Trang chủ    Diễn đàn    Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam từ góc nhìn văn hóa và phát triển
Thứ hai, 30 Tháng 9 2019 09:14
8125 Lượt xem

Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam từ góc nhìn văn hóa và phát triển

(LLCT) - Bài viết nêu định nghĩa “chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam” và khẳng định: Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam giải quyết hàng loạt vấn đề về văn hóa và phát triển. Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam là một trong những giá trị cốt lõi của văn hóa chính trị truyền thống Việt Nam, được hình thành và phát triển trong lịch sử dựng nước, giữ nước và mở cõi của dân tộc Việt. Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ, phát huy chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam, nhằm khơi dậy những động lực xã hội, vốn xã hội, nhằm giải quyết tối ưu giữa cái cá nhân, cái cộng đồng với toàn dân tộc; giữa dân tộc và quốc tế; giữa lịch sử, hiện tại và tương lai; giữa tồn vong và phát triển.

1. Khái niệm và nội dung của chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam

Chủ nghĩa cộng đồng (Communitarianism) là khái niệm xuất hiện vào những thập niên cuối thế kỷ XX, phái sinh từ chữ “community” (cộng đồng). Chủ nghĩa cộng đồng ra đời do nhu cầu phản đối chủ nghĩa cá nhân cực đoan; đồng thời ủng hộ một xã hội văn minh. Trọng tâm chú ý của chủ nghĩa cộng đồng là chuyển mối quan tâm từ các cá nhân sang cộng đồng và xã hội.

Trên thế giới, hệ tư tưởng communitarianism gắn liền với tên tuổi của những chính khách lớn như: Bill Clinton, Tony Blair, Gerhard Fritz Kurt Schroder. Trong số các triết gia đương đại phát triển khái niệm này có giáo sư Michael Walzer của Đại học Princeton, giáo sư  Michael Sandel và giáo sư Robert Putnam từ Đại học Harvard, Amitai Etzioni, Robert N. Bellah, Alasdair MacIntyre, Jacek Kurczewski từ Ba Lan và cả Lý Quang Diệu của Singapore...

Tại Việt Nam, cho đến nay, chưa có một tác giả nào dùng thuật ngữ “chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam” để khắc họa đặc tính văn hóa và giá trị văn hóa chính trị Việt Nam. Thay vào đó, hầu hết các nhà nghiên cứu đều nói tới “Tính cộng đồng” trong văn hóa Việt Nam được thừa nhận là một đặc trưng văn hóa ưu trội. “Chủ nghĩa cộng đồng” trên thế giới đã dựa trên những nền tảng triết học và bệ đỡ tư tưởng nhất định. Nếu so sánh, chúng ta có thể thấy “tính cộng đồng” mà nhiều tác giả hay dùng, trong nghiên cứu văn hóa Việt Nam cũng tương đồng với những nội hàm của “communitarianism”, nếu không nói là vững chắc hơn.

Cơ sở lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam cũng như trên thế giới là phương thức sinh tồn bằng cộng đồng của con người. Trước hết, con người chỉ có thể sản xuất bằng cộng đồng. Trong sản xuất, người ta lại còn cần phải trao đổi, chia sẻ với nhau thông qua ngôn ngữ. Tính cộng đồng là một đặc trưng của loài người, đúng như C.Mác nhận xét: Trong tính hiện thực của nó, con người là “tổng hòa các quan hệ xã hội”. Mặt khác, sự cố kết các cá nhân lại thành cộng đồng, tạo nên một sức mạnh lớn hơn nhiều lần sức mạnh của mỗi cá nhân. Trong quá trình sống chung đó, con người cần phải giải quyết hàng loạt vấn đề để thực hiện sự quản trị cộng đồng đó, mà quan trọng nhất là giải quyết mối quan hệ giữa cộng đồng và cá nhân.

Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam, không chỉ giải quyết vấn đề đó, mà còn giải quyết các mối quan hệ căn bản khác nữa. Đó là gắn sự tồn tại của các cộng đồng riêng biệt trong cộng đồng quốc gia dân tộc, đặt cộng đồng nhỏ trong sự tồn tại của cộng đồng quốc gia. Cộng đồng quốc gia của người Việt Nam tồn tại trong một ý thức chung về nguồn gốc dân tộc, một vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa rất đặc biệt; là ở ngã tư của các nền văn minh, bên cạnh một đế quốc khổng lồ với chủ nghĩa Đại Hán... Vì vậy, trong chủ nghĩa cộng đồng của người Việt Nam, ngoài việc phản ánh những nội hàm mang tính phổ biến, còn phải phản ánh cách mà con người Việt Nam vượt qua sự thôn tính về lãnh thổ, sự đồng hóa về dân tộc và văn hóa, bảo vệ và phát triển bản sắc của chính mình. Đó không chỉ là phương thức tồn tại, mà còn chi phối sự lựa chọn hành vi của mỗi cá nhân, tạo thành một khuynh hướng hành động của cá nhân và toàn xã hội Việt Nam trong quá trình phát triển.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc đã rất thận trọng khi nói: “Ta có thể xếp văn hóa Việt vào loại hình văn hóa đậm tính cộng đồng. Dù hiểu khái niệm tính cộng đồng theo nghĩa nào, cũng có thể coi “tính cộng đồng” là một nét văn hóa Việt”(1). Ông còn kết luận: “Các nhà nghiên cứu Việt Nam đều thống nhất là giá trị văn hóa chủ yếu của người Việt là tính cộng đồng với nghĩa là tinh thần cộng đồng dân tộc”(2). Theo Hữu Ngọc, tính cộng đồng dân tộc còn được tăng cường qua lối sống, ngôn ngữ, triết lý, tín ngưỡng, biểu tượng (cả huyền thoại)... đã sáng tạo ra một nền văn minh lúa nước rực rỡ và độc đáo, còn tồn tại cho đến ngày nay.

GS, TS Trần Văn Phòng dùng khái niệm “Ý thức cộng đồng” để khắc họa đặc điểm riêng của người Việt Nam: “Ý thức cộng đồng có thể hiểu là tổng thể những tư tưởng, quan điểm, tâm trạng, thói quen, cách hành xử,v.v.. thể hiện thái độ của con người, của các nhóm xã hội đối với cộng đồng. Nói cách khác đó là sự quan tâm, cư xử của mỗi người, của mỗi nhóm xã hội, mỗi tổ chức với cộng đồng xung quanh”. “Ý thức cộng đồng vốn là đặc điểm chung của nhân loại, nhưng ở Việt Nam, ý thức cộng đồng còn là sản phẩm đặc thù của hoàn cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam, trở thành điều kiện sống còn và sức mạnh trường tồn của dân tộc trước mọi thử thách”(3).

Có thể coi những phân tích trên về “ý thức cộng đồng” Việt Nam đã chứa đựng khá đầy đủ nội hàm “chủ nghĩa cộng đồng” Việt Nam.

Vậy chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam là tổng thể những giá trị, tư tưởng, triết lý sống, chuẩn mực ứng xử... đề cao cộng đồng, vì cộng đồng, nhằm cố kết con người Việt Nam thành một sức mạnh tập thể, đủ sức giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giữ nước, dựng nước, mở nước và phát triển; hun đúc, chia sẻ và bảo tồn những giá trị văn hóa chung như là nền tảng của sự tồn tại, phát triển của mỗi cá nhân và toàn dân tộc.

Như vậy, nói đến chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam là nói đến và cần xem xét những nội dung chính sau:

- Ý thức cộng đồng về dòng giống, về nguồn gốc cộng đồng, nguồn gốc dân tộc;

- Tính cố kết cộng đồng và cố kết dân tộc;

- Phương thức cố kết cộng đồng, cố kết dân tộc (nhà - làng - nước);

- Xử lý tối ưu mối quan hệ giữa cộng đồng quốc gia dân tộc và các cộng đồng bộ phận; giữa cộng đồng và cá nhân;

- Xử lý mối quan hệ giữa cộng đồng quốc gia và cộng đồng quốc tế.

Ý thức cộng đồng và truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái là một giá trị, một trong những truyền thống quý báu nhất của dân tộc Việt Nam. Giá trị, truyền thống này có cội rễ sâu xa từ trong phương thức sinh tồn và phương thức phát triển. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tinh thần cộng đồng và truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái đã được hun đúc, trở thành một trong những giá trị văn hóa cốt lõi và một truyền thống quý báu - một bệ đỡ quan trọng nhất của chủ nghĩa yêu nước - cơ sở và cội nguồn của sức sống và nội lực phát triển của dân tộc Việt Nam.

Ý thức cộng đồng ngày nay đã vượt ra khỏi phạm vi ý thức cộng đồng làng xã, trong ý thức cộng đồng dân tộc bao gồm cả ý thức cộng đồng nhân loại. Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam  thể hiện đặc sắc trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh về chiến lược, sách lược tập hợp lực lượng dân tộc giải quyết những nhiệm vụ của cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Từ rất sớm, Người đã chỉ rõ: Đoàn kết, Đại đoàn kết - Thành công, Đại thành công.

Truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam ngày nay được thể hiện trong đường lối của Đảng về xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội với tinh thần hòa giải, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, để cùng nhau đưa đất nước Việt Nam biết tận dụng các cơ hội mới, vượt qua những thách thức mới của thời đại, để xây dựng đất nước có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Đó chính là sự phát huy chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam, một giá trị văn hóa chính trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam trong điều kiện mới.

2. Quá trình ra đời và phát triển của chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam

a. Ý thức về dòng giống

Nói đến ý thức về dòng giống của người Việt Nam, chúng ta cần căn cứ vào những nghiên cứu khảo cổ, sinh trắc học, như GS Nguyễn Văn Huyên đã làm trong cuốn “Văn Minh Việt Nam” xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1944. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, ý thức về dòng giống lại ít chú ý và ít bị ảnh hưởng bởi những dữ liệu như vậy. Hơn nữa, từ thời xa xưa, các số liệu nhân chủng học, y sinh học còn chưa có. Người Việt, giải thích dòng giống của mình một cách đầy tự hào là con Rồng, cháu Tiên, con của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Người Việt, theo các  truyền thuyết, huyền thoại là dòng giống của đế vương, biểu tưởng là hai con vật linh thiêng có sức mạnh huyền vũ và vẻ đẹp thiên thần. Ý thức cộng đồng nảy sinh từ buổi sơ khai của những tộc người Việt, mà trước hết là Âu Việt, Lạc Việt. Truyền thuyết Trăm trứng được cho là truyền thuyết về Bách Việt, ngày nay, người Việt Nam coi đó là câu chuyện giải thích về dòng giống dân tộc mình. Trên cơ sở này, người Việt gọi nhau là “đồng bào” (cùng một bọc) và đề cao triết  lý sống coi nhau như anh em, dù sinh sống ở núi rừng hay chân trời góc bể.

Hiếm có một quốc gia dân tộc nào, mà nhân dân đều có chung một quan niệm mang tính triết học, văn hóa, và tâm linh rằng dân tộc Việt Nam đều là “đồng bào”, được sinh ra cùng một cha mẹ. Niềm tin đó đã trở thành tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, thờ cúng Vua Hùng. Khi công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Quyết định của UNESCO (ngày 6-12-2012) nêu rõ: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.

b. Cố kết cộng đồng và cố kết dân tộc

Tinh thần cố kết cộng đồng và cố kết dân tộc của người Việt được kết nối bởi ba yếu tố có tính hạt nhân: (i) Công cuộc chinh phục cải tạo thiên nhiên để tồn tại và phát triển; (ii) Do vị trí địa lý là nơi giao lưu của các dòng chảy văn hóa lớn của thế giới, và (iii) Do nhu cầu chống ngoại xâm bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Thứ nhất, công cuộc chinh phục thiên nhiên được bắt đầu bằng sự liên kết nhau lại của những người Việt cổ. Họ nhận thấy sự cần thiết phải sống tập trung lại với nhau, nương tựa vào nhau để có sức mạnh tập thể nhằm đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt ấy. Họ đã tập hợp nhau lại để tiến hành đắp đê, chống lũ lụt hàng năm cũng như để ngăn chặn sự xâm mặn của nước biển. Đồng thời, họ xây dựng những công trình thủy lợi, như đào kênh, mương dẫn nước vào đồng ruộng, khắc phục hạn hán... Những công việc ấy đòi hỏi ý chí, sức lực không phải của một vài người mà là của hàng nghìn người góp sức lại, “xây đắp hàng vạn cây số đê và thường xuyên chống lụt, chống hạn, rồi tiếp sau đó là đẩy mạnh việc khẩn hoang, khai phá vùng đất phía Nam, tăng gấp hai lần diện tích đất canh tác cho đất nước. Sự nghiệp vĩ đại đó sao có thể thành công nếu như không có sức mạnh của cộng đồng?”(4).

Thứ hai, nằm ở ngã tư của các dòng văn hóa, từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, dân tộc Việt Nam phải đủ bản lĩnh và bản sắc văn hóa để giao lưu, tiếp biến và tự vệ văn hóa. Trong cuộc đấu tranh với văn hóa ngoại tộc, thường có sức mạnh kinh tế và quân sự gấp nhiều lần, với những âm mưu đồng hóa, thủ tiêu văn hóa Việt rất nham hiểm, nhưng nhờ có chủ nghĩa cộng đồng, dân tộc Việt Nam đã sáng tạo ra một nền văn minh lúa nước lâu đời, một nền văn hiến rực rỡ với cơ cấu Nhà - Làng- Nước độc đáo, đặc sắc.

Qua hàng nghìn năm, chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam vừa phát triển từ nội sinh, vừa tiếp biến những giá trị ngoại sinh, chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam đã tạo nên một cộng đồng tư tưởng đặc sắc: Đa nguyên tư tưởng, đa nguyên tín ngưỡng dựa trên lợi ích cộng động quốc gia làm trung tâm.

Sự kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Tam giáo đồng nguyên là một sản phẩm của chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam. Đình - chùa - đền - miếu - nghè - phủ... là những thiết chế của chủ nghĩa cộng đồng: Đình thờ Thành hoàng (tổ tiên), Chùa thờ Phật, Đền thờ “Thánh”, Miếu thờ “Thần”... Cái nhất nguyên của chủ nghĩa cộng đồng chứa đựng cái đa nguyên tư tưởng. Nhất nguyên là cộng đồng người Việt, lợi ích dân tộc Việt; đa nguyên là đa dạng các cơ sở triết học, tư duy, từ tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, thờ Vua Hùng, thờ Thánh (những anh hùng dân tộc), Thờ Mẫu... đến các tư tưởng của Nho, Phật, Lão. Tất cả các yếu tố “đa nguyên” đó không có một chức năng nào khác là phục vụ cho cuộc sống vật chất, tinh thần và tâm linh của cộng đồng người Việt.

Khi đất nước thanh bình, khi nhà nước phong kiến còn có vai trò tích cực, khi có Vua sáng, tôi hiền, đất nước thái bình, thịnh trị, thì những người nông dân vẫn sống thuần hậu, chất phác và cần mẫn với việc đồng áng, họ tham gia các nghĩa vụ đối với nhà nước như đóng tô thuế, lao dịch và binh dịch. Một bộ phận tham gia các đội tuần đinh, dân binh làng xã. Họ là lực lượng vũ trang cơ sở, tồn tại dưới hình thức “tĩnh vi nông, động vi binh” (lúc yên là nông dân, lúc động là binh lính). Khi đất nước có chiến tranh, nông dân là lực lượng đông đảo nhất tham gia quân đội của nhà nước, hoặc các đội dân binh đánh giặc tại chỗ, với ý thức “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, cùng đánh giặc giữ làng, giữ nước.

Với một chủ nghĩa cộng đồng như vậy, người Việt nuôi dưỡng nhân tài và hiền tài trong các làng mạc, để khi cần thì ra phò Vua giúp nước. Hiền tài không phân biệt thành phần xuất thân, không phân biệt sang, hèn, già, trẻ. Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam là nơi cung cấp hiền tài vô tận. Vì vậy mà Nguyễn Trãi đã từng tự hào nói “hào kiệt không bao giờ thiếu”.

Thứ ba, cố kết cộng đồng trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm là truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi, tiến hành nhiều nhất các cuộc chiến tranh chống xâm lược, chống đô hộ và có thời gian gộp lại của các cuộc chiến tranh đó dài nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất luôn chiến thắng các đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. Nhờ đó, con người Việt Nam ý thức được mình thuộc về một dân tộc, quốc gia; ý thức về cách sống, cách dựng nước, giữ nước và mở nước, cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước vận mệnh dân tộc, trước đời sống cộng đồng dân tộc, điều đó giúp cho dân tộc ta trở thành một khối thống nhất vững mạnh.

Ý thức cộng đồng Việt Nam còn được thể hiện ở ý chí thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc. Bởi thống nhất Tổ quốc trở thành nhu cầu của đạo lý, tình cảm, là điều kiện của sự tồn tại độc lập và hạnh phúc của toàn thể nhân dân. Con người Việt Nam đã sớm ý thức được rằng, chỉ có thể giải phóng toàn vẹn đất nước khi toàn thể cộng đồng người sống trên lãnh thổ đó được giải phóng. Vì vậy, toàn thể đồng bào đã liên kết lại để đấu tranh, quyết không để cho kẻ thù xâm lược xóa sổ dân tộc Việt Nam.

Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam đã khởi nguồn từ lúc ra đời nhà nước Văn Lang với sự liên minh của 15 bộ lạc anh em thành một Nhà nước thống nhất.

Những biến thiên lịch sử thời cổ đại, tuy bị bao phủ bởi màn sương huyền thoại, nhưng cũng cho chúng ta thấy, khát vọng cộng đồng, sức sống mãnh liệt của cộng đồng Lạc Việt - Âu Việt, nhờ đó mà cộng đồng này là một trong những cộng đồng hiếm hoi của Bách Việt, sống phía Nam sông Dương Tử không bị đồng hóa, giành được độc lập, phát triển thành một cộng đồng quốc gia dân tộc như ngày nay.

c. Phương thức cố kết cộng đồng (nhà - làng - nước)

Nhà - làng- nước là ba thực thể xã hội với ba cấp độ khác nhau về không gian kinh tế- xã hội nhưng lại có mối liên quan liên kết chặt chẽ. Sự thống nhất giữa nhà - làng - nước đã tạo nên một sức mạnh lớn đưa đất nước Việt Nam vượt qua biết bao thăng trầm, đứng vững sau nhiều cuộc xâm lược của những kẻ thù mạnh như: các triều đại phong kiến phương Bắc rồi đến thực dân Pháp và đế quốc Mỹ...

Ở Việt Nam, mối quan hệ nhà - làng - nước là mối quan hệ đặc trưng, đóng vai trò rường cột trong văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa chính trị Việt Nam nói riêng. Hơn đâu hết, nhà -làng - nước là nơi giao thoa nhiều nhất giữa những cái được coi là “không chính trị” và những “cái chính trị”, giữa nhà nước và tự quản cộng đồng. Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam truyền thống giải quyết tất cả các vấn đề của cộng đồng trong mối quan hệ nhà - làng - nước. Ở đây tồn tại một mối quan hệ vừa thống nhất, vừa đan cài, vừa mâu thuẫn. Lúc có ngoại xâm, nước được đặt lên trước, ngày thường, phép vua có thể thua lệ làng.

Giáo sư Nguyễn Văn Huyên cho rằng: “Gia đình là cơ sở của xã hội ta”. Nhiều nhà tập hợp nhau lại thành làng. Có làng mới có nước. Nước hình thành trên cơ sở làng, một “siêu làng”. Mọi người đều gắn bó với làng với nước. Xây dựng bảo vệ làng là xây dựng bảo vệ nước. Ngược lại chống lại làng là chống lại nước. Không có ai yêu nước mà không yêu làng. Mối quan hệ làng - nước bền chặt như vậy, nên trong lịch sử, đã có lúc mất nước nhưng không mất làng.

Làng Việt là một sức mạnh to lớn của xã hội Việt Nam, là một tổ chức hành chính tự trị nằm trong quốc gia (nước). Làng phải có nghĩa vụ sưu thuế đối với nước và tự giải quyết tất cả những gì liên quan đến đời sống dân làng từ khi sinh ra cho đến lúc chết. Chính quyền nhà nước phong cho làng, cho các họ trong làng (công nhận bởi nhà nước) chỉ can thiệp khi có yêu cầu của làng, hoặc trong những trường hợp cần thiết. Làng được tổ chức rất chặt chẽ, phức tạp theo các mối quan hệ tuổi tác, đẳng cấp, và theo một số quy chuẩn của nhà nước. “Dưới con mắt của chính quyền, làng là một nhân cách, nó có cá tính riêng... Làng có thể coi là một nhà nước nhỏ, được cai quản bởi một hội đồng kỳ mục gồm các chức sắc, những người có học hành đỗ đạt, có phẩm hàm, lý trưởng, phó lý, chánh tổng, phó tổng cũ hoặc mới, những người già”(5). Ngoài cơ cấu có tính chính thức như vậy, trong các làng còn có các hội hợp tác, hội tương tế, các hội hoặc phường khác (đồng môn, đồng niên, phường vải, phường hát...), cùng với hệ thống cứu trợ hàng xã trên cơ sở hoa lợi thu được từ ruộng công, tạo nên hệ thống “vốn xã hội” và đảm bảo an sinh của làng. Giáo sư Nguyễn Văn Huyên nhận xét: “Như vậy, làng xã Việt Nam, ngoài tổ chức hành chính chính thức, còn vô số nhóm có những mối quan hệ rõ rệt. Do tinh thần tương trợ của họ, những nhóm này đóng vai trò tốt lành ở cái xứ sở ít tiền bạc này”(6). Khi giải quyết công việc trong làng, chủ nghĩa cộng đồng kiểu làng xã đã dùng một cơ chế “xích gần tới lý tưởng tương trợ và đoàn kết”, đó là biết kết hợp tổ chức, nghi lễ, tình cảm cá nhân và lợi ích, giữa pháp luật và lệ làng, giữa tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Về mối quan hệ giữa nhà-làng và nước, giáo sư Nguyễn văn Huyên nhận xét: Ngoài “nhà”, có hai tổ chức làm khung cho hoạt động của các cá nhân, đó là “làng” và “nước”. Làng có tính tự trị hành chính và là một tổ chức riêng, nhưng làng vẫn nằm trong khuôn khổ của nước, phải tuân theo luật lệ chung của nước. Nước tuy mạnh và lớn, nhưng không thể lấn lướt các đặc quyền của làng. Đối với các cá nhân, làng và nước là hai tổ chức, hai cái khung đáng kể ngang nhau.

Từ kiểu sống cộng đồng làng xã, người Việt Nam xưa cũng tư duy về nước tương tự như làng, là mở rộng của làng. Vua là “cha mẹ” dân, cũng thờ cúng tổ tiên, mở hội xuống đồng, mở đàn cầu trời khi mất mùa, hạn hán... Truyền thống chính trị thân dân của Việt Nam, chắc chắn không phải chủ yếu học từ Nho giáo mà chủ yếu từ chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam.

Nói về nét đặc sắc của chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam qua mô thức làng Việt, giáo sư Nguyễn Hồng Phong khẳng định: Làng Việt như một hiện tượng nổi bật của văn minh Việt và lịch sử văn minh. Đặc trưng của văn minh Việt là làng-nước (làng-nước chứ không phải là nước-nhà như Trung Hoa). Ông còn so sánh với Nhà nước Hy Lạp cổ đại, cho thấy rõ hơn một tính chất của chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam so chủ nghĩa cộng đồng phương Tây. Nếu như quốc gia (Hy Lạp cổ đại) là liên minh của những đô thị thì quốc gia Việt là liên minh của những làng xã. Các làng xã làm nông nghiệp, các làng xã cũng làm công nghiệp và thương nghiệp. Trong làng không chỉ có nông, có cả công, thương, sĩ(7).

Nhờ tính chất quần cư kiểu làng xã ấy đã tạo cho con người Việt Nam có một ý thức trách nhiệm chung đối với làng xã, cùng giải quyết các công việc chung của làng xã - các công việc đòi hỏi sức mạnh của tập thể, sự đoàn kết nhất trí của tập thể - làm cho ý thức cộng đồng làng xã được hình thành. Vận mệnh làng gắn bó với vận mệnh của nước. Ý thức cộng đồng làng xã đã được phát triển ở một mức độ cao hơn đó là ý thức quốc gia dân tộc.

d. Mối quan hệ giữa cộng đồng và cá nhân; giữa cộng đồng quốc gia dân tộc và các cộng đồng bộ phận

Có thể nói, trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất của người Việt, cộng đồng bao giờ cũng được đề cao, được coi trọng hơn cái cá nhân. Từ đó, nhiệm vụ, trách nhiệm, ý thức chung về làng xã, về cộng đồng ngày càng ăn sâu vào tiềm thức con người Việt Nam và phát huy mạnh mẽ không chỉ trong công cuộc đấu tranh với thiên tai, trong phát triển sản xuất, trong giao lưu văn hóa mà còn được thể hiện đậm nét trong công cuộc đấu tranh giữ nước vĩ đại.

Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc đối đầu với chủ nghĩa cá nhân phương Tây trong quá trình Tây phương hóa (westernization). Qua nhiều xáo trộn bởi chiến tranh, bởi chủ nghĩa tập thể (collectivism) mô hình Xô Viết, qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội giai đoạn 1976-1986... Chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam có bị ảnh hưởng tiêu cực nhất định, nhưng cuối cùng vẫn giữ được bản sắc. Nó không đầu hàng chủ nghĩa cá nhân, luôn tuyên chiến với chủ nghĩa cá nhân. Nó không đầu hàng chủ nghĩa tập thể bình quân, cơ giới vô hồn; nó tiếp biến, kết hợp triết lý, tín ngưỡng, tôn giáo, chính trị thành lối sống người Việt. Một lối sống mang tính quy luật là luôn đặt Nước cao hơn nhà (nước mất thì nhà tan), quyền lợi của quốc gia, dân tộc cao hơn quyền lợi của bộ phận, giai cấp, địa phương, dòng họ, cá nhân. Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, tính “ưu tiên” trong giải quyết các mối quan hệ giữa nhà - làng - nước của người Việt Nam còn có sự cân bằng, linh hoạt, không tuyệt đối hóa một cách cực đoan, có tính tùy biến, hay nói cách khác là mang tính biện chứng.

Có thể nói, trong suốt chiều dài hàng nghìn năm, chưa bao giờ chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam thể hiện rõ được những nội hàm của nó như thời kỳ hiện đại của lịch sử dân tộc (từ 1945 đến nay).

Trong bối cảnh của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhiều chuẩn mực và giá trị mới đang được hình thành. Do đó, mối quan hệ giữa cộng đồng và cá nhân; giữa nhà - làng - nước - quốc tế, phải được đặt trong bối cảnh hoàn toàn mới: Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các cuộc cách mạng công nghệ...

Bối cảnh đó đòi hỏi chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam cần được nhận thức đầy đủ, không chỉ là ý thức cộng đồng, tính cộng đồng, tinh thần tập thể nữa, mà là chủ nghĩa cộng đồng Việt Nam, với những động lực xã hội được khơi dậy, giải quyết tối ưu giữa cái cá nhân, cái cộng đồng với toàn dân tộc; giữa dân tộc và quốc tế; giữa lịch sử, hiện tại và tương lai; giữa tồn vong và phát triển.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2019

(1), (2), Hữu Ngọc (2010):  Vài ý kiến về tính cộng đồng của người Việt dưới góc nhìn văn hóa, http://www.honvietquochoc.com.vn

(3) Trần Văn Phòng: Ý thức cộng đồng Việt Nam, Tạp chí Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam,

số tháng 11-2007. Xem thêm: https://www.elib.vn/

nghi-luan-xa-hoi-ve-y-thuc-cong-dong-459795.html

(4) Vũ Khiêu: Văn hóa Việt Nam xã hội và con người, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, tr.64.

(5), (6) Nguyễn Văn Huyên (1944), La Civilisation annamite (Văn minh Việt Nam. Đỗ Trọng Quang dịch từ tiếng Pháp), Nxb Hội Nhà văn, 2017, tr.95, 107.

(7) Nguyễn Hồng Phong: Văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.99.

GS, TSKH Phan Xuân Sơn

TS Nguyễn Thị Thanh Dung

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền