Trang chủ    Diễn đàn    Đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay
Thứ ba, 11 Tháng 9 2018 15:51
4763 Lượt xem

Đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Tư duy nghiên cứu khoa học xã hội là hoạt động nhận thức các tri thức học thuật về xã hội của con người trong lịch sử. Bài viết bước đầu tìm hiểu bản chất, tính chất, thực chất của các khái niệm tư duy, nghiên cứu, khoa học, xã hội và mối liên hệ hài hòa giữa chúng; nêu ra những khiếm khuyết trong tư duy nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam; đồng thời kiến nghị giải pháp đổi mới tư duy về các sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội trên cơ sở tôn trọng sự thật, tuân thủ quy luật khách quan, xác định nguyên lý, nguyên tắc trong nghiên cứu, nhằm nâng cao hơn chất lượng khoa học xã hội và nhân văn giai đoạn hiện nay.

1. Thực chất các khái niệm tư duy nghiên cứu, khoa học xã hội

Khái niệm tư duy nghiên cứu

Tư duy nghiên cứu là một trong các hiện tượng biểu hiện bản chất hoạt động của con người trong thế giới tự nhiên và xã hội. Khi xã hội loài người xuất hiện trong thế giới tự nhiên thì hiện tượng tư duy nghiên cứu cũng hình thành. Trong mối liên hệ giữa con người, tự nhiên, xã hội và tư duy nghiên cứu, thì tự nhiên là gắn với mục tiêu nghiên cứu; xã hội gắn với phương pháp nghiên cứu; còn con người gắn với tư duy nghiên cứu. Dó đó, mục tiêu, phương pháp, tư duy nghiên cứu là các hiện tượng tồn tại khách quan trong xã hội loài người.

Khái niệm (hiện tượng) tư duy bao hàm các thuật ngữ “tư” và “duy”. trong khái niệm tư duy là nói về bản chất (phương pháp) hoạt động nhận thức của con người; duy là nói tới từ “đối lập với cái chung”(1), tức nói về tính chất (mục tiêu) hoạt động nhận thức của con người. Giữa tư và duy là tồn tại thực chất (nguyên tắc) hoạt động nhận thức của con người. Trong Từ điển Tiếng Việt, tư duy được nhìn nhận là “giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán và suy lí”(2). Theo đó, hiện tượng tư duy được biểu hiện ở bản chất, tính chất và thực chất. Mô hình cấu trúc bản chất, thực chất, tính chất của tư duy có thể được biểu thị như sau: bản chất tư duy (phương pháp) - thực chất tư duy (nguyên tắc) - tính chất tư duy (mục tiêu). Tư duy có thể được nhìn nhận là hiện tượng biểu hiện thực chất hoạt động nhận thức của con người về xác định phương pháp, nguyên tắc thực hiện các mục tiêu đặt ra.      

Khái niệm nghiên cứu bao hàm các thuật ngữ “nghiên” và “cứu”. Nghiên trong khái niệm nghiên cứu có thể được nhìn nhận là phương pháp (bản chất) hoạt động nghiên cứu; cứu được nhìn nhận là mục tiêu (tính chất) hoạt động nghiên cứu. Giữa nghiên và cứu là tồn tại nguyên tắc (thực chất) hoạt động nghiên cứu. Trong Từ điển Tiếng Việt, hiện tượng nghiên cứu được nhìn nhận là hoạt động “xem xét, tìm hiểu kỹ lưỡng để nắm vững vấn đề, giải quyết vấn đề hay để rút ra những hiểu biết mới”(3). Theo đó, hiện tượng nghiên cứu biểu hiện ở phương pháp, mục tiêu, nguyên tắc nghiên cứu. Mô hình cấu trúc của nghiên cứu có thể được biểu thị như sau: bản chất phương pháp nghiên cứu - thực chất nguyên tắc nghiên cứu - tính chất mục tiêu nghiên cứu. Nghiên cứu có thể được nhìn nhận là hiện tượng biểu hiện thực chất hoạt động tìm hiểu, nhận thức của con người về xác định phương pháp, nguyên tắc thực hiện các mục tiêu đặt ra. Từ các phân tích cho thấy, tư duy nghiên cứu có thể được nhìn nhận là hiện tượng biểu hiện thực chất hoạt động tìm hiểu, nhận thức của con người về xác định phương pháp, nguyên tắc thực hiện các mục tiêu đặt ra.  

Khái niệm khoa học xã hội

Khoa học xã hội là một trong các lĩnh vực cơ bản về nhận thức của con người trong thế giới tự nhiên và xã hội. Khi xã hội loài người xuất hiện trong thế giới tự nhiên thì các hiện tượng khoa học, xã hội cũng hình thành. Trong mối liên hệ giữa khoa học và con người, tự nhiên, xã hội, thì khoa học tự nhiên gắn liền với hiện tượng tự nhiên; khoa học xã hội gắn liền với hiện tượng xã hội; còn khoa học con người gắn liền với hiện tượng môi trường sống. Tức khoa học tự nhiên, môi trường và xã hội là các hiện tượng gắn với sự tồn tại của xã hội loài người. Khoa học xã hội bao hàm các khái niệm khoa học và xã hội.

Khái niệm khoa học được các nhà nghiên cứu nhìn nhận là “hệ thống tri thức tích lũy trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài”(4). Tức khoa học là do con người (chủ thể) hoạt động (khách thể) nghiên cứu mà có. Giữa chủ thể và khách thể là tồn tại thực thể. Chủ thể được nhìn nhận là hiện tượng “con người với tư cách là một sinh vật có ý thức và ý chí, trong quan hệ đối lập với thế giới bên ngoài”(5); tức chủ thể là nói về tính chất (hình thức) của sự vật, hiện tượng. Theo đó, chủ thể khoa học có thể được nhìn nhận là hiện tượng biểu hiện tính chất của hệ thống tri thức học thuật - tri thức “do học tập nghiên cứu mà có”(6), được con người tích lũy trong lịch sử. Khách thể khoa học được nhìn nhận là hiện tượng biểu hiện bản chất của hệ thống tri thức học thuật được con người tích lũy trong lịch sử. Thực thể khoa học được nhìn nhận là hiện tượng biểu hiện thực chất, tức “sự thật”(7) của hệ thống tri thức học thuật được con người tích lũy trong lịch sử. Sự thật được nhìn nhận là “cái có thật”. “phản ánh đúng hiện thực khách quan”(8). Do vậy, khoa học có thể được nhìn nhận là hiện tượng biểu hiện thực chất “thật" của hệ thống tri thức học thuật, phản ánh hiện thực khách quan, được con người tích lũy trong lịch sử. Mô hình cấu trúc thực chất “thật” của khoa học có thể được biểu thị như sau: bản chất sự thật của hệ thống tri thức học thuật – thực chất thật của hệ thống tri thức học thuật – tính chất thật sự của của hệ thống tri thức học thuật.

Khái niệm xã hội bao hàm các thuật ngữ “xã” và “hội”. trong khái niệm xã hội là nói tới “đơn vị hành chính cơ sở ở nông thôn”(9), tức nói về hiện tượng bản chất hay khách thể (hành động, hoạt động) nhóm người trong cộng đồng; thuật ngữ hội là nói tới “tổ chức quần chúng rộng rãi của những người cùng chung một nghề nghiệp hoặc có chung một hoạt động”(10), tức nói về tính chất hay chủ thể (hành vi, tổ chức) con người trong cộng đồng. Giữa xã và hội là tồn tại hiện tượng thực thể, tức cộng đồng người. Trong Từ điển Tiếng Việt, xã hội được nhìn nhận là “hình thức sinh hoạt chung có tổ chức của loài người ở một trình độ phát triển nhất định của lịch sử”(11). Theo đó, hiện tượng xã hội biểu hiện ở bản chất, tính chất và thực chất. Tính chất xã hội là nói về hình thức tổ chức, tức chủ thể hay cá thể (cá nhân). Bản chất xã hội là nói về nội dung hoạt động, tức khách thể hay tập thể (nhóm). Thực chất xã hội là nói về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, tức thực thể hay xã hội (cộng đồng). Xã hội có thể được nhìn nhận là hiện tượng biểu hiện nguyên tắc tổ chức, hoạt động giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng. Mô hình cấu trúc thực chất của xã hội có thể được biểu thị như sau: bản chất hoạt động nhóm – thực chất tổ chức, hoạt động cộng đồng xã hội – tính chất tổ chức cá nhân. Từ các phân tích cho thấy, khoa học xã hội có thể được nhìn nhận là hiện tượng biểu hiện thực chất thật của hệ thống tri thức học thuật về nguyên tắc tổ chức, hoạt động giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong xã hội, được con người tích lũy trong lịch sử.

Mối liên hệ giữa tư duy nghiên cứu và khoa học xã hội

Tư duy nghiên cứu và khoa học xã hội là các hiện tượng liên quan chặt chẽ với nhau, hình thành nên tư duy nghiên cứu khoa học xã hội. Trong mối liên hệ này, khoa học xã hội có thể được coi là mục tiêu; tư duy nghiên cứu được coi là phương pháp; còn tư duy nghiên cứu khoa học xã hội được coi là nguyên tắc. Tức là không có nguyên tắc tư duy nghiên cứu, con người sẽ không thể có hệ thống tri thức học thuật về xã hội. Mô hình cấu trúc thực chất của nguyên tắc tư duy nghiên cứu có thể được biểu thị như sau: bản chất phương pháp tư duy nghiên cứu - thực chất nguyên tắc tư duy nghiên cứu - tính chất mục tiêu tư duy nghiên cứu. Theo mô hình này có thể thấy rằng, tư duy nghiên cứu phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức nguyên tắc nghiên cứu, tức phụ thuộc vào nhận thức thực chất của sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên và xã hội. Khi nhận thức sự vật, hiện tượng không tuân theo quy luật, hiện thực khách quan hay không tôn trọng sự thật, sẽ làm cho tư duy nghiên cứu không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Mô hình cấu trúc thực chất của khoa học xã hội có thể được biểu thị như sau: bản chất hệ thống tri thức khoa học xã hội - thực chất hệ thống tri thức khoa học xã hội - tính chất hệ thống tri thức khoa học xã hội. Theo mô hình này có thể thấy rằng, nhận thức khoa học xã hội phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống tri thức của các khoa học chuyên ngành, như triết, luật học và văn hóa, kinh tế, chính trị học. Khi các khoa học chuyên ngành này không bảo đảm đúng quy luật khách quan, tức các “ý tưởng” (quan niệm, quan điểm) khoa học không bảo đảm thực chất của hệ thống tri thức học thuật, sẽ làm cho khoa học xã hội bị trì trệ, tụt hậu.

Tư duy nghiên cứu khoa học xã hội phụ thuộc chủ yếu vào nhận thức rõ thực chất nguyên tắc tư duy nghiên cứu. Đây chính là sự biểu hiện của mô hình cấu trúc về quy luật và hiện thực khách quan, tức sự thật. Khi tư duy nghiên cứu khoa học xã hội không tuân theo đúng quy luật, hiện thực khách quan hay sự thật, sẽ làm cho nghiên cứu khoa học xã hội có nhiều khiếm khuyết, không bảo đảm chất lượng.

2. Thực trạng về tư duy nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam và một số kiến nghị

Thực trạng về tư duy nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam

Trong nhiều năm qua, tư duy nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam chủ yếu chỉ chú trọng phân tích sâu về bản chất (phương pháp, phương thức), tính chất (mục tiêu, mục đích) mà chưa đề cập tới thực chất (nguyên tắc, nguyên lý) của nghiên cứu. Các nhà khoa học đã chưa tuân thủ quy luật khách quan, tôn trọng sự thật trong nghiên cứu khoa học xã hội. Hiện nay, nhiều khái niệm, thuật ngữ có liên quan tới khoa học xã hội đã chưa được các nhà khoa học phân tích làm sáng tỏ về thực chất; chẳng hạn, chưa làm sáng tỏ về mặt học thuật các khái niệm cốt lõi nhất hiện nay, như dân chủ, pháp quyền, lãnh đạo, cầm quyền, phát triển bền vững, xây dựng Đảng, hay “sự thật”(12), “sự thực”(13) (nội dung - bản chất), “thật”(14) (nguyên tắc - thực chất), “thật sự”(15) (hình thức - tính chất).

Do chưa đi sâu nghiên cứu hiện tượng nguyên tắc, nguyên lý trong nghiên cứu khoa học xã hội, nên nhiều vấn đề về chính trị, pháp luật, phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội đã không được lý giải, phân tích làm rõ về học thuật. Điều đó đã dẫn tới sự tụt hậu của khoa học xã hội, trở thành rào cản cho sự phát triển đất nước. Thực trạng này đã được Đảng nhận định rõ tại Đại hội lần thứ XII (2016). Về kinh tế, Đảng nhận định rằng: “nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chưa đủ rõ, nhất là về kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể; về cơ chế phân bổ nguồn lực, sở hữu đất đai”(16); về khoa học: “khoa học, công nghệ chưa thực sự gắn kết và trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội”(17); về văn hóa: “nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế”(18); về chính trị, pháp luật: “Xây dựng nhà nước pháp quyền là những vấn đề mới đối với nước ta. Sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ”(19), hay “phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có những nội dung còn lúng túng. Chưa xác định rõ nội dung và phương thức cầm quyền”(20); về an ninh quốc phòng: “nhận thức của một số cán bộ các cấp, các ngành về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chưa thật đầy đủ, sâu sắc”(21); về phát triển: “Nhiều lĩnh vực của phát triển bền vững chưa được nghiên cứu đầy đủ”(22); về xây dựng Đảng: “Chậm đổi mới tư duy về công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới. Nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc, có mặt chưa rõ, chưa thống nhất một số vấn đề quan trọng ở tầm quan điểm, chủ trương”(23). Thực trạng một số vấn đề chưa rõ về lý luận chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, phát triển bền vững, xây dựng Đảng nêu trên là xuất phát từ sự bất cập trong tư duy nghiên cứu khoa học xã hội. Do vậy, việc đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học xã hội trong giai đoạn hiện nay là yêu cầu rất cần thiết.

Một số giải pháp đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay

“Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”(24) đã được Đảng ta coi là nhiệm vụ trọng tâm, nặng nề trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, đặc biệt là “Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận”(25). Điều đó chỉ ra rằng, tư duy nghiên cứu khoa học xã hội có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra, các nhà khoa học hiện nay rất cần phải thật sự đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học xã hội; tức cần đổi mới tư duy nhận thức các hiện tượng xã hội theo mô hình cấu trúc thực chất của sự thật, các nguyên lý, nguyên tắc và quy luật khách quan. Dưới đây là một số giải pháp về đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học xã hội như sau:

Thứ nhất, đổi mới tư duy nhận thức các sự vật, hiện tượng về tự nhiên và xã hội trên cơ sở tuân theo quy luật khách quan trong nghiên cứu khoa học.

Quy luật khách quan có thể được nhìn nhận là hiện tượng phát triển cân đối, cân bằng, hài hòa khách quan về môi trường sống tồn tại giữa các chủ thể, thực thể, khách thể trong thế giới tự nhiên và xã hội. Khoa học tự nhiên, xã hội, công nghệ, môi trường là gắn liền với nhau. Nghiên cứu các khoa học này đều phải dựa trên cơ sở quy luật khách quan. Mô hình cấu trúc thực chất của quy luật khách quan có thể được biểu thị như sau: bản chất quy luật khách quan – thực chất quy luật khách quan – tính chất quy luật khách quan. Đổi mới tư duy nhận thức sự vật, hiện tượng trên cơ sở tuân theo quy luật khách quan trong nghiên cứu khoa học, tức là nghiên cứu khoa học phải dựa trên cơ sở quy luật khách quan để lý giải các hiện tượng diễn ra trong thế giới tự nhiên và xã hội. Chẳng hạn, khi nhận thức hiện tượng xã hội, cần phải phân tích, lý giải dựa trên cơ sở mô hình cấu trúc thực chất cân đối, cân bằng, hài hòa khách quan của xã hội như sau: xã hội có bản chất nhóm cân đối – thực chất cộng đồng xã hội hài hòa – tính chất cá nhân của xã hội cân bằng. Nói cách khác, tư duy nghiên cứu khoa học nói chung, trong đó có khoa học xã hội đều phải dựa trên cơ sở quy luật khách quan, như Hồ Chí Minh đã từng nói: “… tư tưởng nhất định phải hợp với quy luật khách quan. Không hợp thì trong lúc thực hành sẽ bị thất bại”(26).

Thứ hai, đổi mới tư duy nhận thức hiện tượng xã hội trên cơ sở tôn trọng sự thật trong nghiên cứu khoa học xã hội.

Sự thật hay sự thực được nhìn nhận là hiện tượng tồn tại khách quan (hiện thực khách quan) trong xã hội. Nhận thức đúng đắn sự thật có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu khoa học xã hội. Khoa học xã hội là gắn liền với hiện tượng sự thật hay sự thực, thực sự, thật sự. Nghiên cứu các lĩnh vực của khoa học xã hội đều phải dựa trên cơ sở tôn trọng sự thật hay “tôn trọng sự thực”(27) như Hồ Chí Minh đã từng nói. Mô hình cấu trúc của sự thật có thể được biểu thị như sau: bản chất sự thật - thực chất thật - tính chất thật sự. Đổi mới tư duy nhận thức hiện tượng xã hội trên cơ sở tôn trọng sự thật trong nghiên cứu khoa học xã hội, tức là nghiên cứu khoa học xã hội phải dựa trên cơ sở sự thật để lý giải các hiện tượng diễn ra trong đời sống xã hội. Chẳng hạn, khi nhận thức hiện tượng quyền lực trong xã hội, cần phải phân tích, lý giải bản chất, thực chất, tính chất dựa trên cơ sở mô hình cấu trúc hài hòa của quyền lực như sau: bản chất cân đối của quyền lực - thực chất hài hòa của quyền lực - tính chất cân bằng của quyền lực. Từ mô hình này cho thấy, quyền lực là gắn liền với sự cân đối, cân bằng, hài hòa về tổ chức, cơ chế, hoạt động giữa các khách thể, thực thể, chủ thể; tức quyền lực trong quốc gia là thuộc về nhân dân – lực lượng bao gồm tất cả các cá nhân, nhóm, cộng đồng. Trong quốc gia, quyền lực không thuộc về một cá nhân, nhóm, cộng đồng nào, mà là hiện tượng biểu hiện sự cân đối, cân bằng, hài hòa về tổ chức, cơ chế, hoạt động, sự công bằng, bình đẳng, công lý về giá trị, tinh thần, quyền lợi giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng.

Thứ ba, đổi mới tư duy nhận thức hiện tượng xã hội dựa trên cơ sở xác định nguyên lý, nguyên tắc nghiên cứu khoa học xã hội.

Nguyên lý, nguyên tắc có thể được nhìn nhận là hiện tượng tồn tại ở giữa quy luật khách quan và hiện thực khách quan. Nguyên lý là nói tới hiện tượng ở giữa quy luật khách quan, tức nói về thực chất của quy luật phát triển cân đối, cân bằng, hài hòa trong tự nhiên; nguyên tắc là nói tới hiện tượng ở giữa hiện thực khách quan, tức nói về sự thật công bằng, bình đẳng, công lý trong xã hội.Đổi mới tư duy nhận thứchiện tượng xã hội dựa trên cơ sở xác định các nguyên lý, nguyên tắc nghiên cứu khoa học xã hội, tức là khi nghiên cứu các hiện tượng xã hội, cần phải dựa trên cơ sở nguyên lý, nguyên tắc tồn tại, như tồn tại sự đối lập (phương pháp), độc lập (mục tiêu), trung lập (nguyên tắc) giữa các chủ thể, thực thể, khách thể trong xã hội.

_________________

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11) Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt (2005), Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, tr.267, 1070, 680, 503, 179, 454, 973, 877, 1140, 459, 1140.

(12), (27) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 255, 248.

(13), (26) Hồ Chí Minh, Sđd, t. 4, tr.151.

(14), (15) BCH Trung ương ĐCSVN, Di chúc, Hà Nội, 1989, tr. 48.

(16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (24), (25) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII(2016), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.101, 119, 168, 174, 197, 147, 134, 198, 201, 200.

PGS, TS NGUYÊN HỮU ĐỔNG

                                 Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền