Trang chủ    Diễn đàn    Phê phán việc đối lập V.I.Lênin với C.Mác trong quan điểm về điều kiện kinh tế của cách mạng vô sản
Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 15:50
7309 Lượt xem

Phê phán việc đối lập V.I.Lênin với C.Mác trong quan điểm về điều kiện kinh tế của cách mạng vô sản

(LLCT) - Bài viết làm rõ những đóng góp khoa học của V.I.Lênin trong bảo vệ, bổ sung và phát triển học thuyết kinh tế của C.Mác trong điều kiện mới của CNTB cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thông qua lý luận về CNTB độc quyền và CNTB độc quyền nhà nước, tạo cơ sở khoa học cho sự vận dụng vào thực hiện Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và xây dựng CNXH trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước Nga, qua  đó phản bác ý kiến cho rằng V.I.Lênin mâu thuẫn với C.Mác trong quan điểm lý luận kinh tế về điều kiện chín muồi của cách mạng vô sản. 

Từ khóa: chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tư bản độc quyền, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước.

1. Nội dung ý kiến về mâu thuẫn giữa V.I.Lênin với C.Mác trong quan điểm lý luận kinh tế về điều kiện chín muồi của cách mạng vô sản

Sau sự sụp đổ của CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, ngoài những quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, học thuyết kinh tế Mác - Lênin nói riêng của các học giả phi mác xít, đã xuất hiện những học giả tự coi mình là mác xít, nhưng lại đối lập V.I.Lênin với C.Mác. Trong đó, có học giả cho rằng, chính việc V.I.Lênin từ bỏ quan điểm của C.Mác về điều kiện kinh tế cốt yếu của cách mạng vô sản không những là nguyên nhân sâu xa của sự phân liệt trong phong trào cộng sản quốc tế trước đây, mà còn là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ của CNXH hiện thực(1). Theo ý kiến này, mặc dù C.Mác loại trừ khả năng chuyển sang chủ nghĩa cộng sản ở phạm vi một quốc gia trong trường hợp chưa có cách mạng cộng sản thế giới, hoặc chí ít là chủ nghĩa cộng sản đã thắng lợi ở hầu hết các quốc gia phát triển hàng đầu của CNTB, tuy nhiên, những người Bolshevik, mà đứng đầu là V.I.Lênin đã tiến hành cách mạng vô sản, bất chấp sự lạc hậu về kinh tế. Hành động đó mâu thuẫn với quan điểm của C.Mác, do đó đã dẫn đến kết quả tiêu cực.

Nhận thức kể trên về mâu thuẫn giữa C.Mác và V.I.Lênin thể hiện sự hoài nghi về khả năng xây dựng CNXH ở phạm vi từng quốc gia trước đây, cũng như trong bối cảnh ngày nay, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển.

Sai lầm cơ bản của ý kiến này là đã coi chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết kinh tế của C.Mác nói riêng là học thuyết đóng, cần tuân thủ chặt chẽ, cứng nhắc, coi mọi sự bổ sung, phát triển là trái với chủ nghĩa Mác, là mâu thuẫn, phi khoa học và không phù hợp với thực tiễn. Do đó, họ đã không nhận thức được sự bổ sung phát triển mà V.I.Lênin đã thực hiện đối với học thuyết kinh tế của C.Mác. Để làm rõ sai lầm trên, cần đi sâu phân tích quan điểm lý luận của V.I.Lênin về điều kiện mới của cách mạng vô sản với tư cách là sự bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác.

2. Quan điểm của V.I.Lênin về điều kiện mới của cách mạng vô sản trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang độc quyền và sự hình thành của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

Sau C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã tiếp tục nghiên cứu về CNTB trong điều kiện mới cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Những phát triển cơ bản của V.I.Lênin về học thuyết kinh tế của C.Mác bao gồm:

Thứ nhất, sáng tạo ra lý luận về CNTB độc quyền với tư cách là giai đoạn mới trong sự phát triển của CNTB. Khác với phần lớn học giả mác xít thời đó không nhận thức được thuật ngữ “chủ nghĩa đế quốc” phản ánh trình độ phát triển mới của CNTB về chất, V.I.Lênin đã khẳng định: “Vấn đề chủ nghĩa đế quốc không phải chỉ là một trong những vấn đề chủ yếu nhất, mà có thể nói đó là một vấn đề chủ yếu nhất trong lĩnh vực khoa học kinh tế nghiên cứu sự biến đổi những hình thức của chủ nghĩa tư bản trong thời đại hiện nay”(2). Sự hình thành của chủ nghĩa đế quốc chứng tỏ rằng, “chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã lỗi thời từ lâu, chủ nghĩa tư bản đã phát triển thành một hệ thống có tính chất toàn thế giới của một nhúm nhỏ các nước “tiên tiến” đi áp bức thuộc địa và dùng tài chính để bóp nghẹt đại đa số nhân dân thế giới”. Theo V.I.Lênin, chủ nghĩa đế quốc chính là là sự phát triển và sự kế tục trực tiếp của những đặc tính cơ bản của CNTB nói chung. Ông khẳng định rằng, CNTB chỉ trở thành chủ nghĩa đế quốc khi nó đã đạt tới một trình độ phát triển cao, đủ mức làm cho một số những đặc tính cơ bản của CNTB bắt đầu biến thành điều trái ngược với những đặc tính đó, khi những đặc điểm của một thời kỳ quá độ từ CNTB sang một chế độ kinh tế - xã hội cao hơn, đã hình thành và bộc lộ ra hoàn toàn. “Về mặt kinh tế, điểm cơ bản trong quá trình này là sự độc quyền tư bản chủ nghĩa đã thay thế cho sự cạnh tranh tự do tư bản chủ nghĩa”(4).

Phân tích quan hệ sản xuất tại các nước TBCN phát triển dưới tác động của lực lượng sản xuất phát triển nhanh chóng từ cuối thế kỷ XIX, V.I.Lênin đã phát hiện ra những xu hướng mới của CNTB: tập trung sản xuất cao độ trong nền kinh tế TBCN tất yếu dẫn đến hình thành và phát triển các tổ chức độc quyền với tư cách là những sức mạnh kinh tế tư bản lớn, quyết định sự vận động tiếp theo của chủ nghĩa tư bản; theo sự phát triển của độc quyền tư bản đã diễn ra sự dung hợp giữa tư bản độc quyền ngân hàng với tư bản độc quyền  công nghiệp, và trên cơ sở đó hình thành “tư bản tài chính” và một bọn đầu sỏ tài chính - chủ nhân thật sự của các nền kinh tế TBCN phát triển; xuất khẩu tư bản trở thành hiện tượng phổ biến; sự phân chia thế giới về kinh tế giữa các tổ chức độc quyền; sự phân chia lãnh thổ giữa các cường quốc đế quốc. Những xu hướng trên cho thấy CNTB đã chuyển sang giai đoạn CNTB độc quyền, trong đó lực lượng sản xuất đã phát triển đến mức độ xã hội hóa cao hơn nhiều so với CNTB tự do cạnh tranh, nhưng xét về phương diện chính trị thì CNTB đã trở nên ngày càng phản động hơn. Nguyên nhân kinh tế chủ yếu của sự gia tăng tính phản động của CNTB trong giai đoạn CNTB độc quyền là sự hình thành một loại tư bản mới mà thời C.Mác chưa có, đó là tư bản tài chính. Với sức mạnh vượt trội của mình, tư bản tài chính đã trở thành lực lượng thống trị trong nền kinh tế của không chỉ các nước TBCN phát triển, mà ngày càng mở rộng vượt khỏi biên giới quốc gia, ở phạm vi khu vực, toàn cầu. Với sức mạnh kinh tế hùng mạnh, tư bản tài chính không những có thể sử dụng các phương pháp làm giàu phổ biến đã có từ thời C.Mác, thông qua phát triển lực lượng sản xuất, mà còn có thể sử dụng những biện pháp mới, phản động như phá hủy lực lượng sản xuất thông qua các cuộc khủng hoảng, chiến tranh, áp bức bóc lột thuộc địa... Sự phát triển của CNTB độc quyền với sự gia tăng sức mạnh của tư bản tài chính đã làm tăng tính ăn bám và thối nát của CNTB, tạo ra những điều kiện đẩy nhanh quá trình tự phủ định chính CNTB(5).

Lý luận về CNTB độc quyền của V.I.Lênin không chỉ cho thấy những hình thức mới của quan hệ sản xuất TBCN, mà còn luận giải khoa học về nguyên nhân của những thay đổi đó, do đặc điểm và trình độ phát triển mới của lực lượng sản xuất mà thời C.Mác chưa có gây ra. Do đó, lý luận về CNTB độc quyền của V.I.Lênin là sự bổ sung, phát triển học thuyết kinh tế nói chung, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác nói riêng trong điều kiện mới, trái ngược với quan điểm cứng nhắc, bảo thủ của lãnh tụ Quốc tế II - C.Cauxky cũng như của các học giả xã hội dân chủ như Ácxenrốt, Xpếchtato, Máctốp, Lêghin, Đavít, Plêkhanốp, Tsơkhênkêli, Pêơrêốp và thậm chí cả Tơrốtxki...(6).

C.Cauxky chỉ coi chủ nghĩa đế quốc là một chính sách của tư bản tài chính, một xu hướng của các nước phát triển nhằm thôn tính các nước kém phát triển. V.I.Lênin cho rằng, quan điểm đó là hoàn toàn sai về mặt lý luận, do đã “tách rời chính trị của chủ nghĩa đế quốc với kinh tế của nó́”(7), từ đó đã “che lấp những mâu thuẫn sâu sắc nhất của chủ nghĩa đế quốc”(8). V.I.Lênin khẳng định: “Sự phân tích về lý luận, cũng như sự phê phán trên phương diện kinh tế và chính trị của Cauxky về chủ nghĩa đế quốc, đều hoàn toàn tiêm nhiễm cái tinh thần tuyệt đối không thể dung hòa được với chủ nghĩa Mác”(9), và “chẳng có gì là giống chủ nghĩa Mác cả̉”(10). Chính việc không thừa nhận lý luận khoa học của V.I.Lênin về chủ nghĩa tư bản độc quyền của lãnh tụ và những người ủng hộ Quốc tế II đã tạo ra sự phân liệt trong phong trào cộng sản châu Âu và quốc tế, gây khó khăn lớn cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản của giai cấp công nhân ở từng quốc gia cũng như trên toàn thế giới.

Thứ hai, sự hình thành CNTB độc quyền nhà nước với tư cách là hình thức phát triển cao của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Nghiên cứu về sự chuyển hóa của CNTB từ tự do cạnh tranh sang độc quyền, V.I.Lênin đã phát hiện ra xu hướng vận động mới của quan hệ sản xuất TBCN thông qua sự hình thành, phát triển của CNTB độc quyền nhà nước. Sự phát triển của CNTB độc quyền đã làm cho “Cuộc sống đã vượt quá khuôn khổ đó; nó đặt ra vấn đề trước mắt là phải điều tiết sản xuất và phân phối trên phạm vi toàn quốc”(11), do đó nhà nước tư sản không chỉ đơn thuần là kẻ gác đêm cho CNTB như trước đây, mà phải gia tăng vai trò trong đời sống kinh tế của xã hội tư bản, trở thành chủ thể kinh tế quan trọng để phục vụ cho CNTB. Theo V.I.Lênin, trong CNTB độc quyền nhà nước, “Sự áp bức khủng khiếp của nhà nước đối với quần chúng lao động ngày càng trở nên tàn khốc hơn, vì nhà nước ngày càng chặt chẽ hoà làm một với các tập đoàn tư bản có quyền lực vô hạn. Các nước tiên tiến - chúng tôi muốn nói “hậu phương” của các nước đó - biến thành nhà tù khổ sai - quân sự đối với công nhân”(12), “sự phát triển chưa từng thấy bộ máy quan lại và quân sự của nó, đi liền với sự đàn áp giai cấp vô sản ngày càng gay gắt”(13).

Với sự hợp nhất tổ chức nhà nước tư sản với các tổ chức kinh tế độc quyền, việc dùng nhà nước làm công cụ để điều chỉnh sản xuất đã dần được thực hiện trong chủ nghĩa tư bản. Theo V.I.Lênin, sự điều tiết kinh tế của nhà nước tư sản vào đầu thế kỷ XX được tiến hành dưới hai hình thức quan trọng: thứ nhất, bằng cách thực hiện chế độ độc quyền nhà nước trong lĩnh vực sản xuất; thứ hai, bằng một hệ thống đặc biệt gọi là “các xí nghiệp hỗn hợp” trong đó người sở hữu chung là nhà nước và các tổ chức kinh tế của các nhà kinh doanh(14). Trong những điều kiện nhất định, để củng cố chủ nghĩa tư bản và tăng cường lợi ích của độc quyền, sự điều tiết của nhà nước tư bản độc quyền có thể vươn khỏi phạm vi từng quốc gia thông qua những thỏa hiệp tạm thời giữa các cường quốc(15).

Sự điều tiết đời sống kinh tế của nhà nước tạo thuận lợi cho giai cấp tư sản, đặc biệt là tư bản tài chính làm giàu nhanh hơn, bảo đảm cho họ những lợi nhuận cao hơn lợi nhuận trước chiến tranh(16), “nhà nước đã kiểm soát và điều tiết sản xuất - nhằm mưu lợi cho bọn tài phiệt, cho bọn nhà giàu”(17), làm cho công việc kinh doanh “được tổ chức về mặt kỹ thuật và về mặt xã hội trên phạm vi toàn quốc và đã được hàng trăm hàng nghìn nhân viên, kỹ sư, v.v. điều khiển”(18). Do đó, “chủ nghĩa xã hội không phải là cái gì khác hơn là một bước tiến tiếp liền sau chế độ độc quyền tư bản chủ nghĩa của nhà nước. Hoặc nữa: chủ nghĩa xã hội không phải là cái gì khác hơn là chế độ độc quyền tư bản chủ nghĩa của nhà nước được áp dụng để phục vụ toàn thể nhân dân và, do đó, không còn là chế độ độc quyền tư bản chủ nghĩa nữa”(19).

Thứ ba, điều kiện mới về kinh tế cho cách mạng vô sản. Từ phân tích bản chất và những biểu hiện của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, V.I.Lênin đã luận giải khoa học về sự phát triển mới của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất TBCN khác so với thời C.Mác và từ đó đã xác định xu hướng lịch sử của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước “là sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là phòng chờ [преддверие - ngưỡng cửa] đi vào chủ nghĩa xã hội, là nấc thang lịch sử mà giữa nó (nấc thang đó) với nấc thang được gọi là chủ nghĩa xã hội thì không có một nấc nào ở giữa cả”(20).

Đồng thời V.I.Lênin cũng chỉ ra rằng, sự phát triển của hình thức mới của quan hệ sản xuất TBCNdưới hình thái chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước vừa đẩy nhanh sự phát triển của chủ nghĩa tư bản nói chung, lại vừa làm cho sự phát triển ấy ngày càng trở nên ngày càng không đều trên phạm vi toàn thế giới, do đó đã tạo ra điều kiện mới cho cách mạng vô sản.

Trong khi đó, dựa vào nhận định của Ph.Ăng-ghen trong thời chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh về tác động của phát triển của đại công nghiệp tới sự gắn kết các dân tộc với nhau và san bằng sự phát triển trước hết ở các nước văn minh, làm cho “cuộc cách mạng cộng sản chủ nghĩa không những sẽ có tính chất dân tộc mà sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất ở Anh, Mỹ và Đức”(21), các lãnh tụ Quốc tế II đã phản bác gay gắt quyết định của V.I.Lênin và Đảng Bolsevich về thực hiện Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga. Từ đó đã gây chia rẽ trong phong trào cộng sản ở châu Âu, gây nhiều khó khăn, cản trở cho quá trình thực hiện cuộc cách mạng đó.

V.I.Lênin khẳng định: “Sự phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị là quy luật tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Do đó, chúng ta thấy rằng chủ nghĩa xã hội có thể thắng trước hết là trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa, tách riêng ra mà nói. Giai cấp vô sản chiến thắng của nước đó, sau khi đã tước đoạt bọn tư bản và đã tổ chức nền sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nước mình, sẽ đứng lên chống lại cái phần thế giới tư bản chủ nghĩa còn lại, lôi cuốn những giai cấp bị áp bức ở các nước khác theo mình, thúc đẩy họ nổi dậy chống bọn tư bản, sử dụng khi cần, ngay cả lực lượng quân sự, để chống lại các giai cấp bóc lột và nhà nước của chúng”(22).

Như vậy, với những phát triển mới về học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết giá trị thặng dư nói riêng trong lý luận về CNTB độc quyền và CNTB độc quyền nhà nước, V.I.Lênin không những đã bổ sung, luận giải những điều kiện và tính quy luật mới của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất thông qua sản xuất và phân phối giá trị thặng dư trong giai đoạn mới của chủ nghĩa tư bản, mà còn tạo ra cơ sở khoa học cho hình thành nhận thức mới về điều kiện và thời cơ thực hiện cách mạng lật đổ sự thống trị của tư bản. Do đó, ý kiến cho rằng V.I.Lênin hoàn toàn mâu thuẫn với C.Mác trong quan điểm về điều kiện chín muồi về kinh tế của cách mạng vô sản là thiếu căn cứ, không dựa trên nghiên cứu nghiêm túc lý luận kinh tế của V.I.Lênin.

Thành công của Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga, thắng lợi của chính quyền xô viết trong nội chiến và những thành tựu của chính sách kinh tế mới ở nước Nga trước đây cũng như những thắng lợi mà Việt Nam giành được trong đấu tranh giành độc lập và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ Đổi mới là minh chứng rõ ràng về sự kế tục, bổ sung, phát triển khoa học và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác của V.I.Lênin, đồng thời khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng. Sự phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết kinh tế nói riêng mà V.I.Lênin đã thực hiện là tấm gương, hình mẫu đối với Đảng Cộng sản Việt Nam trong bảo vệ, củng cố, bổ sung phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2020

(1) Дьяченко В.И. (Верин) (2015): Как марксизм из науки превращался в утопию. Размышления о деформации теории Маркса и причинах краха советского проекта М., 110 c. http://sdinform.org.

(2), (3), (4), (9), (10) V.I.Lênin: Toàn tập, t.27, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.119, 389, 488, 533, 526.

(5), (6), (7), (8) Xem: V.I.Lênin: Toàn tập, t.30, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.209, 212-217, 211-212, 212.

(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.16, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.525

(12), (13), (14) V.I.Lênin: Toàn tập, t.33, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.3, 40-41, 399.

(15), (22) Xem: V.I.Lênin: Toàn tập, t.26, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.446, 447.

(16), (17), (18), (19), (20) Xem: V.I.Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.223, 226, 227, 256, 258.

(21) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.472.

PGS, TS Đoàn Xuân Thủy

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền