Trang chủ    Diễn đàn    Phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sai lầm
Thứ tư, 18 Tháng 3 2020 10:12
9484 Lượt xem

Phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sai lầm

(LLCT) - Lựa chọn con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên CNXH là con đường cách mạng duy nhất đúng đắn, là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc ta, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Tuy nhiên, thời gian qua trên một số diễn đàn, nhất là trên các trang mạng xã hội xuất hiện các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta. Những quan điểm này không có cơ sở khoa học và thực tiễn. Những thành tựu đạt được sau gần 35 năm đổi mới và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng được nhận thức rõ hơn, là những minh chứng thuyết phục để bác bỏ quan điểm sai trái đó. 

Từ khóa: chủ nghĩa xã hội; con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; phê phán quan điểm sai trái, thù địch.

1. Sự lựa chọn đúng đắn của lịch sử

Con đường phát triển của dân tộc Việt Nam đến đầu thế kỷ XX đánh dấu một bước chuyển quan trọng, với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930), đưa dân tộc phát triển theo một con đường phát triển mới - con đường cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên cách mạng XHCN. Ngay trong Cương lĩnh thành lập Đảng đã xác định rõ: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(1). Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc thực hiện mục tiêu con đường đã lựa chọn, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đã xóa bỏ chế độ phong kiến, thuộc địa, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại vẻ vang của lịch sử dân tộc - thời đại quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên CNXH. Tiếp đó là thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt chống thực dân, đế quốc và các thế lực xâm lược biên giới, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Hiện nay, sau gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn: chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được khẳng định. Đó là sự thật không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, thời gian qua trên một số diễn đàn, nhất là trên các trang mạng xã hội xuất hiện các quan điểm sai trái, thù địch, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta. Họ cho rằng, sự lựa chọn con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên CNXH ở Việt Nam là sai lầm, đẻ non, không đi theo quy luật; nếu không đi theo con đường cách mạng vô sản thì vẫn giành được độc lập dân tộc mà không phải đổ máu, hy sinh hàng triệu con người trong chiến tranh; đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, kinh tế sẽ phát triển như một số nước trong khu vực đã trở thành những “con.ồng”, “con hổ” của châu Á; Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, từng là thành trì của CNXH cuối cùng cũng từ bỏ ngọn cờ để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Do đó, hiện nay Việt Nam nên chuyển hướng phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa mới phù hợp,v.v.. Những luận điệu trên đây không có cơ sở khoa học và thực tiễn, là âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, nhằm xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.

Hiện thực lịch sử ở Việt Nam đầu thế kỷ XX cho thấy, trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhân dân chịu cảnh áp bức, bóc lột của cả chủ nghĩa thực dân và địa chủ phong kiến, đã có rất nhiều phong trào yêu nước như: phong trào Cần Vương, phong trào khởi nghĩa Yên Thế, phong trào Dân chủ tư sản,v.v.. song tất cả đều lâm vào bế tắc và cuối cùng thất bại. Ðó là sự bế tắc và thất bại về đường lối cứu nước và giải phóng dân tộc, “tình hình đen tối như không có đường ra”(2).

Trong bối cảnh lịch sử như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi tìm đường cứu nước theo tiếng gọi “Tự do, bình đẳng, bác ái” của cách mạng tư sản, với mong muốn sang các nước tư bản phát triển học hỏi những yếu tố tiến bộ để về giúp đồng bào thực hiện công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Vì vậy, Người đã đến những nước tư bản phát triển như Pháp, Anh, Mỹ và nhiều nước thuộc địa. Qua quan sát và tìm hiểu chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, tìm hiểu cuộc sống của người dân ở chính quốc và các nước thuộc địa. Từ đó, Người đi đến kết luận: cách mạng giải phóng dân tộc Mỹ, cách mạng tư sản Pháp đều là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng chưa đến nơi, vì cách mạng thành công chỉ đem lại lợi ích cho thiểu số giai cấp, còn đông đảo quần chúng lao động vẫn chịu cảnh áp bức, bóc lột. Cho nên, nếu lựa chọn con đường cách mạng tư sản này cùng lắm chỉ giải phóng được dân tộc, nhưng nhân dân vẫn bị áp bức, vẫn phải chịu kiếp ngựa trâu, thì độc lập dân tộc sẽ chẳng có nghĩa lý gì.

Ở đây cần nhấn mạnh rằng, ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước (năm 1911), Nguyễn Ái Quốc đã hướng đến các nước tư bản, xem đó như là mục tiêu để cứu nước và giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, thực tế lại không cho đáp án như vậy. Trong bối cảnh đó, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (1917), mở ra thời đại phát triển mới đối với lịch sử nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH. Đánh giá về sự kiện này, Người viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Từ tiếng vang của Cách mạng Tháng Mười, Người mới tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, lần đầu tiên Người đọc được bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cuơng về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin vào tháng 7-1920, từ đó Người kết luận đây mới là con đường cứu nước và giải phóng dân tộc - con đường cách mạng vô sản. Như vậy, phải mất gần mười năm trời, Nguyễn Ái Quốc mới tìm ra được con đường cứu nước giải phóng dân tộc, chứ không phải ngay từ đầu Người đã tìm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đó, Người nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, nghiên cứu Cách mạng Tháng Mười, tìm cách truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng. Trong bối cảnh đất nước như vậy, dân tộc Việt Nam đã chọn con đường cách mạng vô sản là tất yếu lịch sử.

Về lý luận, trên cơ sở vận dụng phương pháp luận duy vật lịch sử của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội về quy luật ra đời, phát triển và thay thế của các chế độ kinh tế, chính trị - xã hội, các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin đã phân tích những khả năng ra đời của CNXH, trong đó có khả năng ra đời CNXH từ những nước tiền tư bản. Khi nghiên cứu những nước phương Đông lạc hậu, các nhà kinh điển đã chỉ ra những điểm khác biệt về điều kiện cách mạng giữa phương Đông và phương Tây. Trong đó, phương Đông không tồn tại chế độ tư hữu ruộng đất theo kiểu phương Tây, mà tồn tại chế độ công hữu tập quyền, từ đó nó quy định phương Đông tồn tại một cơ cấu xã hội “hết sức đặc biệt” - chế độ công xã nông thôn, có đặc điểm lối sống tập thể, quan hệ cộng đồng cố kết. Vì vậy, đến năm 1882, vấn đề đặt ra đối với C.Mác là: “Bây giờ, thử hỏi công xã Nga, cái hình thức thật ra đã bị phá hoại ghê gớm của chế độ công hữu ruộng đất nguyên thủy, có thể chuyển thẳng lên hình thức cao, hình thức cộng sản chủ nghĩa được không?. Hay là, trái lại, trước hết nó cũng phải trải qua cái quá trình tan rã giống quá trình mà tiến trình phát triển lịch sử của phương Tây phải trải qua?.

Ngày nay, lời giải đáp duy nhất có thể có được cho câu hỏi ấy là thế này: nếu cách mạng Nga là tín hiệu của cuộc cách mạng vô sản ở phương Tây và nếu cả hai cuộc cách mạng ấy bổ sung cho nhau thì chế độ sở hữu công xã về ruộng đất ở Nga hiện nay có thể là điểm xuất phát của một sự tiến triển cộng sản chủ nghĩa”(3).

Sau này, trong điều kiện phát triển mới của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I.Lênin có điều kiện và cơ sở để phát triển quan điểm đó của C.Mác. V.I.Lênin cho rằng: “với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(4).

Các nhà kinh điển cũng lưu ý, chỉ bỏ qua hình thái kinh tế - xã hội này để phát triển lên hình thái kinh tế - xã hội cao hơn khi có các điều kiện: đã xuất hiện mô hình xã hội mới tỏ ra ưu việt, tiến bộ hơn; chế độ xã hội hiện tồn đã thối nát và lạc hậu; đã xuất hiện giai cấp đủ khả năng để lãnh đạo phong trào cách mạng. Đồng thời các ông cũng đưa ra cảnh báo đối với những nước lạc hậu việc lựa chọn con đường quá độ đi lên CNXH thì dễ, nhưng để đạt được nó - xây dựng thành công CNXH, sẽ khó khăn hơn, lâu dài hơn, phức tạp hơn và phải trải qua rất nhiều lần thử nghiệm, trong quá trình đó đôi lúc phải trả những cho những sai lầm.

Như vậy, việc lựa chọn con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên CNXH ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở khoa học và thực tiễn. Đây là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc, phù hợp với quy luật phát triển tất yếu, khách quan của thời đại.

2. Chủ nghĩa xã hội vẫn là sự lựa chọn của tương lai

Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đã giáng một đòn nặng nề không chỉ vào mô hình CNXH của Liên Xô và các nước Đông Âu, mà còn vào cả chính học thuyết Mác - Lênin và hệ tư tưởng XHCN. Trước hiện thực lịch sử bi thảm đó, đã có một số người dao động, bi quan, nghi ngờ sự đúng đắn của CNXH khoa học.

Sự sụp đổ của chủ CNXH ở Liên Xô và Đông Âu do nhiều nguyên nhân: khách quan, chủ quan, bên trong, bên ngoài, chủ yếu, thứ yếu. Nhưng chung quy do nguyên nhân sâu xa là, trong quá trình xây dựng CNXH, bên cạnh những thành tựu vĩ đại, đã có những khiếm khuyết, nhược điểm nghiêm trọng về mô hình xây dựng, phát triển chậm được phát hiện và khắc phục, gây ra tình trạng trì trệ kinh tế - xã hội, dẫn tới khủng hoảng. Nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp là, trong cải tổ, Ðảng Cộng sản Liên Xô đã mắc những sai lầm rất nghiêm trọng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Ðó là đường lối xét lại, phản bội chủ nghĩa Mác - Lênin của một số nhân vật lãnh đạo đảng. Chủ nghĩa đế quốc đã lợi dụng những khó khăn và sai lầm về đường lối của Liên Xô và các nước XHCN Ðông Âu, chúng đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” cực kỳ thâm độc, can thiệp toàn diện, vừa tinh vi, vừa trắng trợn vào nội bộ các nước XHCN. Cuối cùng, chủ nghĩa đế quốc đã “không đánh mà thắng”. Dĩ nhiên, chúng không thể làm được điều này, nếu cải tổ có đường lối đúng đắn, nếu hơn 20 triệu đảng viên cộng sản Liên Xô có tinh thần cảnh giác cách mạng và sức chiến đấu cao, không để nội bộ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khiến cho bọn cơ hội, xét lại và phản bội thao túng cơ quan lãnh đạo của Ðảng, nếu có sự cố kết chặt chẽ giữa Ðảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô.

Trước hiện thực đó, Đảng ta chỉ rõ, sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đó là sự sụp đổ của một mô hình xây dựng CNXH hiện thực, chứ không phải là sự sụp đổ của một học thuyết khoa học và cách mạng. Vì vậy, tại Đại hội VII (tháng 6-1991), trước những khó khăn và phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định con đường cách mạng của nước ta là “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(5). Đây cũng là lần đầu tiên trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta phác thảo ra mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đưa ra quan niệm, cách thức, biện pháp, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Để từ đó chúng ta định hướng con đường đi tới, không mắc phải những sai lầm như các mô hình CNXH hiện thực trước đó, đồng thời khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Kiên định và đổi mới con đường đi lên CNXH ở Việt Nam đã và đang chứng minh tính đúng đắn, khoa học và cách mạng. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, trong một số thời điểm nhận thức của chúng ta về CNXH chưa đầy đủ cả lý luận và thực tiễn, dẫn đến xây dựng CNXH mang tính.ập khuôn, máy móc, giáo điều, không chú ý đến tính đặc thù. Ngay cả hiện nay, không ít vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta vẫn chưa được làm sáng tỏ, cần được nghiên cứu, nhận thức để vận dụng phù hợp vào điều kiện cụ thể của đất nước.

Quá trình đổi mới đất nước hiện nay bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, thì còn những hạn chế, yếu kém do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mang lại, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Vì con đường quá độ lên CNXH ở Việt Nam là chưa có tiền lệ trong lịch sử, xuất phát điểm thấp, vì vậy trong quá trình đó chúng ta không tránh khỏi những khó khăn, sai lầm và đã từng phải trả giá. Điều quan trọng là Đảng ta đã nhận ra sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước ngày phát triển đúng hướng. Từ một đất nước nghèo phải nhập khẩu lương thực, đến nay chúng ta chuyển sang xuất khẩu lương thực, ra khỏi nhóm nước nghèo, kém phát triển, bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình và đang hướng đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN. Thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định, là thành viên có trách nhiệm được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Quá trình đó đang cho thấy con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được nhận thức đầy đủ và làm sáng tỏ.

Vậy, chẳng lẽ từ bỏ con đường cách mạng đúng đắn đang đi? Câu trả lời là không bao giờ! Đó chỉ là luận điệu của các thế lực thù địch nhằm chống phá con đường cách mạng nước ta, hoặc là của một bộ phận nhận thức không đúng về CNXH, lập trường và bản lĩnh chính trị không vững vàng, biểu hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Thực tiễn lịch sử đang cho thấy, không phải bất cứ quốc gia nào đi theo chế độ tư bản chủ nghĩa thì đều phát triển. Trong hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa thì số nhiều trong đó là các nước đói nghèo, lạc hậu, bất ổn về chính trị. Một số nước tư bản phát triển hiện nay có nguồn gốc giàu có chủ yếu là do vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động ở các nước thuộc địa và ở chính quốc trước đây. Chính chủ nghĩa tư bản đang tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc, đang để lại một châu Phi đói nghèo, lạc hậu; một châu Mỹ nợ nần chồng chất và một châu Âu khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị. Trong khi đó, đất nước Việt Nam đã phải trải qua hơn 1000 năm chống Bắc thuộc, gần 100 năm chống đế quốc, thực dân, điều kiện hòa bình để xây dựng đất nước chỉ mới có khoảng 40 năm, vì vậy những thành tựu đạt được hiện nay là vô cùng to lớn: chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Nói tóm lại, đất nước và con người Việt Nam đang ngày càng “thay da đổi thịt”, không ngừng tăng trưởng và phát triển một cách toàn diện. Thử hỏi trên thế giới này có được mấy dân tộc trải qua lịch sử hào hùng như vậy?

Hiện nay, có ý kiến xuyên tạc rằng, Việt Nam đang đổi mới nửa vời, kinh tế thị trường định hướng XHCN là “đầu Ngô mình Sở” - CNXH chỉ là hình thức, còn bản chất đã ngả theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đây là luận điệu nhằm phủ nhận những thành quả của sự nghiệp đổi mới và quá trình phát triển nhận thức về CNXH ở Việt Nam. Như chúng ta biết, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết mở, có giá trị phương pháp luận. Do đó, V.I.Lênin cho rằng, “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”(6). Đồng thời, V.I.Lênin cũng căn dặn: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(7).

Trong một thời gian dài chúng ta nhận thức chưa đầy đủ về CNXH, đặc biệt là trước đổi mới, hệ quả là đất nước rơi vào khủng hoảng về kinh tế - xã hội trầm trọng. Xuất phát từ thực tiễn đó, Đảng ta đã nhận thức lại CNXH khoa học phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước. Vì vậy, từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), con đường đổi mới đã được thông qua. Sự đổi mới ở đây không có nghĩa là từ bỏ con đường XHCN, mà đổi mới để nhận thức đúng, đầy đủ hơn về CNXH ở Việt Nam. Đổi mới ở đây là đổi mới tư duy, mà trước hết là tư duy kinh tế. Vì vậy, nếu trước đổi mới, quan niệm kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, đối lập một cách trừu tượng CNXH với chủ nghĩa tư bản, thì nay nhận thức lại đúng đắn hơn, coi kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền là sản phẩm phát triển chung của nhân loại đạt được dưới chủ nghĩa tư bản, cần phải kế thừa yếu tố hợp lý, vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Nên nhớ rằng, trong Tuyên Ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác nhấn mạnh: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”(8); “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”(9). Do vậy, trong thời kỳ quá độ lên CNXH và kể cả trong CNXH, việc tồn tại kinh tế thị trường, sở hữu tư nhân là tất yếu. Sở hữu tư nhân ở đây với tư cách là quyền chiếm hữu sản phẩm do chính lao động tạo ra, chứ không phải sở hữu với tư cách là một chế độ chính trị - xã hội - dùng quyền sở hữu đó để đi bóc lột sức lao động của người khác làm cơ sở tồn tại của chế độ. 

Vì vậy, thay vì “bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” nay nhận thức đúng hơn là “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Điều đó có nghĩa là, chỉ bỏ qua việc xác lập địa vị thống trị của quan hệ sản xuất, kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, hay nói cách khác là bỏ qua chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa, còn tất cả những thành tựu về kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học quản lý... của nhân loại đạt được dưới chủ nghĩa tư bản phải kế thừa, vận dụng trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Vì vậy, quá trình đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, chứ không phải là ngả theo con đường tư bản chủ nghĩa như sự xuyên tạc của các quan điểm sai trái, thù địch.

Dù thời thế có đổi thay, nhưng mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở nước ta là không bao giờ thay đổi. Độc lập dân tộc là điều kiện để đi lên chủ nghĩa xã hội, ngược lại chủ nghĩa xã hội là điều kiện để đảm bảo độc lập dân tộc. Vì đây “là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(10). Đương nhiên, vấn đề không chỉ là mục tiêu, lý tưởng, mà điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp, bước đi, cách làm khoa học, sáng tạo nhằm thực hiện cho bằng được mục tiêu, lý tưởng đã xác định. CNXH của chúng ta xây dựng không phải là CNXH bị hiểu sai và làm sai, mà là CNXH khoa học, CNXH đổi mới đúng đắn trên tinh thần phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn đất nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 12-2019

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.2.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.3.

(3) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.434.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.295.

(5) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.4.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.30, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.160.

(7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr.232.

(8), (9) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.615, 618.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.

TS Phạm Văn Giang

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền