Trang chủ    Diễn đàn    Nhận dạng sự suy thoái về tư tưởng chính trị và những giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi
Thứ tư, 24 Tháng 7 2013 14:55
5476 Lượt xem

Nhận dạng sự suy thoái về tư tưởng chính trị và những giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi

(LLCT)– Ngay từ những năm đầu của công cuộc đổi mới, Đảng ta đã phát hiện và cảnh báo sự suy thoái về tư tưởng chính trị hết sức nguy hại đối với cách mạng Việt Nam. Việc tiếp tục nhận diện, xác định rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về TTCT trong một bộ phận cán bộ đảng viên hiện nay trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng.

Hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã thu được thành tựu to lớn, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiệnrõ rệt, an ninh chính trịvà trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo,dân chủ ngày càng được mở rộngvà đang thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi và từng chính sách phát triển kinh tế. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam là điều không thể phủ nhận được và là tiền đềrấtquan trọng để tiếp tục sự nghiệpđổi mới, đẩymạnh CNH, HĐH đất nước.

Tuy vậy, kết quả trên lĩnh vực tư tưởng chính trị (TTCT) lại không tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế - xã hội. Bên cạnh lực lượng đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng, thì những tư tưởng trái chiều vẫn đang diễn biến với tính chất ngày càng phức tạp, phạm vi ngày càng lan rộng và mức độ ngày càng tăng.

Ngay từ những năm đầu của công cuộc đổi mới, Đảng ta đã phát hiện và cảnh báo sự suy thoái về TTCT hết sức nguy hại đối với cách mạng Việt Nam. Sự suy thoái về TTCT lần đầu tiên được nhắc đến tại Hội nghị Trung ương sáu (lần 2) khoá VIII: “trong Đảng đang bộc lộ một số mặt yếu kém: sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phạn cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng...”(1). Đảng đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với quyết tâm chính trị “ngăn chặn và đẩy lùi một bước quan trọng tình trạng suy thoái, trước hết về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố sự kiên định về mục tiêu lý tưởng cách mạng, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ, sinh hoạt dân chủ, tăng cường kỷ cương, đoàn kết thống nhất; ... nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đây là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ ta”(2).

Đã qua nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, kể cả đã phát động, triển khai các cuộc vận động Xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng vẫn không đạt được mục tiêu đề ra. “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hoá giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”(3).

Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI đã một lần nữa hạ quyết tâm chính trị, xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”(4).

Vì vậy, việc tiếp tục nhận diện, xác định rõ nguyên nhân và thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về TTCT trong một bộ phận cán bộ đảng viên hiện nay trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng.

Tư tưởng chính trị là kết quả của tư duy, nhận thức chính trị và biểu hiện ở hệ thống các quan điểm, niềm tin, lý tưởng chính trị, sự trung thành với Đảng cầm quyền và chế độ chính trị. Suy thoái về TTCT là sự giảm sút đến mức báo động về niềm tin của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và nhân dân đối với quan điểm, đường lối của Đảng, đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta.

Sự suy thoái về TTCT trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay được biểu hiện:

Thứ nhất,không ít cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, mơ hồ, dao động, hoài nghi về con đường đi lên CNXH, hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Chính phủ.

Đây là biểu hiện sự suy thoái về TTCT ở mức độ thấp nhưng điều đáng lo ngại là với số lượng không nhỏ, lại có xu hướng ngày càng tăng, không dễ ngăn chặn, đẩy lùi. Mặc dù sau Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu khá đầy đủ và sáng tỏ nhữngđặctrưng củaxã hộiXHCNmànhân dân ta xây dựng,nhưng một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn chưa đồng thuận. Trong đó có những kẻ cơ hội, không tin vào mục tiêu lý tưởng, chủ trương chính sách của Đảng nhưng không thể hiện chính kiến, thậm chí khi nói và viết thì tỏ ra tin tưởng, cổ vũ nhưng thực chất là sự chống đối ngấm ngầm, rất khó phát hiện, chờ cơ hội thuận lợi là sẵn sàng từ bỏ con đường CNXH mà Đảng và nhân dân ta đã chọn.

Thứ hai,một số cán bộ, đảng viên đương chức có vai trò quan trọng trong công tác nghiên cứu, tham mưu và chỉ đạo hoạt động thực tiễn ở các ngành, các địa phương chưa thực sự thống nhất trên một số vấn đề cơ bản về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách lớn của Đảng.

Khi thuộc về thiểu số trong các quyết định về quan điểm, chủ trương của Đảng ở các cấp, một số cán bộ, đảng viên trở nên bất bình, thiếu ý thức chấp hành nguyên tắc của Đảng trong quá trình hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện; một số tỏ ra thiếu hào hứng, lúng túng, làm hình thức, đối phó, thậm chí có hành vi trì hoãn việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nghị quyết đúng đắn của Đảng chậm đi vào cuộc sống, hiệu quả rất thấp.

Thứ ba,nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả đương chức hay nghỉ hưu tuy vẫn trung thành với Đảng nhưng lại thụ động, thiếu bản lĩnh, không dám lên tiếng đấu tranh với những kẻ cơ hội.

Không ít tổ chức đảng hiện nay thiếu quan tâm đến công tác tư tưởng, để mặc cho những tư tưởng phức tạp diễn ra ngay trong tổ chức mình. Nguyên nhân khá phổ biến là do ngại va chạm, sợ bị trù úm mà không dám đấu tranh bảo vệ quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo vệ những ý kiến đúng đắn của đồng chí mình. Những thông tin sai lệch, một chiều, thiếu căn cứ khoa học, có dụng ý xấu vẫn lan tràn mà không được ngăn chặn, giải thích lại cho đúng, làm cho đảng viên, quần chúng hoang mang, dao động, làm cho tổ chức đảng ở đó tê liệt, mất sức chiến đấu và làm mất lòng tin của nhân dân.

Thứ tư,một số cán bộ, đảng viên do bất mãn cá nhân, cơ hội tiếp tay cho địch, tuyên truyền quan điểm sai trái, độc hại trong xã hội; một số do nhận thức không đầy đủ, đúng đắn, trong đó có cả cán bộ đã từng cống hiến lâu năm cho cách mạng, bị các thế lực xấu ở trong và ngoài nước tâng bốc, đã ngấm ngầm hoặc công khai phát tán tài liệu, truyền bá những quan điểm sai trái với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Một số khác tuy không bị kẻ địch lợi dụng nhưng vẫn tích cực phát tán tài liệu, bình luận, suy diễn, công khai cổ suý cho những nhận định sai trái, thiếu khách quan về một số sự kiện có liên quan đến lịch sử cách mạng hoặc một số cá nhân lãnh đạo với dụng ý xấu. Có cả cán bộ, đảng viên tìm đọc và tuyên truyền những tài liệu không chính thống, có nội dung chống phá cách mạng, làm hại đến uy tín của Đảng, của một số lãnh tụ, vô tình làm tăng thêm sự suy thoái về TTCT, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn vốn có trong nội bộ Đảng. Đây là mức độ nguy hiểm cao của sự suy thoái về TTCT. Cá biệt có trường hợp do ít nhiều đã có uy tín chính trị trong nhân dân nên những quan điểm chính trị lệch lạc, sai trái của họ có ảnh hưởng rất tiêu cực đến một bộ phận đáng kể cán bộ và quần chúng, có sức lan toả rất nhanh, rất khó trong quá trình xử lý và uốn nắn những sai lầm lệch lạc đó.

Nguyên nhân sâu xa của thực trạng nêu trên là do những khiếm khuyết về lý luận chính trị. Việc luận giải con đường đi lên CNXH, các quan điểm phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ quá độ, vấn đề dân chủ, lý luận xây dựng Đảng, nhà nước pháp quyền XHCN chưa thực sự có sức thuyết phục cao. Hơn nữa, các thế lực thù địch đẩy mạnh “diễn biến hoà bình”, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng nhằm làm rệu rã hệ tư tưởng cộng sản, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ XHCN.

Nguyên nhân trực tiếp là những yếu kém trong công tác tư tưởng của Đảng. Tình trạng dân chủ hình thức và thiếu kỷ luật, kỷ cương trong sinh hoạt đảng diễn ra khá phổ biến ở nhiều tổ chức đảng; chưa chủ động, kịp thời và kiên quyết đấu tranh chống các tư tưởng trái chiều, ngại va chạm, không dám đấu tranh phê bình những tiêu cực trong nhận thức, TTCT sai trái trong tổ chức mà mình tham gia. Nhiều cán bộ, đảng viên ít quan tâm đến học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, thiếu ý thức trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, nói không đi đôi với làm. Tình trạng quan liêu, tham nhũng tràn lan chậm được khắc phục... Đó chính là quá trình “tự chuyển hoá, tự diễn biến” trong nội bộ Đảng, làm cho TTCT của toàn Đảng dễ bị phân liệt, lòng dân ly tán, rất dễ dẫn đến khủng hoảng niềm tin.

Đểngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về TTCT trong Đảng và trong xã hội, Đảng ta đã đề ra các giải pháp và chúng ta cần tiếp tục kiên trì thực hiện:

Thứ nhất,tiếp tục tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành độngtrên cơ sở thực hiện đúng nguyên tắc đảng trong hoạt động của mọi tổ chức đảng và từng đảng viên.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin hiện nay giúp cho mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng và toàn Đảng có thể tiếp thu thông tin đa dạng, nhiều chiều trong đó có không ít thông tin sai trái, lệch lạc. Do vậy, phải kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, qua đó, mọi thành viên trong mỗi tổ chức đảng thảo luận dân chủ và quyết định theo đa số để nhất quán trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng. Đảng viên đượcquyền bảo lưu ý kiến thuộc về thiểu số nhưng phải nói và làm theo đúngnghị quyết, cương lĩnh, điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước. Đó là sức mạnh TTCT của Đảng.

Mỗi đảng viên phải kiên định những nguyên tắc mà ngay trong quá trình đổi mới Đảng ta đã đề ra, đó là: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng; Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, không chấp nhận “đa nguyên, đa đảng”; Nhà nước Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, thể hiện khối đại đoàn kết trên nền tảng liên minh của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng; tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng; kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân.

Cần phải khẳng định việc đề ra và kiên trì đổi mới có nguyên tắc trên lĩnh vực chính trị tư tưởng đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình chính trị xã hội, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng và trở thành một trong những bài học quý của công cuộc đổi mới ở nước ta.

Thứ hai,đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn ở tất cả các cấp uỷ đảng.

Trong tiến trình đổi mới, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn khi chuyển đổi cơ chế vận hành của nền kinh tế - xã hội từ tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã dần được làm sáng tỏ, tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề phức tạp cần được tiếp tục làm rõ.

Xuất phát từ vai trò "đi trước, mở đường” của công tác tư tưởng lý luận, cần tập trung nghiên cứu những vấn đề bức xúc trong quá trìnhđổi mới. Hiệu quả của cuộc đấu tranh chống suy thoái về TTCT phụ thuộc một cách căn bản ở sự hoàn thiện lý luậnvề CNXH và con đường đi lên CNXH ởnước tavà kết quả cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay.

Đối với từng địa phương, cơ sở, việc tổng kết thực tiễn cũng hết sức cần thiết. Đã có khá nhiều chủ trương đúng đắn của Đảng, của cấp trên và của chính tổ chức đảng cấp cơ sở ban hành, nhưng kết quả thực hiện thường rất thấp. Hiện tượng nghị quyết, chỉ thị quá nhiều, trùng lắp, thiếu sơ kết, tổng kết hoặc sơ kết tổng kết mang tính hình thức đang làm cho nhiều đảng viên và nhân dân thờ ơ với những nghị quyết quan trọng, đúng đắn mà chúng ta đã dày công xây dựng.

Phải chăng có nguyên nhân là nghị quyết quá nhiều, tản mạn, phạm vi đề cập quá rộng, thiếu tính khả thi, thiếu xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiếu sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong quá trình thực hiện, thiếu sự kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và thiếu kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, cấp uỷ viên có liên quan? Đó là những vấn đề bức xúc, cần nghiêm túc kiểm điểm để tìm ra các giải pháp khả thi, khắc phục sự bàng quan, thờ ơ của đảng viên và dân chúng đối với các chủ trương của Đảng.

Thứ ba,đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị có chất lượng và hiệu quả vẫn là con đường chủ yếu để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân. Hệ thống giáo dục TTCT toàn quốc, nhất là hệ thống các trường chính trị cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lý luận, coi trọng chất lượng và hiệu quả. Để đáp ứng yêu cầu học tập và nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cần sớm củng cố hệ thống đào tạo chính trị lý luận; phân định rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo; quy định chế độ bồi dưỡng bắt buộc đối với cỏn bộ, đảng viên các cấp, chế độ giảng viên kiêm chức, khuyến khích mỗi cán bộ, đảng viên tự giáchọc tập, nâng cao trình độ thường xuyên. Đồng thời, phải phát huy vai trò của các cấp uỷ đảng trong công tác tư tưởng, xây dựng và thực hiện quy định mọi đảng viên có trách nhiệm trực tiếp làm công tác tư tưởng, trước hết là người đứng đầu cấp uỷ. Tổ chức thảo luận dân chủ, cởi mở, bảo đảm tự do tư tưởng theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số trên cơ sở có quy định cụ thể về việc nghiên cứu những ý kiến bảo lưu của từng đảng viên, thành viên của tổ chức đảng, bảo vệ uy tín, danh dự của họ, tụn vinh họ nếu ý kiến bảo lưu đó được nghiên cứu kết luận là đúng đắn, có giá trị lớn về lý luận và thực tiễn. Nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác tư tưởng của các cơ quan thông tin đại chúng và hệ thống xuất bản,cổ vũ động viên các nhân tố mới, những điển hình tiên tiến.

Thứ tư,đấu tranh chống các quan điểm TTCT lệch lạc, sai trái, sớm phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc về tư tưởng phát sinh.

Một mặt phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, mặt khỏc phải chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta. Đây là biện pháp quan trọng, trực tiếp nhằmkhắc phục sự suy thoái về TTCTtrong cán bộ, đảng viên.

Để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội về TTCT, phải theo dừi, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời. Thực hiện nghiêm túc những chỉ thị, quy định của Đảng về bảo vệ Đảng; xử lý kịp thời theo pháp luật và kỷ luật đảng mọi hoạt động tán phát tài liệu xấu, thông tin bịa đặt, các thư nặc danh, mạo danh có nội dung xấu.

Thứ năm, mỗi tổ chức đảng đều phải thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình, chống suy thoái về TTCTngay trong mỗi tổ chức đảng mà đảng viên là thành viên.

Không thể nói sự suy thoái TTCT là của tổ chức đảng nào đó còn tổ chức mình không có chuyện gì xảy ra cả. Theo những dấu hiệu nêu trên thì sự suy thoái về TTCT có thể xuất hiện ở bất cứ tổ chức đảng nào, ở bất cứ đảng viên với chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp nào. Đối với mỗi đảng viên, nhất là những đảng viên giữ cương vị lãnh đạo mà không làm hay chậm làm những điều đáng ra cương vị trọng trách của mình phải làm hoặclàm đối phó đều là những biểu hiện của sự suy thoái. Các tổ chức đảng phải là nơi thể hiện tính chiến đấu cao nhất chống sự suy thoái về TTCT.

Với phương châm lấy xây là chính, cần quan tâm xây dựng một môi trường sinh hoạt chính trị lành mạnh, hiệu quả trên cơ sở quán triệt nghiêm túc các chủ trương của Đảng. Tăng cường sự đối thoại, thảo luận dân chủ, cởi mở, tạo sự nhất trí, đoàn kết, tạo sức mạnh tinh thần to lớn để “miễn dịch”với những tư tưởng sai trái. Cách tốt nhất làthường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận nghiêm túc những vấn đề mới, phát sinh trong TTCT nhằm tạo sự nhất trí về đường lối của Đảng. Đồng thời, phải nâng cao sức chiến đấu của Đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình, kiên trì đấu tranh chống tư tưởng sai trái, uốn nắn những lệch lạc phát sinh. Nếu đảng viên đó được tổ chức đảng giúp đỡ nhưng vẫn truyền bá ý kiến riêng, tán phát tài liệu trái với cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết của Đảng, phát tán những thông tin thất thiệt, bất lợi cho công tác tư tưởng phải xem xét xử lý kỷ luật Đảng, thậm chí phải xử lý theo pháp luật. Đó là những biện pháp thiết thực nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về TTCT trong cán bộ, đảng viên hiện nay.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2012

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.24.

(2) Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng chống tham nhũng, lãng phí, NXB Chớnh trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.121-122.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểutoàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173.

(4) Thông báo Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tạp chí Lý luận chính trị, Số 1-2012, tr.3.

TS Nguyễn Minh Tuấn

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền