Trang chủ    Diễn đàn    Sự biến đổi của cơ cấu giai - tầng xã hội và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay
Thứ sáu, 25 Tháng 10 2019 12:40
98405 Lượt xem

Sự biến đổi của cơ cấu giai - tầng xã hội và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay

(LLCT) - Quá trình đổi mới đất nước, mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế thị trường dẫn đến nhiều biến đổi kinh tế - xã hội to lớn, bên cạnh những thành tựu đạt được có ý nghĩa lịch sử, cơ cấu xã hội cũng có sự phân hóa, phân tầng mạnh mẽ. Một xã hội có “cấu trúc tầng bậc” xuất hiện ngày càng rõ ràng, hình thành nên những giai - tầng xã hội khác nhau về thu nhập, mức sống, địa vị kinh tế, hưởng thụ văn hóa, quyền lực chính trị và uy tín xã hội... Do đó rất cần rà soát và điều chỉnh các chính sách kinh tế - xã hội, góp phần tạo dựng những chuyển biến tích cực trong cơ cấu giai - tầng xã hội trong bối cảnh hiện nay.

1. Sự biến đổi của cơ cấu xã hội giai - tầng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay

Từ sau Đại hội VI (1986), chúng ta đã chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang xây dựng kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Quá trình này đã dẫn đến những biến đổi vĩ mô trong CCXH giai cấp, nghề nghiệp, dân số, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo..., đặc biệt trong cơ cấu xã hội giai cấp có sự biến đổi rõ rệt. Giai cấp công nhân tăng nhanh về mặt số lượng, chất lượng (kể cả số lượng tuyệt đối cũng như tỷ trọng trong dân cư). Hàm lượng lao động có trình độ cao, tay nghề cao gia tăng một cách đáng kể. Giai cấp nông dân vẫn tăng mạnh về mặt số lượng song tỷ trọng trong dân cư giảm. Hiện nay, sản xuất theo chuỗi, theo tiêu chuẩn Vietgap ngày một gia tăng, đưa nông nghiệp nước ta bứt phá nhanh chóng và ngày càng xuất khẩu sản phẩm ra khắp thế giới, thâm nhập vào cả những thị trường khó tính như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Úc, Newdilan... Năm 2018, sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp nước ta đã cán đích trên 10 tỷ USD. Trong tương lai, nông nghiệp nước ta còn tiếp tục bứt phá và triển vọng sẽ trở thành một trong 30 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Điều này dẫn đến những biến đổi trong cơ cấu lao động - việc làm. Lao động dịch vụ tăng cùng sự gia tăng nhanh chóng thành phần kinh tế tư nhân, trong đó có sự lớn mạnh đáng kể của tầng lớp doanh nhân (cả nước hiện có trên 3 triệu hộ sản xuất kinh doanh, gần một triệu doanh nghiệp với đội ngũ đông đảo doanh nhân).

 Tầng lớp trí thức tăng nhanh về mặt số lượng, đa dạng hóa trong cơ cấu nghề nghiệp và lĩnh vực hoạt động. Công nghệ thông tin phát triển mạnh; các lĩnh vực dầu khí, điện tử, bưu chính viễn thông (đặc biệt là điện thoại di động). Số lượng lớn trí thức làm việc trong các khu vực kinh tế tư nhân, với nước ngoài và làm việc ở ngoài nước mang lại nhiều công nghệ, kinh nghiệm tiên tiến của thế giới phục vụ nhu cầu phát triển của nền kinh tế- xã hội trong nước. Trí thức tăng lên nhiều hơn lực lượng tham gia lao động trực tiếp ra của cải vật chất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường khối đoàn kết công- nông- trí. Đã có nhiều trí thức trở thành doanh nhân, cùng đồng hành “4 nhà”, “5 nhà” với nhà nước, nhà nông, ngân hàng, nhà quản lý và đang dần trở thành một lực lượng xã hội quan trọng trong thời kỳ đổi mới.

Quá trình đổi mới đất nước, mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế thị trường đã dẫn đến nhiều biến đổi kinh tế- xã hội to lớn. Bên cạnh những thành tựu đạt được có ý nghĩa lịch sử thì đó là quá trình phân hóa, phân tầng xã hội mạnh mẽ. Từ một cấu trúc về cơ bản và phổ biến là ngang bằng nhau trước đổi mới (thời bao cấp) thì cho tới nay đã xuất hiện một xã hội có “cấu trúc tầng bậc” (hierarchical structure) ngày càng rõ ràng; hình thành nên những giai - tầng xã hội khác nhau về thu nhập, mức sống, địa vị kinh tế, hưởng thụ văn hóa, quyền lực chính trị và uy tín xã hội... Những giai - tầng này không phải là phép cộng cơ học, đơn giản của chỉ hai giai cấp và tầng lớp mà là kết quả của sự hình thành phức tạp “đan kết: nhiều chiều thông qua những cơ động “ngang” (horizontal mobility), dọc(vertical), “vào”, “ra”của những cá nhân, nhóm từ khắp các giai cấp, tầng lớp, tổ chức, đoàn thể xã hội.

Theo cách nhìn mới hiện nay, cơ cấu giai - tầng ở nước ta là một cấu trúc “đan kết”vừa có cấu trúc “ngang”, vừa có cấu trúc “dọc”. Cấu trúc “ngang”, đó là một tập hợp các giai cấp, tầng lớp, nghề nghiệp, tổ chức, đoàn thể trong xã hội. Trong đó bao hàm các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu thương, doanh nhân, trí thức... Cấu trúc “dọc”, tức là cấu trúc “tầng bậc” cao thấp khác nhau trong xã hội, được xem xét (biểu hiện) ở ba dấu hiệu cơ bản khác nhau: địa vị kinh tế (tài sản, thu nhập), địa vị chính trị (quyền lực), địa vị xã hội (uy tín).

Tầng lớp xã hội “ưu trội”

Trong bối cảnh đổi mới đất nước, xây dựng nền kinh tế đa thành phần, phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế với những tác nhân kinh tế - xã hội khác nhau (kể cả những tác nhân quốc tế bên ngoài cũng như những yếu tố nội sinh), bên trong, mỗi giai cấp, tầng lớp, tổ chức xã hội đều không tĩnh tại mà biến đổi không ngừng. Sự biến đổi này diễn ra trong nội bộ (trong lòng) mỗi giai cấp, tầng lớp, cũng như trong mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp và trên bình diện toàn xã hội (xã hội tổng thể). Biểu hiện nổi bật nhất là sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo. Đáng lưu ý là có sự xuất hiện của tầng lớp xã hội “ưu trội”. Tầng lớp này không “nổi” lên như một lực lượng xã hội, nhóm xã hội riêng rẽ mà bao gồm những người ưu tú, tài hoa nhất vượt trội lên từ khắp các giai cấp, tầng lớp, tổ chức trong xã hội... Đó là những công nhân với nhiều sáng kiến tìm tòi, làm việc có năng suất cao, tạo ra được nhiều sản phẩm đẹp, tốt, có chất lượng, mang lại những lợi ích hữu dụng cho xã hội; những doanh nhân tài ba, tháo vát, sản xuất kinh doanh giỏi, áp dụng được những cơ chế quản lý mới, công nghệ - kỹ thuật tiên tiến mang lại nhiều lợi nhuận, giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, tạo nhiều sản phẩm, hàng hóa độc đáo, đa dạng, chất lượng tốt, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thương trường, trích nộp được nhiều ngân sách cho nhà nước cũng như đóng góp nhiều nguồn tài chính cho các việc làm thiện nguyện... Đó là những nhà quản lý giỏi, những nhà khoa học có nhiều phát minh, sáng chế, đưa ra những quy trình công nghệ mới, những cơ chế quản lý ưu việt, những đề xuất kiến nghị thiết thực mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Đó là những nông dân làm ăn giỏi, những chủ trang trại dám nghĩ, dám làm, tháo vát, năng động, sáng tạo, khai thác, tận dụng lao động dôi dư từ nông nghiệp, nông thôn, tạo ra những sản phẩm dồi dào, có giá trị cho xã hội. Những người thợ thủ công, phát huy bàn tay vàng với những ý tưởng “vàng” tạo ra những sản phẩm độc đáo mang lại thương hiệu có uy tín và lợi ích cao cho xã hội... Đó là những công chức đưa ra được nhiều ý tưởng cải cách, hợp lý hóa, tối ưu hóa các giải pháp, thủ tục hành chính, mang lại nhiều tiện ích và sự hài lòng cho người dân...

Tầng lớp xã hội yếu thế

 Song hành với sự hình thành của “tầng lớp xã hội ưu trội”, là sự xuất hiện một cách tất yếu của tầng lớp “yếu thế”. Tầng lớp này cũng được hình thành từ khắp các giai cấp, tầng lớp, tổ chức, nghề nghiệp, đoàn thể xã hội; đa số họ là những người vừa hạn chế về các nguồn lực kinh tế, xã hội, văn hóa tổ chức, vừa có những yếu kém về thể chất, tinh thần và gặp nhiều rủi ro, không may mắn trong cuộc sống.

Sự biến đổi của cơ cấu xã hội cũng hình thành một số nhóm xã hội khác trong đó có nhóm xã hội (chưa thể định danh) mà hoạt động của họ tạo ra những bất ổn xã hội, hoặc tạo ra mầm mống của những bất ổn (những người làm nghề mại dâm, buôn lậu...với con số lên đến hàng chục nghìn người); nhóm xã hội mà nguồn sống dựa chủ yếu vào tiền của người thân đang sống và làm việc ở nước ngoài gửi về (số lượng hàng vạn người, chủ yếu ở các thành phố phía Nam).

Như vậy, đặc điểm cơ cấu xã hội nước ta hiện nay là một xã hội đa cơ cấu - giai tầng xã hội; trong mỗi giai cấp, tầng lớp lại có sự đan xen đa dạng, đa cấu trúc. Các giai cấp và tầng lớp xã hội đang trong quá trình biến động, chưa định hình, khó xác định và khó nhận diện.

2. Những vấn đề đặt ra cần nghiên cứu

Trong quá trình cải cách và xây dựng đất nước mấy chục năm qua, đặc biệt là dấu mốc đổi mới lịch sử từ nghị quyết đại hội VI (1986) do Đảng ta khởi xướng, xã hội nước ta đã có những chuyển biến to lớn, có ý nghĩa lịch sử đặc biệt là trong kết cấu giai tầng xã hội. Các giai cấp, tầng lớp xã hội như: giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức... đã định hình các đặc trưng xã hội. Song, trong sự chuyển động kinh tế - xã hội của đất nước, các giai cấp, tầng lớp xã hội này cũng đã và đang có sự chuyển dịch kết cấu trong nội bộ của mỗi giai cấp, tầng lớp cũng như trong sự tương tác với các giai cấp, tầng lớp khác. Sự chuyển dịch đó bắt nguồn từ sự chuyển dịch các hình thức sở hữu ngành nghề trong các giai cấp, tầng lớp.

Trong giai cấp nông dân đã hình thành những nông dân làm dịch vụ, mở xưởng cơ khí, làm nghề phụ, buôn bán nhỏ...; có nông dân làm chủ trang trại, có nông dân làm thuê, có nông dân sống và làm việc ở nông thôn nhưng cũng đã ly nông. Sự chuyển dịch đó dẫn đến tính chất thuần nông trong giai cấp nông dân ngày một thuyên giảm. Trong thời gian tới, thực hiện chủ trương chuyển mạnh cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng lao động làm nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp, dịch vụ, tạo điều kiện để nông dân có việc làm trong và ngoài khu vực nông thôn, kể cả ở nước ngoài sẽ làm cho giai cấp nông dân có sự chuyển dịch mạnh về kết cấu và tính chất giai cấp.

Trong giai cấp công nhân nước ta hiện nay hình thành một nhóm xã hội có vị trí kinh tế, xã hội và dễ nhận thấy vai trò của họ trong sản xuất, kinh doanh như: chủ trang trại. Tên gọi chủ trang trại chỉ mới phản ánh vị trí, vị thế trong sản xuất của họ - với tính cách là những ông chủ sở hữu (sử dụng một số đất đai, ao hồ, ruộng vườn, mở mang sản xuất, thuê khoán nhân công, sản xuất ra nông lâm, hải sản), chứ chưa phản ánh vị trí, vị thế xã hội. Trên thực tế, họ chưa có sự “liên hệ bên trong” để hình thành một tầng lớp xã hội, tuy nhiên cho thấy rõ hơn sự phân hóa, tính phức tạp trong kết cấu của giai cấp nông dân.

Trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, mở cửa và hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân Việt Nam đã có nhiều chuyển dịch về ngành nghề, dẫn đến sự chuyển dịch về kết cấu trong nội bộ giai cấp. Tính phức tạp trong giai cấp công nhân ngày càng tăng lên, công nhân làm thuê đan xen với công nhân có cổ phần, thậm chí là chủ xưởng. Trong giai cấp công nhân đã xuất hiện công nhân “cổ trắng” bên cạnh những công nhân “cổ xanh” truyền thống. Điều này rất cần chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu để có thể đưa ra những quyết sách thích hợp.

Tầng lớp trí thức ngày càng đông đảo về mặt số lượng và cũng chứa đựng sự phức tạp về kết cấu và sự biến động về tính chất của tầng lớp trong xã hội. Tầng lớp trí thức Việt Nam là một tầng lớp hội đủ các thành phần xã hội: nông dân, công nhân, tiểu thương, tiểu chủ với mọi lứa tuổi và dân tộc. Đây cũng là tầng lớp làm việc trong tất cả các ngành nghề trong xã hội, họ gia nhập “không tự giác” vào các giai cấp và tầng lớp xã hội khác. Có trí thức đã trở thành doanh nhân, có trí thức chỉ là những người lao động bình thường trong các cơ sở sản xuất kinh doanh...

Ở nước ta hiện nay đã xuất hiện nhiều nhà tư sản, song do nhiều yếu tố, họ chưa “liên kết” để trở thành một giai cấp. Tuy nhiên, tầng lớp này đang ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế - xã hội, không chỉ trong nước mà cả chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trên trường quốc tế. Xét trong xu hướng vận động kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trong tương lai không xa ở nước ta sẽ xuất hiện “tầng lớp là những người tư sản”, theo nghĩa là những doanh nhân làm nghề kinh doanh (không phải giai cấp tư sản theo nguyên nghĩa như trước đây). Đây là một trong những vấn đề lý luận rất cần các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu..

Như vậy, các giai - tầng xã hội nước ta hiện nay đang có sự biến động, chưa định hình. Quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, mở cửa, hội nhập quốc tế sẽ làm tăng thêm sự biến động tính chất xã hội, kết cấu xã hội của các giai - tầng xã hội ở nước ta. Do đó, các nhà khoa học, nghiên cứu lý luận rất cần quan tâm theo sát để có thể kiểm soát được sự biến động đó.

3. Một số kiến nghị

Những phân tích trên cho thấy, môi trường pháp lý và chính sách có những tác động, góp phần tạo những biến đổi trong cơ cấu giai - tầng xã hội. Do đó, các cơ quan ở cấp trung ương tiếp tục rà soát và điều chỉnh các chính sách kinh tế - xã hội như: chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục và đào tạo nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội...

Nhà nước cần tìm ra cơ chế thích hợp nhằm phát hiện và sớm có chính sách thu hút, đào tạo, sử dụng, sắp xếp những lực lượng xã hội ưu trội, những cá nhân ưu tú, năng động, có trình độ năng lực lãnh đạo quản lý, năng lực sản xuất kinh doanh vào những vị trí thích hợp để họ có thể phát huy tốt nhất tiềm năng, trí tuệ của họ vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ hội để hiện thực hóa những bứt phá về mặt chính sách, cải cách thể chế mà Đảng ta đã đề ra. Đặc biệt là cần đầu tư, khuyến khích những chủ tập đoàn doanh nghiệp lớn đang có uy tín trên thương trường, tiếp tục mở rộng đầu tư, phát triển, tạo những hành lang an toàn và những điều kiện tốt nhất để họ có thể tiếp tục phát triển vươn lên trở thành những tập đoàn sản xuất xứng tầm quốc tế, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Đảng và Nhà nước cũng cần đẩy mạnh hoạt động tôn vinh các nhà khoa học có nhiều phát minh, sáng kiến, các nhà lãnh đạo - quản lý tài ba, các doanh nhân làm ăn giỏi, tạo ra những môi trường tốt nhất để cho họ phát triển, để họ tiếp tục phát huy hơn nữa những sự sáng tạo và đóng góp sức mình cho xã hội, đồng thời có chính sách, chế độ đãi ngộ, thù lao thỏa đáng cho họ, đặc biệt đối với những trí thức, viên chức hành chính, sự nghiệp (những người làm việc ở những khu vực phi lợi nhuận) để ghi nhận và khuyến khích họ cũng như làm cho nhân dân thấu hiểu và đồng thuận với những đánh giá công bằng, đúng đắn của Đảng, Nhà nước về đội ngũ ưu tú này.

Các cấp ủy Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo thực hiện rà soát lại công tác tổ chức cán bộ, chấn chỉnh bộ máy; xây dựng đồng bộ các giải pháp, bao gồm cả việc cải cách thể chế, nâng cao năng lực điều hành và sự phối hợp hoạt động giữa các ban, bộ, cơ quan chức năng, các ngành, các cấp. Xây dựng quy hoạch cán bộ một cách bài bản, đồng bộ, hệ thống “dài hơi”, tương đối ổn định và có trình tự, bước đi thích hợp trong một chỉnh thể thống nhất. Cần phải đưa ra được những tiêu chuẩn (kể cả định tính và định lượng) về những phẩm chất và yêu cầu cần thiết của từng loại, từng cấp cán bộ; xây dựng những nguyên tắc khoa học để tạo nguồn cán bộ, sắp xếp, luân chuyển cán bộ, có chế độ khen thưởng đối với những người làm tốt, có thành tích và xử phạt nghiêm minh đối với những người sai phạm, làm việc kém hiệu quả. Cần sớm xây dựng bộ chỉ báo đánh giá, hệ thống lương thưởng phù hợp với tài năng, đức độ và sự cống hiến, đóng góp thực tế của mỗi cá nhân, tổ chức cho xã hội.

Đối với cộng đồng xã hội cần tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi xóa đói, giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội và tăng cường sản xuất, kinh doanh theo hướng người nghèo bớt nghèo và người giàu giàu thêm. Tạo dư luận xã hội ủng hộ tích cực các cá nhân vượt trội, các nhóm xã hội ưu trội hợp thức trong cơ cấu giai - tầng xã hội, đồng thời phê phán, đấu tranh không khoan nhượng với các phần tử tiêu cực.

_____________________

Baaof đưang trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2019

  1. Bàn luận về giai tầng xã hội, cơ cấu xã hội - giai tầng xã hội, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 9/2007, tr.51-53.

GS, TS Nguyễn Đình Tấn

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền