Trang chủ    Diễn đàn    Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng niềm tin xã hội ở Việt Nam hiện nay
Thứ ba, 24 Tháng 12 2019 15:42
2577 Lượt xem

Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng niềm tin xã hội ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) -  Niềm tin xã hội có vai trò to lớn đối với sự phát triển xã hội, nó không chỉ tạo ra giá trị tinh thần to lớn mà còn tạo ra giá trị vật chất cho xã hội, “niềm tin  tạo ra hiện thực” (Belief creates the actual fact). Nhờ có một niềm tin xã hội mãnh liệt mà dân tộc Việt Nam đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ để phát triển như hôm nay. Tuy nhiên, hiện nay tác động tiêu cực của nhiều yếu tố mới từ bên ngoài, cùng với những hạn chế, bất cập nội tại đã làm cho niềm tin xã hội của con người Việt Nam ít nhiều có sự giảm sút. Bài viết bước đầu xác định một số vấn đề cần giải quyết nhằm củng cố, xây dựng niềm tin xã hội ở Việt Nam hiện nay.

 

1. Quan niệm về niềm tin xã hội

Trên thế giới, niềm tin xã hội (social trust) được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu từ rất sớm. Ngay từ thế kỷ XIX, Emile Durkheim đã cho rằng: “trong một hợp đồng không phải mọi cái đều có tính hợp đồng, điều quan trọng là phải có được niềm tin của các bên tham gia”(1). Ở đây, niềm tin được hiểu là một người tự nguyện tin tưởng vào người khác với cảm giác an toàn tương đối. Nhấn mạnh thêm điều này ở một phương diện khác, Kenneth Newton cho rằng: “Niềm tin là sự tin tưởng người khác vào thời điểm tồi tệ nhất nhưng sẽ không, hoặc không cố ý làm bạn tổn hại, sẽ có hành động đem lại lợi ích tốt nhất cho bạn”(2).

Bên cạnh niềm tin giữa các cá nhân trong xã hội thì còn có niềm tin của con người trong thể chế xã hội - tức là niềm tin cá nhân với các vấn đề xã hội. Niềm tin xã hội được hiểu “là sự tin tưởng về những giá trị xã hội cao quý dựa trên những cam kết xã hội chân chính, đúng đắn của thể chế chính trị và cộng đồng xã hội, luôn có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa hình thức diễn ngôn xã hội với sự thật tương ứng được thực hiện”(3). Điều này biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày của con người ở sự hạnh phúc, sự hài lòng đối với thể chế chính trị trên các mặt của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội..., đó là một thành tố cốt lõi của vốn xã hội. Niềm tin xã hội là một trạng thái tinh thần của mỗi người, thường gắn liền những xúc cảm, khát vọng, ước mơ về những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống hiện tại và trong tương lai. Ở mức độ cao hơn, niềm tin xã hội được hiểu là sự thừa nhận một chân lý thuộc về xã hội, nó được hình thành và phát triển khi đáp ứng được các nhu cầu và lợi ích thiết thực của con người và xã hội. Khi niềm tin xã hội cao, đáp ứng tốt các nhu cầu, lợi ích của con người thì khả năng đoàn kết sẽ cao, đó là thành tố quan trọng để bảo đảm sự ổn định và phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Niềm tin xã hội là một trong những yếu tố quyết định bản chất các mối quan hệ xã hội, là chất keo kết dính các mối quan hệ xã hội. Do vậy, một quốc gia, dân tộc muốn phát triển thì cần phải tạo lập được niềm tin chân chính trong xã hội - niềm tin giữa những con người với nhau, niềm tin của con người vào luật pháp, vào tổ chức, niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị, vào hoạt động của doanh nghiệp, niềm tin giữa các doanh nghiệp với nhau... tất cả đó có được dựa trên sự trung thực, chân thành trong suy nghĩ và hành động, dựa trên sự thống nhất giữa lời nói và việc làm của mỗi cá nhân và tổ chức trong toàn xã hội. Khi có niềm tin xã hội, con người sẽ có định hướng cho những hoạt động của mình tiến về phía trước. Ngược lại, khi không có niềm tin xã hội, con người, cộng đồng và xã hội sẽ mất phương hướng, từ đó mất đi động lực để phấn đấu vươn lên.

2. Niềm tin xã hội ở Việt Nam và vấn đề đặt ra hiện nay

Việt Nam được biết đến là một dân tộc quật cường và có niềm tin xã hội mãnh liệt để vượt qua biết bao khó khăn, thử thách. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, niềm tin của cả dân tộc được đặt vào một mục tiêu duy nhất, đó là chiến thắng kẻ thù, thống nhất đất nước. Chính niềm tin đó đã tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên ý chí, quyết tâm để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Trong quá trình đổi mới đất nước, mặc dù có những lúc đứng trước vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng với niềm tin đúng đắn vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh của toàn dân, dân tộc ta đã làm nên nhiều thành tựu vĩ đại, đưa nước ta thoát sự nghèo khó, tiến bước cùng với bạn bè trên thế giới.

Hiện nay, do bị chi phối bởi các quan hệ lợi ích và biến đổi nhu cầu cuộc sống trong nền kinh tế thị trường mà niềm tin xã hội có xu hướng biến đổi khá phức tạp. Ở những trường hợp nhất định, niềm tin xã hội có biểu hiện giảm sút. Một số người còn tỏ ra hoang mang, thiếu niềm tin giữa con người với con người; giảm sút niềm tin vào thể chế xã hội, kỷ cương pháp luật, thiếu sự kỳ vọng vào tương lai. Cụ thể:

Thứ nhất, sự suy giảm niềm tin xã hội trên lĩnh vực chính trị

Thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước trong 89 năm qua đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Có sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt đó là nhờ có chủ nghĩa Mác - Lênin làm nòng cốt, có tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, lập nên những kỳ tích lịch sử, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua áp bức, nô lệ, trở thành đất nước tự do, độc lập, tiến lên xây dựng CNXH. Tuy nhiên, có thời điểm nhiều đảng cộng sản trên thế giới mắc phải những sai lầm trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, dẫn đến sự sụp đổ hệ thống mô hình CNXH hiện thực. Ở Việt Nam, có những lúc do nóng vội, vi phạm quy luật khách quan, tính biện chứng trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, chúng ta đã mắc phải những sai lầm trong quá trình xây dựng CNXH. Hơn nữa, bản thân học thuyết Mác - Lênin có những vấn đề, luận điểm chưa được làm sáng tỏ hoặc đã bị thời đại vượt qua. Từ đó không ít người cho rằng những sai lầm, yếu kém trong xây dựng CNXH là do chủ nghĩa Mác - Lênin, dẫn đến tình trạng suy giảm niềm tin của không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Đối với cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là đường lối cơ bản, xuyên suốt. Hành trình xây dựng CNXH đã đạt được những thành quả to lớn, đã giành được độc lập cho dân tộc, từng bước thực hiện ấm no cho nhân dân. Trong lúc CNXH ở một số nước lâm vào thoái trào, khủng hoảng, Việt Nam vẫn đứng vững, kiên định con đường đi lên CNXH, từng bước lập nên những kỳ tích trong xây dựng đất nước. Tuy nhiên, chế độ XHCN sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã tác động không nhỏ đến niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Hơn nữa, bên cạnh thành tựu của sự nghiệp đổi mới, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, đặc biệt trong cơ chế vận hành, điều hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cùng với đó, các thế lực thù địch nhân cơ hội kích động, chống phá, khiến không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân bị dao động, từ đó suy giảm niềm tin về CNXH và con đường đi lên CNXH.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, luôn coi xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng có ý nghĩa quyết định đến thành bại của cách mạng. Điều này vẫn luôn được thể hiện xuyên suốt qua các nghị quyết đại hội, các nghị quyết chuyên đề, các cuộc vận động về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt trong những năm gần đây. Tuy nhiên, việc thực hiện các nghị quyết, các cuộc vận động trong thực tế chưa nghiêm, chưa đạt được hết những mục tiêu đề ra; tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức Đảng, cá nhân cán bộ, đảng viên vẫn còn tồn tại, làm giảm sút uy tín của Đảng, giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thứ hai, sự suy giảm niềm tin trên lĩnh vực kinh tế

Qua hơn 30 tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, việc thực hiện nền kinh tế thị trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, buôn bán, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, chạy theo lợi nhuận gây ra hiện tượng sản xuất hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng diễn ra khá phổ biến. Những hành vi kinh doanh chộp giật, lừa dối, chặt chém vẫn đang diễn ra, gieo rắc sự lo lắng, mất tin tưởng trong nhân dân đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước, khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam suy yếu so với các nước trên thế giới. Khi mất niềm tin trong sản xuất, kinh doanh, buôn bán thì sự thiệt hại đối với nền kinh tế là vô cùng lớn.

Thứ ba, sự suy giảm niềm tin xã hội trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, đạo đức

Những hiện tượng tiêu cực về các mặt trong xã hội, sự bảo đảm an toàn, an ninh chưa cao, sự gia tăng các loại tội phạm, trộm cướp, lừa đảo... đang làm cho cuộc sống trở nên bất an. Văn hóa - đạo đức trong xã hội đang có nhiều báo động, con người đang sống trong sự nghi ngờ, thiếu sự chân thật với nhau. Tâm lý hoài nghi, luôn phải đề phòng cảnh giác khiến niềm tin xã hội nhiều lúc cơ hồ bị lung lay, tác động. Ngay trong lĩnh vực giáo dục, nơi được xem là môi trường tốt nhất để bảo tồn, phát triển các giá trị nền tảng xã hội, cũng xuất hiện những hiện tượng tiêu cực như: mua bán điểm, làm bằng giả, viết thuê, mua bán luận văn, luận án, bạo lực học đường..., gây nên bức xúc và hoang mang trong xã hội. Với sự phát triển nhanh chóng của khối lượng thông tin trên mạng xã hội, rất khó để phân biệt đúng sai, khiến nhiều người bị cuốn vào sự “phán xét đồng loại” một cách vô thức. Tất cả những yếu tố đó làm cho không ít người dân trở nên thiếu niềm tin, mất động lực cống hiến cho xã hội.

Sự suy giảm niềm tin xã hội ở Việt Nam cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn, nghiêm túc và kịp thời có những biện pháp khắc phục để tránh những hậu quả khôn lường. Trước mắt, chúng ta cần tập trung giải quyết các vấn đề sau đây:

Một là, xây dựng niềm tin vững chắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phải tiếp tục nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sâu sắc, toàn diện và khoa học. Nghiên cứu làm sáng tỏ những luận điểm nào của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị bền vững; những luận điểm nào đã bị nhận thức sai, làm sai; những luận điểm nào bị các thế lực thù địch bóp méo; những luận điểm nào đã bị thời đại vượt qua, không còn phù hợp; đặc biệt quan trọng hơn là bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế vận động và phát triển trong thời đại mới.

Song song đó, cần đẩy mạnh việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh một cách khoa học, bài bản, với tinh thần học phải nắm và hiểu thật chắc, thật sâu; phải “thấm” vào suy nghĩ, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó cụ thể hóa trong đời sống hiện thực. Khi những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ Nam thực sự cho sự phát triển của đất nước thì lúc đó mới tạo được niềm tin vững chắc trong xã hội.

Hai là, sự tồn tại những hạn chế, bất cập trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH là một tất yếu khách quan, nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để mọi người nhận thức rõ điều đó. Do vậy, cần tiếp tục làm sáng tỏ quá trình thay đổi các chế độ xã hội trong lịch sử nhân loại, trong lịch sử dân tộc ta - đó là quá trình phát triển từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, trải qua nhiều chặng đường cam go, phức tạp. Luận giải và khẳng định đầy đủ những căn cứ khoa học về sự thành công tất yếu của công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước cần tổ chức, xây dựng, phát triển đất nước hiệu quả, nhanh, mạnh, bền vững; nâng cao đời sống nhân dân. Có như vậy, mới củng cố, tạo dựng được niềm tin về công cuộc xây dựng CNXH.

Ba là, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với vai trò lãnh đạo của nhân dân. Trong Đảng phải thực hiện đúng và nghiêm các nguyên tắc hoạt động. Cần phải triệt tiêu sự thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tổ chức đảng và đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thực sự là tấm gương để nhân dân tin và làm theo. Có như vậy mới tạo nên được niềm tin của dân đối với Đảng, cùng với Đảng xây dựng đất nước. Để thực hiện điều này, cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả hơn nữa Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TW).

Bốn là, xây dựng, phát triển các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội như Đảng ta đã xác định: “Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ... thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế, gắn quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ, tạo động lực mạnh mẽ và bền vững hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc”(4). Thực hiện tốt các nhiệm vụ đó là tiền đề quan trọng để xây dựng, củng cố và phát triển niềm tin trong nhân dân. Thực tiễn cho thấy, trong bất cứ một chế độ xã hội nào, niềm tin của nhân dân cũng sẽ giảm sút khi kinh tế lâm vào khủng hoảng, các lĩnh vực liên quan đến sự phát triển con người như lao động - việc làm, thu nhập, mức sống, y tế, giáo dục, an ninh, an toàn xã hội... không được phát triển và nâng cao. Vì vậy, chúng ta cần chú trọng phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn, từ đó niềm tin xã hội sẽ được củng cố, xây dựng và phát triển bền vững.

Năm là, cần định hướng tốt sự phát triển thông tin, dư luận xã hội. Hiện nay, sự phát triển thông tin gắn với mạng xã hội diễn ra rất mạnh mẽ, góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cho con người. Nếu thông tin và dư luận xã hội đúng đắn, thì chắc chắn góp phần định hướng cho con người phát triển về mặt nhận thức, tri thức phổ biến, qua đó củng cố, phát triển niềm tin. Nếu sai lệch, xuyên tạc thì tạo nên nhận thức lệch lạc, tri thức, hiểu biết lệch lạc - và chắc chắn sẽ không có niềm tin đúng đắn.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2019

(*) Bài viết là kết quả nghiên cứu đề tài cấp quốc gia “Niềm tin xã hội trước thách thức của phát triển và hội nhập ở vùng Trung Bộ”. Mã số KX.01.42/16-20.

(1) Trần Hữu Quang và các cộng sự: Lòng tin và vốn xã hội, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013.

(2) Kenneth Newton: Social and Political Trust, Oxford University Press, Oxford.

(3) Văn hóa, đạo đức và niềm tin xã hội trước yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr.29.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.101.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Minh Ngọc: Niềm tin tôn giáo trong mối quan hệ với niềm tin xã hội, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 12-2014.

2. Trần Hữu Quang: Tìm hiểu khái niệm vốn xã hội, Tạp chí KHXH, số 7-2006.

3. Trần Hữu Quang: Lòng tin và vốn xã hội, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013.

4. Hoàng Bá Thịnh: Về vốn xã hội và mạng lưới xã hội, Tạp chí Dân tộc học, số 5 (155), 2008.

5. Nguyễn Quý Thanh: Xã hội học về Dư luận xã hội, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006.

6. Nguyễn Quý Thanh, Nguyễn Thị Khánh Hòa: Các thành tố và mối quan hệ giữa chúng trong cấu trúc lòng tin xã hội của người Việt Nam, Tạp chí Xã hội học, số 3-2013.

7. Hồng Xuân, Ngọc Lành: Báo chí không chỉ thông tin mà còn xây dựng lòng tin, Báo điện tử Vietnamnet, 31-1-2014.

8. Khúc Thị Thanh Vân: Nhận thức về nguồn vốn xã hội - Sức mạnh tiềm tàng cho sự phát triển, Tạp chí Khoa học xã hội, số 4-2011.

PGS, TS Đoàn Triệu Long

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền