Trang chủ    Diễn đàn    Đấu tranh chống lại quan điểm bác bỏ, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai câp công nhân và bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản
Thứ sáu, 29 Tháng 11 2019 10:57
7051 Lượt xem

Đấu tranh chống lại quan điểm bác bỏ, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai câp công nhân và bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản

(LLCT) - Từ khi ra đời, đảng cộng sản - đội tiên phong của giai cấp công nhân đã khẳng định vai trò to lớn trong việc lãnh đạo sự nghiệp cách mạng. Ở một số nước, đảng cộng sản đã trở thành đảng cầm quyền và ngày càng chứng tỏ tính đúng đắn của lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Hiện nay một số luận điệu đòi phủ nhận vai trò của đảng cộng sản, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân nhằm xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận chủ nghĩa xã hội. Do vậy, phân tích cơ sở khoa học về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, vai trò của đảng cộng sản sẽ góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin.

Thời gian qua, trên các diễn đàn trong nước và quốc tế, có một số luận điệu xuyên tạc, phủ nhận bản chất giai cấp công nhân của đảng cộng sản, qua đó phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Những luận điệu đó cho rằng, giai cấp công nhân đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, hội nhập, thời kỳ của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ, vai trò đó phải thuộc về đội ngũ trí thức, những nhà khoa học, nhà tư tưởng. Chỉ có những nhà khoa học, trí thức mới có thể đưa đất nước phát triển nhanh và sánh được với các nước phát triển trên thế giới!

Để đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc này và khẳng định bản chất giai cấp công nhân của đảng cộng sản, khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời đại ngày nay, cần có sự phân tích và nhận thức dựa trên căn cứ khoa học sau:

Thứ nhất, căn cứ khoa học về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.

Có thể nói, C.Mác và Ph.Ăngghen luận giải sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân xuất phát từ cơ sở xác định vai trò của các giai cấp trong lịch sử. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, từ khi xã hội có sự phân chia giai cấp, ở mỗi thời đại lịch sử, các giai cấp có vai trò khác nhau đối với lịch sử của mỗi dân tộc và lịch sử thế giới. Giai cấp cách mạng, tiến bộ, đại diện cho lực lượng sản xuất mới thì thúc đẩy sự phát triển của dân tộc, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhân loại. Ngược lại, giai cấp lỗi thời, bảo thủ, phản động thì kìm hãm sự phát triển của lịch sử.

Khi còn là giai cấp cách mạng, giai cấp tư sản đã có vai trò to lớn đối với sự phát triển của CNTB ở mỗi nước và đối với lịch sử thế giới. Chính giai cấp tư sản đã phá bỏ thành lũy phong kiến, thúc đẩy sự thống nhất giữa các dân tộc; nêu ra tư tưởng về sự giải phóng con người trong cách mạng tư sản; tạo ra của cải vật chất to lớn cho CNTB và nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, khi giai cấp tư sản hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nó đã bộc lộ tính chất lỗi thời, phản động sâu sắc, tác động to lớn, kìm hãm sự phát triển của các dân tộc và lịch sử thế giới. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc xuất hiện đã dẫn đến thời kỳ của sự áp bức, nô dịch các dân tộc trên thế giới, mà bản chất của chủ nghĩa đế quốc chính là sự phản động cùng cực của giai cấp tư sản.

Khi giai cấp tư sản đã bộc lộ tính chất lỗi thời, phản động thì việc một giai cấp xuất hiện để phủ định nó, nhằm giải phóng áp bức giai cấp, áp bức xã hội, áp bức con người là điều tất yếu. Như vậy, sự xuất hiện của giai cấp công nhân là tất yếu khách quan. Giai cấp công nhân mang đầy đủ thuộc tính của giai cấp cách mạng.

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) C.Mác và Ph.Ăngghen đã trình bày về nguồn gốc ra đời của giai cấp công nhân. Về nguồn gốc kinh tế, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng sự ra đời của giai cấp công nhân gắn với nền công nghiệp hiện đại, từ mục đích phát triển quy mô sản xuất và tích lũy tư bản của nhà tư sản. Về nguồn gốc xã hội, giai cấp công nhân được tuyển mộ từ trong tất cả các giai cấp, tầng lớp của xã hội.

Đặc trưng chủ yếu của giai cấp công nhân là không có tư liệu sản xuất, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân đối lập trực tiếp với lợi ích của giai cấp tư sản, địa vị xã hội là người làm thuê và bị bóc lột; giai cấp công nhân là hiện thân của lực lượng sản xuất hiện đại, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, có tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả, có tính tổ chức, kỷ luật cao, có tình đoàn kết giai cấp...

C.Mác và Ph.Ăngghen dựa trên cơ sở địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân để luận chứng cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp đó, chứ không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của bất kỳ một cá nhân hoặc một lực lượng xã hội nào. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, chế độ TBCN đã từng chiến thắng chế độ phong kiến bởi vì giai cấp tư sản đại diện cho lực lượng sản xuất hiện đại, đại diện cho phương thức sản xuất mới, đại diện cho nhân tố mới trong thực tiễn xã hội đang mục ruỗng, lạc hậu của chế độ phong kiến. Và giai cấp công nhân chính là một lực lượng mới trong xã hội tư bản, là sản phẩm của nền đại công nghiệp, là lực lượng sản xuất tiên tiến đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Chính vì vậy, C.Mác đã đặt ra “Vấn đề là ở chỗ giai cấp vô sản ra là gì, và phù hợp với sự tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản buộc phải làm gì về mặt lịch sử”(1).

Nói về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, C.Mác và Ph.Ăngghen viết, “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản thì trái lại, là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(2). Chính vì bị đẩy xuống đáy tận cùng của nấc thang xã hội, giai cấp công nhân trở thành nơi hội tụ của những khao khát được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột mà tất cả những người lao động có thể gửi gắm ủy thác. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng xã hội. Giai cấp công nhân có quyền nhân danh lợi ích toàn xã hội để đứng ra tập hợp các giai cấp, các tầng lớp bị áp bức, bóc lột, những phần tử tiên tiến trong cuộc đấu tranh đó. Cuộc đấu tranh ấy được bắt đầu ngay từ khi giai cấp công nhân ra đời, trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ tự phát đến tự giác, cuối cùng kết thúc bằng cuộc cách mạng XHCN, trong đó giai cấp công nhân lãnh đạo tất cả những người lao động dùng bạo lực lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, giành lấy chính quyền. C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định, “giai cấp tư sản không những đã rèn nên vũ khí sẽ giết nó mà còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy - những người công nhân hiện đại, những người vô sản”(3).

Thứ hai, về bản chất giai cấp công nhân của đảng cộng sản

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, đảng cộng sản ra đời từ đòi hỏi tất yếu của sự phát triển giai cấp công nhân. Đảng cộng sản là tổ chức của những con người ưu tú từ phong trào cách mạng, nơi hội tụ mọi ước nguyện của sự giải phóng và giá trị tốt đẹp. Với sứ mệnh đó, đảng cộng sản mang bản chất của giai cấp công nhân.

Như đã phân tích, giai cấp công nhân mang trong mình thuộc tính bản chất của giai cấp cách mạng. Đó là giai cấp có tính kỷ luật chặt chẽ, giai cấp tiên tiến, tiên phong, triệt để, nhân văn, nhân đạo sâu sắc... Do vậy, đảng cộng sản mang bản chất của giai cấp công nhân chính là đảng mang những thuộc tính bản chất của giai cấp ấy.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, trong các giai tầng xã hội, giai cấp công nhân là giai cấp cách mạng nhất nên những đảng viên xuất thân từ giai cấp công nhân sẽ có môi trường tốt để rèn luyện trưởng thành nhanh hơn so với các giai tầng xã hội khác, chứ không phải các giai tầng khác không thể rèn luyện những phẩm chất của giai cấp cách mạng. Nhưng điều này cũng có nghĩa là không phải bất kỳ ai xuất thân từ giai cấp công nhân cũng đương nhiên là người cách mạng nhất. Mỗi người công nhân phải có quá trình rèn luyện mình để trưởng thành, từ việc nhận thức về vai trò, trách nhiệm đến nhận thức sứ mệnh; từ việc vươn lên thành giai cấp dân tộc đến trở thành dân tộc.

Cũng theo nghĩa đó, khi đã trở thành đảng viên của đảng cộng sản, mang trong mình bản chất của giai cấp cách mạng thì đều có thể trở thành lãnh đạo của Đảng. Điều này cũng bác bỏ một số quan điểm cho rằng, đảng mang bản chất của giai cấp công nhân mà nhiều lãnh đạo của đảng cộng sản không xuất thân từ giai cấp công nhân. Quan niệm như vậy là máy móc, siêu hình, không hiểu được nội hàm “bản chất giai cấp công nhân của đảng”.

Thứ ba, về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản

Đảng cộng sản mang bản chất của giai cấp công nhân nên vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản cũng xuất phát từ bản chất cách mạng và vai trò của giai cấp ấy.

Khi phân tích về các giai tầng trong xã hội từ khi giai cấp công nhân xuất hiện, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, trong tất cả các giai cấp tồn tại cùng với giai cấp công nhân, chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp hội đủ các yếu tố của một giai cấp lãnh đạo xã hội. Chỉ có giai cấp công nhân mới đủ sức cầm ngọn cờ cách mạng định hướng cho con đường đi của lịch sử nhân loại. Điều này không phải là mong muốn của chủ quan của giai cấp công nhân hay nguyện vọng của C.Mác như nhiều quan điểm lập luận. Sở dĩ giai cấp công nhân có được vai trò và sứ mệnh ấy bởi lẽ, giai cấp công nhân có sự khác biệt với tất cả các giai tầng khác về địa vị trong phương thức sản xuất, về tính tổ chức, tính kỷ luật và hệ tư tưởng.

Giai cấp công nhân ra đời và phát triển trong nền công nghiệp hiện đại với phương thức lao động đặc trưng là gắn liền với dây chuyền máy móc, sản xuất tập trung, theo chu trình khép kín. Chính điều này làm cho giai cấp công nhân có tính kỷ luật chặt chẽ. Tính kỷ luật chặt chẽ làm cho giai cấp công nhân thống nhất được hành động, thống nhất được lợi ích, qua đó thống nhất được nhận thức, tư tưởng. Nói cách khác, khi nhận thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân được hình thành. Hệ tư tưởng đã trở thành vũ khí trong cuộc đấu tranh giải phóng chính giai cấp công nhân và nhân dân lao động cần lao trên phạm vi toàn thế giới. Trong lịch sử, một giai cấp chỉ khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình nếu có hệ tư tưởng. Nếu không có hệ tư tưởng thì các phong trào cách mạng chỉ có tính chất tự phát, tạm thời, kiểu “lửa rơm chóng tắt”(4), chứ không thể “lay chuyển những khối quần chúng đông đảo, những dân tộc trọn vẹn; rồi đến những giai cấp trọn vẹn trong mỗi dân tộc”(5), “đến chỗ tiến hành những hành động lâu dài đưa đến những biến đổi lịch sử vĩ đại”(6).

Thứ tư, về vai trò của đội ngũ trí thức

Bên cạnh giai cấp công nhân, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là V.I.Lênin đã nhìn thấy vai trò to lớn của nông dân và trí thức trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân. Họ là đồng minh, là lực lượng cách mạng, là lực lượng vật chất của giai cấp công nhân. Nhưng với những hạn chế từ chính bản thân các giai tầng này, do phương thức lao động quy định, do vai trò trong hệ thống sản xuất xã hội và không có hệ tư tưởng, các giai tầng này không thể giữ vai trò lãnh đạo xã hội. V.I.Lênin cho rằng: “so với giai cấp công nhân thì giới trí thức bao giờ cũng có nhiều tính chất cá nhân chủ nghĩa hơn, ấy là do những điều kiện cơ bản của đời sống và công tác của họ không cho phép họ thống nhất lực lượng một cách trực tiếp và rộng rãi, không cho họ được giáo dục trực tiếp trong lao động tập thể có tổ chức”(7). Chính từ đặc điểm này, V.I.Lênin luôn luôn cảnh báo về thái độ thờ ơ chính trị của đội ngũ trí thức. Người viết: “Người trí thức cấp tiến, người trí thức xã hội chủ nghĩa rất dễ biến thành quan lại của chính phủ nhà vua, thành một anh quan lại tự an ủi rằng ở trong nếp cũ quan trường, mình cũng “có ích” và viện “sự có ích” đó để bào chữa cho thái độ lãnh đạm của mình đối với chính trị, bào chữa cho tính nô lệ của mình trước cái chính phủ roi vọt”(8).

Khi nói về vai trò của trí thức, trong tác phẩm tác phẩm Làm gì, V.I.Lênin khẳng định: “Công nhân trước đây không thể có ý thức dân chủ - xã hội được. Ý thức này chỉ có thể từ bên ngoài đưa vào. Lịch sử tất cả các nước chứng thực rằng chỉ do lực lượng của độc bản thân mình thôi thì giai cấp công nhân chỉ có thể đi đến ý thức công liên chủ nghĩa... Còn học thuyết xã hội chủ nghĩa thì phát sinh ra từ lý luận triết học, lịch sử, kinh tế, do những người có học thức trong giai cấp hữu sản, những trí thức xây dựng nên”(9). Khi đề cập đến vấn đề này, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng, việc hình thành hệ tư tưởng của giai cấp công nhân chỉ có thể thực hiện được thông qua vai trò của trí thức - những người đứng ở đỉnh cao tri thức nhân loại.

Tuy nhiên, theo V.I.Lênin, trí thức tồn tại với tư cách không phải là một giai cấp, mà là một tầng lớp (đội ngũ) trung gian trong xã hội, hoạt động trong lĩnh vực lao động trí óc (sản xuất tinh thần là chủ yếu), trí thức không có hệ tư tưởng độc lập mà phụ thuộc vào hệ tư tưởng của giai cấp mà họ phục vụ. Với tư cách là một tầng lớp đặc biệt và ở trong một thể chế chính trị cụ thể, trí thức nói chung là của giai cấp thống trị, do hệ thống giáo dục và đường lối đào tạo của nhà nước, của thể chế chính trị ấy tạo ra. Đội ngũ này tự giác hoặc không tự giác phục vụ cho chế độ và giai cấp thống trị. Quá trình đấu tranh giai cấp và tác động nhiều mặt về lợi ích đã làm cho trí thức phân hóa thành những bộ phận khác nhau. Những bộ phận đó sẽ ngả theo lực lượng này hay lực lượng khác, giai cấp này hay giai cấp khác. Điều này cũng có nghĩa rằng, trí thức không phải là “siêu giai cấp”, “đứng trên mọi giai cấp” như quan niệm của các học giả tư sản, mà theo V.I.Lênin, “Nếu không nhập cục với một giai cấp thì giới trí thức chỉ là một con số không mà thôi”(10). Do đó, trí thức chỉ có thể chứng tỏ mình là một lực lượng xã hội thực sự khi gắn bó chặt chẽ và được sự ủng hộ của một giai cấp, tầng lớp nào đó trong xã hội. Theo nghĩa đó, trí thức không thể là đội ngũ lãnh đạo xã hội.

Lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho thấy, trong giai đoạn đầu của cách mạng vô sản, phần lớn những người trí thức đứng về phía giai cấp tư sản, bảo vệ những quan điểm, lập trường tư sản, phản ánh những lợi ích của giai cấp tư sản. Cùng với thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân, tầng lớp trí thức ngày càng nhận rõ vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và tìm thấy lợi ích của mình trong cuộc đấu tranh chung đó. Vì thế, ngày càng nhiều trí thức đi theo giai cấp công nhân, ủng hộ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Ngày nay, trí thức càng có vai trò to lớn trong cách mạng khoa học công nghệ. Với những phát minh, sáng chế của trí thức, quá trình sản xuất vật chất của công nhân và nông dân đã có thay đổi căn bản, góp phần thay đổi sức sản xuất của xã hội, tạo ra sự phát triển vượt bậc của thời đại mới về cả giá trị vật chất và tinh thần cho nhân loại. Tuy nhiên, với những đặc điểm cơ bản nêu trên, trí thức không phải là đội ngũ lãnh đạo xã hội.

Với những nội dung đã phân tích, có thể khẳng định, trong thời đại ngày nay, đảng cộng sản vẫn mang bản chất của giai cấp công nhân là phù hợp cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với xu hướng tất yếu của lịch sử. Mọi luận điệu đòi phủ nhận, xuyên tạc những nội dung này, xét đến cùng đều là những biến tướng của chủ nghĩa xét lại và cơ hội nhân danh hoặc khoác áo mácxít mà thôi.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2019

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr.56.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.19, tr.38.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd, t.4, tr.605.

(4), (5), (6) C.Mác và Ph.Ăngghen: sđd, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.438, 438, 438.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.18.

(8) V.I. Lênin: Toàn tập, t.2, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr.565.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.38.

 

(10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr.552.

PGS, TS Đặng Quang Định

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền