Trang chủ    Diễn đàn    Những bước tiến trong bảo đảm quyền dân sự, chính trị ở nước ta hiện nay
Thứ tư, 19 Tháng 6 2013 13:30
3667 Lượt xem

Những bước tiến trong bảo đảm quyền dân sự, chính trị ở nước ta hiện nay

(LLCT)-Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1966, nêu tổng quan các quyền dân sự và chính trị cơ bản của con người. Theo đó, các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân. Đây là Công ước mà Việt Nam đã ký và thông qua năm 1982. Trong suốt 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã nỗ lực từng bước thực hiện đầy đủ, toàn diện các quyền chính trị, dân sự của người dân.

Về quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được tôn trọng danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, nhục hình của mọi cá nhân. Đây là quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật, đặc biệt là các Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự. Hiến pháp Việt Nam quy định mọi người dân đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam cũng được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các quyền trên.           

Quyền sống là quyền trước tiên và quan trọng nhất của con người. Nhà nước Việt Nam đặc biệt ưu tiên và có nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm quyền sống cho mọi người dân, kể cả những người phạm tội. Mọi hành vi xâm phạm quyền sống của con người bị coi là hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất và bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự Việt Nam đã dành 18 điều luật quy định những mức án nghiêm khắc đối với các tội trực tiếp hoặc gián tiếp xâm phạm đến quyền sống của con người.

Quyền tự do, bất khả xâm phạm về thân thể và tôn trọng nhân phẩm được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Hiến pháp năm 1992 quy định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 72). Đây là điểm mới so với các bản Hiến pháp trước. Nhà nước còn chủ trương giảm khung hình phạt tử hình; giảm bớt hình phạt tù, tăng hình phạt không phải tù đối với những người phạm tội, thu hẹp hơn phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trẻ em phạm tội; xóa án đối với người được mãn hạn tù. Pháp luật nghiêm trị những hành vi xâm phạm quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm thân thể của con người; quy định chặt chẽ các căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục và thẩm quyền áp dụng các biện pháp như việc bắt giữ, tạm giam theo hướng ngăn ngừa việc lạm dụng dẫn đến vi phạm. Bộ Luật Hình sự có các điều khoản nghiêm cấm các hành vi tra tấn, dùng nhục hình và bức cung. Quy chế Trại giam, ban hành ngày 16-9-1993, quy định cụ thể về chế độ quản lý, giam giữ phạm nhân; chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chữa bệnh; chế độ lao động, học tập của phạm nhân. Phạm nhân được hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ; được khám sức khoẻ định kỳ; được học văn hoá để xoá mù chữ, phạm nhân chưa thành niên được phổ cập tiểu học, được nghe phổ biến thời sự, chính sách, học các chương trình giáo dục công dân, việc dạy nghề với phạm nhân chưa thành niên là bắt buộc...       

Hằng năm, Nhà nước Việt Nam đều tiến hành các đợt đặc xá phạm nhân vào các ngày lễ lớn của dân tộc với hàng nghìn phạm nhân được hưởng đặc xá. Đây là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam về việc đối xử nhân đạo, khoan hồng với tù nhân, những người lầm lỡ, tạo điều kiện cho họ trở về với cuộc sống lương thiện.  

Các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Việt Nam chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân  dân và vì nhân dân; thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; nhân dân là người quyết định mọi công việc của đất nước. Công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do họ lựa chọn. Nhà nước Việt Nam không ngừng phấn đấu bảo đảm và tạo điều kiện cho mọi công dân thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, coi đây là một trong những nhóm quyền quan trọng nhất của công dân.     

Hiến pháp Việt Nam nêu rõ: nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân; công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo... đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, hội đồng nhân dân.       

Trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII (nhiệm kỳ 2007 - 2011) năm 2007 đã có tới hơn 99,64% số cử tri đi bầu, khóa XIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) năm 2011 là 99,51%. Tỷ lệ cử tri thực hiện quyền bầu cử ở mức cao như vậy là do người dân ngày càng ý thức được quyền của mình.        

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về thực hiện dân chủ cơ sở, nhiều văn bản về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở như: Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; Nghị quyết số 45-1998/NĐ-UBTVQH ngày 26-2-1998 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;...           

Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, phần chất vấn các thành viên Chính phủ đã trở thành việc làm thường xuyên, ngày càng đi vào thực chất và có tác dụng như diễn đàn để người dân thông qua đại biểu của mình chất vấn cách thức điều hành của Chính phủ, đặc biệt đối với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức. Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn của Quốc hội tạo điều kiện cho người dân thực thi các quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của Chính phủ.  

Quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân ngày càng có hiệu quả. Theo quy định, các cơ quan Chính phủ phải tiếp dân, nghe dân trình bày và giải đáp cho dân, đồng thời tổ chức kiểm tra và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân.          

Quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân. Nhà nước tạo mọi điều kiện và bảo đảm quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân. Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định: công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật. Việc đi lại và lựa chọn nơi cư trú do mỗi cá nhân quyết định, phù hợp với nhu cầu, khả năng, hoàn cảnh của họ.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, chính sách đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên một "làn sóng người trở về" trong số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài: nếu năm 1987 chỉ có 8 nghìn lượt đồng bào về thăm đất nước, thì đến năm 2004 đã lên đến trên 430 nghìn, năm 2010 là 520 nghìn lượt. Các Chương trình Hồi hương tự nguyện (CPA), Chương trình ra đi có trật tự (ODP), Chương trình con lai Mỹ (AC); Chương trình dành cho sĩ quan chính quyền Sài Gòn cũ cải tạo (HO) và Chương trình tái định cư nhân đạo đã được hoàn thành.           

Những quy định pháp luật về việc đi lại, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam ngày càng được bổ sung, sửa đổi theo hướng cởi mở và tự do nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu phát triển giao lưu, quan hệ mọi mặt giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Quyền tự do xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã được cụ thể hóa trong Nghị định 05/2000/NĐ-CP ngày 3-3-2000 của Chính phủ. Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định lãnh sự (với 17 nước), Hiệp định tương trợ tư pháp (với 15 nước), Hiệp định kiều dân, Hiệp định thoả thuận miễn thị thực (với 41 nước), đơn phương miễn thị thực nhập cảnh cho công dân một số nước.         

 Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin của người dân. Điều 69 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 nêu: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật.”, “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin”.          

Người dân Việt Nam có quyền được thông tin, Đảng đề ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng và hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân. Luật Báo chí năm 1989, được sửa đổi và bổ sung ngày 12-6-1999, đã thể hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân nhằm tăng cường vị trí, vai trò và quyền hạn của báo chí và nhà báo. Trong những năm qua, hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng cởi mở, sôi động. Các phiên họp của Quốc hội, hội đồng nhân dân, nhất là các buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp. Nhiều chương trình đối thoại, tranh luận, trả lời, thăm dò ý kiến... với nội dung phong phú, đa dạng về mọi vấn đề đã được đăng tải, truyền thanh và truyền hình rộng rãi.      

Sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung và số lượng phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam là một minh chứng về tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin ở Việt Nam. Năm 1990, Việt Nam chỉ có 258 báo và tạp chí, năm 2010 tăng lên tới 706 cơ quan báo chí in, trong đó có 178 báo và 528 tạp chí với gần 1 nghìn ấn phẩm, 200 báo điện tử và hệ thống báo chí trên mạng internet. Ngoài báo chí của các cơ quan nhà nước, có rất nhiều báo, tạp chí của các tổ chức chính trị, các tổ chức xã hội và nghề nghiệp với trên 550 triệu bản báo được xuất bản hằng năm. Thống kê đến tháng 7-2010, Việt Nam có 67 đài phát thanh - truyền hình, gồm 3 đài phát thanh - truyền hình trung ương (VTV, VTC, VOV) và 64 đài phát thanh - truyền hình ở các địa phương, hơn 600 đài truyền thanh cấp huyện. Nhiều chương trình truyền hình nước ngoài được truyền phát rộng rãi ở Việt Nam như CNN, BBC, TV5, DW, HBO...        

Người dân Việt Nam ngày càng được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là internet. Internet được đưa vào khai thác, sử dụng và nối mạng toàn cầu từ tháng 11-1997, song trình độ phát triển và tốc độ đăng ký sử dụng internet tại Việt Nam đã tăng nhanh. Hiện nay, internet đã hình thành mạng lưới cung cấp dịch vụ 63/63 tỉnh, thành phố.            

Về quyền tự do hội họp và lập hội. Ở Việt Nam, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể bao gồm Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và 300 tổ chức nhân dân bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra còn có hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ... hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó chủ yếu là từ thiện và cứu trợ nhân đạo. Các tổ chức và hiệp hội hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, độc lập và tuân thủ pháp luật.

Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần chính đáng của con người. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chính sách "tín ngưỡng tự do và Lương, Giáo đoàn kết" trong chương trình hành động của Chính phủ, coi đó là một nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam. Từ đó đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền của các tín đồ được tự do thờ cúng và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách này đã được thể chế hóa bằng pháp luật.    

Điều 70 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 nêu rõ: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ". Công dân theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật (Điều 52 Hiến pháp). Nguyên tắc không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo còn được thể hiện trên mọi lĩnh vực như quyền bầu cử và ứng cử (Điều 54 Hiến pháp), trong các quan hệ dân sự, lao động, kết hôn (các Điều 8, 35, 45 Bộ Luật Dân sự) và nhiều văn bản pháp quy khác như Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục... Các tổ chức tôn giáo hợp pháp được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, sửa chữa và xây dựng cơ sở thờ tự theo quy định của pháp luật. Nhà nước chủ trương giao đất cho cộng đồng tín đồ sử dụng  lâu dài và đất đai của tôn giáo không phải chịu thuế như các loại đất khác (Điều 2 Nghị định 94/CP ngày 25-8-1994).

Luật pháp Việt Nam cũng nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, cưỡng ép dân theo đạo, bỏ đạo hoặc phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 8 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo) và quy định các hình phạt thích đáng đối với các tội danh này (các Điều 87 và 129 Bộ Luật Hình sự). Các quy định pháp lý trên hoàn toàn phù hợp với tinh thần và nội dung về tự do tín ngưỡng và tôn giáo được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.      

Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 18-6-2004 và có hiệu lực ngày 15-11-2004. Pháp lệnh đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới, đáp ứng đầy đủ hơn nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh của nhân dân và bảo đảm sự tương thích với các văn bản pháp lý quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Điều 38 của Pháp lệnh nêu rõ: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó”. Ngày 1-3-2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể việc thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo... 

Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng. Khoảng 80% người dân Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Số tín đồ các tôn giáo tăng nhanh trong thời gian qua: theo số liệu thống kê năm 2009 thì cả nước có khoảng 16 triệu tín đồ, trong đó, Phật giáo có 6,5 triệu, Công giáo 5,5 triệu, Phật giáo Hòa Hảo 1,5 triệu, Cao đài 803 nghìn, Tin lành 730 nghìn và Hồi giáo có 750 nghìn tín đồ và các tôn giáo khác. Ngoài ra, còn hàng chục triệu người có tín ngưỡng.            

Số nhà thờ, đền, chùa, thánh thất, số chức sắc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tâm linh của nhân dân. Các chức sắc tôn giáo cũng có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, có quyền ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân như mọi công dân khác theo quy định tại điều 53 và 54 Hiến pháp. Hiện có 7 đại biểu Quốc hội là chức sắc tôn giáo (4 đại biểu Phật giáo, 2 đại biểu Công giáo, 1 đại biểu Phật giáo Hòa Hảo) và theo số liệu của 44/63 tỉnh, thành phố, hiện có 1.171 chức sắc tôn giáo là đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, trong đó cấp tỉnh - thành phố là 74 người, cấp quận - huyện 265 người và cấp xã - phường 832 người.    

Các tôn giáo ở Việt Nam có mối quan hệ quốc tế rộng rãi. Giáo hội Công giáo Việt Nam có mối quan hệ về tổ chức và là một bộ phận của Giáo hội Công giáo hoàn vũ dưới sự lãnh đạo của Giáo triều Vaticăng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Phật giáo thế giới và Phật giáo các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo được Nhà nước tạo điều kiện để giao lưu quốc tế và đi đào tạo ở nước ngoài. Đại diện một số tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Phật giáo tham dự Hội nghị Thiên niên kỷ các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Mỹ, tham dự đối thoại liên tôn tại Inđônêxia, Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo tại Myanma.      

Quyền của đồng bào các dân tộc ít người. Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và dành các điều kiện ưu đãi nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ít người, hỗ trợ đồng bào thực hiện quyền bình đẳng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc.      

 Điều 5 Hiến pháp năm 1992 nêu rõ: "Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc ít người". Công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân như nhau (Điều 52 Hiến pháp). Các quy định trên của Hiến pháp đã được thể chế và cụ thể hóa trong các văn bản luật.           

Việt Nam là một quốc gia có 54 dân tộc. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê tính đến ngày 1-4-2009, dân số Việt Nam có 85.846.997 người, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 14% tổng số dân của cả nước, sống xen kẽ nhau, tập trung chủ yếu ở các vùng núi, đặc biệt vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, chế ngự thiên nhiên và xây dựng đất nước. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa Việt Nam thống nhất. Nhà nước Việt Nam đặc biệt coi trọng chính sách dân tộc, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc, coi đó là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.           

Về mặt thể chế, Hội đồng Dân tộc do Quốc hội bầu ra theo quy định của Hiến pháp (Điều 94), bên cạnh các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan của Quốc hội, Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu và kiến nghị Quốc hội về các vấn đề dân tộc, giám sát việc thi hành chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng có đồng bào dân tộc ít người. Chính phủ có trách nhiệm tham khảo ý kiến Hội đồng Dân tộc trước khi ban hành các quyết định về chính sách dân tộc. Trong Chính phủ có Ủy ban Dân tộc (cơ quan cấp bộ) chuyên trách công tác dân tộc.          

Các quyền chính trị của đồng bào dân tộc ít người được tôn trọng và bảo vệ. Công dân Việt Nam thuộc các dân tộc ít người có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân như mọi công dân khác theo quy định tại Điều 53 và 54 Hiến pháp. Hiện nay, có nhiều đại biểu của dân tộc ít người giữ các vị trí lãnh đạo, kể cả cấp cao nhất trong bộ máy lãnh đạo của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam. Số đại biểu Quốc hội khoá XI, nhiệm kỳ 2002-2007 là người dân tộc ít người là 86/498 người (chiếm 17,27% số đại biểu Quốc hội, cao hơn tỷ lệ 13,8 % dân số là người dân tộc ít người). Tỷ lệ đại biểu dân tộc ít người tại hội đồng nhân dân các cấp cũng khá cao: 14% ở cấp tỉnh, thành phố; 17% cấp huyện và 19% cấp xã, phường. Tại các địa phương miền núi, tỷ lệ đó cao hơn nhiều.       

Đáng chú ý là Chương trình hành động 122 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá IX về công tác dân tộc; Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa; các chính sách và chương trình ưu tiên đầu tư hạ tầng, giải quyết đất sản xuất và đất ở (Quyết định 132); hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở và các nhu cầu thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào nghèo thuộc dân tộc ít người (Quyết định 134); xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm (Chương trình 135); chính sách phát triển rừng, bảo vệ môi trường sống miền núi (Chương trình 327); chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ người dân tộc ít người; cải tạo các trạm y tế miễn phí cho đồng bào dân tộc ít người gặp khó khăn; hỗ trợ văn hoá thông tin cho đồng bào ít người...      

Việc thực hiện chính sách dân tộc của Nhà nước đã và đang mang lại những kết quả to lớn, nhất là trong thời kỳ đổi mới. Tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc ít người và miền núi đã mang lại kết quả rõ rệt. An ninh lương thực vùng dân tộc ít người đã từng bước được bảo đảm, về cơ bản, không còn hộ đói. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn Việt Nam giảm liên tục.         

Hệ thống giáo dục phổ thông phát triển nhanh và việc dạy tiếng dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường phổ thông ở khu vực dân tộc ít người. Chính phủ thực thi nhiều chính sách như miễn giảm học phí, cấp giấy viết và sách giáo khoa; chính sách cử tuyển ưu tiên con em, học sinh đồng bào dân tộc ít người vào các trường đại học, chuyên nghiệp, đã biên soạn 6 bộ sách và chương trình giảng dạy bằng 8 ngôn ngữ dân tộc như chữ Thái, Mông, Êđê, Bana, Giarai, Hoa, Chăm và Khơme.       

Đồng bào các dân tộc ít người được tạo điều kiện tiếp cận văn hoá, thông tin. Nhà nước luôn tôn trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá, những vật phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể của từng dân tộc; chú trọng sưu tầm, khai thác, lưu giữ, in ấn, giới thiệu rộng rãi  các di sản đặc sắc của văn hoá dân tộc.  Hệ thống phát thanh, truyền hình đã và đang tăng thời lượng và chất lượng; có chương trình phát thanh, truyền hình bằng 14 thứ tiếng dân tộc. Chính phủ quyết định cấp phát miễn phí 17 đầu báo, tạp chí đến tận thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; cấp gần 20 triệu bản sách cho các trường phổ thông dân tộc nội trú.             

Trong mỗi thời kỳ lịch sử cách mạng Việt Nam, việc bảo đảm quyền con người mang những nội dung khác nhau. Nhưng có thể khẳng định, Đổi mới là thời kỳ lịch sử có nhiều điều kiện thuận lợi để bảo đảm các quyền và tự do của con người hơn bất cứ thời kỳ lịch sử nào trước đây.

 

 ThS ĐỖ THỊ HIỆN

Đại học An Giang

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền