầu về Cải cách hành chính địa phương (Par Index) và cũng đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cùng với việc hoàn thành các hạng mục công trình như đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng 150.000 tấn cập cảng sắp tới sẽ tạo cho đảo Vân Đồn một vị thế mới. Việc hình thành đặc khu Vân Đồnsẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đưa Vân Đồn trở thành khu vực phát triển năng động, hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiêu chuẩn quốc tế. Đây sẽ là điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao của khu vực Đông Nam Á, nâng cao giá trị gia tăng ngành du lịch; hình thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước; thúc đẩy liên kết vùng, tạo hiệu ứng phát triển lan tỏa cho vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước… Theo tính toán, nếu Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thông qua, trong giai đoạn 2021-2030, tổng sản phẩm trên địa bàn Vân Đồn tích lũy sẽ đạt từ 8,81 tỷ USD đến 15,53 tỷ USD, cao gấp 2-3 lần so với mức dự tính nếu Vân Đồn phát triển như hiện tại; mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ 9.700 USD đến hơn 16.500 USD vào năm 2030(4). Bên cạnh đó, việc thành lập đặc khu Vân Đồn sẽ giải tỏa áp lực việc làm và chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao bên ngoài; tạo việc làm mới cho người lao động ở tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận; nâng cao kỹ năng, tài nghề của lực lượng lao động. Hình thành xã hội với môi trường và điều kiện sống văn minh, hiện đại, giữ gìn văn hóa truyền thống, tiếp thu văn hóa thế giới; góp phần quảng bá hình ảnh và con người Việt Nam với thế giới. Hình thành trung tâm y tế, giáo dục chất lượng cao, có bệnh viện và trường học đẳng cấp quốc tế; phúc lợi xã hội phát triển,… góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nhân lực và tăng cường sức khỏe cộng đồng.

Đối với đặc khu Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

Việc xây dựng khung cơ chế, chính sách với các ưu đãi vượt trội cho ba đặc khu nói chung và một số chính sách đặc thù cho Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa nói riêng sẽ tạo bước đột phá cho phát triển hệ thống hạ tầng và dịch vụ cảng biển quốc gia trong thời gian tới, góp phần quan trọng thực hiện thành công chiến lược biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu luân chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển khu vực miền Trung; tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển tác động tích cực kết nối thương mại hàng hóa quốc tế giữa đặc khu Bắc Vân Phong nói riêng và quốc gia nói chung với thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia, trong giai đoạn 2021-2030, tổng sản phẩm trên địa bàn tích lũy của đặc khu Bắc Vân Phong đạt từ 8,3 tỷ USD đến hơn15 tỷ USD, so với mức dự tính cơ sở là 4,15 tỷ USD nếu Bắc Vân Phong phát triển như hiện tại. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt từ hơn 9.300 USD đến gần 17.000 USD vào năm 2030(5)… Đây sẽ là cầu nối cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

- Đối với đặc khu Phú Quốc tỉnh Kiên Giang

Trong những năm qua,diện mạo của Phú Quốc đã thay đổi rất nhanh chóng. Phú Quốc đã trở thành địa điểm thu hút du lịch hấp dẫn nhất nước và cả khu vực. Nhiều tập đoàn bất động sản lớn trong nước và quốc tế đã đầu tư tại đây như Vingroup, SunGroup, CEO Group, Novotel, Marriott... tạo dựng nên những khu resort, khách sạn, condotel sang trọng đẳng cấp thế giới, đi kèm với đó là những công trình giải trí tiêu chuẩn quốc tế như vườn thú Safari, du thuyền Marina, cáp treo và trong tương lai sẽ có thêm các khu casino trị giá hàng tỷ USD.Như vậy, trên bình diện cả nước, Phú Quốc đã đi trước một bước trong mô hình phát triển đặc khu ở Việt Nam.Việc thành lập đặc khu Phú Quốc sẽ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển của Phú Quốc và nguồn vốn để xây dựng thêm kết cấu hạ tầng cấp thiết như trường học, bệnh viện nhằm nâng cao mức sống của người dân. Trên cơ sở đó, sẽ phát huy lợi thế tài nguyên thiên nhiên và vị trí của Phú Quốc để xây dựng ngành thương mại dịch vụ kết hợp du lịch, phát triển du lịch sinh thái và du lịch thám hiểm, khám phá, đóng góp vào phát triển kinh tế đảo Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang. Theo tính toán, trong giai đoạn 2021-2030, tổng sản phẩm trên địa bàn tích lũy sẽ đạt từ 53,63 tỷ USD đến 72,39 tỷ USD so với mức dự tính là 46,14 tỷ USD nếu Phú Quốc phát triển như hiện tại. Đóng góp của Phú Quốc vào tỉnh Kiên Giang vào năm 2030 dự tính đạt từ 32,83% đến 44,23%. Nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 13.506,28 USD đến 28.645,30 USD vào năm 2030(6). Bên cạnh đó, việc thành lập đặc khu Phú Quốc sẽ góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những thế mạnh về tự nhiên, lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện đảo.

Bên cạnh những cơ hội, cũng có không ít những thách thức đối với việc phát triển ba đặc khu hiện nay:

Một là, việc ưu đãi giảm thuế đối với ba đặc khu là điều kiện để thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng là rào cản cho sự phát triển của ba đặc khu. Vì nếu chúng ta ưu đãi thuế đối với ba đặc khu có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, “xé rào” chính sách. Bởi vì, các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế,… chỉ là những “miếng mồi câu” ban đầu. Nếu không thay đổi cơ chế, chính sách có lợi cho nhà đầu tư chắc chắn họ sẽ không tiếp tục đầu tư vào ba đặc khu, khi đó chúng ta mất cơ hội vàng về thu hút đầu tư cho mục tiêu phát triển.

Hai là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam còn khá phức tạp, chồng chéo, khó có thể thu hút nhà đầu tư đến với ba đặc khu. Sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư phải là niềm tin được tạo lập thông qua khuôn khổ pháp luật(7). Trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, chúng ta không nên để những văn bản quy phạm pháp luật trở thành rào cản sự phát triển của ba đặc khu; nên phân quyền rõ ràng cho các đặc khu, luật phải đi thẳng vào mục tiêu phát triển đặc khu, hạn chế thể chế, thông tư vì như thế có thể gây cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của ba đặc khu.

B, chính sách ưu đãi về quyền sử dụng đất lâu dài có thể dẫn đến thực trạng thiếu hiệu quả và cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời có thể biến Việt Nam trở thành nơi trú chân của các ngành có công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường như hóa chất, sắt thép... từ các tập đoàn đa quốc gia. Bởi vì, chúng ta đang thí điểm thực hiện thiết chế đặc khu nên sẽ không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, thậm chí những thất bại, nên cần phải hoàn thiện từng bước(8), nếu không sẽ thất bại.

Bốn là, thách thức về kết cấu hạ tầng và môi trường chính sách. Một đặc khu muốn thành công thì phải có địa điểm hấp dẫn, hạ tầng bên trong và kết nối bên ngoài thật tốt, cũng như môi trường chính sách tốt. Bởi vì các công ty nước ngoài định đầu tư vào công nghiệp sẽ chọn những trung tâm đã hình thành các cụm công nghiệp hoặc những nơi phụ cận, hay những vùng gần với sản xuất nông phẩm. Tuy nhiên hiện nay, hiệu quả phát triển công nghiệp tại những nơi này hầu như không có được. Nếu không thể đầu tư tạo ra các giá trị gia tăng đặc biệt, đầu tư có chiều sâu vào các ngành sản xuất, dịch vụ, công nghiệp sáng tạo thì Vân Đồn, Phú Quốc chỉ là các đặc khu nghỉ dưỡng du lịch.

Để ba đặc khu Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc tỉnh Kiên Giang có bước phát triển đột phá, tạo động lực, đầu tàu kéo nền kinh tế phát triển, cần có cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý phù hợp để thu hút được các doanh nghiệp lớn trên thế giới đến đầu tư. Các đặc khu phải trở thành điểm đến của các tập đoàn đa quốc gia, các ngân hàng và trung tâm tài chính, chứng khoán; là căn cứ địa của khởi nghiệp và vườn ươm trồng lý tưởng của sáng tạo khoa học, công nghệ(9)… Trong đó, các cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá cho các đặc khu cần phải được đánh giá tác động một cách toàn diện, khoa học, khách quan về kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Để ba đặc khu của Việt Nam trở thành thành động lực tăng trưởng cho giai đoạn mới thì việc hoạch định chiến lược đầu tư theo hướng bền vững, tạo nên năng lực cạnh tranh dài hạn cho các doanh nghiệp trong nước là điều quan trọng. Phải tạo thể chế, môi trường đầu tư tốt để có thể cạnh tranh được với các đặc khu khác trên thế giới. Các chính sách này tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia. Ngoài ra, chúng ta phải xây dựng nguồn nhân lực cho đặc khu theo hướng đủ tâm và đủ tầm, đảm bảo cho ba đặc khu hoạt động hiệu quả nhất, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

___________________

(1) Điều 3 Dự thảo Luậtđơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

(2) Nguyễn Thúy Hà: Chính sách ưu đãi của một số quốc gia đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và những nội dung có thể tham khảo, Tạp chíNghiên cứu lập pháp, số 10 (362), 5-2018, tr.64.

(3) Đức Anh: Đặc khu và những kỳ vọng, Tạp chíCộng sản (Chuyên đề cơ sở), số 375 (25-5-2018), tr.17.

(4), (5), (6) Duy Anh và nhóm tác giả: Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Tạp chíCộng sản (Chuyên đề cơ sở), số 375 (25-5-2018), tr.16, 16, 16.

(7)Trần Văn Thọ (2018), Ba đặc khu cần trả lời ba câu hỏi,BáoTuổi trẻ, Số 151/2018, ngày 8-6-2018, tr.6.

(8) Thái Văn Đoàn:  Một số vấn đề về mô hình “đặc khu kinh tế” ở Việt Nam,Tạp chíNghiên cứu lập pháp, số 10 (362), 5-2018, tr.35.

(9) Lê Kiên: Đặc khu kinh tế: Phép thử và kỳ vọng, BáoTuổi trẻ cuối tuần, số 19-2018, ngày 27-5-2018, tr.6.

 

 

TS Trương Quang Khải

Phạm Ngọc Hòa

Học viện Chính trị khu vực IV

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền