Trang chủ    Diễn đàn    Bản lĩnh chính trị của Đảng trước những khó khăn, thử thách
Thứ bảy, 22 Tháng 12 2018 12:25
2256 Lượt xem

Bản lĩnh chính trị của Đảng trước những khó khăn, thử thách

(LLCT) Gần 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng không phải lúc nào cũng thuận lợi mà là cả một chặng đường dài phải vượt qua nhiều thách thức, khó khăn. Có những thời điểm lịch sử đặt ra thử thách “ngặt nghèo”, thậm chí có lúc vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Lãnh đạo đất nướcvượt qua thử thách trong những thời điểm khó khăn đó là minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Ngay sau khi ra đời, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng lớn mạnh, tuy bị đàn áp đẫm máu nhưng đã “khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo cách mạng của giai cấp vô sản mà đại biểu là Đảng ta”(1). Trước phong trào cách mạng, thực dân Pháp đã thi hành chính sách khủng bố hết sức dã man. Nhiều đồng chí lãnh đạo và hàng nghìnchiến sỹ cộng sản bị bắt, cơ sở Đảng ở Trung ương và địa phương lần lượt bị phá vỡ. Trước tình hình đó, tâm lý bi quan, dao động không chỉ xuất hiện trong quần chúng nhân dân mà còn xuất hiện trong hàng ngũ của những người cách mạng. Tuy nhiên, với bản lĩnh, trí tuệ của mình,Đảng luôn giữ vững niềm tin tất thắng, ý chí kiên cường bất khuất, giữ vững ý thức tổ chức và kỷ luật, sắc bén và kịp thời trong công tác tư tưởng để lãnh đạo đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách. Năm 1932 “Chương trình hành động” được công bố; đến năm 1935, sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, cơ quan lãnh đạo Trung ương được khôi phục, tạo điều kiện khôi phục hệ thống tổ chức Đảng ở địa phương, quy tụ các phong trào, các tổ chức hoạt động phân tán trong toàn quốc, tạo điều kiện để đưa cách mạng bước vào một giai đoạn mới.

Nhạy bén trước những tác động của cuộc chiến tranh đế quốc phát xít, nắm vững lý luận khởi nghĩa vũ trang của chủ nghĩa Mác và nguyên lý “Biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng” của V.I.Lênin, ngay sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 đã kịp thời có sự phân tích toàn diện, khoa học nguyên nhân, tác động, các khả năng diễn biến của chiến tranh và quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Sự sắc sảo, nhạy bén chính trị của Trung ương thể hiện rõ trong kết luận: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống lại tất ách ngoại xâm... để tranh lấy giải phóng dân tộc”(2). Như vậy, khi những điều kiện cho đấu tranh dân sinh dân chủ không còn nữa, Đảng đã kịp thời đưa ra định hướng chính trị, định hướng tư tưởng cho toàn Đảng, toàn dân phù hợp với giai đoạn đấu tranh giành chính quyền, đặt nền móng cho quá trình bổ sung, hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Kết luận này chứng minh sự trưởng thành trong nhận thức các quy luật khách quan, bản lĩnh vững vàng và tinh thần chủ động sáng tạo của Trung ương Đảng. Nó chấm dứt tình trạng lúng túng do sự chuyển biến nhanh chóng và tác động phức tạp của tình hình khi chiến tranh thế giới bùng nổ, bọn phản động thuộc địa trở mặt đàn áp phong trào cách mạng, ban bố sắc lệnh giải tán Đảng Cộng sản và các tổ chức quần chúng của Đảng.

Nắm vững thời cơ và chớp thời cơ là điều kiện hết sức quan trọng để tiến hành một cuộc cách mạng thành công. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện thể hiện đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, một mẫu mực trong nghệ thuật lãnh đạo và chớp thời cơ khởi nghĩa. Cuối năm 1944 đầu 1945, trước những diễn biến mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, đòi hỏi Đảng với tư cách là lực lượng lãnh đạo duy nhất phải đưa ra được quyết định đối với vận mệnh dân tộc. Trong lúc này, nếu không có trí tuệ và bản lĩnh chính trị vững vàng, chắc chắn sẽ rơi vào lúng túng, do dự. Thấm nhuần lời dạy của V.I.Lênin: “Lịch sử sẽ không tha thứ cho những người cách mạng có thể thắng lợi hôm nay (và chắc chắn sẽ thắng lợi hôm nay) mà lại để chậm trễ; vì để đến ngày mai, không khéo họ sẽ mất nhiều, không khéo họ sẽ mất tất cả”(3). Sau khi phân tích tình hình, Hội nghị toàn quốc của Đảng (13-8-1945) đã nhận định: “cơ hội tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngay sau khi phát xít Nhật đầu hàng và trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Dự báo đúng thời cơ, kịp thời phát động toàn dân khởi nghĩa, kiên quyết trong những giờ phút quyết định của lịch sử là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám. Nhờ vậy cách mạng đã giành được thắng lợi trong thời gian ngắn và ít tổn thất, đồng thời đã thay đổi vị thế đất nước khi tiếp quân Đồng minh - một trong những nhân tố quan trọng góp phần hạn chế và đi đến đập tan âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào Việt Nam để giải giáp quân phát xít Nhật.

Sau Cách mạng Tháng Tám, bên cạnh những thuận lợi căn bản, nền độc lập non trẻ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhất là những âm mưu, toan tính đen tối của thù trong, giặc ngoài, vận mệnh dân tộc lúc này như “ngàn cân treo sợi tóc”. Một lần nữa bản lĩnh, trí tuệ của Đảng lại được thể hiện trước những thử thách hiểm nghèo của lịch sử. Xuất phát từ đặc điểm, tính chất và điều kiện lịch sử cụ thể của thời kỳ 1945-1946, việc kiên quyết giữ vững nguyên tắc chiến lược, nhưng mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược trở thành vấn đề sống còn đối với chính quyền cách mạng. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về sự thống nhất giữa chiến lược và sách lược, trong đó sách lược phải phụ thuộc vào chiến lược, là những bước trung gian, quá độ, để chuyển hóa lực lượng, giành thắng lợi từng bước để hướng tới giành thắng lợi cuối cùng, Đảng chủ trương lúc thì tạm thời “hòa hoãn” với quân đội Tưởng Giới Thạch để tập trung đối phó với thực dân Pháp; lúc lại chuyển sang “hòa hoãn” với thực dân Pháp để gạt gần 20 vạn quân Tưởng về nước. Trong cuộc đấu tranh chính trị, khi kẻ thù đông mạnh hơn ta nhiều mặt, bên cạnh việc nhường một số ghế trong Quốc hội và Chính phủ cho các đảng phái đối lập thì việc tuyên bố “tự giải tán” của Đảng ta ngày 11-11-1945 (thực chất là rút vào hoạt động bí mật) là một sách lược phù hợp với sự lãnh đạo trong thời kỳ đất nước đang diễn ra cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp vô cùng gay gắt. Do đó đã hạn chế tới mức thấp nhất sự phá hoại của các lực lượng phản động, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ trước cơn sóng gió.

Dã tâm xâm lược của thực dân Pháp đã đặt dân tộc ta trước thử thách mới: hoặc chiến đấu để giữ vững nền độc lập, hoặc trở lại kiếp nô lệ một lần nữa. Khi mà thiện chí hòabình và mọi sự nhân nhượng của Đảng không được thực dân Pháp đáp lại, khi mà lực lượng kháng chiến đã được chuẩn bị về căn bản và chúng ta không thể tiếp tục nhân nhượng, ngày 19-12-1946, Đảng phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là một quyết định hết sức đúng đắn và kịp thời, thể hiện sự bình tĩnh, tự tin và chủ động của Đảng. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, niềm tin sắt đá vào sức mạnh của cả dân tộc và quyết tâm “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hoạch định được đường lối kháng chiến độc lập, sáng tạo, khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc, khai thác và động viên được sự ủng hộ và giúp đỡ của quốc tế. Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Đường lối trên đã xử lý đúng đắn mối quan hệ dân tộc và giai cấp, giữa chiến tranh và cách mạng, giữa dân tộc và quốc tế; không rập khuôn, giáo điều và không ngừng được bổ sung, phát triển tại các thời điểm quan trọng, tạo ra những bước chuyển lớn, đưa kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng diễn ra trong một bối cảnh quốc tế và trong nước cực kỳ phức tạp. Ở trong nước, sau năm 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Trong 4 năm từ 1955 đến 1958, cách mạng miền Nam tổn thất đến 9/10 số cán bộ,đảng viên do chính sách khủng bố của kẻ thù. Cách mạng Việt Nam phải đương đầu với đế quốc Mỹ, một kẻ thù giàu mạnh; mặt khác, sự bất đồng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ngày càng sâu sắc dẫn đến sự phân liệt giữa các đảng... Tình hình đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạch định đường lối cho cách mạng Việt Nam. Đấu tranh bằng phương pháp nào để đưa cách mạng miền Nam thoát ra khỏi cảnh “nước sôi lửa bỏng” nhưng không đi ngược lại xu thế giải quyết mâu thuẫn của thế giới, góp phần giải quyết những bất đồng và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa... đó là những câu hỏi khó mà thực tiễn đặt ra. Trải qua một quá trình tìm tòi, đúc rút kinh nghiệm lịch sử,Đảng đã trả lời câu hỏi đó tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (1959) với việc quyết định đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam. Quyết định lịch sử đó đánh dấu một bước nhảy vọt quan trọng của cách mạng miền Nam, từ giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công, mở đầu bằng phong trào Đồng khởi. Thắng lợi của phong trào Đồng khởi đã chứng minh một thành công điển hình của Đảng về phương pháp tiến hành bạo lực cách mạng, về nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng một cách độc đáo, khéo léo, phù hợp với năng lực cách mạng và làm yên lòng bạn bè quốc tế. Một lần nữa trí tuệ và bản lĩnh chính trị của Đảng lại được lịch sử ghi nhận ở một trong những khúc quanh khó khăn, phức tạp nhất.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do lạc hậu về nhận thức lý luận, sai lầm vừa “tả” khuynh, vừa “hữu”khuynh trong tổ chức thực hiện, nên sau hàng chục năm xây dựng chủ nghĩa xã hội theo tư duy cũ xơ cứng, giáo điều, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Khủng hoảng kinh tế - xã hội lên đến đỉnh điểm, giá cả tăng hơn 300%, lạm phát đạt mức kỷ lục 774,4%, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với trí tuệ và bản lĩnh chính trị vững vàng, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986) đã khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước, từng bước hình thành tư duy mới, quan niệm mới về chủ nghĩa xã hội, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Ngay sau Đại hội VI, cách mạng lại phải đối mặt với những khó khăn, thách thức tưởng chừng không thể vượt qua. Nhiều nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng. Việt Nam không còn sự ủng hộ truyền thống, lại chịu sự bao vây, cấm vận, chống phá của các thế lực thù địch. Lúc này trong Đảng và ngoài xã hội xuất hiện nhiều luồng tư tưởng khác nhau, thậm chí đối lập nhau về đổi mới hay không đổi mới, đổi mới bằng con đường nào... Trong hoàn cảnh đó, nếu thiếu bản lĩnh, trí tuệ chỉ một quyết định sai lầm cũng có thể đưa đến những nguy cơ đối với vận mệnh của Đảng, của dân tộc. Trước tình hình phức tạp đó, Hội nghị Trung ương 6 khóaVI (3-1989) đã kịp thời đề ra những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo đổi mới, kiên quyết thực hiện đường lối đổi mới. Có thể thấy rằng, những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo đổi mới thể hiện rõ trí tuệ và bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng ta, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới thành công, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, xét lại, bảo vệ và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin.

Từ cuối năm 2007,thế giới diễn ra khủng hoảng tài chính dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu. Ở nước ta, lạm phát gia tăng, giá cả leo thang, chỉ số tăng giá tiêu dùng năm 2008 lên tới 22,97%. Trước những khó khăn, thách thức mới, Đảng kịp thời đưa ra những chủ trương, giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, chủ động phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, nâng cao chất lượng nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh xóađói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Bản lĩnh, trí tuệ của Đảng còn được thể hiện ở thái độ dám thừa nhận và kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm. Trong 88năm lãnh đạo cách mạng, đã có lúc do ấu trĩ, nóng vội, “tả” khuynh, dẫn đến việc Đảng phạm sai lầm, khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm là một Đảng hỏng, nếu Đảng phạm sai lầm thì phải công khai thừa nhận sai lầm, tìm nguyên nhân sai lầm, đề ra biện pháp sửa chữa thì đó là dấu hiệu của một Đảng chân chính”(4)Thực tiễn chứng minh, Ðảng không che giấu những khuyết điểm, không sợ phê bình, rất nhiều lần Đảng tự phê bình về khuyết điểm của mình để quyết tâm sửa chữa và sửa chữa thành công: Tháng 5-1931,Đảng đã có Chỉ thị phê bình những quan điểm sai lầm “tả” khuynh của Xứ ủyTrung Kỳ trong chủ trương về vấn đề thanh Đảng; trong giai đoạn 1936-1939, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích” về khuyết điểm của Đảng trong nhận thức và vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, về thái độ của đảng viên trong đấu tranh tự phê bình và phê bình... Năm 1947, khi nhìn thấy những nguy cơ Đảng cầm quyền dễ phạm sai lầm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm“Sửa đổi lối làm việc”;năm 1952,Đảng thực hiện cuộc chỉnh quân, chỉnh huấn ngay trong kháng chiến; năm 1956, Đảng đã nhận lỗi trước nhân dân về sai lầm trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, rồi kiên quyết sửa sai, biết cách sửa sai có hiệu quả; năm 1961,tiếp tục thực hiện chỉnh huấn khi miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội; năm 1963 là cuộc vận động lớn“3 xây, 3 chống”; năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”;đến Đại hội VI, Đảng dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật về thực trạng đất nước và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế, rồi kiên quyết, dũng cảm tiến hành công cuộc đổi mới.

Bản lĩnh, trí tuệ của Đảng được hình thành, tôi luyện và thử thách qua thực tiễn đấu tranh và lãnh đạo cách mạng. Vì vậy, nó phải không ngừng được củng cố, bồi đắp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Hiện tại, bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước đang đặt Đảng ta đứng trước nhiều vấn đề mới và hết sức phức tạp. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ; trình độ nhận thức, trí tuệ có mặt còn hạn chế;công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên còn những yếu kém; các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tiến công phá hoại sự nghiệp cách mạng, ra sức xuyên tạc, vu cáo, kích động chia rẽ nội bộ Đảng, hòng làm tan rã Đảng từ bên trong. Bên cạnh đó, thực tiễn 30 năm đổi mới và phát triển cũng làm xuất hiện những mối quan hệ lớn đòi hỏi Đảng phải nắm vững và giải quyết. Trong tình hình ấy, nếu Đảng không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không gương mẫu, trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ; không có cơ sở chính trị - xã hội vững chắc thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Với phương châm: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”, Hội nghị Trung ương 4 khóaXI đã ra Nghị quyết số 12-NQ/TW về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay”; Hội nghị Trung ương 4 khóaXI đã ra Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm tiếp tục xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của Nhân dân.

_______________

(1) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, NxbSự thật, Hà Nội, 1975, tr.386

(2)Văn kiện ĐảngToàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.6, tr.536

(3)V.I.LêninToàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva,1976, t.34, tr.571.

(4)Hồ Chí MinhToàn tập, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.5, tr.261.

 

                                                                                TS Nguyễn Quang Ngọc

                                                                             Trưởng khoa Xây dựng Đảng,

                                                                      Trường Chính trị Trần Phú Hà Tĩnh

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền